Những chiếc đồng hồ… “vô tội”!
Tôi có anh bạn thân cùng cơ quan, nhà ở phố cổ, xuất thân từ gia đình “có điều kiện” và rất đam mê đồng hồ hàng hiệu. Anh có thể nói chuyện say sưa cả ngày không biết chán về những chiếc đồng hồ siêu sang và nhất là về những cỗ máy kiệt tác ẩn giấu đằng sau lớp vỏ của chúng. Bản thân anh, sau nhiều năm âm thầm tích cóp, “lên đời” đồng hồ, đã có cho mình một bộ sưu tập kha khá với vài chiếc rất đắt tiền. Anh nói, chúng đem lại cho anh niềm vui trong cuộc sống, sự tự tin trong công việc và giao tiếp ngoài xã hội.
Qua những lần “khai sáng” của anh, tôi mới biết đến thú chơi đồng hồ của các bậc quân vương, mà có lẽ nổi tiếng nhất là chiếc Rolex của cựu hoàng Bảo Đại. Chiếc đồng hồ của Vua Bảo Đại mang tên Rolex Reference 6062. Ông đặt mua chiếc đồng hồ này vào năm 1954, khi sang Geneve, Thụy Sĩ để tham dự hội nghị đàm phán hòa bình về Đông Dương. Chiếc đồng hồ này được đánh giá là một trong những mẫu đồng hồ đặc biệt quý hiếm và có giá trị nhất mà thương hiệu Rolex từng chế tác. Chiếc Rolex Reference 6062 của Vua Bảo Đại về sau đã được bán đấu giá lên tới 5,06 triệu USD, trở thành chiếc đồng hồ đắt nhất Việt Nam ở thời điểm ấy (ngày 14-5-2017).
Nhưng đó là đồng hồ của các bậc vua chúa thời trước, dẫu có siêu đắt đỏ thì âu cũng là điều… chẳng có gì ghê gớm lắm, vì họ được thừa kế tài sản khổng lồ của hoàng tộc, vốn được ví như “núi vàng, núi bạc”! Điều đáng nói là, ngày nay, có một số vị cán bộ “tai to, mặt lớn” cũng có thú chơi, sưu tầm đồng hồ siêu sang, siêu đắt chẳng kém gì vua chúa ngày xưa, mà điểm khác biệt duy nhất có lẽ là: Có vị thì chỉ âm thầm nhìn ngắm, chiêm ngưỡng ở nhà cho thỏa niềm đam mê, chứ không dám đeo, vì đang đương chức, sợ thiên hạ ì xèo, điều ra tiếng vào, không hay, gây bất lợi cho đường quan lộ tiếp theo. Tuy nhiên, có vị vẫn “hiên ngang” đeo và lại còn rất tự hào, khoe khoang những chiếc đồng hồ siêu đắt của mình, để “lấy le”, khẳng định “đẳng cấp” với thiên hạ. Điển hình nhất có lẽ là thú chơi đồng hồ đã trở thành… “giai thoại”, của vị quan tham đã “ngã ngựa” - Trịnh Xuân Thanh.
Anh bạn tôi kể, thiên hạ đồn thổi rằng, Trịnh Xuân Thanh sở hữu nhiều chiếc đồng hồ siêu phẩm, trong đó có chiếc Patek Philippe Sky Moon Tourbillon 6002G huyền thoại. Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng đây là phiên bản giới hạn đặc biệt, với vỏ bọc làm từ vàng trắng cùng những họa tiết điêu khắc, chạm trổ tinh vi được làm hoàn toàn thủ công, cỗ máy cực kỳ phức tạp, tinh xảo bậc nhất trong dòng đồng hồ siêu cao cấp, giá của nó ở mức khoảng 1,7 triệu USD (tức là hơn 39 tỷ đồng, nếu tính theo tỷ giá hiện nay). Chưa hết, điều còn làm nên giá trị siêu khủng của nó là ở chỗ, không phải ai cứ “chồng” đủ 1,7 triệu USD là sẽ có cơ hội sở hữu chiếc đồng hồ đặc biệt quý hiếm này, bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện cực kỳ khắt khe khác của hãng đồng hồ danh tiếng Patek Philippe.
Thực ra, đó cũng mới là chỉ là tin đồn kiểu… rỉ tai, vỉa hè thôi. Còn câu chuyện sau đây, chúng tôi được chứng kiến thực: Có lần, cơ quan tôi tổ chức cho anh em đi trải nghiệm thực tế địa phương và được nghe một “vị quan” đầu tỉnh của một tỉnh nghèo thuộc vùng núi phía Bắc say sưa thuyết trình về kế hoạch xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và nghe ông thể hiện sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc với những khó khăn mà họ phải đối mặt trong cuộc sống. Anh bạn tôi ghé tai tôi thì thầm: Ông này diễn thuyết hùng hồn quá, nhưng lẽ ra không nên đeo chiếc Rolex để nói về chủ đề này trước mắt bàn dân thiên hạ; vì sự kiện này đang được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình tỉnh nhà. Anh chậm rãi giải thích cho kẻ “ngoại đạo”, vốn mù tịt về đồng hồ như tôi có cơ hội “gia tăng kiến thức chuyên môn”. Anh bảo, vì ngồi xa, nhìn không được rõ lắm, nhưng rõ ràng đây là chiếc Rolex phiên bản “thửa riêng”, với vỏ đúc bằng vàng khối cực kỳ đắt giá, mặt đen huyền bí với 11 viên kim cương tự nhiên sáng quắc, trong đó có viên to nhất được khảm ở vị trí 12h. Nghe anh nói xong, giờ tôi mới vỡ lẽ, thảo nào mỗi khi vị quan đầu tỉnh “chém tay” trên bục, tôi cứ thấy ánh sáng trắng lấp lánh rực rỡ, lóe lên đầy sang trọng, mê hoặc người nhìn!
Công bằng mà nói, những chiếc đồng hồ siêu đắt đỏ ấy hoàn toàn chẳng có… tội tình gì cả! Mà ngược lại, chúng là sản phẩm xa xỉ thể hiện tài hoa của nghệ nhân chế tác đồng hồ và cũng cho thấy tinh hoa của các hãng đồng hồ Thụy Sĩ cao cấp, là niềm tự hào, khẳng định cho chất lượng thương hiệu của ngành sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ đã nổi danh trên toàn cầu. Vì vậy, tuy thực sự vô cùng đắt đỏ, nhưng chúng rất đáng… “đồng tiền, bát gạo” và giới siêu giàu, ai cũng có nhu cầu muốn sở hữu chúng. Đó là điều hết sức bình thường và âu cũng là nhu cầu, đam mê chính đáng của con người. Duy chỉ có điều đáng bàn là, số tiền khổng lồ mà chủ nhân bỏ ra mua chúng có nguồn gốc từ đâu, là tiền “bẩn” hay tiền “sạch” mà thôi!
Đảng ta đang chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trong đó, có quyết tâm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là những người có chức, có quyền. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, vẫn có cán bộ lãnh đạo, quản lý tìm mọi cách “lách luật”, kê khai tài sản chưa trung thực, cộng thêm công tác kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi còn bị buông lỏng, thực hiện chưa nghiêm, nên mới dẫn tới hiện tượng, tuy không hẳn là phổ biến: Có vài vị cán bộ xuất hiện như “doanh nhân triệu đô”, trên người phủ đầy hàng hiệu cực “xịn”, đồng hồ siêu sang, nhẫn hột xoàn lớn, điện thoại Vertu vàng khối đắt đỏ… đã tạo nên hình ảnh đầy phản cảm, gây bức xúc quần chúng nhân dân. Và đương nhiên, dư luận có quyền đặt ra câu hỏi: Với thu nhập của cán bộ, công chức nhà nước, cho dù có là “ông to bà lớn” đi chăng nữa, thì số tiền khủng mà họ chi ra chỉ để sắm sửa những đồ dùng, vật dụng xa xỉ như thế đến từ đâu? Phải chăng đó là những khoản “hoa hồng”, “lại quả”… đầy mờ ám núp dưới danh nghĩa “quà biếu”, “quà tặng” cho lãnh đạo từ những doanh nghiệp “sân sau”, thân hữu? Thử hỏi, với “vẻ ngoài” hào nhoáng kệch cỡm như thế, mà họ vẫn còn leo lẻo nói tới việc “mình là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” một cách không biết ngượng mồm thì quả là điều quá… khôi hài! Phải “lôi cổ xuống” và trừng trị nghiêm khắc những ông “quan cách mạng” chỉ biết lợi dụng chức quyền để vơ vét cho “vinh thân phì gia” như lời cảnh báo, thái độ kiên quyết của Bác Hồ viết trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947, còn vẹn nguyên giá trị thời sự trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Khi những quan tham phải hầu tòa, ra trước vành móng ngựa, cổ tay chẳng còn chiếc đồng hồ nào cả, chỉ có… chiếc còng số tám sáng loáng đầy lạnh lùng, nghiệt ngã mà thôi. Đây là hình ảnh, thông điệp mang tính cảnh báo rất đanh thép, đầy nghiêm khắc cho các quan tham khác… chưa “bị lộ”, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với phương châm sẽ “không ngơi, không nghỉ”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”!
Phòng, chống tiêu cực từ những việc cơ bản nhất  (01/02/2022)
Phát huy vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn mới  (28/01/2022)
Tỉnh Hà Giang tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả  (27/12/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay