Phát huy hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
TCCS - Ngày 6-9-2023, tại trụ sở Tạp chí Cộng sản, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Khoa học các ban Đảng Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Phát huy hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận, làm rõ những vấn đề về phát huy hiệu quả các nguồn lực nhằm mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Chủ trì hội thảo gồm các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản; Phạm Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.
Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành trung ương và một số địa phương khu vực phía Bắc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản cho biết, hội thảo là dịp nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những thành tựu, kết quả đã đạt được trong phát huy các nguồn lực trên mọi lĩnh vực cụ thể cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô, cả trên bình diện quốc gia lẫn địa phương; đồng thời, làm rõ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp đồng bộ, toàn diện và có tính khả thi để tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa các nguồn lực nhằm mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hội thảo cũng cần tập trung làm rõ việc “hoàn thiện toàn diện đồng bộ thể chế về huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường” như Nghị quyết số 50/NQ-CP, ngày 20-5-2021, của Chính phủ, “Về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” đề ra.
Hội thảo diễn ra trong hai phiên, tập trung vào những nội dung cụ thể: Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thực trạng huy động, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam; mối quan hệ giữa các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.
Hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, với 20 bài tham luận được gửi đến và nhiều ý kiến thảo luận trực tiếp tại hội thảo, gồm các ý kiến của các bộ, ngành, các địa phương, các chuyên gia và nhà khoa học. Đây đều là những ý kiến phát biểu tâm huyết, chất lượng, gợi mở nhiều vấn đề mới, đang bức thiết đặt ra, là những tham vấn quan trọng cho Trung ương, các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thời gian tới, trong đó có việc khai thác, phát huy và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực trong điều kiện mới hiện nay.
Bàn về vấn đề huy động, sử dụng các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước cho mục tiêu phát triển bền vững, đồng chí Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài Chính) cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống chính sách thu ngân sách nhà nước đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập. Đồng thời, việc nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế cần được quan tâm hơn nữa; song song với đẩy mạnh cơ cấu lại chi đầu tư công, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện vai trò dẫn dắt của nguồn lực ngân sách nhà nước.
Theo GS, TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học các ban Đảng Trung ương, cần tiếp cận phát huy hiệu quả các nguồn lực ở tầm lý luận và vĩ mô, gắn với 5 vấn đề chính: Phát huy các nguồn lực gắn chặt với vấn đề xây dựng cho được một nền quản trị quốc gia hiện đại với mục đích cao nhất là thiết kế sự tương tác, kết nối, chia sẻ của các lực lượng, thành phần, nguồn lực tạo thành sức mạnh tổng hợp; nhận thức và giải quyết đúng mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, trong đó cần phát huy thị trường với vai trò điều tiết chủ yếu các nguồn lực và phát huy tốt hơn vai trò to lớn của nguồn lực xã hội vốn chưa thực sự được huy động hiệu quả hiện nay; xây dựng và thực hiện cho được quy hoạch tổng thể quốc gia, khắc phục sự chia cắt, trùng lắp, lãng phí các nguồn lực; tiếp tục cơ cấu lại căn bản nền kinh tế đất nước trong kỷ nguyên số, đổi mới các mô hình sản xuất, kinh doanh, như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, thông minh, hiện đại để có thể quản trị đất nước và phân bổ thông minh các nguồn lực...
Phát biểu kết luận, đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh các nội dung sau:
Thứ nhất, với bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động khó lường, đòi hỏi phải tận dụng những cơ hội, vượt qua thách thức, những bất cập, điểm yếu, để từ đó điều chỉnh một cách có hệ thống việc khai thác, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả hơn, tạo được động lực phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.
Thứ hai, hiện nay, bên cạnh những nguồn lực truyền thống, như vốn, con người, tài nguyên thiên nhiên, khoa học và công nghệ..., nguồn lực để phát triển đất nước còn được tiếp cận ở góc độ mới là các giá trị văn hóa, truyền thống, sức mạnh tinh thần, kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình phát triển của dân tộc, thông tin, dữ liệu, các yếu tố địa - chính trị, địa - kinh tế, cơ hội phát triển... Trong bối cảnh của quá trình hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay thì nguồn lực con người là quan trọng nhất, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ ba, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong những năm qua, việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển đất nước đã đạt được một số kết quả tích cực. Việc phát triển nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc phát huy hiệu quả các nguồn lực còn nhiều hạn chế, như đất nông nghiệp manh mún, phân tán, sử dụng không hiệu quả và có tình trạng thất thu ngân sách nhà nước từ đất đai; hầu hết các khoáng sản khai thác chỉ được sơ chế rồi xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, chất lượng thấp, giá thấp, hết sức lãng phí…
Thứ tư, chia sẻ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, kinh nghiệm phát triển của một số địa phương, các mô hình hay, kinh nghiệm sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển. Có thể thấy rằng, kinh nghiệm, cách làm của các địa phương rất phong phú, đa dạng. Có địa phương tập trung thu hút các doanh nghiệp FDI lớn; có địa phương thu hút các tập đoàn tư nhân lớn; có nơi chú trọng hình thức đối tác công tư hoặc có nơi kết hợp nhiều hình thức...
Thứ năm, về các giải pháp phát huy hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, các tham luận, ý kiến phát biểu đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, từ việc hoàn thiện thể chế, chính sách, quản lý tốt hơn nguồn lực đất đai, tài nguyên thiên nhiên; giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp để thu hút các nguồn vốn chưa được sử dụng trong xã hội đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội; phát triển mạnh kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, để kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế…
Các ý kiến, tham luận tại hội thảo cũng đều thống nhất là đây vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc phát huy hiệu quả các nguồn lực hiện nay nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là phải đổi mới thể chế, cơ chế, pháp luật, chính sách về huy động, sử dụng các nguồn lực; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với các nguồn lực; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực huy động và sử dụng các nguồn lực của đất nước; đồng thời phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực - doanh nghiệp phải là đầu tàu của đổi mới sáng tạo, của tăng năng suất, sử dụng hiệu quả các nguồn lực./.
Hào hùng và lắng đọng cùng những giai điệu trong chương trình nghệ thuật chính luận “Sao Độc lập” năm 2023  (01/09/2023)
Hào hùng và lắng đọng cùng những giai điệu trong chương trình nghệ thuật chính luận “Sao Độc lập” năm 2023  (01/09/2023)
Ninh Bình: Định dạng bản sắc gắn với xây dựng thương hiệu địa phương  (27/08/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên