Lào Cai đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
TCCS - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 1-10-2021, của Tỉnh ủy, “Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tình hình mới”, với nhiều cách làm sáng tạo, chủ động, toàn diện, đồng bộ, việc học tập và làm theo Bác tại tỉnh Lào Cai ngày càng trở thành công việc thường xuyên, ý thức tự giác, đi vào chiều sâu và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Những điểm sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp. Nhận thức sâu sắc việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy có ý nghĩa quan trọng, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục đi vào nền nếp, trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, ngày càng hiệu quả thực chất; góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thời gian qua, Tỉnh ủy đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 12-NQ/TU, như Kế hoạch số 92-KH/TU, ngày 18-1-2022, “Về triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022”; Kế hoạch số 118-KH/TU, ngày 18-4-2022, “Về triển khai học tập chuyên đề năm 2022 học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên””; Kế hoạch số 170-KH/TU, ngày 31-1-2023, “Về thực hiện việc học tập, làm theo và nêu gương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023”; Kế hoạch số 173-KH/TU, ngày 7-2-2023, “Triển khai học tập chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023 về “Nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân””; Kế hoạch số 247-KH/TU, ngày 22-1-2024, “Về thực hiện việc học tập, làm theo và nêu gương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024”. Trong 3 năm qua, bám sát sự chỉ đạo của các cấp ủy, 100% các chi, đảng bộ, cơ quan, đơn vị đều tổ chức cho cán bộ, đảng viên tham gia học tập, quán triệt đầy đủ, thực chất các nội dung, yêu cầu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chủ đề toàn khóa và hằng năm. Phương thức, nội dung học tập ngày càng đổi mới, nâng cao hiệu quả. Toàn tỉnh đã tổ chức được 6.851 hội nghị học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với 312.016 đại biểu tham dự. Công tác tổ chức, quản lý đại biểu tham dự hội nghị được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ. Tại các hội nghị học tập chuyên đề, Tỉnh ủy chỉ đạo tiến hành điểm danh bằng mã QR-code và tham gia trả lời câu hỏi kiểm tra, đánh giá nhận thức của đại biểu nhằm nâng cao chất lượng học tập chuyên đề. Nhiều cấp ủy đã nghiên cứu, chỉ đạo triển khai nhiều cách làm phù hợp, sáng tạo, sát với điều kiện thực tiễn.
Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo, triển khai nghiêm túc việc đưa nội dung học tập và làm theo Bác là một nội dung quan trọng trong sinh hoạt chi bộ, cơ quan định kỳ hằng tháng, quý. Trong 3 năm thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU, của Tỉnh ủy, toàn tỉnh có 6.101 lượt chi bộ duy trì việc thảo luận chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đăng trên Bản tin thông báo nội bộ trong các kỳ sinh hoạt chi bộ định kỳ, đạt tỷ lệ 96,8%; có 5.681 lượt chi bộ duy trì tổ chức sinh hoạt chuyên đề học tập và làm theo Bác hằng quý, đạt tỷ lệ 93%. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện giữ vững bản lĩnh chính trị, giữ gìn đạo đức, lối sống trong sáng, giản dị, gắn với nêu cao tinh thần, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tận tụy trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Việc thực hiện cam kết nêu gương, kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt được triển khai nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn kết chặt chẽ với việc triển khai thực hiện các chủ đề hằng năm về phát huy vai trò nêu gương, nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân và thực hiện tinh thần “7 dám”(1). Các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc quy định nêu gương trong thực thi chức trách, nhiệm vụ theo phương châm: “Trên trước, dưới sau”, “Trong trước, ngoài sau”, “Học đi đôi với làm theo”, “Nói đi đôi với làm”..., xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên mẫu mực, có uy tín trong nhân dân. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt thể hiện lập trường tư tưởng vững vàng, có phong cách làm việc dân chủ, khoa học, sâu sát thực tiễn; có đạo đức, lối sống trong sáng, giản dị,.... Trong 3 năm qua, toàn tỉnh có 135.096 lượt cán bộ, đảng viên xây dựng bản cam kết nêu gương, đạt tỷ lệ 92%, trong đó có 15.753 lượt cán bộ, lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu xây dựng bản cam kết nêu gương, đạt tỷ lệ 100%. Hằng năm, 100% số tổ chức đảng đều có đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương, gắn với đánh giá, xếp loại đảng viên cuối năm. Qua đó, góp phần đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Việc phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiêu biểu, các mô hình mới được quan tâm chú trọng. Hưởng ứng các phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do các cấp, các ngành phát động, nhiều địa phương, đơn vị đã có cách làm sáng tạo trong tổ chức thực hiện, với nhiều mô hình mới, hiệu quả, thiết thực... Điển hình như: Thành ủy Lào Cai chỉ đạo gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện hai nhiệm vụ đột phá, đó là: Xây dựng đô thị văn minh, thân thiện; cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành theo hướng “Chuyên nghiệp - Kịp thời - Hiệu quả”. Huyện Bắc Hà lựa chọn khâu đột phá gắn thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy với giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị, như giải phóng mặt bằng, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, vệ sinh môi trường nông thôn, cải tạo các tập tục lạc hậu... Huyện Văn Bàn thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26-8-2021, của Tỉnh ủy, về “Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Huyện Bảo Thắng gắn việc học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện ba nhiệm vụ đột phá: Nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng. Các phong trào “Xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh”, “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lào Cai thi đua thực hiện văn hóa công sở”; các mô hình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Thắp sáng đường quê”, “Hiến đất làm đường, các công trình công cộng”,... được triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư. Trong 3 năm qua, cấp huyện và tương đương đã công nhận, ghi danh 3.307 mô hình, tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình; cấp xã công nhận, ghi danh 10.891 mô hình, tập thể, cá nhân tiêu biểu. Đặc biệt, thời gian vừa qua, Lào Cai chịu ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 3 Yagi gây ra, đã xuất hiện nhiều gương tiêu biểu, xuất sắc không quản ngại khó khăn, nguy hiểm tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở(2); nhanh chóng đưa ra quyết sách giải quyết những khó khăn trước mắt cho nhân dân nhằm khắc phục ảnh hưởng của bão, lũ. Đó là những mô hình mới, sáng tạo, gương điển hình tiêu biểu trong học tập, lao động, sản xuất; trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo; trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh,… với những cách làm thiết thực, hiệu quả, đã và đang được nhân rộng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Cấp ủy, các cơ quan trong khối tuyên truyền, hệ thống tuyên giáo các cấp tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức đa dạng, với 4 loại hình chính (truyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; đội ngũ báo cáo viên; cổ động trực quan; biểu dương, khen thưởng các điển hình xuất sắc). Tập trung tuyên truyền nội dung chuyên đề hằng năm; những mô hình mới, cách làm sáng tạo, tập thể, cá nhân điển hình, gương người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo Bác,... Tuyên truyền tại hội nghị, họp chi bộ, cơ quan, đoàn thể, trong hội nghị ban, tổ tuyên vận cơ sở; lồng ghép trong các hoạt động tọa đàm, giao lưu, văn hóa, văn nghệ, thể thao,… Các địa phương, đơn vị phát huy tối ưu hiệu quả của các nền tảng mạng xã hội (facebook, zalo, youtube, twitter, fanpage,…) trong tuyên truyền nhằm tạo sự lan tỏa tích cực trong xã hội. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn sách ebook “Sổ tay các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh”; xuất bản 6.600 cuốn liệu in và sách ebook chuyên đề học tập và làm theo Bác năm 2023, năm 2024; xuất bản 3.300 cuốn sách “Những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021 - 2023”. Phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng nhiều phóng sự, phim tài liệu, giới thiệu, tuyên truyền gương điển hình học Bác. Việc đa dạng, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; xây dựng nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác, tạo nên các phong trào thi đua sâu, rộng, mang lại hiệu quả thiết thực; tạo sức lan tỏa, sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII được các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Từ năm 2021 đến nay, Tỉnh ủy đã kiểm tra 90 tổ chức đảng và 90 đảng viên; cấp huyện, cấp cơ sở và chi bộ kiểm tra 2.997 tổ chức đảng và 11.808 đảng viên. Cấp ủy các cấp giám sát chuyên đề đối với 2.252 tổ chức đảng và 9.783 đảng viên, trong đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy giám sát 12 tổ chức đảng và 6 đảng viên, cấp huyện, cấp cơ sở và chi bộ giám sát 2.240 tổ chức đảng và 9.777 đảng viên.
Ở cấp huyện và cơ sở, công tác kiểm tra, giám sát được cụ thể hóa trong kế hoạch của cấp ủy hằng năm, một số cấp ủy chỉ đạo thực hiện hoặc giao cho ủy ban kiểm tra huyện ủy chủ trì, phối hợp với ban tuyên giáo huyện ủy tiến hành. Trong 3 năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy, cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp huyện, cấp cơ sở đã tiến hành 1.063 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 1.505 tổ chức đảng; tiến hành kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức đối với 1.423 tập thể và 4.320 cá nhân. Qua việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng trưởng kinh tế đạt được kết quả khá tích cực. Ước tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh năm 2010) luôn được duy trì ở mức cao hơn mức bình quân của cả nước, bình quân giai đoạn 2021 - 2024 ước đạt khoảng 7%; GRDP bình quân đầu người tăng nhanh từ 71,97 triệu đồng năm 2020 dự ước lên khoảng 104 triệu đồng vào năm 2024, tăng bình quân đạt trên 10%/năm, đạt gần 90% mục tiêu đề ra. GRDP bình quân đầu người của tỉnh cao gấp 1,44 lần GRDP/người của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Quy mô kinh tế tiếp tục tăng trưởng, thuộc nhóm dẫn đầu của vùng, hết năm 2024 ước đạt gần 78 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 4/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc và xếp thứ 47/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng gần 50% so với năm 2020. Cơ cấu GRDP theo ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, hợp lý. Văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn ổn định. Các hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được triển khai toàn diện, quyết liệt, chất lượng, hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở cấp cơ sở có lúc, có nơi chưa thực sự sâu sát, quyết liệt. Việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của một số đảng bộ, chi bộ cơ sở chưa sát thực tiễn. Việc lựa chọn khâu đột phá trong học tập và làm theo Bác gắn với tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị hiệu quả chưa rõ nét. Nội dung cam kết nêu gương của một số ít cán bộ, đảng viên còn chung chung; chưa tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém đã chỉ ra. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tự giác, gương mẫu trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống,... Việc bình xét, ghi danh tập thể, cá nhân tiêu biểu, mô hình điển hình ở một số đơn vị chưa thường xuyên, kịp thời; xây dựng nhân tố điển hình còn chưa nhiều, chưa có sức lan tỏa lớn; việc nhân rộng điển hình tiên tiến ở một số đơn vị, địa phương chưa được coi trọng.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai các chuyên đề, cụ thể hóa thành các kế hoạch; xác định, thực hiện các khâu đột phá chưa gắn sát với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Còn tình trạng khoán trắng cho cán bộ phụ trách công tác tuyên giáo của cấp ủy trong việc tham mưu triển khai thực hiện việc học tập và làm theo Bác. Một số cán bộ, đảng viên chưa nghiên cứu sâu các nội dung học tập và làm theo Bác gắn với nhiệm vụ thực tiễn công tác chuyên môn, nghiệp vụ; chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong thực hiện nêu gương; thiếu gương mẫu, tự giác thực hiện nêu gương, còn vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Còn có địa phương, đơn vị thiếu đôn đốc, kiểm tra giám sát việc triển khai tại cơ sở. Công tác phát hiện và nhân rộng những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có lúc, có nơi chưa chủ động, thiếu tính bao quát.
Để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả
Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, các cấp ủy tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII; Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy; Quy định số 368-QĐ/TU, ngày 17-1-2022, của Tỉnh ủy, “Về học tập, làm theo và nêu gương theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Thường xuyên tổ chức sinh hoạt, học tập các chuyên đề bằng nhiều hình thức thiết thực, sáng tạo, phù hợp với nhiều đối tượng, đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành nhu cầu văn hóa tinh thần trong từng cấp ủy, tổ chức đảng.
Thứ hai, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt, và người đứng đầu theo tinh thần Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9-5-2024, của Bộ Chính trị, về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. Nêu cao trách nhiệm gương mẫu và quyết tâm chính trị của từng cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tự giác, thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công tác, trong lối sống, trong sinh hoạt, từ đó đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành nếp nghĩ, cách làm chủ động, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân trong toàn tỉnh. Các cấp ủy tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ, đảng viên xây dựng, thực hiện đăng ký, cam kết nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo hướng “khuyết điểm ở đâu, tu dưỡng, khắc phục ở đó”. Kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng những mô hình hay, điển hình tiên tiến, tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ ba, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục xác định và lựa chọn khâu đột phá trong học tập và làm theo Bác để tập trung chỉ đạo thực hiện gắn với giải quyết có hiệu quả, chất lượng các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Kiên quyết khắc phục tình trạng “nói không đi đôi với làm”, tạo sự chuyển biến thực chất trong đời sống xã hội. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa những nội dung đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Thứ tư, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tiếp tục xây dựng phong cách, tác phong công tác gần dân, sát cơ sở với phương châm “học dân, hiểu dân, tin dân, trọng dân và có trách nhiệm với nhân dân”. Khuyến khích, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần “7 dám” gắn với thực hiện Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021, của Bộ Chính trị, về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” trong thực hiện chức trách và nhiệm vụ được giao. Chú trọng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn phù hợp với giá trị văn hóa con người Lào Cai.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức học tập và làm theo Bác trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đẩy mạnh các hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong đời sống xã hội.
Thứ sáu, các cấp ủy phát huy vai trò kiểm tra, giám sát trong đánh giá kết quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tổ chức đảng, đảng viên. Kiên quyết đấu tranh, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những biểu hiện nhận thức chưa đầy đủ, thiếu quan tâm, bệnh hình thức trong thực hiện nhiệm vụ; khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở từng cơ quan, địa phương, đơn vị./.
-------------------------------
(1) Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám hành động, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung
(2) Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 3 cá nhân tiêu biểu là: Ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên; Ông Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà; Ông Châu Văn Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Hum, huyện Bát Xát
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay  (28/10/2024)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay  (28/10/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên