Tín dụng chính sách ở Thanh Hóa “thẩm thấu” từ khi có Chỉ thị số 40
Nét nổi bật và như một minh chứng trong việc thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) ở Thanh Hóa trong 5 năm qua là được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ đắc lực người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Tạo chuyển biến về nhận thức
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích và dân số lớn ở nước ta. Nơi đây có diện tích đất rừng, đất đồi chiếm 3/4 diện tích tự nhiên của tỉnh và bờ biển dài 120km chạy dọc 6 huyện từ Nga Sơn đến Tĩnh Gia. Tuy vậy, Thanh Hóa vẫn là tỉnh nghèo trong vùng Bắc Trung Bộ. Cụ thể, cách đây 5 năm có đến 7 huyện theo Nghị quyết 30a, 130 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo bình quân 43%.
Từ thực tế trên và Chỉ thị số 40 được ra đời vào thời điểm cách đây 5 năm, Tỉnh ủy Thanh Hóa xác định rõ chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững là một trong 5 chương trình trọng tâm của giai đoạn 2015 - 2020, đồng thời tập trung tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, ban, ngành các cấp căn cứ nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch cụ thể.
Để đạt mục tiêu phát triển sản xuất, hỗ trợ kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người nghèo, Thanh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động đối với công tác tín dụng chính sách trong các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên. Lãnh đạo các huyện, xã trong tỉnh không chỉ coi hoạt động tín dụng chính sách là nhiệm vụ thường xuyên nằm trong chương trình công tác của mình, mà luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, điều tra rà soát, thống kê chính xác, danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để giúp hộ vay vốn tín dụng chính sách kịp thời, thuận tiện; phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nghèo sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế, chủ động vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Theo đó, ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) các cấp được củng cố, kiện toàn, trong đó có bổ sung 635 chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tham gia ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH tại 27 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc, đã làm cho chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước được thực hiện công khai, dân chủ, đầy đủ tại các điểm giao dịch xã, phường, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Nét nổi bật và như một minh chứng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và Chỉ thị số 40 ở Thanh Hóa trong 5 năm qua là được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương việc tập trung huy động nguồn lực cho NHCSXH để hỗ trợ đắc lực người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Đơn cử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chú trọng điều tra, rà soát, thống kê danh sách chính xác các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo đúng quy định hiện hành; chính quyền các cấp trên địa bàn đã quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất như tạo điều kiện về trụ sở làm việc, ưu tiên vị trí đặt điểm giao dịch xã của NHCSXH rộng rãi, an toàn; ngành tài chính cũng căn cứ tình hình ngân sách của địa phương, tham mưu kịp thời để ủy ban nhân dân tỉnh, huyện chuyển vốn ngân sách sang NHCSXH để phục vụ tốt hơn các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Tính đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai 21 chương trình tín dụng chính sách, tăng 8 chương trình so với trước khi có Chỉ thị số 40, có tổng dư nợ đạt trên 9.200 tỷ đồng với 263 nghìn hộ vay, tăng 2.164 tỷ đồng so với cuối năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân 6,9%/năm; trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 231 tỷ đồng, tăng 105 tỷ đồng so với đầu năm 2015; Cùng với đó, tỷ lệ nợ quá hạn toàn tỉnh giảm từ 0,33% cuối năm 2014 xuống còn 0,15% tổng dư nợ.
Đưa tín dụng chính sách xã hội phát triển theo hướng bền vững
Chỉ thị số 40 được đưa vào cuộc sống thực tiễn đã tạo thêm nguồn lực, sức mạnh cho NHCSXH hoạt động, giúp các bản, làng vùng cao biên giới, vùng bãi ngang ven biển ở Thanh Hóa đổi thay từng ngày và thúc đẩy chương trình giảm nghèo bền vững và đạt được những kết quả quan trọng. Hiện tại, toàn tỉnh Thanh Hóa đã giảm được trên 47,1 nghìn hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 5%. Thanh Hóa thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước. Sản xuất phát triển rõ nét, thu nhập hộ nghèo tăng gấp 1,84 lần so với năm 2015. Đã có huyện Như Xuân thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; 11 xã bãi ngang, 14 xã và 16 thôn, bản miền núi thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn và có 6 xã bãi ngang ven biển đạt chuẩn nông thôn mới.
5 năm qua nhiều tổ chức đoàn thể ở Thanh Hóa đã phát huy tính tiên phong, sáng tạo giúp đỡ hội viên vay vốn chính sách thuận tiện, vươn lên giảm nghèo bền vững. Tiêu biểu là Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã xây dựng được gần 50 mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo cho trên 2.000 hội viên đó là mô hình nuôi trâu, bò, lợn cỏ sinh sản, lợn rừng, gà ri lai thương phẩm; nuôi cá lồng; trồng cam giống mới, bưởi Diễn, bí xanh, nghệ ruột đỏ, hoa... Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thọ Xuân đã nhận ủy thác vốn vay từ NHCSXH huyện là 218 tỷ đồng, thu hút trên 5.000 hội viên tham gia sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Thực hiện Chỉ thị số 40, Hội nông dân các huyện miền núi Quan Hóa, Bá Thước, Thường Xuân, đã tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho hội viên như thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp, thu hút đông đảo hội viên tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm... Điển hình có gia đình chị Hà Thị Lan, người dân tộc Thái thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc, được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ năm 2015 để xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản và trồng các loại cây keo, mía. Nhờ sự kiên trì chịu khó đến nay, chị Lan đã có một trang trại tổng hợp gồm 4ha cây keo, 1ha cây luồng và đàn bò sinh sản tới 5 con, cho thu nhập 200 triệu đồng mỗi năm.
Thông qua nguồn vốn chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, giúp hàng ngàn hộ nghèo thay đổi cách thức, nhận thức làm ăn, trong đó đáng kể đến 120 hộ dân ở 19 xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển thuộc huyện Mường Lát, Ngọc Lặc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia.
Ngoài những kết quả đạt được, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40, tham mưu đề xuất kịp thời cho chính quyền các cấp hằng năm bố trí ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.
Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ xuyên suốt được NHCSXH tỉnh Thanh Hóa xác định trọng tâm là thường xuyên coi trọng việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của ban đại diện và thành viên ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH các cấp; tiếp tục đưa tín dụng chính sách xã hội trong hoạt động theo hướng ổn định, phát triển bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách; tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững./.
Tiếp nối những ngọn lửa hồng ấm nghĩa tình  (16/10/2019)
Phóng sự: Tín dụng chính sách xã hội với đồng bào dân tộc thiểu số  (15/10/2019)
Trái phiếu VietinBank 2019: Cơ hội đầu tư an toàn, hiệu quả với nhiều khuyến mãi hấp dẫn  (25/08/2019)
Khi Chỉ thị “bốn mươi” của Đảng đi vào cuộc sống!  (07/08/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên