Tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh - Giá trị lý luận và thực tiễn
TCCS - Ngày 18-11-2023, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh: Giá trị lý luận và thực tiễn”.
Dự và chủ trì hội thảo gồm các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh; PGS, TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: PGS, TS Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; TS Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; lãnh đạo Tạp chí Cộng sản, tỉnh Quảng Ninh, các nhà khoa học, nhà quản lý.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, gần 37 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh không ngừng nỗ lực, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhiều mặt nổi bật, mang tính tiên phong và đột phá, đưa Quảng Ninh từ một tỉnh còn yếu kém phải dựa vào hỗ trợ của Trung ương "vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc”, như đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, ngày 6-4-2022.
Trong suốt hành trình đó, Quảng Ninh đã mạnh dạn tìm tòi và đi tiên phong thử nghiệm những cách làm mới, chưa có tiền lệ, đầy táo bạo, sáng tạo, mang tính đột phá, giúp tạo nên những kỳ tích phát triển. Những thử nghiệm mới này đã cung cấp những luận cứ, luận chứng quan trọng để Trung ương có cơ sở khoa học, thực tiễn quyết sách những chủ trương, chính sách lớn cho sự phát triển chung của đất nước. Nhiều vấn đề mà Quảng Ninh đã mạnh dạn kiến nghị Trung ương cho thí điểm áp dụng, sau đó được tổng kết nhân rộng, đưa Quảng Ninh trở thành một “địa chỉ đỏ” khởi nguồn của một số chủ trương, chính sách mới, mang tính đột phá của cả nước; đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới của toàn Đảng và đất nước.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhận định, trong thời gian qua, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều tư duy và hành động đột phá. Tư duy và hành động đột phá phát triển ở Quảng Ninh đang diễn ra ngày càng sôi động, đi vào chiều sâu, lan tỏa ngày càng rộng trên các lĩnh vực và trở thành một dấu ấn cốt cách Quảng Ninh. Nghiên cứu một cách hệ thống về vấn đề này là công việc cần thiết, mang ý nghĩa lý luận sâu sắc và giá trị thực tiễn quý báu.
PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà khẳng định, tư duy và hành động đột phá luôn có tính sáng tạo vượt qua những giới hạn, không gò bó bởi những quy tắc hiện có; không phụ thuộc quá nhiều vào các quan niệm cũ và giải pháp truyền thống, trên cơ sở đó đưa ra cách tiếp cận sáng tạo, các phương pháp, giải pháp hoặc ý tưởng mới đủ sức mạnh đột phá, tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ cả về lượng và chất. Giá trị lý luận và thực tiễn từ tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh cũng mang những nội hàm đó, cần tổng kết, nghiên cứu ở tầm lý luận để đúc rút những bài học kinh nghiệm, triết lý phát triển quý không chỉ cho Quảng Ninh, mà còn cho nhiều tỉnh, thành khác và ở tầm quốc gia.
Hội thảo chia làm hai phiên thảo luận chính. Nội dung của phiên thứ nhất xoay quanh vấn đề cơ sở lý luận và thực tiễn, yếu tố, điều kiện khách quan xác lập, thúc đẩy tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Phiên thứ hai đề cập đến những đóng góp, bổ sung, phát triển lý luận và thực tiễn của Đảng về tư duy, hành động đột phá phát triển trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở tỉnh Quảng Ninh. Hội thảo nhận được 140 tham luận, trong đó có 12 ý kiến phát biểu trực tiếp.
Kết luận hội thảo, PGS, TS Phạm Văn Linh cho biết, những vấn đề cốt lõi và tầm vóc, giá trị to lớn của tư duy và hành động đột phá trong quá trình phát triển của tỉnh Quảng Ninh được thể hiện tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính:
Nhóm vấn đề thứ nhất: Về những vấn đề chung cơ sở lý luận và thực tiễn, yếu tố, điều kiện khách quan xác lập, thúc đẩy tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Các ý kiến khẳng định, Quảng Ninh là địa bàn có vị thế địa - kinh tế, địa - văn hóa, địa - chính trị đặc biệt quan trọng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, anh hùng, là nền tảng tạo động lực và nguồn lực quan trọng cho phát triển nhanh, bền vững. Mọi sự đổi mới đều xuất phát từ 3 yêu cầu: điều kiện tự nhiên, xã hội được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, bề dày lịch sử, là nơi khởi đầu cho những ý tưởng đột phá. Tuy nhiên, Quảng Ninh cũng phải đối diện với không ít thách thức, mâu thuẫn trong quá trình xây dựng và phát triển, như trong quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực; cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp trước đổi mới...
Nhóm vấn đề thứ hai: Trên cơ sở nghiên cứu sâu sắc thực tiễn của tỉnh, Quảng Ninh xác định rõ những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, những “điểm nghẽn”, “nút thắt” gây cản trở cho sự phát triển để có tư duy, hành động đột phá tháo gỡ những mâu thuẫn của quá trình phát triển, xác định giữa tầm nhìn dài hạn gắn với trung hạn; giữa ưu tiên ngắn hạn với mục tiêu dài hạn; giải quyết hài hòa giữa đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh với bảo đảm tăng trưởng, phát triển trong dài hạn là bền vững. Lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, trình bày thực tiễn về tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong một số lĩnh vực cụ thể nhằm vận dụng trên thực tế; cần xử lý các mối quan hệ giữa chất lượng phát triển và tốc độ tăng trưởng; phát triển nhanh và bền vững; tư duy chiến lược và hành động cụ thể… Trong đó, quan trọng nhất là đổi mới tư duy về nhận thức, thể chế và con người.
Nhóm vấn đề thứ ba: Từ sự phân tích các nội dung cơ bản trên, các ý kiến tập trung đánh giá tư duy, hành động đột phá của Quảng Ninh, nhất là về nhân tố con người, đặc biệt là người đứng đầu, dám nghĩ, dám làm; kiên định mục tiêu phát triển, đặc biệt chú trọng các định hướng và giải pháp mang tính dài hạn; nhận diện rõ những mâu thuẫn, "điểm nghẽn" và xử lý tốt những yếu tố này nhằm có những phản ứng chính sách, sự đồng thuận và tính kỷ luật cao, là cơ sở cho những đột phá phát triển.
Các nhóm vấn đề được tiếp cận từ góc nhìn đa chiều, toàn diện, góp phần làm sáng tỏ những giá trị lý luận về tư duy, hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong phương thức xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; khẳng định vai trò của tư duy và hành động đột phá vào những thay đổi bứt phá ngoạn mục trong phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh, góp phần đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước; bổ sung lý luận của Đảng về xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Những thành công và bài học kinh nghiệm của Quảng Ninh không chỉ có ý nghĩa đối với địa phương, gợi mở và là căn cứ đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy cho sự phát triển toàn diện, bền vững, bứt phá của Quảng Ninh trong thời gian tới, mà còn đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung cho toàn Đảng và đất nước trong tiến trình đổi mới, là cơ sở nhận diện, gợi mở những tầm nhìn, tư duy, hành động đột phá mới./.
Nghiên cứu quốc tế và khu vực: Những vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới  (16/11/2023)
Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở  (05/11/2023)
Hội thảo khoa học quốc tế “Nguồn lực cho truyền thông chính sách”  (02/11/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển