Tỉnh Kon Tum đầu tư trọng điểm ba vùng kinh tế động lực, tạo bước đột phá để phát triển bền vững
TCCS - Xác định tiềm năng, lợi thế của tỉnh khu vực Bắc Tây Nguyên, Tỉnh ủy Kon Tum lãnh đạo tập trung dồn sức đầu tư xây dựng ba vùng kinh tế động lực: Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi), Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông) và thành phố Kon Tum. Với quyết tâm và đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện, diện mạo của ba vùng kinh tế đã hiện hữu, góp phần tích cực vào thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Thu hút đầu tư vào ba vùng kinh tế
Điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum những năm qua là sự tăng tốc ấn tượng trong lĩnh vực thu hút đầu tư vào ba vùng kinh tế động lực của tỉnh theo Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 2-4-2007, của Tỉnh ủy Kon Tum, “Về đầu tư và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh giai đoạn 2007 - 2020”. Ba vùng kinh tế động lực được hoạch định và phát triển theo hướng: Thành phố Kon Tum gắn với Khu công nghiệp Hòa Bình và các khu đô thị mới; Vùng kinh tế trọng điểm huyện Ngọc Hồi gắn với Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y; Vùng kinh tế huyện Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen. Đó là những đột phá chiến lược của tỉnh Kon Tum được tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện khá đồng bộ, có bước đi, lộ trình vững chắc và phù hợp với thực tiễn, tạo nên sức bật mới, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum phát triển, có tác động lan tỏa và thúc đẩy các vùng kinh tế khác trong tỉnh.
Trong 5 năm (2016 - 2020), tỉnh Kon Tum đã huy động và bố trí trên 7.681 tỷ đồng đầu tư phát triển tại ba vùng kinh tế động lực nói trên. Đến nay, tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp Hòa Bình, Đắk La, Sao Mai, Măng Đen đã có 153 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 8.886 tỷ đồng. Trong đó, riêng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y với 63 dự án, Khu công nghiệp Hòa Bình đã được lấp đầy với 33 dự án, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho trên 1.500 lao động tại chỗ. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã thu hút 16 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 4.645 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2018, 2019 đã thu hút được các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn, như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Tập đoàn TH True Milk... đến nghiên cứu và đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; các tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ; dự án điện gió, điện mặt trời... tại ba vùng kinh tế. Một loạt các hoạt động xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước cũng được thực hiện trong thời gian gần đây, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân có tiềm lực kinh tế đối với các lĩnh vực tiềm năng của địa phương. Các dự án trên khi hoàn thành sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó, sự ra đời và đi vào hoạt động của Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp tỉnh vào cuối năm 2019 càng củng cố niềm tin của người dân và nhà đầu tư về một môi trường đầu tư theo chiều hướng thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư mới.
Đối với các dự án đầu tư nước ngoài, đến nay, tỉnh Kon Tum đã có 363 dự án được cấp phép đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó có 334 dự án đang còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký trên 58.683 tỷ đồng. Những nỗ lực vượt bậc của tỉnh trong xúc tiến và thu hút đầu tư, cùng với những giải pháp quyết liệt trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư đã mang lại những thành quả tích cực, tạo tiền đề cho việc xác định những mục tiêu tiếp theo, căn cơ và vững chắc hơn.
Cùng với việc tăng cường cải cách hành chính để tạo niềm tin ngay từ ban đầu cho nhà đầu tư vào ba vùng kinh tế, những năm qua, tỉnh Kon Tum ban hành nhiều chủ trương và dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Khu công nghiệp Hòa Bình, Cụm công nghiệp Sao Mai và nhất là Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Ngày 9-1-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU, “Về triển khai thực hiện các lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội”, trong đó, lĩnh vực đột phá là tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, các khu đô thị mới kết hợp với dịch vụ, nhất là trên địa bàn thành phố Kon Tum; đẩy mạnh đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ; trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu và hệ thống xử lý nước thải trong khu, cụm công nghiệp với phương châm đầu tư phân kỳ, chọn hạng mục thi công, vừa xây dựng, vừa kêu gọi, nhanh chóng tiếp nhận các dự án đầu tư.
Song song với việc tăng tốc thu hút đầu tư vào ba vùng kinh tế động lực, tỉnh Kon Tum còn tích cực xúc tiến đầu tư phát triển và quảng bá các sản phẩm mũi nhọn chủ lực là thế mạnh riêng của tỉnh, như sâm Ngọc Linh, các sản phẩm cà phê chế biến và các loại dược liệu đặc trưng của địa phương, như hồng đẳng sâm, đương quy, đinh lăng... Các doanh nghiệp, như Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh, công ty cổ phần Dược - Vật tư y tế tỉnh đã tiên phong trong việc nghiên cứu, bảo tồn thành công nguồn gen gốc và nhân giống, mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng lên tới 660ha và đang triển khai dự án trồng mới gần 5.000ha tại huyện Tu Mơ Rông. Năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thành công hội nghị đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác tại thành phố Hà Nội; tổ chức triển lãm di sản văn hóa, sâm Ngọc Linh Kon Tum “Báu vật đại ngàn” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đồng thời, đã gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Thái Lan và đi thực tế tìm hiểu, thu hút các nhà đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Pháp.
Hiệu quả từ chủ trương đúng
Từ chủ trương đúng hướng và giải pháp đồng bộ trong xây dựng và phát triển ba vùng kinh tế động lực nên trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã có sự bứt phá toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9,7%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra. Có 27/30 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đề ra đều đạt và vượt (trong đó có 11/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt). Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 14.782 tỷ đồng, tăng 9,96%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 37,35 triệu đồng lên 41,28 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 3.124 tỷ đồng, vượt 26,63% kế hoạch đề ra. Đến tháng 8-2020, tỉnh Kon Tum có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 24 xã.
Tỉnh Kon Tum đạt nhiều thành tựu trong thu hút đầu tư vào ba vùng kinh tế động lực, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, thông qua việc triển khai các thỏa thuận, nội dung hợp tác trong Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; chương trình hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và trong quan hệ với các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, khu vực Nam Lào, Đông Bắc Campuchia. Đồng thời, chủ động tăng cường liên kết phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, khu vực duyên hải miền Trung và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, tỉnh Kon Tum đang khẩn trương đầu tư xây dựng để thành phố Kon Tum đạt tiêu chuẩn của đô thị loại II, xúc tiến thành lập thị xã Ngọc Hồi vào năm 2021. Xúc tiến xây dựng trung tâm hành chính mới của tỉnh và các khu đô thị mới gồm: phía Nam cầu Đắk Bla, khu đô thị sân bay cũ, khu đô thị Bắc Duy Tân, khu dân cư Hoàng Thành thuộc xã Đắk Cấm, khu dân cư phía bắc và phía nam thành phố Kon Tum... Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều chủ trương, chính sách mới đầu tư có chiều sâu vào ba vùng kinh tế đã tạo ra bước phát triển mạnh mẽ, với các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, phù hợp với lợi thế của tỉnh và xu hướng chung của thị trường. Kết quả quan trọng nhất là tỉnh đã thành lập được các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và ban hành được chương trình, kế hoạch dồn đổi, tích tụ ruộng đất để xây dựng “cánh đồng lớn” thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Tạo giải pháp khơi thông nguồn lực
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum xác định những nhiệm vụ trọng tâm cơ bản trong giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu tiếp tục vượt qua khó khăn của một tỉnh còn nghèo, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; dân số ít, phân bố chưa tập trung, trình độ dân trí không đồng đều, nguồn nhân lực chất lượng thấp... là những thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của tỉnh Kon Tum trong giai đoạn mới.
Kế thừa những thành quả, kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn trong thời gian qua, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tập trung lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế, trọng tâm là tiếp tục đẩy nhanh xây dựng, phát triển ba vùng kinh tế động lực với những giải pháp:
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng. Giao nhiệm vụ cấp ủy các cấp tăng cường lãnh đạo, xác định các định hướng, giải pháp đột phá cụ thể cho từng vùng kinh tế động lực của tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước cho chính quyền tại các vùng kinh tế động lực; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của các địa phương. Chỉ đạo rà soát các dự án đầu tư đã được cấp phép, trên cơ sở đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường năng lực và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư; tạo lập môi trường bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; chính sách thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các vùng kinh tế động lực.
Hai là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng đường cao tốc Cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Ngọc Hồi - Pleiku. Cùng với hai tỉnh Gia Lai và Bình Định đề xuất làm đường cao tốc Pleiku - Quy Nhơn; phối hợp với các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi để mở rộng các tuyến giao thông kết nối liên vùng như Quốc lộ 40, Quốc lộ 24 nhằm tăng cường giao lưu và phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lưới; hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch và trường lớp, bệnh viện, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình... Ưu tiên đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị làm hạt nhân phát triển, gắn với lồng ghép các nguồn lực đầu tư hạ tầng nông thôn đạt tiêu chí nông thôn mới.
Ba là, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 30-6-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh”. Tập trung đầu tư phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông và thành phố Kon Tum; phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Ngọc Hồi khi có đủ điều kiện. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra cho nông sản để hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giá trị cao. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, nhất là những sản phẩm chủ lực, đặc hữu của tỉnh, như sâm Ngọc Linh, cà phê Thanh Hương, Da Vàng, rượu sim Măng Đen, hồng đẳng sâm, đương quy, đinh lăng...
Bốn là, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy hoạch ở các vùng kinh tế động lực. Định kỳ tiến hành kiểm tra và đôn đốc việc tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, khắc phục ngay tình trạng “quy hoạch treo”. Huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng tại các vùng kinh tế. Tiếp tục rà soát, lựa chọn danh mục các công trình trọng điểm, thiết yếu tại từng vùng kinh tế động lực để tập trung kêu gọi, bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp. Thực hiện phương án tạo vốn, huy động vốn từ quỹ đất để đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo đảm vừa tạo được vốn, vừa mở rộng đô thị tại các vùng kinh tế động lực. Tiếp tục ưu tiên thỏa đáng nguồn lực để hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương vùng kinh tế động lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, trước hết là tại các xã điểm để làm cơ sở tổng kết, nhân rộng.
Năm là, triển khai có hiệu quả các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục củng cố và phát triển các mối quan hệ hợp tác quốc tế đã được thiết lập, trong đó coi trọng củng cố, tăng cường quan hệ, hợp tác toàn diện với các tỉnh giáp biên giới của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh giáp biên giới của hai nước bạn để đề nghị Chính phủ ba nước xem xét, sớm mở cửa khẩu phụ ở những nơi có đủ điều kiện và nâng cấp các cửa khẩu phụ lên thành cửa khẩu chính. Nghiên cứu, đề xuất thiết lập quan hệ hợp tác với một số địa phương của Pháp và các nước châu Âu, châu Mỹ có thế mạnh về du lịch, quy hoạch và quản lý đô thị; thực hiện có hiệu quả nội dung hợp tác đã ký kết với các địa phương của Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Israel./.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, bảo đảm phát triển ổn định, giữ vững vai trò nòng cốt trong ngành dệt may Việt Nam  (31/10/2020)
Phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại  (24/09/2020)
Hà Nội: Để đạt lợi ích kép thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển bền vững  (16/09/2020)
Hà Nội: Tái cơ cấu khu công nghiệp, khu chế xuất để phát triển bền vững  (29/07/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên