Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, bảo đảm phát triển ổn định, giữ vững vai trò nòng cốt trong ngành dệt may Việt Nam
TCCS - Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là một sự kiện chính trị quan trọng của toàn Đảng bộ Tập đoàn. Nhận thức rõ trách nhiệm đối với cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động của Tập đoàn, phát huy tinh thần “Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới - Phát triển”, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các nội dung trình Đại hội. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức đảng trực thuộc chuẩn bị, tiến hành Đại hội theo đúng quy trình, nội dung và bảo đảm chất lượng.
Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam là đảng bộ cấp trên cơ sở, hoạt động theo mô hình đảng bộ công ty mẹ mở rộng, quản lý trực tiếp 20 đảng bộ, chi bộ cơ sở gồm 12 đảng bộ và 8 chi bộ cơ sở, với tổng số gần 1.800 đảng viên. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn lần thứ II trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển gặp rất nhiều khó khăn do biến động của thị trường thế giới bởi cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi, nhất là tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp… Đối với tình hình kinh tế trong nước, giai đoạn 2015 - 2020, chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng đã tác động không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp dệt may.
Trong bối cảnh đó, với tư duy mới, quyết tâm chính trị mạnh mẽ, Đảng ủy, ban lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, các đơn vị thành viên và toàn thể cán bộ, công nhân viên trong Tập đoàn đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.
Hội đồng quản trị, cơ quan điều hành Tập đoàn đã chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt, định hướng rõ ràng, cụ thể, đầu tư hợp lý, cân đối các nguồn lực toàn Tập đoàn để bảo đảm tính khả thi của các dự án đầu tư, giải quyết tốt về môi trường, triển khai theo hướng tạo ra lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững. Giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện năm 2015 đạt 36.512 tỷ đồng, năm 2019 đạt 45.486 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng bình quân là 5,62%/năm. Doanh thu tăng qua các năm, năm 2015 thực hiện đạt 39.455,6 tỷ đồng, năm 2019 đạt 49.200 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân là 5,65%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thực hiện năm 2015 đạt 2,394 tỷ USD, năm 2019 đạt 2,9 tỷ USD, với mức tăng trưởng bình quân là 5,02%/năm. Tỷ lệ cổ tức bình quân trong 5 năm 2015 - 2020 đạt 5,2%/năm, riêng năm 2018 đạt 6%/vốn điều lệ. Nộp ngân sách bình quân 176 tỷ đồng/năm. Công tác tái cơ cấu của Tập đoàn cơ bản được triển khai tốt, đúng tiến độ. Đây là thành quả của nhiều giải pháp được chỉ đạo từ Tập đoàn tới các đơn vị thành viên, trọng tâm là tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí, đầu tư tối ưu, đem lại hiệu quả và quan trọng nhất là sự quyết tâm của các cấp ủy đảng, ban lãnh đạo, của toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động trong Tập đoàn.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, thu nhập của người lao động có mức tăng trưởng bình quân đạt 7%/năm, từ 6,3 triệu đồng năm 2015 lên 8,3 triệu đồng năm 2019, tăng 2 triệu đồng/người/tháng so với năm 2015. Các doanh nghiệp bảo đảm đủ việc làm cho người lao động, thực hiện nghiêm Luật Bảo hiểm xã hội và đều thành lập tổ chức công đoàn; 100% số người lao động tham gia tổ chức công đoàn cơ sở. Bên cạnh đó, Đảng ủy Tập đoàn luôn quan tâm và chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ chú trọng cải thiện môi trường làm việc, xây dựng chính sách liên quan đến tiền lương, thưởng, phúc lợi hợp lý, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa quyền lợi của người lao động và lợi ích của doanh nghiệp nhằm mục tiêu tiến tới phát triển bền vững trong tiến trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Hằng năm, Tập đoàn trợ cấp cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn khoảng 6 tỷ đồng/năm. Tính đến nay, đa phần các đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn đều có hội trường, nhà ăn, tủ sách… để phục vụ cán bộ, công nhân viên.
Nhiều đơn vị tổ chức ăn sáng miễn phí cho công nhân; duy trì quỹ học bổng dành cho con em công nhân nghèo có thành tích tốt trong học tập; hỗ trợ người lao động vay vốn để giải quyết khó khăn trong gia đình như chữa bệnh, sửa chữa nhà cửa...; xây dựng sân bóng đá mini, như PP, Việt Thắng, Hoà Thọ, Việt Tiến. Đảng bộ Tổng công ty cổ phần Phong Phú là đơn vị tiên phong trong xây dựng chung cư mini để bán và cho thuê với giá ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên, với tổng mức đầu tư trên 150 tỷ đồng, diện tích đất 4500m2. Đơn vị cũng xây dựng và đưa vào vận hành công trình nhà nghỉ dưỡng cho cán bộ, công nhân viên tại Đà Lạt tiêu chuẩn 3 sao với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng, phục vụ tổ chức các đợt nghỉ mát hằng năm cho toàn bộ người lao động trong đơn vị…
Không chỉ chăm lo cho người lao động trong nội bộ Tập đoàn, Đảng ủy Tập đoàn Dệt may còn rất quan tâm đến thực hiện công tác an sinh xã hội đối với cộng đồng. Từ năm 2015 đến nay, hằng năm, Tập đoàn và các đơn vị trong Tập đoàn đều ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo”, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ tấm lòng vàng”, ủng hộ “Trung tâm trẻ mồ côi”,… hàng tỷ đồng mỗi năm. Hằng năm, mỗi dịp chuẩn bị đón xuân mới, Đảng bộ Tập đoàn tổ chức Hội chợ "Tết sum vầy" nhằm cung cấp các sản phẩm dệt may và các nhu yếu phẩm với giá ưu đãi đặc biệt, tặng quà trợ cấp cho những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho người lao động đón Tết vui vẻ và đầm ấm. Thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ, hằng năm, Tập đoàn tặng quà tết cho đồng bào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ xây dựng trạm y tế xã, bảo đảm việc làm cho người lao động...
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Tập đoàn đạt nhiều kết quả quan trọng. Đảng bộ có sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, là hạt nhân đoàn kết và là cơ sở cho sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và toàn thể người lao động. Công tác cán bộ được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy trình, có bước đột phá. Chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng lên; cơ cấu độ tuổi, giới tính, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý; nguồn cán bộ quy hoạch khá dồi dào, chất lượng, bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ. Đến nay, 100% số cán bộ nguồn đều có trình độ đại học trở lên, bảo đảm cơ cấu 3 độ tuổi, tỷ lệ cán bộ nữ trẻ trong quy hoạch. Đã cử 12 cán bộ đi học cử nhân và cao cấp lý luận chính trị; 5 cán bộ đi học trung cấp lý luận chính trị, 1.227 cán bộ đi học sơ cấp lý luận chính trị; 32 cán bộ được cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn và công tác Đảng. Đảng ủy Tập đoàn cũng chỉ đạo tổ chức 20 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, trong đó có 710 quần chúng ưu tú và 425 đảng viên dự bị. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được chú trọng đã góp phần tích cực vào việc giáo dục đạo đức, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, thực hiện có hiệu quả, góp phần giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, biên soạn tài liệu, tổ chức hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và triển khai Chương trình hành động của Đảng bộ Tập đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cho 100% cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở quán triệt các nghị quyết Đại hội Đảng và các Hội nghị Trung ương, của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và thực tiễn tình hình hoạt động của Tập đoàn, Đảng ủy Tập đoàn ban hành các nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện mọi mặt hoạt động của Tập đoàn. Đã ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 5-10-2018, của Ban Tổ chức Trung ương, “Thực hiện hợp nhất các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy với các cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng của doanh nghiệp theo Quy định số 69-QĐ/TW, của Ban Bí thư, khóa XII, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã ban hành Quyết định số 874-QĐ/ĐUTĐ, ngày 14-11-2018, hợp nhất một số ban đảng với ban chuyên môn, trong đó sáp nhập Ban Dân vận vào Ban Tuyên giáo, Đoàn thể, Ban Tổ chức với Ban Quản lý nguồn nhân lực, Văn phòng Đảng ủy và Văn phòng Tập đoàn, cơ quan Ủy ban Kiểm tra với cơ quan Thanh tra.
Công tác tái cơ cấu của Tập đoàn cơ bản đã được triển khai tốt, đúng tiến độ. Căn cứ Quyết định số 320/QĐ-TTg, ngày 8-2-2013, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dệt may Việt Nam giai đoạn 2013 - 2015” và tình hình thực tế quản lý vốn đầu tư tại Vinatex, Tập đoàn Dệt may Việt Nam thực hiện thoái vốn tại các đơn vị thành viên, tập trung nguồn lực vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cốt lõi, hình thành chuỗi cung ứng sợi - dệt - nhuộm hoàn tất - may. Đến nay, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã hoàn thành thoái vốn tại 29 đơn vị với tổng thu đạt 1.365,8 tỷ đồng trên giá gốc đầu tư là 1.263,4 tỷ đồng, lãi 102,4 tỷ đồng. Riêng năm 2019, đã hoàn thành thoái vốn tại 3 đơn vị là Công ty cổ phần Thiên Hưng, Công ty cổ phần Len Việt Nam và Công ty cổ phần Bông Việt Nam, với tổng thu năm 2019 khoảng 95 tỷ đồng/giá gốc là 58 tỷ đồng, lãi 37 tỷ đồng. Tập đoàn vẫn đang tiếp tục thực hiện thoái vốn tại 8 đơn vị nằm trong danh mục theo Quyết định số 320/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả với tổng giá gốc phải thoái là 233,6 tỷ đồng.
Với những kết quả và thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể của Tập đoàn đã vinh dự nhận được nhiều khen thưởng của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương. Bước sang nhiệm kỳ 2020 - 2025, trước tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó đoán định, tác động mạnh mẽ từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra nhiều cơ hội đột phá, đan xen không ít những khó khăn, thách thức, Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, làm tốt công tác xây dựng Đảng, không ngừng củng cố, chăm lo xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn cũng như các nghị quyết của Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, của Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề ra; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt Chỉ thị số 05 CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong Đảng bộ và trong toàn Tập đoàn; đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ theo hướng cụ thể, thiết thực gắn với hoạt động của các tổ chức đảng và với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, phù hợp với mô hình doanh nghiệp sau sắp xếp, cơ cấu lại theo chỉ đạo của Chính phủ. Tập đoàn sẽ thực hiện thoái vốn nhà nước nhưng các tổ chức đảng và đảng viên vẫn tiếp tục sinh hoạt. Do đó, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảng của Đảng bộ cần phải đổi mới để phù hợp với mô hình mới.
Thứ ba, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII, "Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước", trọng tâm là thực hiện thắng lợi việc sắp xếp, cơ cấu lại Tập đoàn Dệt may Việt Nam theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng suất lao động, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, xây dựng chiến lược tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ quản trị cấp cao; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Thứ tư, tập trung lãnh đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ chính trị, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, đặc biệt tập trung để Tập đoàn phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong đại dịch COVID-19; đẩy mạnh việc tạo ra các chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị gia tăng hoàn chỉnh từ thiết kế thời trang đến phân phối thương hiệu; phát hiện các điểm nghẽn, bất cập về chính sách, đề xuất sửa đổi, bổ sung ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn nói riêng và của ngành dệt may Việt Nam nói chung; phát triển lực lượng lao động, vị thế trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu và tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội./.
Phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại  (24/09/2020)
Hà Nội: Để đạt lợi ích kép thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển bền vững  (16/09/2020)
Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam thành công tốt đẹp  (26/08/2020)
Hà Nội: Tái cơ cấu khu công nghiệp, khu chế xuất để phát triển bền vững  (29/07/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam