Nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ở Trường Chính trị Lê Duẩn, tỉnh Quảng Trị

Trần Văn Toàn - Phạm Xuân Ngọc
Trường Chính trị Lê Duẩn, tỉnh Quảng Trị
14:12, ngày 31-07-2022

TCCS - Trong những năm qua, công tác đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ở Trường Chính trị Lê Duẩn, tỉnh Quảng Trị đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với yêu cầu của thực tiễn, công tác này vẫn còn một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị góp phần giúp nước bạn Lào xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Những kết quả nổi bật

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, theo thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Sa-van-na-khet và Sa-la-van, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị xác định, công tác đào tạo lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa to lớn góp phần duy trì, vun đắp, bảo vệ và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt lâu dài, hợp tác toàn diện giữa tỉnh Quảng Trị với hai tỉnh Sa-van-na-khet, Sa-la-van và hai nước Việt Nam - Lào. Đến nay, nhìn lại chặng đường gần 15 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là chịu tác động của đại dịch COVID-19, nhưng với quyết tâm chính trị cao, trên tinh thần hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước nói chung, giữa tỉnh Quảng Trị và tỉnh Sa-van-na-khet và Sa-la-van nói riêng, công tác đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại điểm cầu Trường Chính trị Lê Duẩn, tỉnh Quảng Trị_Nguồn: truongleduan.quangtri.gov.vn

Từ tháng 7-2008, Trường Chính trị Lê Duẩn mở lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính (nay là trung cấp lý luận chính trị) đầu tiên cho cán bộ hai tỉnh Sa-van-na-khet và Sa-la-van. Đến nay, Trường Chính trị Lê Duẩn đã mở được 10 lớp đào tạo với 430 học viên tốt nghiệp, là cán bộ đang công tác và dự nguồn của hai tỉnh theo chương trình của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; trong đó tỉnh Sa-la-van có 205 học viên và tỉnh Sa-van-na-khet có 225 học viên(1).

Do chương trình giảng dạy mang tính đặc thù cao, quá trình dạy và học đòi hỏi giảng viên phải đặc biệt lưu ý đến việc chuẩn bị giáo án, phương pháp truyền đạt cũng như truyền tải của người phiên dịch; vấn đề tiếp thu nội dung, thể hiện nhận thức qua kiểm tra, đánh giá và thông tin phản hồi của người học. Để chất lượng đào tạo đạt hiệu quả, nhà trường đã bố trí đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm, trình độ và nghiệp vụ sư phạm tốt tham gia giảng dạy. Nhà trường cũng chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong soạn thảo nội dung chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức, chọn phiên dịch viên có trình độ trong quá trình dạy và học. Ngoài học tập trực tiếp trên giảng đường, với phương châm gắn lý luận với thực tiễn, nhà trường còn tổ chức cho học viên tham gia nhiều hoạt động, như tham quan các di tích lịch sử, nghiên cứu thực tế ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, giúp học viên bổ sung kiến thức lý luận, tạo sự hứng thú trong quá trình học tập. Thông qua đó, học viên có thể đối chiếu, so sánh những điểm tương đồng, nhất quán về lý luận và thực tiễn, từ đó làm rõ bản chất của các vấn đề đã học.

Những năm qua, mặc dù tình hình kinh tế của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Quảng Trị luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên Lào trong quá trình học tập. Mọi chế độ của học viên được giải quyết đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Trường ưu tiên bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ cho học viên. Hằng năm, tỉnh Quảng Trị trích ngân sách khoảng 2 tỷ đồng/khóa đào tạo để giải quyết các chế độ, chính sách cho học viên.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm 10 năm đào tạo học viên Lào. Tại hội nghị, báo cáo của Ban Tổ chức tỉnh Sa-van-na-khet và Sa-la-van đánh giá, các cán bộ sau khi được đào tạo chương trình trung cấp lý luận chính trị ở Trường Chính trị Lê Duẩn trở về địa phương đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực lãnh đạo, quản lý, biết tiếng Việt, năng động, sáng tạo và có khả năng tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị công tác và nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào giao phó. Đa số cán bộ được đào tạo ở Trường Chính trị Lê Duẩn trở về nước công tác được bổ nhiệm chức vụ đảng, chính quyền hoặc luân chuyển công tác đến những vị trí cao hơn, quan trọng hơn. Thực tế đó đã minh chứng hiệu quả của công tác đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ hai tỉnh nước bạn Lào, thể hiện tình cảm sâu nặng, gắn bó giữa tỉnh Quảng Trị với hai tỉnh Sa-van-na-khet và Sa-la-van.

Là trường chính trị đầu tiên của cả nước đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho học viên nước ngoài, những kết quả đạt được ban đầu của Trường Chính trị Lê Duẩn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực, nhà trường còn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan trung ương, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp hiệu quả của Trường Cao đẳng Sư phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh và các sở, ban, ngành trong thực hiện nhiệm vụ chính trị chung.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua thực tế từ năm 2008 đến nay, với gần 15 năm, 10 khóa học, công tác đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ở Trường Chính trị Lê Duẩn còn một số hạn chế: 1- Trình độ tiếng Việt của học viên Lào không đồng đều dẫn đến quá trình giảng dạy tiếp thu bài giảng của học viên gặp nhiều khó khăn; 2- Quá trình giảng dạy phải thông qua phiên dịch, tuy nhiên phiên dịch viên rất khó truyền tải đầy đủ nội dung bài giảng đến học viên, đặc biệt là những kiến thức lý luận chính trị cũng như các vấn đề thực tiễn ở các học phần mang tính chuyên ngành cao; 3- Văn hóa, phong tục, tập quán, phong cách sinh hoạt của học viên Lào có nhiều điểm khác biệt so với Việt Nam khiến công tác quản lý học viên còn gặp nhiều khó khăn.

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ở Trường Chính trị Lê Duẩn trong thời gian tới

Từ thực tiễn gần 15 năm đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ nước bạn Lào, Trường Chính trị Lê Duẩn luôn trăn trở và mong muốn tìm ra những phương thức thật sự hiệu quả nhằm hướng tới mục đích nâng cao chất lượng đào tạo, giúp các học viên vận dụng hiệu quả vào công việc khi trở về nước công tác. Trong thời gian tới, cần tập trung vào thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện tốt phương châm, tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Trị trong công tác đào tạo học viên nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Tiếp tục thống nhất nhận thức, việc hợp tác, hỗ trợ nước bạn Lào trong công tác đào tạo lý luận chính trị là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ của nước bạn, đồng thời, củng cố, vun đắp, phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết, đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước nói chung với tỉnh Quảng Trị với tỉnh Sa-van-na-khet và Sa-la-van nói riêng. Trong quá trình thực hiện cần quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân phương châm “giúp bạn như giúp mình”, hết lòng phục vụ, giúp đỡ học viên Lào.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh.

Công tác tuyển sinh là yếu tố đầu vào rất quan trọng, cần sự nỗ lực, cố gắng và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình đào tạo. Hiện nay, việc tuyển sinh đang có một số khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức, quản lý các khóa học. Trong công tác tuyển sinh, cần quan tâm một số nội dung sau:

Đối với tỉnh Quảng Trị: Ban Tổ chức Tỉnh ủy phải là cơ quan trực tiếp ra quyết định và thông báo tuyển sinh học viên của hai tỉnh Sa-van-na-khet và Sa-la-van. Ngoài các tiêu chí tuyển sinh về trình độ, chức vụ…, cần phải lưu ý đến các tiêu chí về độ tuổi, tuổi nghề, tuổi đảng, trình độ tiếng Việt (ít nhất đã tham gia một khóa bồi dưỡng tiếng Việt tại Lào) và một số tiêu chí khác khi sang Việt Nam nhập học nhằm tạo tạo điều kiện cho nhà trường thực hiện tốt công tác quản lý. Hệ thống hóa yêu cầu về hồ sơ, lý lịch, văn bằng theo mẫu thống nhất, bảo đảm tính pháp lý, đúng quy định của pháp luật.

Đối với hai tỉnh Sa-van-na-khet và Sa-la-van, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào: Khi có thông báo tuyển sinh của tỉnh Quảng Trị, hai tỉnh cần chủ động làm tốt công tác tuyển sinh để cử cán bộ sang học tại Trường Chính trị Lê Duẩn; trong đó, đặc biệt phải lưu ý tuyển chọn cán bộ có trình độ tiếng Việt cơ bản; phải là người giữ các chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính trị hoặc thuộc lớp cán bộ dự nguồn các chức danh; có tuổi đời, tuổi nghề phù hợp, là đảng viên chính thức của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và sự sáng tạo, là “sợi dây” kết nối tình đoàn kết Việt Nam - Lào ở hiện tại và trong tương lai.

Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị và giảng dạy tiếng Việt; nâng cao chất lượng, trình độ của phiên dịch viên trong quá trình dịch giảng.

Đa số học viên Lào lần đầu được học chương trình lý luận chính trị bằng phương pháp, kiến thức mới, lại thông qua phiên dịch khiến quá trình dạy và học gặp một số khó khăn. Do vậy, nhà trường cần quan tâm đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy, có nhiều sáng tạo, linh hoạt trong việc truyền đạt kiến thức, chọn phiên dịch viên có trình độ, rút kinh nghiệm qua các năm…. Mặt khác, một bộ phận học viên Lào khi nhập học chưa thành thạo tiếng Việt, chỉ có khoảng 10% biết giao tiếp cơ bản. Đây là một khó khăn trong giao tiếp, tiếp thu nội dung bài giảng trở thành “lực cản” dẫn đến tâm lý “ngại trao đổi, chia sẻ” trong quá trình học tập và sinh hoạt.

Cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn tham gia một nghi lễ truyền thống với các học viên Lào_Nguồn: baoquangtri.vn

Để nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Chính trị Lê Duẩn cần phối hợp với các đơn vị liên quan thay đổi một số nội dung trùng lặp trong các chuyên đề, học phần qua từng năm, từng bước cải tiến nội dung bài giảng, tăng cường yếu tố thực tiễn trong nội dung giảng dạy. Bên cạnh đó, trường nên có quy định về việc thảo luận, phản biện trong các buổi học nhằm đẩy mạnh tương tác, trao đổi học thuật nhằm phát huy tính chủ động của người học.

Đối với phiên dịch viên, cần lựa chọn phiên dịch viên không chỉ thành thạo ngôn ngữ Lào mà còn nắm vững kiến thức về các nội dung giảng dạy, đặc biệt là các kiến thức về lý luận chính trị. Phiên dịch viên cần xác định vai trò của mình là người phiên dịch và truyền đạt nội dung, kiến thức thật súc tích, dễ hiểu, nhưng đồng thời bảo đảm tính khoa học của bài giảng đến học viên. Để quá trình phiên dịch đạt được hiệu quả, phiên dịch viên cần có kiến thức chuyên môn sâu, đồng thời, cần rèn luyện và phải có trí nhớ tốt, kiên trì, chăm chỉ và ham học hỏi... Phiên dịch viên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng trong công việc, luôn chuẩn bị trước về nội dung bài giảng mà mình sẽ phiên dịch.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học viên; cải cách các chế độ, chính sách đối với học viên.

Việc quản lý, tổ chức các lớp học viên Lào có những yếu tố đặc thù riêng khiến công tác quản lý học viên chưa thật sự hiệu quả. Do học viên phải sống và học tập xa nhà, khác biệt về môi trường sống, lịch sử, văn hóa, sinh hoạt, nên công tác tổ chức quản lý lớp học gặp nhiều khó khăn. Vì thế, nhà trường cần tăng cường quản lý, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của học viên, qua đó, giúp giảng viên của nhà trường đổi mới phương pháp, nội dung bài giảng cho phù hợp.

Các chế độ, chính sách về bảo hiểm y tế, khám sức khỏe, xuất nhập cảnh, tạm trú, tạm vắng cho học viên Lào cần được thực hiện đầy đủ. Việc phối hợp, liên hệ với các sở, ban, ngành, các cơ quan chức năng làm đúng thủ tục, chế độ cho học viên là người nước ngoài cần được quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho học viên trong quá trình học tập và sinh hoạt. Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các khoa, phòng và mỗi cán bộ, giảng viên phải thường xuyên tiếp xúc, tạo mối quan hệ tốt với học viên để thấy được những thuận lợi, khó khăn, hiểu được tâm tư, nguyện vọng và tình cảm của học viên để thấu hiểu, giúp đỡ họ trong quá trình học tập và rèn luyện tại nhà trường. Cán bộ, giảng viên nhà trường phải có sự am hiểu về văn hóa, con người nước bạn Lào, phải thực sự là một tấm gương và là cầu nối văn hóa trong quan hệ hai nước Việt Nam - Lào.

Năm là, tăng cường nghiên cứu thực tế, đổi mới công tác đánh giá kết quả, xếp loại học tập, rèn luyện đối với học viên.

Nhằm thực hiện tốt phương châm đào tạo “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn”, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo và năng lực công tác của học viên khi trở về cơ quan, đơn vị công tác, từ khoá 1 cho đến khoá 10, nhà trường đã tổ chức cho học viên Lào đi nghiên cứu thực tế tại một số tỉnh, thành phố lớn, các khu kinh tế, nhà máy, xí nghiệp kết hợp tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hoá. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực đối với học viên trong quá trình học. Thông qua chương trình nghiên cứu thực tế, học viên sẽ tiếp thu, lĩnh hội được những thành tựu, kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hiểu rõ hơn bản sắc văn hoá và con người Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Để công tác nghiên cứu thực tế ngày càng đạt hiệu quả, thời gian tới, Trường Chính trị Lê Duẩn cần tăng thêm thời gian và kinh phí cho học viên đi nghiên cứu, khảo sát thực tế tại các địa phương nhằm cụ thể hóa phương châm “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn”, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong những năm qua, công tác đánh giá kết quả, xếp loại học viên Lào được nhà trường thực hiện theo quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đã tổ chức thi vấn đáp, trắc nghiệm từ các môn, các học phần đến thi tốt nghiệp để đánh giá, xếp loại học tập. Việc xếp loại rèn luyện của học viên dựa trên việc chấp hành nội quy, quy chế của nhà trường và pháp luật của Nhà nước Việt Nam; căn cứ vào tinh thần, thái độ của học viên trong quá trình học tập, sinh hoạt, tham gia các phong trào của lớp, của trường… Vấn đề quan trọng đặt ra là việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện cần đi vào thực chất, khách quan, sát hơn với từng học viên. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học, giáo viên chủ nhiệm, các khoa chuyên môn để đánh giá sát, đúng việc chấp hành nội quy, quy chế cũng như kết quả học tập của học viên; đồng thời, nhà trường cần có kế hoạch phối hợp với tỉnh Sa-van-na-khet và Sa-la-van trong việc điều tra, khảo sát nhằm đánh giá kết quả sau đào tạo để rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng đào tạo.

Sáu là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ học tập, sinh hoạt của học viên.

Trong những năm qua, mặc dù nhà trường và Tỉnh ủy đã có nhiều cố gắng trong công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, trang cấp những tư trang, vật dụng cần thiết phục vụ học tập và sinh hoạt cho học viên Lào, tuy nhiên, cơ sở vật chất vẫn còn nhiều hạn chế. Trong thời gian tới, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng như Trường Chính trị Lê Duẩn cần tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm phục vụ tốt hơn điều kiện sinh hoạt cho học viên Lào.

Là trường chính trị đầu tiên trong cả nước đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ của nước bạn Lào, Trường Chính trị Lê Duẩn rất tự hào về những thành tích đã đạt được trong gần 10 năm qua và trong thời gian tới tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao để góp phần bảo vệ, gìn giữ và không ngừng phát triển mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào đã được bao thế hệ dày công vun đắp./.

----------------------

(1) Đảng bộ tỉnh Quảng Trị: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025