Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
TCCS - Ngày 11-4-2024, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tại tỉnh Điện Biên, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Điện Biên tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Dự hội thảo có đồng chí Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên...
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Đại tướng Lương Cường cho biết, cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đưa Việt Nam sang thời kỳ mới, miền Bắc quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đồng thời cũng mở ra trang sử mới cho lịch sử nhân loại, cổ vũ, động viên các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh tự giải phóng; đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đánh giá về thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ: “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả dân tộc bị áp bức trên thế giới”. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, trải qua 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm và đầy mưu trí, chiều ngày 7-5-1954, quân và dân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao để đi đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến dịch Điện Biên Phủ là bước phát triển đến đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Lần đầu tiên, ta tập trung một lực lượng lớn chủ lực tiêu diệt địch phòng ngự trong một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất lúc bấy giờ. Để làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động sức mạnh của toàn dân tộc, giải quyết thành công và sáng tạo nhiều vấn đề về chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, điểm nổi bật là chủ động sáng tạo, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, không phát huy được ưu thế công sự kiên cố, hỏa lực mạnh, có sức cơ động cao. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa ở châu Á đã chiến thắng một nước đế quốc phương Tây trong một trận quyết chiến chiến lược. Đó là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
Thắng lợi đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Theo đồng chí Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo của Đảng giữ vai trò quyết định. Cụ thể, ngày 6-12-1953, sau khi phân tích kỹ tình hình trong nước và quốc tế, âm mưu của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Việt Nam; đánh giá mức độ, khả năng chuẩn bị cung cấp cho mặt trận và thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam được chỉ định trực tiếp làm Chỉ huy trưởng, kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Đại tướng và căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Công tác chuẩn bị tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị chỉ đạo tiến hành khẩn trương và kế hoạch “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” được thảo luận, quyết định: Nổ súng vào 17 giờ ngày 25-1-1954, kết thúc thắng lợi trong hai đêm ba ngày. Tuy nhiên, sau khi khảo sát thực địa chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy, tình hình có nhiều thay đổi, như địch tiếp tục tăng cường binh lực, xây dựng và củng cố vững chắc hệ thống phòng ngự. Trong khi đó về phía ta, có nhiều khó khăn trong việc tập trung lực lượng, chiếm lĩnh trận địa. Thấu triệt quyết tâm chiến lược và phương châm “đánh chắc thắng chắc” của Đảng, căn cứ vào thực tế chiến trường, sau 11 ngày đêm suy nghĩ, ngày 26-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương án “Đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định trên được Đảng ủy Mặt trận trao đổi, đồng ý và ngày 30-1-1954, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị phê chuẩn. Có thể nói, sự chỉ đạo sát sao, toàn diện của Trung ương Đảng trong quá trình chuẩn bị và trong suốt chiến dịch là nhân tố đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở, nền tảng để quân ta bước vào chiến dịch với quyết tâm cao nhất, vượt mọi khó khăn gian khổ, ác liệt, hy sinh để đánh thắng quân thù, tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Điện Biên Phủ.
Theo Trung tướng, PGS, TS Trần Vi Dân, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an, một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra trong chiến dịch lịch sử đối với quá trình xây dựng Công an nhân dân Việt Nam hiện nay chính là việc xây dựng, củng cố và phát huy “thế trận lòng dân” trong bảo vệ vững chắc hậu phương và bảo vệ, phục vụ đắc lực Mặt trận Điện Biên Phủ. Nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng công an xác định bảo vệ chiến dịch là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Công an phối hợp với quân đội bảo vệ tuyệt đối bí mật kế hoạch quân sự, các cuộc hành quân, trú quân; phát động phong trào “Phòng gian bảo mật”; tiến hành thuần khiết nội bộ, phòng, chống địch điều tra tin tức… Đối với đội ngũ dân công, lực lượng công an tiền phương đã tổ chức các ban bảo vệ, tiến hành thuần khiết nội bộ, phổ biến kỷ luật chiến trường, công tác phòng, chống do thám gián điệp; quy định việc đi lại, tiếp xúc, giao dịch, che phòng nơi ở, nơi làm việc… Trên các tuyến đường giao thông huyết mạch từ Liên khu 4 lên tiền tuyến Tây Bắc, lực lượng công an đặt các đồn, trạm kiểm soát người và phương tiện qua lại. Tại các bến phà như Âu Lâu (Yên Bái), Tạ Khoa (Sơn La), Suối Rút (Hòa Bình), công an phối hợp với ngành giao thông phân tán, điều tiết phương tiện qua phà, ưu tiên những đoàn xe quân sự. Tại các kho tàng, trạm trung chuyển, phối hợp tổ chức kiểm tra, chọn lựa những người có phẩm chất chính trị tốt làm công tác quản lý, bảo vệ; thường xuyên tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện phá hoại và đề phòng cháy nổ.
Đồng chí PGS, TS Trần Quốc Cường chia sẻ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Khu ủy Tây Bắc, đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, đóng góp sức người, sức của tham gia chiến dịch. Toàn tỉnh đã có 700 cá nhân xuất sắc, 9 xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương, Khu ủy Tây Bắc và tỉnh tặng bằng khen về công tác phục vụ chiến dịch. Tròn 70 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban, bộ ngành trung ương, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đưa Điện Biên sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo đặc biệt khó khăn, trở thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm, đầu tư theo hướng đồng bộ, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Ban Tổ chức đã nhận được hơn 100 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các địa phương, các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các nhân chứng lịch sử, nhà khoa học trong và ngoài quân đội… Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng vấn đề cụ thể, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về chiến thắng Điện Biên Phủ, được thể hiện trên những nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, chiến thắng Điện Biên Phủ là thành quả của đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hai là, chiến thắng Điện Biên Phủ - biểu hiện sinh động của sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế.
Ba là, chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu bước phát triển vượt bậc của các lực lượng vũ trang nhân dân, của ý chí quyết chiến quyết thắng, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bốn là, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Bế mạc hội thảo, đồng chí GS, TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, kết quả của cuộc hội thảo hôm nay đã bổ sung những tư liệu, sự kiện, cùng những nhận định, đánh giá quan trọng, khẳng định và làm sâu sắc thêm tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Hội thảo khoa học đã phản ánh, phân tích và đánh giá sâu sắc nhiều nội dung quan trọng, như kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh cách mạng..., qua đó đúc rút một số bài học có giá trị lý luận và thực tiễn, gợi mở những vấn đề mới có thể vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Là hoạt động thiết thực Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024), hội thảo khoa học cũng là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến đồng bào, đồng chí đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Kết quả của hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường và khát vọng hòa bình; củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; đồng thời đấu tranh với các quan điểm sai trái, phủ nhận cuộc kháng chiến kiến quốc và sự nghiệp đấu tranh cách mạng vĩ đại của nhân dân ta./.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên  (28/03/2024)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền độc lập, tự do của dân tộc - nền tảng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc  (15/11/2023)
Hiện thực hóa khát vọng cống hiến của thanh niên quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay  (31/07/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên