Đẩy mạnh phát triển hợp tác thương mại biên giới Việt Nam - Lào
TCCS - Quan hệ Việt Nam - Lào đã được khẳng định là mối quan hệ truyền thống đặc biệt, được Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Trên nền tảng quan hệ truyền thống đặc biệt, quan hệ thương mại biên giới giữa hai nước trong những năm gần đây ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đưa quan hệ kinh tế giữa hai nước từng bước ngang tầm quan hệ chính trị.
Những kết quả đạt được
Việt Nam và Lào có chung đường biên giới đất liền dài 2.337,459km, trải dài trên 10 đơn vị hành chính cấp tỉnh của Lào và 10 đơn vị hành chính cấp tỉnh của Việt Nam (1). Với điều kiện thuận lợi đó, quan hệ thương mại biên giới giữa hai nước đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, việc áp dụng những ưu đãi từ Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào (năm 2015) và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào (năm 2015) đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thương mại hàng hóa, dịch vụ cũng như phát triển kết nối chặt chẽ kinh tế giữa hai nước.
Thứ nhất, hệ thống kết cấu hạ tầng tại khu vực cửa khẩu được quan tâm đầu tư, công tác quản lý cửa khẩu được tăng cường, tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương giữa các doanh nghiệp và nhân dân hai nước. Trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 8 cửa khẩu quốc tế (2), 7 cửa khẩu chính (3), 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và 9 khu kinh tế cửa khẩu (4), góp phần tăng cường các hoạt động thương mại, dịch vụ giữa hai nước Việt Nam - Lào, nhất là tại các tỉnh biên giới. Ngày 14-8-2021, hai tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) và Sekong (Lào) phối hợp tổ chức Lễ công bố khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam) - Dak Ta Ook (Sekong); hai bên cũng đang triển khai để nâng cấp cặp cửa khẩu Lóng Sập (Sơn La) - Pahang (Houaphanh) thành cặp cửa khẩu quốc tế. Nhìn chung, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới Việt Nam - Lào chủ yếu diễn ra qua đường cửa khẩu, hệ thống đường mòn, lối mở và nhất là tại các chợ biên giới, kho hàng hóa, cửa hàng bán lẻ. Hai bên cũng đã tăng cường đầu tư, nâng cấp các cơ sở kinh doanh trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào.
Hai bên tích cực phối hợp nghiên cứu và thúc đẩy tìm kiếm nguồn vốn để triển khai các dự án trọng điểm, như dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Vientiane, tuyến đường sắt Vũng Áng - Vientiane. Bên cạnh đó, phối hợp xây dựng dự thảo Sổ tay hướng dẫn hoạt động vận tải đường bộ Việt Nam - Lào và Quy chế quản lý tuyến vận tải hành khách cố định liên vận Việt Nam - Lào. Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông công chính Lào đã hoàn thành việc xây dựng Đề án Nghiên cứu chung về tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Lào. Hằng năm, hai bộ phối hợp duy trì tổ chức Hội nghị thường niên về vận tải đường bộ Việt Nam - Lào.
Thứ hai, hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và quản lý cửa khẩu tiếp tục được hai bên phối hợp triển khai hiệu quả. Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Công thương Lào đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ Lào các gian hàng tại các hội chợ, triển lãm lớn tại Việt Nam, như Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam (Vietnamexpo), Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm (Foodexpo). Trong giai đoạn 2018 - 2021, để thúc đẩy thương mại Việt Nam - Lào, Việt Nam đã phê duyệt thực hiện 12 đề án về xúc tiến thương mại thuộc Chương trình cấp quốc gia đối với thị trường Lào (5).
Hai bên thường xuyên phối hợp, cập nhật thông tin lên trang thông tin điện tử kinh tế, thương mại Việt Nam - Lào để hỗ trợ doanh nghiệp hai nước nắm bắt kịp thời về các thông tin xuất, nhập khẩu hàng hóa theo quy định, thông tin tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mang lại hiệu quả thiết thực cho cả hai bên trong quá trình giao lưu, hợp tác. Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Công thương Lào hoàn thành việc ban hành cuốn Sổ tay thương mại biên giới Việt Nam - Lào bản song ngữ Việt - Lào.
Thứ ba, công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại được Chính phủ hai nước quan tâm và quản lý triệt để, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân hai nước yên tâm buôn bán, hợp tác làm ăn. Trên cơ sở thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quản lý thị trường giữa Bộ Công thương hai nước Việt Nam - Lào, hằng năm, hai bên thường xuyên trao đổi, phối hợp trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Năm 2019, Bộ Công thương Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về việc thực hiện kiểm tra thị trường, chống gian lận thương mại khu vực biên giới tại thành phố Hải Phòng (Việt Nam). Đồng thời, Đoàn thanh tra của Bộ Công thương Lào đã gặp gỡ, làm việc với Bộ Công thương Việt Nam (Tổng cục Quản lý thị trường) và các đơn vị liên quan tại Hà Nội để trao đổi về những kinh nghiệm trong hoạt động nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường của ngành công thương hai nước…
Thứ tư, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam - Lào có sự tăng trưởng rõ rệt, bất chấp những khó khăn trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và tình hình thế giới, khu vực. Theo số liệu thống kê, từ năm 2018 đến năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa song phương Việt Nam - Lào đạt 4,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Lào sang Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 2,4 tỷ USD. Đây là giai đoạn kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước luôn duy trì đạt trung bình hơn 1 tỷ USD/năm, tăng trưởng hơn 10%/năm.
Cụ thể, năm 2019, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 12,6% so với năm 2018. Năm 2020, do sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, cả Việt Nam và Lào đều phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, cùng với đó là những tác động từ thiên tai đã làm cho kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 1 tỷ USD, giảm 11,5% so với năm 2019. Đến năm 2021, kim ngạch thương mại song phương tăng lên 1,37 tỷ USD, tăng 33,32% so với năm 2020, vượt chỉ tiêu hai nước đã đề ra và trở thành giá trị kim ngạch thương mại song phương cao nhất trong giai đoạn 10 năm qua. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 594,73 triệu USD, tăng 4,2% và kim ngạch xuất khẩu của Lào sang Việt Nam đạt 778,3 triệu USD, tăng 69,9%.
Trong hai tháng đầu năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu song phương Việt Nam - Lào đạt 243,2 triệu USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 167,46 triệu USD, tăng 46,5%; xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đạt 75,74 triệu USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Lào sang Việt Nam bao gồm cao su, gỗ, sản phẩm từ gỗ, khoáng sản, bông, rau củ quả các loại. Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào gồm sắt, thép, thiết bị cơ khí, phương tiện đường bộ, máy cày, phân bón, xăng dầu, sản phẩm nhựa, rau củ quả và bánh kẹo. Trong đó, có nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2021 đạt mức tăng trưởng hai đến ba con số so với năm 2020, cụ thể là: Những mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào tăng trưởng mạnh, như xăng dầu tăng 96,69%, phân bón các loại tăng 353,4%, dây điện tăng 552,59%...; những mặt hàng xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam tăng trưởng mạnh, như rau, trái cây tăng 420,7%, quặng khoáng sản tăng 285,77%, phân bón tăng 142,56%, cao su tăng 101,72%...
Thứ năm, hoạt động đầu tư tiếp tục đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của hai nước. Đến nay, Việt Nam có 214 dự án đầu tư sang Lào với tổng vốn đầu tư đăng ký (bao gồm cả cấp mới và tăng vốn) khoảng 5,33 tỷ USD; vốn thực hiện đạt khoảng 2,6 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ ba trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc, Thái Lan). Kể từ năm 2018 đến nay, có 30 dự án đầu tư đăng ký sang Lào và 12 lượt điều chỉnh tăng vốn; tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm từ năm 2018 đến nay đạt 389,4 triệu USD. Theo tờ Pathetlao Daily (Thông tấn xã Lào), trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, phía Lào đã cấp phép cho 3 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn 2 dự án với tổng số vốn đăng ký là 47,84 triệu USD cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy chưa phải là quốc gia có hoạt động đầu tư cao nhất tại Lào, nhưng hầu hết các hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào đều có mặt trong các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng, như nông nghiệp, năng lượng, sản xuất, phân phối các hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu,… tại các tỉnh có nhiều tiềm năng trong hợp tác đầu tư, đặc biệt là các tỉnh phía Nam của Lào.
Một số khó khăn, hạn chế
Quan hệ hợp tác thương mại biên giới giữa hai nước trong những năm gần đây tiếp tục có bước phát triển mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của hai nước. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác thương mại giữa hai bên vẫn còn những khó khăn, thách thức nhất định, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mong muốn của hai bên.
Một là, việc phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu tại một số khu vực còn chậm, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới. Các thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu tuy đã có đổi mới, cải tiến nhưng vẫn chưa thực sự thông thoáng. Quy mô trao đổi hàng hóa tại các chợ biên giới còn nhỏ lẻ, cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa thu hút được đông đảo thương nhân và cư dân biên giới tham gia các hoạt động kinh doanh tại chợ. Giao thông đi lại tại các chợ biên giới ở một số khu vực biên giới Việt Nam - Lào còn khó khăn, bước đầu mới chỉ triển khai theo hình thức chợ phiên, vì vậy sức mua hạn chế, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của cư dân biên giới. Đặc biệt, trong các năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nên việc triển khai các chương trình và thỏa thuận giữa hai bên còn chậm trễ; một số trao đổi song phương không thực hiện được theo kế hoạch. Công tác thông tin, tuyên truyền còn một số khó khăn khi triển khai, như việc đàm phán bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào chỉ được thực hiện qua công hàm trao đổi; có 7 đề án xúc tiến thương mại quốc gia của Việt Nam tại Lào đã phê duyệt nhưng chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, việc thu thập và thống kê số liệu phát triển thương mại biên giới không đầy đủ và không thống nhất cũng gây ra những khó khăn nhất định trong dự báo và triển khai thực hiện các hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước.
Hai là, công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, thị trường, quảng bá sản phẩm còn nhiều khó khăn, việc thu hút đầu tư vào các địa bàn thuộc các tỉnh dọc biên giới, khu kinh tế cửa khẩu chưa nhiều; các chính sách áp dụng cho khu kinh tế cửa khẩu vẫn chưa phát huy được những ưu thế đặc thù, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, kết cấu hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại các tỉnh biên giới của Lào phần lớn tập trung vào thương mại, dịch vụ, chưa chú trọng đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi..., đã tạo nên sự chênh lệnh về đầu tư trong các lĩnh vực.
Nguyên nhân của những hạn chế là do kết cấu hạ tầng giao thông tại các địa bàn biên giới vừa thiếu, vừa xuống cấp, tạo thành “điểm nghẽn” cho phát triển kinh tế, khiến khu vực biên giới không hấp thụ được nhiều vốn đầu tư, vì vậy chưa thể tạo ra không gian phát triển thuận lợi cho các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ tại khu vực biên giới. Nhiều doanh nghiệp có tâm lý e ngại đầu tư vào khu vực biên giới do đây là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vị trí địa lý không thuận lợi, địa hình hiểm trở. Doanh nghiệp đầu tư, sản xuất tại khu vực biên giới hầu hết là các doanh nghiệp tại chỗ, quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu chế biến nông - lâm sản, thiết bị công nghệ lạc hậu, chưa tạo được nhiều việc làm và sự lan tỏa trong phát triển kinh tế khu vực biên giới. Bên cạnh đó, hai bên còn thiếu cơ chế, chính sách đột phá, hấp dẫn trong các lĩnh vực cụ thể, như chính sách thuế, chính sách thương mại biên giới để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực biên giới. Công tác đầu tư, quản lý nâng cấp, mở mới các cửa khẩu biên giới chưa theo kịp nhu cầu giao thương giữa hai nước. Thủ tục thông quan, kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu còn chậm, rườm rà do chưa được đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa. Dịch bệnh COVID-19 đã làm đứt gãy nguồn cung, phân phối, sản xuất đình trệ…, gây không ít khó khăn cho hoạt động hợp tác giữa hai bên.
Một số định hướng hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào trong thời gian tới
Trong thời gian tới, hai bên cần nhanh chóng khắc phục những rào cản, khó khăn; nâng cao khả năng cạnh tranh về thương mại, đầu tư và du lịch; đẩy nhanh việc thực hiện các thỏa thuận đã ký kết, tạo điều kiện thuận lợi cho người và hàng hóa qua biên giới; tiếp tục đổi mới chính sách quản lý xuất nhập khẩu, đơn giản hóa, hài hòa các thủ tục hải quan theo chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng hơn, tăng cường đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Triển khai xây dựng các văn bản pháp luật làm cơ sở cho việc thu hút hoạt động đầu tư, nhất là tại các khu kinh tế cửa khẩu, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho các hoạt động thương mại tại khu kinh tế và thông thương tại cửa khẩu quốc tế; hỗ trợ, ưu đãi các nhà đầu tư vào những địa bàn vùng biên giới hai nước ở các lĩnh vực, như chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi gia súc lớn... tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội, xúc tiến đầu tư trên địa bàn.
Trên thực tế, tiềm năng phát triển khu vực biên giới giữa hai nước còn rất lớn, để việc hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác toàn diện của hai nước, cần tập trung thực hiện một số định hướng sau:
Thứ nhất, tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng tại các khu kinh tế cửa khẩu, vào các hoạt động sản xuất, chế biến, thương mại tại khu vực biên giới; thúc đẩy việc đàm phán để ký kết Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào.
Theo đó, hai bên cần tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối hai nước, giữa các tỉnh có chung đường biên giới, các huyện, địa phương trực tiếp; liên kết với Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) và Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS). Việc phát triển hệ thống giao thông vận tải thông qua kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch, các địa phương có EWEC chạy qua sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn khi tiếp cận với các trung tâm kinh tế ở phía Bắc và phía Nam, như Bangkok (Thái Lan), Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội. Đây chính là “cơ hội vàng” để các tỉnh dọc biên giới hai nước nhận được những hỗ trợ tích cực trên tất cả các lĩnh vực, kéo theo làn sóng đầu tư vào các địa phương, góp phần đẩy mạnh các hoạt động xuất, nhập khẩu, coi xuất khẩu là động lực để thúc đẩy phát triển sản xuất nhằm gia tăng các hoạt động biên mậu. Hỗ trợ, ưu đãi các nhà đầu tư các lĩnh vực như chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi gia súc lớn..., tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội, xúc tiến đầu tư trên địa bàn các tỉnh, địa phương dọc tuyến biên giới của hai nước.
Thứ hai, rà soát, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các văn bản đã ký kết, như Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào năm 2015, Thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc khuyến khích phát triển hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước năm 2007 để phù hợp với tình hình thực tế trong thời gian tới. Theo Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào năm 2020, hai bên đã thống nhất phối hợp nghiên cứu đàm phán, sửa đổi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào trong thời gian tới cho phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với quy định của mỗi nước, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng hai nước trong quá trình thực hiện. Do đó, hai bên cần tập trung nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp, theo hướng tập trung tháo gỡ khó khăn, nhất là trong các hoạt động hợp tác thương mại biên giới cho phù hợp với mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước nói riêng và phù hợp thông lệ quốc tế nói chung.
Thứ ba, rà soát và đề xuất phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào. Tập trung khắc phục những rào cản, khó khăn; nâng cao khả năng cạnh tranh về thương mại, đầu tư và du lịch. Xây dựng lộ trình cụ thể, thông qua các bản ghi nhớ, kế hoạch hợp tác hằng năm và từng giai đoạn, từng bước tháo gỡ các “điểm nghẽn” về tiềm lực đầu tư, nguồn vốn ngân sách. Thường xuyên quan tâm công tác rà soát, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển thương mại biên giới cho phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp tục triển khai phổ biến, hướng dẫn tổ chức thực hiện các văn bản đã được ký kết. Tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp ở tất cả các ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực hai bên đã thống nhất.
Thứ tư, cần tạo thuận lợi cho hàng hóa của mỗi nước lưu thông, tiêu thụ tại thị trường của nhau, đặc biệt là hàng nông - lâm sản. Thực tiễn cho thấy, công nghiệp chế biến nông - lâm sản là lĩnh vực sản xuất có nhiều tiềm năng phát triển tốt ở Lào. Vì vậy, hai bên cần đẩy mạnh phối hợp việc nghiên cứu và triển khai phát triển các trang trại hoặc khu vực trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, tập trung cung cấp đầu vào ổn định cho các doanh nghiệp chế biến nông - lâm sản. Sản phẩm cuối cùng một phần có thể được tiêu thụ ngay tại Lào và phần lớn hơn sẽ được xuất khẩu sang Việt Nam hoặc các nước thứ ba.
Thứ năm, tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hải quan…, tạo điều kiện tối đa cho hàng hóa của hai nước lưu thông. Theo đó, cần xây dựng kế hoạch phát triển thương mại biên giới trong từng thời kỳ để phù hợp với định hướng phát triển chung của từng nước và phù hợp với các mục tiêu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định còn chưa phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, định hướng xây dựng mô hình quản lý hải quan thông minh.
Thứ sáu, tăng cường công tác phối hợp trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật những kiến thức mới, những quy định mới trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, thương mại biên giới cho các lực lượng chức năng, cán bộ quản lý và cho các doanh nghiệp của hai nước. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo, thu hút lực lượng lao động có trình độ, kỹ thuật tham gia vào hoạt động thương mại và thương mại biên giới trên địa bàn, bao gồm cả cán bộ quản lý trong cơ quan nhà nước, cán bộ quản lý tại doanh nghiệp và nhân viên trong các doanh nghiệp. Khuyến khích, vận động doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hai bên.
Thứ bảy, ưu tiên hỗ trợ kinh phí tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội chợ, triển lãm thương mại biên giới, nhằm tăng cường kết nối giao thương và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa giữa thương nhân và cư dân biên giới hai nước. Hai bên cần phối hợp đồng bộ nhằm thúc đẩy quy mô trao đổi thương mại Việt Nam - Lào theo hướng tăng cường đầu tư, xây dựng mới và mở rộng các siêu thị liên doanh hiện có, nhất là ở các vùng đông dân cư dọc theo biên giới hai nước; vừa đẩy mạnh trao đổi thương mại chính thức, vừa khuyến khích tư nhân hai bên buôn bán với nhau; nhanh chóng thiết lập các kênh chủ lực nhằm đưa hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam sang Lào và ngược lại, để người tiêu dùng hai nước làm quen dần với hàng hóa và dịch vụ của nhau.
Thứ tám, tiếp tục phối hợp ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hai nước. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế phối hợp, tổ chức hoạt động của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, thống nhất quy định thủ tục hành chính tại cửa khẩu; phát huy hết tiềm lực của lực lượng chức năng trong công tác phối hợp phòng, chống buôn lậu qua biên giới, tạo môi trường lành mạnh cho thương mại biên giới phát triển.
Phát triển quan hệ hợp tác thương mại biên giới nói riêng và quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước nói chung đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước; qua đó, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của mỗi nước; giữ gìn, vun đắp mối quan hệ đặc biệt, hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào ngày càng phát triển, tạo thành nguồn động lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của mỗi nước./.
--------------------------------
(1) Phía Lào gồm các tỉnh: Phongsaly, Luang Prabang, Hủa Phăn, Xiangkhouang, Borikhamsai, Khăm Muộn, Savannakhet, Salavane, Sekong, Attapeu và phía Việt Nam gồm các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum.
(2) Gồm: Tây Trang (Điện Biên) - Pang Hok (Phongsaly), Na Mèo (Thanh Hóa) - Namsoi (Houaphanh), Nậm Cắn (Nghệ An) - Namkan (Xiangkhouang), Cầu Treo (Hà Tĩnh) - Namphao (Borikhamsai), Cha Lo (Quảng Bình) - Naphao (Khammouane), Lao Bảo (Quảng Trị) - Densavan (Savannakhet), La Lay (Quảng Trị) - Lalay (Salavane), Bờ Y (Kon Tum) - Phou Keua (Attapeu).
(3) Gồm: Huổi Puốc (Điện Biên) - Nason (Luang Prabang), Chiềng Khương (Sơn La) - Ban Dan (Houaphanh), Lóng Sập (Sơn La) - Pahang (Houaphanh), Tén Tần (Thanh Hóa) - Somvang (Houaphanh), Hồng Vân (Thừa Thiên - Huế) - Kotai (Salavane), A Đớt (Thừa Thiên - Huế) - Tavang (Sekong), Nam Giang (Quảng Nam) - Dak Ta Ook (Sekong).
(4) Gồm: Tây Trang (Điện Biên), Sơn La (Sơn La), Chiềng Khương (Sơn La), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị), A Đớt (Thừa Thiên - Huế), Nam Giang (Quảng Nam) và Bờ Y (Kon Tum).
(5) Trong năm 2018 và 2019, có 5 đề án được thực hiện, trong đó có 4 chương trình tại Lào và 1 chương trình tại Việt Nam, thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức của cả hai nước tham gia. Tuy nhiên, trong năm 2020 và 2021, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, 7 đề án còn lại chưa triển khai thực hiện được.
Tình đoàn kết Việt Nam - Lào là quy luật khách quan, nhân tố có ý nghĩa sống còn của mỗi Đảng, mỗi nước  (19/07/2022)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Chủ tịch nước Lào  (17/07/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển