Tiếp tục đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay
TCCS- Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tạo đà cho những bước đi vững chắc trong năm 2020 với những ưu thế vượt trội.
Kết quả hoạt động của tín dụng chính sách xã hội trong thời gian qua thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp trong việc huy động, tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách. Mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện, cấu trúc của hệ thống chính trị ở nước ta. Tổ chức bộ máy điều hành của NHCSXH hoạt động ngày càng có hiệu quả, được các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương đánh giá cao.
Những con số đáng khích lệ
Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi, điều chỉnh đối tượng, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp gắn với chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng, nhân rộng mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, dành nguồn lực để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Chính phủ việc nâng mức cho vay một số chương trình tín dụng vào thời điểm phù hợp. Trong năm qua, NHCSXH đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ.
Thứ nhất, năm 2019, NHCSXH có doanh số cho vay lớn nhất từ trước tới nay, đạt 72.814 tỷ đồng, tăng trên 10.735 tỷ đồng so với năm 2018. Nguồn vốn tín dụng chính sách trong năm đã giúp cho gần 2,2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; hơn 266 nghìn lao động có việc làm; hơn 36 nghìn học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; trên 1,2 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 20 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tổng dư nợ đạt 206.805 tỷ đồng, tăng gần 19.013 tỷ đồng so với năm 2018, với trên 6,5 triệu hộ đang có dư nợ, dành 66% nguồn vốn tăng thêm đó cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong năm qua đã được đầu tư đến 100% số xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới... Đặc biệt đối với các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, ngoài việc động viên, thăm hỏi kịp thời, NHCSXH chỉ đạo bổ sung nguồn vốn để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn khôi phục sản xuất, đồng thời rà soát, thống kê xử lý rủi ro đối với 66.825 món vay, số tiền là 923.378 triệu đồng.
Để bảo đảm có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH thực hiện nhiều giải pháp về công tác nguồn vốn như: Phát hành trái phiếu theo chỉ tiêu, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng nhà nước; tăng cường huy động tiền gửi từ các tổ chức và cá nhân tại trụ sở NHCSXH cũng như huy động tiền gửi tiết kiệm tại các điểm giao dịch xã; tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các chủ đầu tư trong và ngoài nước chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác… Đặc biệt, NHCSXH tích cực thu hồi tốt nợ đến hạn của các chương trình để thực hiện cho vay quay vòng, với số tiền 54.071 tỷ đồng, tăng hơn 8.183 tỷ đồng so với năm 2018, bằng 74% doanh số cho vay.
Thứ hai, cùng với việc đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH tiếp tục quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Đến 31-12-2019, nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.435 tỷ đồng, chiếm 0,69% tổng dư nợ. Công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương được nâng cao. Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động đạt chất lượng tốt. Việc xác định đối tượng vay vốn và thực hiện quy trình cho vay được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, việc sử dụng vốn và hiệu quả sử dụng vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác được nâng cao.
Thứ ba, để phục vụ tốt và tiết giảm chi phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH đặt 10.853 điểm giao dịch tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã. Tại các điểm giao dịch này, các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục vay - trả của NHCSXH được niêm yết công khai, giao dịch trực tiếp vào ngày cố định hằng tháng.
Thứ tư, cùng với việc đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ, NHCSXH tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại phát sinh, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các mặt nghiệp vụ. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội được chú trọng thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm giúp cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người nghèo và đối tượng chính sách hiểu rõ mục tiêu của tín dụng chính sách xã hội, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, theo đúng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ năm, tích cực tham mưu với các bộ, ban, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trong đó, trọng tâm là triển khai sơ kết 5 năm thực hiện nhằm đánh giá kết quả đạt được và đề ra nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Cấp ủy, chính quyền 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW bảo đảm đúng tiến độ, nội dung theo kế hoạch và tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu về triển khai thực hiện Chỉ thị trên với 80.894 bài dự thi.
Thứ sáu, chú trọng nâng mức cho vay, thời hạn cho vay tối đa.
Qua thực tế kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội và quá trình triển khai thực hiện, theo dõi của NHCSXH đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội cho thấy, nhu cầu và khả năng sử dụng vốn của hộ vay ngày càng cao, việc nâng mức cho vay là phù hợp với tình hình thực tế để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, đầu tư các mô hình có quy mô lớn hơn và thời hạn đầu tư dài ngày như: trồng cây công nghiệp, cà phê, cây ăn quả, đầu tư nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, trồng rừng sản xuất, góp phần hạn chế “tín dụng đen” đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Theo đó, quyết định nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ không phải thực hiện bảo đảm tiền vay; nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo để phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng dài hạn. Theo đó, một số chương trình tín dụng (cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31-10-2016, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dan tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2010”) được áp dụng như cho vay đối với hộ nghèo; đó là được nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay như đối với cho vay hộ nghèo; nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Thứ bảy, tích cực cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Trong năm vừa qua, NHCSXH tích cực bám sát, chủ động phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ về việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, ngày 23-9-2019, "Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, về "Quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm”, đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt sâu sắc của Đảng, Chính phủ, bộ, ngành đối với đối tượng vay vốn của chương trình này, kịp thời tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc so với cơ chế, chính sách cũ. Theo đó, mức cho vay được điều chỉnh nâng lên: Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nâng mức cho vay tối đa từ 1 tỷ đồng/dự án và 50 triệu đồng cho 1 người lao động lên mức cho vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động mức cho vay tối đa nâng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/người lao động.
Thứ tám, tăng mức cho vay đối với học sinh, sinh viên.
Do chi phí học tập, sinh hoạt, ăn ở, đi lại của học sinh, sinh viên (HSSV) đang ngày một tăng cao, đồng thời để hỗ trợ HSSV có thêm cơ hội lựa chọn các trường, ngành học có chất lượng cao, sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội tìm được việc làm với mức thu nhập ổn định, NHCSXH đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1656/QĐ-TTg, ngày 19-11-2019, điều chỉnh tăng mức cho vay đối với chương trình tín dụng HSSV từ 1.500.000 đồng/tháng/HSSV lên 2.500.000 đồng/tháng/HSSV kể từ ngày 1-12-2019. Việc điều chỉnh tăng mức cho vay đối với chương trình cho vay HSSV có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn do giá cả và mức học phí có xu hướng tăng lên; tạo bình đẳng trong học tập giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình khó khăn; tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo, dạy nghề tháo gỡ cơ bản những khó khăn khi các trường triển khai chính sách tăng học phí và tự chủ về tài chính, đồng thời, làm tốt công tác đào tạo các ngành học có chất lượng cao; cung cấp được nhiều nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cho đất nước.
Định hướng hoạt động trong năm 2020
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020 của NHCSXH là tập trung thực hiện tốt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó trọng tâm là:
Một là, chủ động tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ban, ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHCSXH và các bộ, ngành có liên quan tổ chức tổng kết Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hai là, thực hiện tốt kế hoạch tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao. NHCSXH tập trung ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có thiệt hại về thiên tai… Vốn tín dụng chính sách gắn với các Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện tốt nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng, NHCSXH phải đẩy mạnh các giải pháp về huy động vốn như: tập trung huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân, thu hồi tốt nợ đến hạn tạo nguồn vốn cho vay mới…
Ba là, chủ động tham mưu, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách mới phù hợp và bảo đảm đúng quy định. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18-11-2019, của Quốc hội “Về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, trọng tâm là đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng xã hội theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tiến hành khảo sát, tổng kết đánh giá chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo; đề xuất tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức tổng kết, đánh giá hoạt động ủy thác giai đoạn 2014 - 2019, từ đó nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thực hiện cho giai đoạn tiếp theo.
Bốn là, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực đối với đội ngũ cán bộ của NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn; công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, thực hiện tốt công tác truyền thông về tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt những chính sách tín dụng mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát thực hiện trên địa bàn. Tổ chức triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã ban hành, đặc biệt chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Năm là, cùng với việc tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục theo quy định, duy trì và nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng giao dịch tại các điểm giao dịch xã, củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Tiếp tục phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; ứng dụng công nghệ hiện đại vào các nghiệp vụ của NHCSXH nhằm phục vụ tốt hơn nữa người nghèo và các đối tượng chính sách khác./.
Chuẩn bị, tổ chức thật tốt Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương, đồng thời bảo vệ đại hội đảng bộ các cấp thành công tốt đẹp  (23/06/2020)
Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV, năm 2019  (22/06/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay