Nhận diện tham nhũng dưới góc độ nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống

TS. Cao Ngọc Anh - TS. Lê Tiến Hoàng
Thiếu tá, Học viện An ninh nhân dân - Trung tá, Đại học Cảnh sát nhân dân
23:04, ngày 20-06-2022

TCCS - Tham nhũng luôn là một trong những vấn đề được chính phủ các nước đặc biệt quan tâm do mức độ, phạm vi ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong những năm qua, mặc dù tình hình tham nhũng ở nước ta từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, song vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là khi tham nhũng đang là một nguy cơ đe dọa đến an ninh phi truyền thống, an ninh quốc gia hiện nay.

Tham nhũng và những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia

Tham nhũng xuất hiện từ thế kỷ XIII trước Công nguyên, dưới nhiều hình thức biểu hiện, tính chất, mức độ và phạm vi khác nhau. Tùy vào trình độ phát triển, điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau mà quan niệm về tham nhũng cũng có sự khác nhau. Tại Đức, “tham nhũng được coi là hiện tượng mất phẩm chất, hối lộ, đút lót, thường xảy ra đối với công chức có quyền hành”(1). Ở Thụy Sĩ, “tham nhũng là hậu quả nghiêm trọng của sự vô tổ chức của tầng lớp có trách nhiệm trong bộ máy nhà nước. Đó là hành vi phạm pháp để phục vụ lợi ích cá nhân”(2). Ở Áo, “tham nhũng là hiện tượng lừa đảo, hối lộ, bóc lột”(3). Ngân hàng Thế giới (WB) coi “tham nhũng là sự lạm dụng chức vụ công để tư lợi”(4). Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International - TI) cho rằng “tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân”(5). Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003 không đưa ra khái niệm về tham nhũng mà chỉ khuyến cáo các quốc gia thành viên cần quy định các hành vi sau đây là tội phạm, bao gồm: hối lộ (trong khu vực công và khu vực tư), tham ô, lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi, làm giàu bất hợp pháp, biển thủ trong khu vực tư, tẩy rửa tài sản…(6). Như vậy, mặc dù nội dung diễn giải có nhiều điểm khác nhau, song tựu chung lại, tham nhũng được hiểu tương đối thống nhất là việc lợi dụng vị trí, quyền hạn để thực hiện các hành vi trái pháp luật nhằm trục lợi.

Trên thực tế, tham nhũng xảy ra ở tất cả các quốc gia và thường ở mức độ nghiêm trọng hơn trong giai đoạn quá độ về kinh tế - xã hội. Tháng 1-2022, Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) do Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố cho thấy, vấn nạn tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Đáng chú ý, trong nhiều năm qua, hầu hết các quốc gia trên thế giới không có sự cải thiện đáng kể về hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Hiện vẫn có hơn 2/3 trong tổng số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá chỉ đạt điểm dưới 50 trên thang điểm 100 của CPI(7).

Tại Việt Nam, trong cuốn Quần thư khảo biện, nhà bác học Lê Quý Đôn khẳng định tham nhũng tràn lan là một trong năm nguy cơ mất nước(8). Do vậy, các triều đại phong kiến Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ quan lại. Điển hình nhất là việc vua Lê Thánh Tông sử dụng khoa cử, bảo cử, tiến cử chặt chẽ để tuyển bổ; áp dụng lệ Hồi tị; cử người đi dò xét phẩm cách các quan để giám sát chặt chẽ việc tiêu cực, tham nhũng của quan lại(9). Để thực hiện chế độ lương bổng hợp lý, nhà Trần áp dụng khoản “dưỡng liêm”; nhà Lý sử dụng cơ chế đặc biệt cho một số quan lại, như: cho thêm ngục lại mỗi năm 20 quan tiền, 100 bó lúa; thời Hậu Lê phân loại những “nơi ít việc”, “nơi nhiều việc” để phát bổng lộc khác nhau cho phù hợp nhưng bổng lộc các cấp bậc quan lại không quá 40 lần(10). Đặc biệt, để phòng ngừa, xử lý những hành vi tham nhũng, các triều đại phong kiến đã chú ý xây dựng các quy định pháp luật nghiêm minh về vấn đề này. Đơn cử như Bộ Luật Hồng Đức có tới 78/722 Điều luật, 7/13 Chương quy định hành vi liên quan đến tham nhũng với các chế tài xử phạt nghiêm khắc.

Trong giai đoạn lịch sử hiện đại, từ khi giành quyền lãnh đạo đất nước đến nay, Đảng ta đặc biệt coi trọng công cuộc phòng, chống tham nhũng. Ngay từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994, Đảng ta xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, đồng thời sớm ban hành và thường xuyên hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định 12 nhóm hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước, 3 nhóm hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước; xác định chi tiết các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) dành 7 điều (từ Điều 353 đến Điều 359) quy định các tội phạm tham nhũng. Nhờ có sự quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, tình trạng tham nhũng ở nước ta từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Trong gần hai thập niên qua, chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam ngày càng có xu hướng tích cực. Năm 2021, Việt Nam đạt 39/100 điểm, tăng 3 điểm so với năm 2020, xếp thứ 87/180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là chỉ số CPI cao nhất của Việt Nam trong giai đoạn từ 2012 - 2021(11). Điều này khẳng định kết quả quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng do Đảng ta lãnh đạo đã có sự chuyển biến tích cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực_Ảnh:TTXVN

Mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều thành công, nhưng số lượng vụ, việc tham nhũng vẫn cao, tham nhũng đang xảy ra ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực, ngày càng tinh vi, phức tạp. Những năm gần đây, tình hình quốc tế và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh những nguy cơ truyền thống, Đảng và Nhà nước ta cũng xác định nhiều nguy cơ an ninh phi truyền thống, trong đó có vấn đề tham nhũng đã, đang hiện hữu và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia.

Một là, tham nhũng mang tính phi quân sự, phi vũ trang nhưng đe dọa nghiêm trọng, toàn diện tới an ninh quốc gia, trong đó có an ninh lãnh thổ, an ninh chính trị.

Giống như các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống khác, như dịch bệnh, biến đổi khí hậu…, tham nhũng không phải là những kế hoạch hành động do lực lượng vũ trang, quân đội nước ngoài triển khai, cũng không phải là âm mưu, hoạt động của các cơ quan đặc biệt hay các thế lực thù địch từ bên ngoài, mà tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi (khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018). Những đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng có thể không có động cơ trực tiếp nhằm xâm phạm đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhưng hành vi tham nhũng mang lại những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia trên phương diện: an ninh lãnh thổ, an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh xã hội…

Thực tiễn cho thấy, tham nhũng đang làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột xã hội, có thể châm ngòi cho các cuộc bạo lực vũ trang, ảnh hưởng đến tiềm lực quốc phòng - an ninh, thách thức sự tồn vong và thịnh vượng của quốc gia, là cái cớ để các thế lực thù địch can thiệp vào nội bộ, thậm chí xâm phạm chủ quyền lãnh thổ. Tình trạng này xảy ra ở không ít quốc gia trên thế giới. Không chỉ vậy, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề tham nhũng nhằm tuyên truyền xuyên tạc, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Họ xảo biện và quy chụp tham nhũng là sản phẩm tất yếu của chế độ xã hội chủ nghĩa, chỉ có thay đổi chế độ mới giảm được tham nhũng(?!); rằng, nguồn tài chính có được từ tham nhũng dùng để vận động hành lang, vận động chính sách, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy thành tích, chạy chức, chạy quyền… nhằm đưa một bộ phận không nhỏ cán bộ không xứng đáng tham gia hệ thống chính trị, từng bước nắm quyền lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành...(?!). Đây chính là một thách thức phi vũ trang nhưng đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trong đó có an ninh chính trị.

Hai là, tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với an ninh quốc gia mà trực tiếp đe dọa đến an ninh con người.

Một đặc trưng cơ bản của các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống là không chỉ gây phương hại đến Nhà nước và hệ thống chính trị mà còn gây ra những tổn thất nghiêm trọng đối với số đông người dân, doanh nghiệp. Tham nhũng làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm sai lệch việc lựa chọn những người lãnh đạo, quản lý có năng lực. Khi tiền thuế của người dân và doanh nghiệp bị chiếm đoạt bất hợp pháp với số lượng lớn, tham nhũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực thi các chính sách bảo đảm sinh kế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường - những chiến lược cơ bản bảo đảm an ninh con người.

Những con số thất thoát trong các vụ án tham nhũng gần đây phần nào nói lên hậu quả kinh tế nghiêm trọng, đặc biệt những vụ án tham nhũng trong lĩnh vực y tế đã trực tiếp gây phương hại đến việc bảo đảm sức khỏe cho người dân trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Những thiệt hại này không đơn thuần gây ra những ảnh hưởng về kinh tế mà còn làm trầm trọng thêm các xung đột xã hội, chi tiêu công cho các lĩnh vực thiết yếu của an ninh con người, phá hoại những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tạo ra bầu không khí tiêu cực, tâm lý bất an, thiếu niềm tin…

Ba là, tham nhũng được hình thành và chi phối bởi nhiều yếu tố, điều kiện nên tạo ra tính đa chiều, tính khó đoán định. 

Nếu như các nguy cơ đe dọa an ninh truyền thống chủ yếu bắt nguồn từ xung đột chủ quyền, lợi ích quốc gia, thì các nguy cơ an ninh phi truyền thống lại đến từ nhiều nguyên nhân. Bên cạnh đó, diễn biến của các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống phụ thuộc vào quan điểm, thái độ, mức độ tích cực trong việc đối phó vấn đề này của từng quốc gia. Do vậy, chúng thường diễn biến rất đa dạng, khó đoán định, gây ra sự chủ quan, thụ động trong đối phó của các cơ quan an ninh.

Tham nhũng xuất phát trước hết từ nguyên nhân do những người có chức vụ bị suy thoái về phẩm chất đạo đức, không đủ bản lĩnh để chiến thắng cám dỗ của danh lợi, tiền tài, địa vị. Trong khi mặt trái cơ chế thị trường tạo ra sự chênh lệch, phân hóa giàu nghèo và tác động mạnh tới tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, kích thích tư duy nhiệm kỳ, chủ nghĩa thực dụng, cá nhân, chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý, nhân cách, danh dự. Chính sách tiền lương chưa hợp lý cũng tạo ra động cơ cho tham nhũng. Phương thức giám sát quyền lực nhà nước nhiều nơi còn lỏng lẻo, cơ chế xin - cho còn phổ biến ở nhiều lĩnh vực; chính sách, pháp luật còn nhiều bất cập, hạn chế, tạo ra những kẽ hở, cơ hội để trục lợi; trình độ quản lý công, nhất là tài sản công, tài chính công nhiều nơi còn chưa theo kịp thực tiễn; cải cách hành chính ở nhiều cơ quan còn chậm; công tác phòng, chống tham nhũng nhìn chung hiệu quả chưa như kỳ vọng; vai trò, trách nhiệm giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội trong phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả… Đặc biệt, một số yếu tố văn hóa truyền thống bị lợi dụng, cùng với đó là sự tùy tiện, thiếu tôn trọng pháp luật, duy tình, trọng lệ hơn luật ở một bộ phận người có chức vụ, quyền hạn…

Bốn là, tham nhũng là vấn đề chung của nhiều quốc gia nhưng khác biệt về mức động tác động, do vậy có sự khác biệt trong nhận diện và cách tiếp cận ứng phó.

Tham nhũng cũng tương tự như hàng loạt nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống khác, là thách thức không phải của riêng một quốc gia nào. Các yếu tố tác động và hậu quả của nó vượt ra ngoài biên giới quốc gia, đòi hỏi sự chung tay, hợp tác của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, với các nước khác nhau thì mức độ tác động của tham nhũng tới an ninh quốc gia là khác nhau. Mặt khác, cũng giống như các các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống khác, theo thời gian, diễn biến và hậu quả của tham nhũng đối với an ninh quốc gia có thể thay đổi phụ thuộc vào diễn biến của các nguyên nhân, điều kiện hình thành, phát sinh tham nhũng và quan niệm về an ninh quốc gia. Do vậy, chính phủ mỗi nước có sự tiếp cận riêng trong nhận diện và ứng phó với từng nguy cơ này.

Một số biện pháp góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình hiện nay

Để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia của nước ta trong tình hình hiện nay, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:

Một là, tiếp tục xác định tham nhũng là “giặc nội xâm” với phương châm “chống tham nhũng như chống giặc nội xâm” với quyết tâm chính trị cao.

Từ năm 1994, Đảng ta xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đến nay, quan điểm này vẫn còn nguyên tính thời sự. Những diễn biến phức tạp của tham nhũng, có mặt còn gay gắt, nghiêm trọng hơn, đã và đang đe dọa đến an ninh, sự phát triển và thịnh vượng của đất nước. Do vậy, cần chống tham nhũng như “chống giặc nội xâm” với quyết tâm và ưu tiên chính trị cao nhất. Cần vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm quý của cha ông ta, của thế giới để chống tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng cần xác định là một nội dung quan trọng của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng, chống, trong đó có các biện pháp nghiệp vụ đặc thù của công tác an ninh.

Hai là, tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống tham nhũng có trọng tâm, trọng điểm.

Tham nhũng do nhiều nguyên nhân, điều kiện hình thành phát triển, do vậy, công tác phòng, chống tham nhũng cần chủ động nhận diện và dự báo chính xác, kịp thời, có hệ thống; trên cơ sở đó, đề ra các biện pháp chiến lược có tính lâu dài, đồng bộ để phòng ngừa, kiểm soát, từng bước đẩy lùi. Tuy nhiên, cần có sự đánh giá, phân loại các nguyên nhân để có những ưu tiên chiến lược, phòng, chống những nguyên nhân căn bản, gốc rễ. Qua nghiên cứu, các chiến lược trọng điểm cần ưu tiên, đó là: 1- Chiến lược kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua việc tăng cường tính minh bạch và cơ chế phản biện, giám sát thực chất hơn; 2- Chiến lược cán bộ đúng đắn theo hướng tinh giản biên chế, đổi mới căn bản cơ chế tuyển chọn, đánh giá, sử dụng, nhất là thực hiện chính sách đối với cán bộ, nghiêm trị tham nhũng chính trị.

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối một số tổ chức đảng_Ảnh: TTXVN

Ba là, chú trọng triển khai chiến dịch phòng, chống tham nhũng từ cơ sở, khắc phục căn bản tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Ngoài những chiến lược mang tính lâu dài, cần có những chiến dịch mang tính cấp bách, khẩn trương. Trước tiên, cần triển khai chiến dịch lan tỏa công tác phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ xuống các cấp cơ sở. Tham nhũng lớn là sự tích tụ của tham nhũng vặt. Muốn chống tham nhũng ở cấp cao hiệu quả phải phòng, chống tham nhũng quyết liệt ở cơ sở, ngăn chặn tình trạng các hành vi tham nhũng, tiêu cực vặt bị “bình thường hóa”, hình thành “thói quen” xấu. Khi người cán bộ được bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn không xóa bỏ được “thói quen” này sẽ dễ dẫn đến các hành vi tiêu cực, tham nhũng với mức độ ngày càng lớn, tinh vi hơn tương xứng với vị trí ngày càng cao của họ. Như vậy, phòng, chống tham nhũng phải trở thành một phong trào xã hội, nhất là lên án mạnh mẽ tham nhũng ngay từ cấp cơ sở; đưa công tác phòng, chống tham nhũng trở thành vấn đề thường trực trong đời sống chính trị từ cơ sở đến Trung ương.

Bốn là, hài hòa các biện pháp “bốn không” trong phòng, chống tham nhũng, trong đó quan tâm đúng mức tới yếu tố “không cần tham nhũng”.

Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp để cán bộ, đảng viên “không dám tham nhũng”, “không thể tham nhũng” bằng cách hoàn thiện cơ chế, chính sách nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, như đầu tư xây dựng, đấu thầu, thu chi ngân sách, quản lý, sử dụng tài sản công… ; hoàn thiện các quy định về công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, về kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập; xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi sự biến động tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, gia tăng trách nhiệm chứng minh tài sản tăng lên đối với cán bộ, bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội phạm tham nhũng; sớm ban hành Luật Bảo vệ nhân chứng để người dân tin tưởng, mạnh dạn hợp tác trong cuộc đấu tranh khó khăn, nhạy cảm này.

Năm là, cảnh giác với âm mưu lợi dụng vấn đề tham nhũng để xâm hại an ninh quốc gia.

Cùng với vấn đề dân chủ, nhân quyền, vấn đề tham nhũng thường bị các thế lực chống đối lợi dụng để xuyên tạc, hạ uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, tham nhũng không phải là vấn đề của riêng một quốc gia, mà còn là hiện tượng tất yếu trong bất kỳ xã hội nào, dưới bất kỳ mô hình chính trị nào. Do vậy, luận điểm cho rằng, tham nhũng là đặc điểm cố hữu, là sản phẩm của hình thái xã hội chủ nghĩa là sai lầm về cả về lý luận và thực tiễn. Đây là cơ sở để đấu tranh, phản bác những âm mưu lợi dụng vấn đề tham nhũng nhằm làm suy giảm uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Theo đó, cần công khai hơn nữa kết quả công tác phòng, chống tham nhũng để củng cố thêm niềm tin của người dân trong và ngoài nước vào thành công của công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. 

Tham nhũng gây ra những hậu quả, tác hại hết sức to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, đe dọa nghiêm trọng đến ổn định và phát triển toàn diện của Nhà nước và xã hội. Vì vậy, cần đặt công tác phòng, chống tham nhũng trong tổng thể công tác bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới với những chiến lược, giải pháp đồng bộ nhưng có trọng tâm, trọng điểm, thẳng thắn, mạnh dạn đi vào những điểm nghẽn mấu chốt, đòi hỏi sự đổi mới tư duy về chính trị, kinh tế và an ninh./.

------------------------------

(1), (2), (3), (4), (5), (6) Xem: TS. Đinh Văn Minh: Một số vấn đề về tham nhũng và những nội dung cơ bản của Luật phòng chống tham nhũng, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2018
(7), (11) Xem: “Transparency International: Corruption Perceptions Index (CPI) ”, https://www.transparency.org/en/cpi/2021
(8), (10) Xem: Hồ Sơn Đài, Vũ Thị Nghĩa: “Về biện pháp phòng, chống tham nhũng của các triều đại phong kiến Việt Nam trong lịch sử”, in trong sách Trương Gia Long (chủ biên): Bàn về giải pháp phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013.
(9) Xem: “Bàn về xây dựng đội ngũ quan lại trong các triều đại phong kiến Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo “Nâng cao năng lực lãnh đạo chỉ huy các cấp trong Công an nhân dân”, Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an, Hà Nội, 2005.