Không ngừng củng cố, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn
TCCS - Năm 1967, tỉnh Thanh Hóa (Việt Nam) và tỉnh Hủa Phăn (Lào) chính thức kết nghĩa và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Trải qua 55 năm, phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị quý báu đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó keo sơn, xây dựng mối quan hệ ngày càng bền chặt.
Mối quan hệ giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn trước đổi mới
Tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn có chung đường biên giới dài 213km, thuộc 15 xã của 5 huyện biên giới tỉnh Thanh Hóa và tiếp giáp với 33 bản, thuộc 10 cụm của 3 huyện tỉnh Hủa Phăn. Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, tình cảm keo sơn gắn bó, đoàn kết, hữu nghị giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn luôn được các thế hệ lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc hai tỉnh kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ, cùng trong chiến hào chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Vì vậy, mối quan hệ đặc biệt, trong sáng, thủy chung giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn luôn được hai bên trân trọng, gìn giữ, bảo vệ và phát huy.
Trước khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn đã nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ quê hương, đất nước. Trong thời kỳ hoạt động bí mật của Đảng, những người con ưu tú của tỉnh Thanh Hóa đã góp phần xây dựng Đảng bộ Ai Lao, tổ chức vận động cách mạng tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân các bộ tộc Lào.
Sau khi Đảng bộ Thanh Hóa ra đời (ngày 29-7-1930), nhiều người con của quê hương Thanh Hóa được Trung ương Đảng điều động sang Lào để xây dựng cơ sở cách mạng giúp bạn. Những đóng góp quý báu này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của cách mạng Lào; đồng thời, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử của liên minh chiến đấu giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, cũng như giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn, mở ra mối quan hệ đoàn kết đấu tranh của hai dân tộc Việt Nam - Lào.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975), tỉnh Thanh Hóa vừa tích cực phục vụ và tham gia chiến đấu trên các chiến trường, vừa là hậu phương của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, là nơi đóng quân của các đơn vị chủ lực Pa-thét Lào. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Chính phủ kháng chiến Lào nhiều năm hoạt động trên mảnh đất Thanh Hóa, xây dựng an toàn khu trong khu vực biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn nhằm chỉ đạo công cuộc kháng chiến của nhân dân các bộ tộc Lào. Đảng và Chính phủ kháng chiến Lào đã mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng cách mạng tại tỉnh Thanh Hóa. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã nỗ lực xây dựng hậu phương về kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa - xã hội, bảo đảm đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chiến trường hai nước. Theo đó, Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa đã cung cấp và vận chuyển trên 70% lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men, công cụ sản xuất, hàng hóa tiêu dùng cho lực lượng kháng chiến 10 tỉnh của Lào tập kết về Sầm Nưa và Phông-xa-lỳ, cho nhân dân vùng giải phóng cũng như cho các chiến dịch lớn, tiêu biểu là chiến dịch Thượng Lào. Đảng Nhân dân Cách mạng và Chính phủ Lào đóng căn cứ ở đâu, tỉnh Thanh Hóa xây dựng đường, cầu cống, tổ chức giao thông vận tải đến đó. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đã huy động hàng triệu lượt dân công, thanh niên xung phong xây dựng, sửa chữa nâng cấp, bảo vệ cầu đường vận chuyển hàng hóa giúp bạn.
Cùng với đó, trong đội hình quân tình nguyện Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa có hàng vạn con em tham gia các đơn vị chiến đấu, công tác tại chiến trường Lào. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có Tiểu đoàn 335 bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp Lào. Ngoài ra, lực lượng vũ trang địa phương Thanh Hóa đã tăng cường cho bạn Tiểu đoàn 923 và Trung đoàn 217, chiến đấu, bảo vệ an toàn khu của Trung ương Đảng và Chính phủ kháng chiến Lào, bảo vệ căn cứ Hủa Phăn - Thủ đô kháng chiến của Lào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 251-NQ/TW, ngày 30-4-1976, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường đoàn kết, giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn mới”, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn đã ký kết nhiều văn bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác, cùng giúp nhau tăng cường an ninh, quốc phòng; tăng cường giúp đỡ và hợp tác kinh tế, văn hóa; xây dựng biên giới hữu nghị và tích cực giúp bạn bồi dưỡng, đào tạo cán bộ. Trong mỗi nội dung, sự hợp tác giúp đỡ có khác nhau, nhưng sự hợp tác giữa hai tỉnh luôn có tác động tích cực và mang lại hiệu quả to lớn. Sự phát triển của tỉnh Hủa Phăn trên các lĩnh vực có dấu ấn nhất định của sự hợp tác từ phía tỉnh Thanh Hóa. Ngược lại, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của tỉnh Hủa Phăn có tác động tích cực đến sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa.
Một số thành quả hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn từ khi đổi mới đến nay
Kể từ khi hai nước thực hiện công cuộc đổi mới (năm 1986) đến nay, thực hiện chủ trương, đường lối của hai Đảng, hai Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn đã ký kết nhiều văn bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, như: kinh tế, văn hóa, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quốc phòng - an ninh, xây dựng đường biên giới hữu nghị. Trải qua các giai đoạn, tính từ năm 2016 - 2020, hai tỉnh đã có 248 cuộc gặp gỡ của các đoàn đại biểu cấp tỉnh, sở, ngành, địa phương tổ chức giao lưu, trao đổi hợp tác. Sự hợp tác giữa hai tỉnh ngày càng được thắt chặt và đã đạt được một số thành quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Về kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện các văn bản đã ký kết giữa hai tỉnh, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai tỉnh tiếp tục có bước phát triển và ngày càng đi vào chiều sâu. Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại hai chiều giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn liên tục tăng trưởng, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai tỉnh đạt gần 63 triệu USD, gấp 3,4 lần so với giai đoạn 2006 - 2010 và gấp 2,5 lần so với mục tiêu đề ra (1). Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hai tỉnh đạt gần 74 triệu USD, tăng 18% so với giai đoạn 2011 - 2015” (2). Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đã viện trợ cho tỉnh Hủa Phăn 296 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, thực hiện một số dự án phát triển kinh tế, hỗ trợ gia đình chính sách và nâng cao dân trí... (3), như: nhà tiếp khách hữu nghị Hủa Phăn - Thanh Hóa với tổng giá trị trên 132 tỷ đồng; quảng trường hữu nghị Lào Hùng Hủa Phăn - Thanh Hóa và kè sông Nậm Xăm, với tổng giá trị gần 38 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa còn hỗ trợ cho tỉnh Hủa Phăn 8 triệu USD để đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu khác.
Tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành khởi công xây dựng Trung tâm thương mại, khách sạn Hủa Phăn - Thanh Hóa tại bản Phăn Xay, thị xã Sầm Nưa trên diện tích 2.300m2 với tổng kinh phí khoảng 80 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng dự án là bước cụ thể hóa nội dung trong thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa hai tỉnh Hủa Phăn - Thanh Hóa; góp phần phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ - đô thị của thị xã Sầm Nưa và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hủa Phăn; tăng cường mối quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân hai tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa còn dành một phần vốn viện trợ cho việc khảo sát xây dựng một số đường giao thông và công trình giao thông trên đất Hủa Phăn, nhất là tại địa bàn thị xã Sầm Nưa và huyện Viêng Xay. Đồng thời, triển khai, xúc tiến đầu tư nâng cấp tuyến đường nối ba tỉnh Xiêng Khoảng - Hủa Phăn - Thanh Hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, phát triển hoạt động du lịch giữa các tỉnh miền Trung của Việt Nam với các tỉnh phía Bắc và Trung Lào.
Từ kết quả đạt được của các giai đoạn trước, những năm gần đây, sự hợp tác về kinh tế giữa hai tỉnh ngày càng được tăng cường, nhất là việc hai bên đã triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản được hai Nhà nước ký kết; các cơ chế ưu đãi về thuế xuất, nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ hai nước được áp dụng triệt để. Ngoài ra, nhiều chương trình phối hợp về nông nghiệp, nông thôn, lâm nghiệp của tỉnh Thanh Hóa được áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương của tỉnh Hủa Phăn. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang xây dựng Đề án thành lập khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai bên trong thời gian tới. Theo đó, việc trao đổi thương mại ở các chợ biên giới ngày càng sôi nổi, tạo điều kiện cho nhân dân hai tỉnh giao lưu buôn bán hàng hóa, góp phần bình ổn thị trường, giá cả trên khu vực biên giới.
Về giáo dục - đào tạo, văn hóa, y tế, cùng với những thành quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế, hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cũng được hai tỉnh ưu tiên và đạt kết quả tốt. Triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020”, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận đào tạo 869 học sinh, sinh viên các tỉnh của nước bạn Lào, trong đó có 723 lưu học sinh của tỉnh Hủa Phăn sang học các bậc thạc sĩ, đại học, cao đẳng chuyên ngành chính trị, kinh tế, ngoại ngữ, nông nghiệp, y tế…; đào tạo và bồi dưỡng nghề, dạy tiếng Việt cho cán bộ và người dân lao động, giúp tỉnh Hủa Phăn từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, thực hiện bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa và Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Hủa Phăn, từ năm 2016 - 2020, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã đào tạo bốn lớp trung cấp lý luận chính trị dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng tỉnh Hủa Phăn, với số lượng 153 học viên; tỉnh Hủa Phăn đã tiếp nhận 5 học sinh Thanh Hóa sang học đại học, chuyên ngành ngôn ngữ và văn hóa Lào.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Hủa Phăn với trị giá khoảng 3 triệu USD tại huyện Viêng Xay; viện trợ đầu tư xây dựng cho tỉnh Hủa Phăn trường cấp 3 Phăn Săm, Trường Tiểu học Xốp Bâu… Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa còn dành nhiều tỷ đồng thành lập quỹ khuyến học cho học sinh, sinh viên và các huyện dọc biên giới của tỉnh Hủa Phăn; ủng hộ chi phí cho lưu học sinh của tỉnh Hủa Phăn đang theo học tại Thanh Hóa. Đồng thời, Lào đã hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên tỉnh Hủa Phăn tại Trường Đại học Hồng Đức với giá trị hơn 7,2 tỷ kíp (tương đương 17 tỷ đồng).
Trên lĩnh vực văn hóa, tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn thường xuyên tổ chức giao lưu văn hóa cho nhân dân các dân tộc của hai tỉnh dọc hai bờ sông Mã, như Tuần lễ văn hóa hữu nghị Thanh Hóa - Hủa Phăn năm 2017. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn và xuất bản sách “Thanh Hóa với cách mạng Lào và tỉnh Hủa Phăn (1930 - 2010)”. Cuốn sách là tài liệu quý ghi lại những tư liệu, sự kiện, những tình cảm cao quý, thủy chung trong quan hệ đoàn kết, gắn bó, cùng chiến đấu, cùng xây dựng, chia ngọt sẻ bùi của Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh; đồng thời, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng chính trị, tư tưởng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân hai tỉnh cũng được tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn quan tâm, coi trọng. Đến nay, ngành y tế của tỉnh Thanh Hóa đã đón tiếp, chăm sóc sức khỏe cho hàng nghìn lượt cán bộ, nhân dân tỉnh Hủa Phăn nói riêng, cán bộ và nhân dân Lào nói chung. Trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát, hai tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Theo đó, lực lượng hai bên biên giới ngoài việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện thông quan tại cửa khẩu, còn tăng cường kiểm soát các đường mòn, lối mở ở dọc tuyến biên giới, không để người dân vượt biên trái phép. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đã giúp đào tạo, tập huấn cán bộ y tế trong công tác phòng dịch và hỗ trợ cho tỉnh Hủa Phăn gần 20 tỷ đồng.
Về quốc phòng - an ninh và giao lưu nhân dân ở khu vực biên giới, để phối hợp tốt công tác quốc phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới và thực hiện dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, Ban chỉ đạo phân giới, cắm mốc của hai tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ cắm mốc trên thực địa và nâng cấp cửa khẩu Tén Tằn - Xổm Vẳng thành cửa khẩu quốc gia.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa và Ban Chỉ huy An ninh tỉnh Hủa Phăn cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, nhân dân Việt Nam - Lào ở khu vực biên giới nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định về quy chế biên giới cũng như các thỏa thuận hợp tác đã được hai Nhà nước, hai tỉnh ký kết. Tiếp tục phối hợp tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới, đặc biệt ở các khu vực cửa khẩu, các đường mòn, lối mở tại biên giới. Các đồn biên phòng và công an cửa khẩu hai bên thường xuyên duy trì nghiêm việc thực hiện các hiệp định, văn bản thỏa thuận, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hàng hóa và phương tiện qua lại cửa khẩu đúng quy định. Từ năm 2011 đến nay, hai tỉnh đã phối hợp làm thủ tục xuất, nhập cảnh cho hàng vạn lượt người, hàng nghìn phương tiện phục vụ cho việc giao thương kinh tế và giao lưu văn hóa.
Trong công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, hai bên đã ngăn chặn được nhiều vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự, như xuất, nhập cảnh trái phép, vi phạm quy chế biên giới, trộm cắp, buôn bán người, vận chuyển hàng hóa, ma túy, vũ khí, động vật hoang dã trái phép qua biên giới, bảo đảm an ninh, trật tự trên khu vực biên giới hai tỉnh. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng xấu từ bên ngoài xâm nhập qua biên giới vào địa bàn kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc vượt biên trái phép; ngăn chặn các hoạt động tôn giáo trái pháp luật trong vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm an toàn tuyến biên giới hai tỉnh, hai bên thường xuyên trao đổi tình hình, tăng cường phối hợp đấu tranh ngăn chặn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động chống phá cách mạng hai nước…
Ngoài ra, bộ chỉ huy quân sự hai tỉnh đã duy trì tốt công tác trao đổi tình hình, phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, tích cực tuyên truyền cho nhân dân hai tỉnh về mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai Đảng, hai Nhà nước nói chung và hai tỉnh nói riêng, cũng như các quy định, quy chế biên giới mà hai nước đã ký kết. Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đã cử các đoàn sang tỉnh Hủa Phăn trao đổi, giúp đỡ về nghiệp vụ quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí xây dựng, tu sửa doanh trại… Đặc biệt, tỉnh Hủa Phăn và Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Thanh Hóa làm tốt công tác phối hợp, thu thập tìm kiếm thông tin, quy tập, hồi hương hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào
Cùng với đó, hợp tác giao lưu nhân dân thông qua các mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa hai tỉnh cũng được đẩy mạnh. Từ năm 2014 - 2020, bộ đội biên phòng hai tỉnh đã phối hợp với các huyện miền núi tổ chức kết nghĩa các cặp bản dọc biên giới hai bên. Năm 2020, tổng số các địa phương kết nghĩa trên tuyến biên giới tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn lên đến 17 cặp bản, cụm bản (4). Việc tổ chức hoạt động kết nghĩa giữa các cụm bản hai tỉnh đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh, xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống. Thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân, hai bên cùng phản bác mạnh mẽ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phá tan âm mưu chia rẽ mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào.
Một số vấn đề cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới
Hiện nay, trước những biến động phức tạp, khó đoán định của tình hình thế giới nói chung và yêu cầu phát triển của mỗi nước nói riêng, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, củng cố, phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn theo phương châm chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng, cần phối hợp làm tốt những công việc sau:
Một là, tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn theo bản thỏa thuận hợp tác giữa hai tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (tháng 11-2021) trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế - xã hội, văn hóa đến quốc phòng - an ninh… Thực hiện tốt và hiệu quả các vấn đề này sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ chính trị đặc biệt hiếm có không chỉ ở các cấp lãnh đạo hai tỉnh mà còn thấm sâu đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời, góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Hai là, tăng cường nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế song phương tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp. Phát triển hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và hoàn thiện hơn nữa những văn bản ký kết ưu tiên, ưu đãi mà hai bên đã dành cho nhau. Chủ động thúc đẩy hợp tác nhằm tạo sự gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau về kinh tế giữa hai tỉnh. Theo đó, cần xác định một số trọng tâm hợp tác kinh tế cụ thể, phù hợp với khả năng, nhu cầu của mỗi tỉnh, mang lại lợi ích cho cả hai phía; tập trung tổ chức thực hiện triệt để, đồng thời thường xuyên theo dõi, giám sát để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào mỗi tỉnh nhằm tạo môi trường kinh doanh, thương mại, xuất - nhập khẩu thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, tiếp tục tăng cường sự hợp tác có hiệu quả trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, y tế…
Ba là, tích cực trao đổi thông tin về tình hình hai tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn, nhất là trong khuôn khổ các văn bản mà hai tỉnh đã ký kết. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh nhằm làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với sự nghiệp cách mạng của mỗi nước, cũng như mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác chặt chẽ giữa hai tỉnh.
Bốn là, đẩy mạnh hoạt động giao lưu hữu nghị, hợp tác nhân dân giữa hai tỉnh để tình cảm càng thêm thắm thiết, gắn bó, tạo nền tảng xây dựng quan hệ hợp tác về mọi mặt, vun đắp mối quan hệ giữa đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh ngày càng bền vững.
Qua mỗi chặng đường cách mạng, sự phát triển của Thanh Hóa - Hủa Phăn đều có dấu ấn từ tình đoàn kết thủy chung, sự hỗ trợ trong sáng, nghĩa tình sâu nặng giữa hai tỉnh. Trong thời gian tới, hai tỉnh tiếp tục có những hợp tác sâu sắc, thiết thực hơn nữa, mở ra trang mới cho mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai bên. Đây luôn là niềm mong mỏi của lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân các dân tộc hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn, nhằm góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặt biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững./.
-------------------------------------
(1) Xem: Trung Hiếu: “Thêm nghĩa tình, sâu đậm Thanh Hoá - Hủa Phăn”, Văn hóa và Đời sống, Chuyên trang của Báo Thanh Hóa, ngày 24-8-2017, https://vhds.baothanhhoa.vn/thoi-su/them-nghia-tinh-sau-dam-thanh-hoa-hua-phan/15719.htm
(2), (3) Minh Hiếu: “Thanh Hóa - Hủa Phăn ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021 - 2025”, Báo Thanh Hóa điện tử, ngày 11-11-2021, https://baothanhhoa.vn/thoi-su/thanh-hoa-hua-phan-ky-ket-thoa-thuan-hop-tac-giai-doan-2021-2025/147790.htm
(4) Minh Hiếu: “Thanh Hóa - Hủa Phăn xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị ngày càng bền chặt và phát triển”, Báo Thanh Hóa điện tử, ngày 11-3-2022, https://baothanhhoa.vn/thoi-su/thanh-hoa-hua-phan-xay-dung-moi-quan-he-hop-tac-huu-nghi-ngay-cang-ben-chat-va-phat-trien/154635.htm
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Thanh Hóa cần nỗ lực bứt phá toàn diện  (29/08/2022)
Đoàn đại biểu Tạp chí A-lun-may (Lào) thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam  (18/08/2022)
Đoàn đại biểu Tạp chí A-lun-may (Lào) thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam  (18/08/2022)
Thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa thiếu nhi 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia  (13/08/2022)
Đẩy mạnh phát triển hợp tác thương mại biên giới Việt Nam - Lào  (23/07/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển