Hiệu quả từ đồng vốn nhân văn trên quê hương Hà Tĩnh
TCCS - Trong suốt những năm qua, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hà Tĩnh đã huy động được nguồn vốn tăng trưởng nhanh, nợ quá hạn thấp, dòng vốn tín dụng chính sách xã hội đã và đang chảy đều đặn, tạo nên những chuyển biến tích cực trên quê hương núi Hồng, sông La. Thời gian tới, những người làm tín dụng chính sách xã hội của tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tận tụy, say mê với công việc, đưa nhanh nguồn vốn ưu đãi tới người nghèo và đối tượng chính sách, hỗ trợ đắc lực chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Huy động mọi nguồn lực, tạo sinh kế cho người nghèo
Điểm nổi bật trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (gọi tắt là Chỉ thị) ở tỉnh Hà Tĩnh trong hơn 5 năm qua là được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực, tạo sinh kế cho người dân giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Sau khi có Chỉ thị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt đến cán bộ chủ chốt các cấp. Theo đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch về việc triển khai thực hiện Chỉ thị đến các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trong tỉnh căn cứ tình hình cụ thể của địa phương đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chỉ thị, đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp.
Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Thường xuyên quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động tín dụng chính sách; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vốn tín dụng chính sách xã hội đến đúng đối tượng thụ hưởng. Theo đó, căn cứ tình hình ngân sách của địa phương hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu, ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời ưu tiên hỗ trợ ngân sách trang bị, mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ công tác, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã hằng năm đều trích ngân sách tối thiểu là 250 tỷ đồng chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Ủy ban nhân dân cấp xã tại 262/262 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã ưu tiên dành diện tích trụ sở làm việc tổ chức thực hiện phiên giao dịch xã, bố trí lực lượng an ninh bảo đảm an toàn tuyệt đối các phiên giao dịch; công khai đầy đủ cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi, danh sách khách hàng vay, lãi suất, thời hạn vay…, bảo đảm công tác tín dụng chính sách được minh bạch, công khai để mọi người dân cùng thực hiện và tham gia giám sát. Tại tỉnh Hà Tĩnh hiện nay, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là 95,278 tỷ đồng, tăng 59,28 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị, trong đó, nguồn ngân sách cấp tỉnh là 78,049 tỷ đồng, nguồn ngân sách cấp huyện là 17,229 tỷ đồng. Tất cả 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã chuyển nguồn ngân sách sang NHCSXH.
Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng với chất lượng tốt, NHCSXH đã thực hiện phương thức cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác là cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân thông qua việc tổ chức thành lập và chỉ đạo hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Các tổ chức hội nhận ủy thác đã thành lập 3.558 tổ TK&VV tại tất cả các thôn trong toàn tỉnh với 118.368 thành viên tự nguyện tham gia. Tổ TK&VV là nơi các hộ nghèo và đối tượng chính sách tham gia sinh hoạt, công khai bình xét đối tượng được vay dưới sự hướng dẫn của các tổ chức hội nhận ủy thác, hoàn thiện thủ tục hồ sơ vay vốn ban đầu, tự nguyện giúp đỡ, hỗ trợ và liên kết với nhau trong sản xuất, kinh doanh… Sau khi hồ sơ vay vốn tại tổ đã hoàn thiện, các tổ chức hội nhận ủy thác phối hợp với ban giảm nghèo cấp xã, trình chủ tịch UBND xã phê duyệt, đề nghị NHCSXH giải ngân. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội của NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh là 4.551 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99,7% trong tổng nợ. Trong đó, Hội Nông dân quản lý 1.682 tỷ đồng, chiếm 37% dư nợ ủy thác; Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý 1.512 tỷ đồng, chiếm 33%; Hội Cựu chiến binh quản lý 786 tỷ đồng, chiếm 17 %; Đoàn Thanh niên quản lý 570 tỷ đồng, chiếm 13% .
Ngành lao động - thương binh và xã hội phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan hữu quan thực hiện việc điều tra, rà soát, bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo đúng quy định hiện hành, tạo thuận lợi cho NHCSXH giải ngân cho vay. Cung cấp đầy đủ danh sách các đối tượng chính sách, giúp cho ban giảm nghèo cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, UBND xã phối hợp với NHCSXH cho vay các chương trình tín dụng kịp thời, đúng đối tượng. Nhằm giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng hiệu quả vốn tín dụng chính sách, ngành lao động - thương binh và xã hội và ngành nông, lâm, ngư nghiệp phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và NHCSXH tỉnh hỗ trợ người vay vốn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ; tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, chế biến, bảo quản, tìm đầu ra và định hướng tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả việc sử dụng vốn vay từ NHCSXH. Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác truyên truyền chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, như Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các huyện, thị xã, các tạp chí, mạng xã hội, đồng thời công khai tại trụ sở ngân hàng, UBND các xã; thông qua các hội nghị giao ban, các cuộc họp dân, họp hội viên, đoàn viên…, các cơ chế, chính sách về tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã được minh bạch, công khai, giúp các tầng lớp nhân dân nắm bắt, hiểu rõ để thực hiện và tăng cường giám sát khi thực hiện.
Đồng vốn được sử dụng hiệu quả, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới
Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ở tỉnh Hà Tĩnh, đồng vốn của NHCSXH đã đầu tư đúng đối tượng, có hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn để người dân đầu tư, phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Đã giải quyết cho 216.532 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay số tiền là 6.795 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được hộ nghèo vay để mua sắm vật tư, con giống phục vụ sản xuất, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp, mua sắm máy móc thiết bị, ngư lưới cụ, khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống, như mộc, rèn, thủ công mỹ nghệ…, giúp cho 36.950 hộ vượt qua ngưỡng đói nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống; 37.127 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập, góp phần quan trọng đào tạo nguồn nhân lực, xóa tình trạng học sinh, sinh viên phải bỏ học vì không trang trải được học phí; tạo được 7.679 việc làm do được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 346 người được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách xã hội của tỉnh còn cho các hộ dân vay xây dựng mới, cải tạo 137.475 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường tại khu vực nông thôn; cho vay xây dựng 905 căn nhà ở cho hộ nghèo và nhà vượt lũ; cho vay mua 212 căn nhà ở xã hội, xây dựng, cải tạo 89 căn nhà kiến cố.
Hiện nay, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đang quản lý 4.562 tỷ dư nợ, tăng 1.294 tỷ so với trước khi có Chỉ thị, với 118.368 hộ gia đình thụ hưởng 16 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Nhờ triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc các cơ chế, nghiệp vụ, vốn tín dụng chính sách xã hội được cho vay đúng đối tượng, hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả, trả nợ đúng hạn, do vậy chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao, nợ quá hạn tại NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh luôn thấp nhất toàn hệ thống, chỉ chiếm 0,05% trên tổng dư nợ. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 trong toàn tỉnh còn khoảng 3%, giảm 8,4% so với năm 2016 (bình quân hằng năm giảm 1,68%).
Có thể khẳng định, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã thực sự đi vào cuộc sống ở tỉnh Hà Tĩnh; cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Chỉ thị tạo sự chuyển biến lớn về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tín dụng chính sách; tạo sự đồng thuận cao trong đảng viên và nhân dân; huy động, tập trung nguồn lực của địa phương vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm nhẹ gánh nặng từ ngân sách Trung ương. Tăng cường giám sát, kiểm tra, hỗ trợ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Nhờ đó, đến nay, tỉnh Hà Tĩnh có 157/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) (chiếm tỷ lệ 86,3% tổng số xã); 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM là: Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc và Thạch Hà; 2 đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là thị xã Hồng Lĩnh và thành phố Hà Tĩnh, vượt mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra và vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao trước 2 năm.
Thông qua thực hiện tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tăng cường sự gắn kết giữa cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội với nhân dân, thu hút các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, làm cho nhân dân tin tưởng hơn vào chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp người nghèo và đối tượng chính sách thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất để tạo thu nhập, từng bước giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Nguồn vốn trên cũng góp phần thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, làm cho nông thôn khởi sắc, bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá của địa phương; hạn chế nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” nông thôn; gắn kết người nghèo, gắn kết cộng đồng, thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm, góp phần khôi phục, phát triển bản sắc văn hóa vùng miền, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Một số hạn chế, vướng mắc cần sớm được khắc phục
Tuy đạt nhiều thành tựu, song quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, của Ban Bí thư, tại tỉnh Hà Tĩnh còn một số hạn chế, vướng mắc làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Thứ nhất, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tín dụng chính sách xã hội chưa đầy đủ, do vậy, đã coi tín dụng chính sách như là một hoạt động tín dụng bình thường của các ngân hàng thương mại khác. Điều này dẫn đến có nơi, có lúc thiếu sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ và nâng cao trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách.
Thứ hai, mặc dù hội đồng nhân dân, UBND, ngành tài chính cấp tỉnh, cấp huyện đã quan tâm chuyển nguồn vốn ngân sách sang NHCSXH cho vay đối với các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo tinh thần Chỉ thị 40-CT/TW và Quyết định số 401/QĐ-TTg, ngày 14-3-2016, của Thủ tướng Chính phủ, “Ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 24-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, nhưng do ngân sách địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nên những năm qua nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH còn hạn chế. Chưa huy động được sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.
Thứ ba, sự phối hợp, lồng ghép giữa các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động hỗ trợ công tác giảm nghèo, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm... với tín dụng chính sách chưa đồng bộ, nên một số nơi hiệu quả sử dụng vốn tín dụng ưu đãi của người vay còn hạn chế.
Thứ tư, một số địa phương cấp xã chưa rà soát, bổ sung kịp thời những hộ nghèo, cận nghèo mới phát sinh hoặc tái nghèo, cận nghèo do thiên tai, dịch bệnh, ốm đau..., vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo để làm cơ sở cho vay vốn, dẫn đến các hộ trên chậm được thụ hưởng. Một số hộ vay còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, thiếu ý thức trả nợ, dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi vốn để quay vòng cho các hộ khác được vay. Trách nhiệm quản lý của UBND một số xã chưa cao, dẫn đến tình trạng hộ còn dư nợ chuyển đi khỏi nơi cư trú hoặc chuyển nhượng tài sản trước khi đi khỏi nơi cư trú, nhưng không thực hiện trả nợ vay NHCSXH.
Tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững
Phát huy kết quả qua hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Tỉnh ủy Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh sự lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện trên địa bàn tỉnh với những giải pháp cơ bản:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh truyên truyền, quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 40-CT/TW, Công văn số 210/CV-TU của Tỉnh ủy Hà Tĩnh về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, làm cho các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Từ đó tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Hai là, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành tuyên truyền, triển khai và tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách kịp thời; thực hiện đầy đủ, đúng quy định các nhiệm vụ nhận ủy thác từ NHCSXH. Tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm để người vay sử dụng vốn đúng mục đích, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đôn đốc thu hồi nợ đúng hạn, hạn chế nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.
Ba là, hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh, cấp huyện hằng năm ưu tiên tăng nguồn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hỗ trợ cơ sở vật chất, chi phí hoạt động cho NHCSXH. Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí địa điểm, công khai, minh bạch các cơ chế về tín dụng chính sách để nhân dân nắm bắt; bảo đảm an ninh, tổ chức phiên giao dịch hiệu quả, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận, thụ hưởng vốn tín dụng chính sách thuận lợi, kịp thời, với chi phí thấp nhất.
Bốn là, kiện toàn, củng cố ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của ban đại diện hội đồng quản trị, đặc biệt thành viên là chủ tịch UBND cấp xã trong việc triển khai chỉ đạo thực hiện cơ chế tín dụng chính sách xã hội, vai trò kiểm tra, giám sát hoạt động để kiến nghị, đề xuất, điều chỉnh cơ chế phù hợp, hiệu quả.
Năm là, NHCSXH tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cải cách hành chính, hướng về lợi ích cho người dân. Tham mưu các chương trình, mô hình kinh tế hiệu quả để nhân rộng, gắn hoạt động tín dụng chính sách với phát triển các chương trình kinh tế địa phương nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn./.
Giải cơn khát vốn cho miền đất thiếu mưa, thừa nắng gió  (31/05/2021)
Ngân hàng Chính sách xã hội: Vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế  (27/05/2021)
Chuyển tải kịp thời vốn chính sách trong mùa dịch COVID-19  (26/05/2021)
Chia sẻ khó khăn với người dân vùng dịch Bắc Giang  (21/05/2021)
Những bước phát triển vượt bậc của Ngân hàng Chính sách xã hội  (20/05/2021)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm