Agribank - hành trình mang dấu ấn “Tam nông”
TCCSĐT - Chặng đường 31 năm hình thành và phát triển của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Agribank (26-3-1988 - 26-3-2019) đã khẳng định sự kiên định của một thương hiệu gắn với sứ mệnh “Tam nông”, luôn tiên phong, chủ lực cung ứng tín dụng, sản phẩm dịch vụ tiện ích cho nền kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có đóng góp rất quan trọng vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.
Sứ mệnh vì nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Ngày 26-3-1988, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam - tiền thân của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) ngày nay được thành lập. Trải qua mỗi thời kỳ phát triển với những tên gọi khác nhau, nhưng sứ mệnh vì nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn luôn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt hành trình phát triển của Agribank.
Quá trình 31 năm hoạt động, lớn mạnh của Agribank gắn liền với con đường phát triển đi lên của nền nông nghiệp Việt Nam, ngày càng có đóng góp quan trọng đối với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước.
Sự đóng góp của Agribank với vai trò chủ lực trên thị trường cung ứng vốn, sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn có ý nghĩa kinh tế, chính trị và xã hội sâu sắc. Thông qua triển khai hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, sử dụng hiệu quả đồng vốn của Agribank, nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc nhờ phá thế độc canh, chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát triển hàng hóa, công nghiệp, dịch vụ. Nhiều vùng nông sản hàng hóa tập trung nhờ đó đã được hình thành trên khắp cả nước, đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng quy mô lớn, gia tăng giá trị.
Đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn là mục tiêu hoạt động xuyên suốt của Agribank trong hành trình 31 năm phát triển.
Nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng cũng là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro nhất do ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, khí hậu và thiên tai, tình trạng “được mùa, rớt giá”…. Là ngân hàng chuyên doanh cho khu vực kinh tế này, theo đó, Agribank cũng không ít lần phải đối mặt với những khó khăn, rủi ro cùng ngành nông nghiệp và bà con nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Điểm lại hành trình của Agribank đồng hành cùng nông nghiệp Việt Nam, kể từ khi Agribank cùng hệ thống chính trị triển khai Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI về nông nghiệp ban hành ngày 05-4-1988, với những nội dung có tính đột phá, tạo bước phát triển mới rất quan trọng, tạo ra sinh khí mới cho nông nghiệp và nông thôn trong thời kỳ đổi mới, với tư tưởng “giải phóng sức sản xuất” cho nông nghiệp và nông dân; Agribank đã có những đóng góp quan trọng đối với thành công của các chương trình trọng điểm của Chính phủ thời điểm bấy giờ, như cho vay mía đường; tôn nền hoặc làm nhà trên cọc ở Đồng bằng sông Cửu Long; thu mua lương thực dự trữ xuất khẩu, thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá theo yêu cầu của Chính phủ; cho vay khắc phục hậu quả lũ lụt; cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên canh, chương trình điện khí hóa, giao thông nông thôn, cho vay khôi phục nghề truyền thống… Và tiếp nối sau này là triển khai Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bước đầu làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ chuyển sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao… Agribank đi đầu triển khai hiệu quả 9 chương trình tín dụng chính sách, khởi xướng và triển khai gói tín dụng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…
Agribank tăng cường mở rộng hợp tác đem cơ hội đến hàng triệu người nông dân Việt Nam có cơ hội tiếp cận máy móc nông nghiệp hiện đại.
31 năm hiện diện đồng hành gắn bó thủy chung cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank đã và đang khẳng định bản lĩnh của một ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam luôn gắn với sự vận động phát triển đi lên của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, trong đó mỗi “nông hộ” là một “tế bào” sống ngày càng lớn mạnh, cùng đưa kinh tế hộ ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước.
Đột phá cho vay kinh tế hộ
Cho vay hộ sản xuất hay còn gọi là chương trình tín dụng hộ được xem là một hướng đi thành công tạo dấu ấn, bản sắc của Agribank. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Agribank đã xác định việc chuyển hướng hoạt động theo hướng của ngân hàng thương mại, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm cho vay trực tiếp đến hộ nông dân. Từ giữa năm 1989, Agribank thực hiện thí điểm cho vay tới hộ nông dân tại một số địa phương, như Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang), An Giang, Cửu Long (nay là Vĩnh Long và Trà Vinh), Long An và huyện Bình Chánh thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Từ thực tế triển khai, để quản lý hiệu quả và bảo đảm chất lượng tín dụng hộ, Agribank đã có sáng kiến thành lập các tổ liên danh vay vốn tại thôn, bản - mỗi tổ gồm 10 -15 hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất. Hoạt động tín dụng đối với hộ sản xuất còn được mở rộng theo các chương trình và dự án phát triển sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đồng thời đáp ứng vốn cho các doanh nghiệp thu mua hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản. Cuối năm 1990, dư nợ tư doanh và cá thể (bao gồm một phần hộ nông dân ở một số chi nhánh thí điểm) của Agribank mới chỉ ở mức 103 tỷ đồng (chiếm 7,4% tổng dư nợ), thì chỉ sau một năm (cuối năm 1991) con số này đã tăng gấp 2,5 lần, với quy mô 259 tỷ đồng và 558 nghìn hộ nông dân được vay vốn.
Từ thành công trong cho vay hộ nông dân, ngày 28-6-1991, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 202-CT chính thức có chỉ đạo về việc làm thử cho vay vốn đến hộ sản xuất. Ngay sau đó, Tổng Giám đốc Agribank cũng đã ban hành văn bản 499/NHNo ngày 23-7-1991 về việc cho vay hộ nông dân như một sự cam kết luôn tiên phong và gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Agribank có nhiều cách làm đột phá, sáng tạo trong cho vay phát triển kinh tế hộ.
Đến nay, sau 31 năm hoạt động, Agribank có gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, là ngân hàng thương mại duy nhất đang có mặt tại 9/13 huyện đảo trên cả nước; là đối tác tin cậy của hàng chục ngàn doanh nghiệp, hàng triệu hộ sản xuất. Agribank đã phát triển thành công trên 58.000 tổ vay vốn, mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với trên 600 xe với gần 4.000 phiên giao dịch phục vụ hàng chục ngàn lượt khách hàng với mong muốn chuyển tải vốn và sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích đến mọi bản, làng, huyện đảo, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của bà con nông dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, với phương châm “Agribank bảo đảm không để hộ nông dân nào có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả mà thiếu vốn”.
Sẵn sàng cho thời điểm cổ phần hóa
Trải qua năm 2018 ghi dấu quá trình 30 năm phát triển với lòng tự hào truyền thống, vững bước tương lai, với thành quả đạt được khi lợi nhuận bứt phá, “về đích” trước thời hạn kế hoạch tái cơ cấu, Agribank hoàn toàn tự tin đứng vững trong cạnh tranh.
Định hướng đến năm 2025, Agribank giữ vững vị trí ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, có nền tảng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại, hoạt động kinh doanh đa năng, hiệu quả, phát triển ổn định và bền vững; giữ vai trò chủ lực về tín dụng, cung cấp các dịch vụ, tiện ích ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Hội nhập sâu rộng, đi tắt đón đầu những thành tựu mới trong ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo lộ trình và chiến lược cụ thể nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng số, cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng, hỗ trợ đắc lực cho khách hàng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân…
Trải qua 31 năm phát triển, Agribank được Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Năm 2019 và các năm tiếp theo, Agribank xác định tiếp tục triển khai thành công tái cơ cấu giai đoạn 2, đề án chiến lược kinh doanh 2016 - 2020; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án công nghệ thông tin, tạo nền tảng kỹ thuật quan trọng cho phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và yêu cầu của công tác quản trị rủi ro; triển khai thực hiện theo lộ trình bảo đảm tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 13, Thông tư 41, từng bước hướng tới áp dụng các chuẩn mực an toàn theo Basel II; Nâng cao năng lực tài chính, năng suất lao động, hướng tới mục tiêu hoạt động hiệu quả để cổ phần hóa thành công…
Kế thừa truyền thống, nền tảng đã được các thế hệ cán bộ, người lao động dựng xây qua 31 năm phát triển, được tôi luyện qua muôn vàn gian nan thử thách, Agribank tự tin sẵn sàng chào đón thời khắc có tính lịch sử khi chuyển giao từ ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước sang hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vì nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thành công trong hội nhập./.
Agribank hiện là ngân hàng thương mại duy nhất Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng, miền, huyện đảo, gần 40.000 cán bộ, người lao động. Đến nay, Agribank có tổng tài sản gần 1,3 triệu tỷ đồng, tổng nguồn vốn gần 1,2 triệu tỷ đồng, đầu tư và dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng, trong đó 70%/tổng dư nợ được Agribank dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nguồn vốn Agribank chiếm trên 50% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Agribank hiện cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích phục vụ nhu cầu thanh toán của nền kinh tế, qua đó góp phần tích cực phát triển thị trường thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam.
Trải qua 31 năm phát triển, Agribank được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý về thành tích xuất sắc phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong thời kỳ đổi mới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và phát triển cộng đồng, ngân hàng vì cộng đồng; được bình chọn đứng thứ 465/1000 ngân hàng lớn nhất thế giới; Agribank nhiều năm liền đạt Top 10 VNR500, Top 20 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất; và là đối tác tin cậy của hàng triệu khách hàng, đối tác, tổ chức tài chính quốc tế.
Giữ niềm tin người lao động tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2  (26/03/2019)
Tháng Thanh niên 2019: Tuổi trẻ dầu khí hành động, đổi mới  (26/03/2019)
Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí  (26/03/2019)
Hà Nội coi trọng việc xây dựng quan hệ thương mại toàn diện với Đức  (26/03/2019)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên