Một số hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2019
Báo chí, doanh nghiệp trong kỷ nguyên CPTTP
Diễn đàn “Báo chí - Cầu nối doanh nghiệp và Chính phủ”.
Để tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp, doanh nghiệp với Chính phủ, chiều 16-3, Ban Tổ chức Hội Báo toàn quốc 2019 tổ chức Diễn đàn “Báo chí - Cầu nối doanh nghiệp và Chính phủ” với chủ đề Báo chí, doanh nghiệp trong kỷ nguyên CPTPP.
Diễn đàn có 2 phiên, tập trung thảo luận những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên CPTPP - sự đồng hành của báo chí; những đóng góp của báo chí trong vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực cho công tác này trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự đều thống nhất: Doanh nghiệp cần báo chí, truyền thông để có những thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh; thông tin, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình, để động viên khích lệ thành quả lao động sáng tạo của doanh nghiệp, người lao động. Báo chí coi doanh nghiệp, doanh nhân là đề tài phong phú đa dạng, nguồn cảm hứng sáng tạo các tác phẩm báo chí. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp còn là nguồn hỗ trợ tài chính đối với hoạt động của các cơ quan báo chí. Hàng loạt các sự kiện báo chí lớn đều có sự đồng thành tích cực của doanh nghiệp, doanh nhân.
Là cầu nối, báo chí vừa tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân. Trong tuyên truyền phát triển kinh tế, báo chí vừa phát hiện, biểu dương những doanh nghiệp có cách làm hay, kinh nghiệm tốt, nỗ lực vượt qua khó khăn để cống hiến cho cộng đồng, đất nước; đồng thời, đấu tranh phê phán những hoạt động sản xuất kinh doanh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, hủy hoại môi trường. Bên cạnh đó, báo chí cũng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, phản biện những chính sách của Nhà nước với doanh nghiệp, cách làm của chính doanh nghiệp vì sự phát triển, lợi ích chung của đất nước.
Báo chí, cộng đồng doanh nhân tham gia giám sát việc thực hiện chính sách của Chính phủ, đặc biệt trong cải cách hành chính. Báo chí còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho doanh nghiệp, cầu nối để doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc tham gia Hiệp định CPTPP.
Theo ông Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Đồng hành với Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, thời gian qua, báo chí đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm cùng các doanh nghiệp thực hiện thắng lợi Nghị quyết 35/NQ-CP “Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020” cũng như Nghị quyết 09/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh cộng nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Là tổ chức có sự tham gia của đông đảo các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội kết nối doanh nghiệp với các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội; kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp trong nước và cả doanh nghiệp nướ ngoài. Đó là những hoạt động khẳng định vai trò báo chí đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, là mối quan hệ 2 chiều, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau; khẳng định vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ.
Khẳng định vai trò báo chí không thể thiếu đối với sự phát triển của doanh nghiệp, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn cho biết thêm: Việt Nam đã có nhiều hiệp định thương mại với nhiều tổ chức, cộng đồng, tuy nhiên theo một công bố mới đây cho thấy các doanh nghiệp của chúng ta mới chỉ tận dụng được 40% lợi thế khi tham gia các hiệp định đó. Điều này cho thấy còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận cơ hội để phát triển. “Là một cơ quan báo chí hoạt động trong môi trường kinh tế nhiều biến chuyển hiện nay, bản thân chúng tôi cũng thấy mình phải nỗ lực để theo kịp sự phát triển với thực tiễn báo chí, thực tiễn kinh tế, khắc phục những hạn chế trong việc thiếu hiểu biết về chính sách kinh tế mới, tích cực hơn nữa trong chống tham nhũng, tích cực tuyên truyền các mô hình kinh tế hiệu quả…”- ông Sơn nhấn mạnh.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần có khái niệm đúng về việc Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, tăng hiệu quả của sự hỗ trợ. Theo ông Thiên, hiện nay có nhiều tuyến chính sách ưu đãi của Chính phủ: Khuyến khích làm nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ các doanh nghiệp làm công nghệ cao nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp… Tuy nhiên, cách tiếp cận các ưu đãi cần chú trọng việc không phân biệt doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp nước ngoài để tránh những “méo mó”, tránh việc “xin-cho”. Việc hỗ trợ phải đảm bảo minh bạch, tạo thuận lợi, bảo đảm không gian phát triển của các doanh nghiệp. Quan trọng nhất trong đó là làm sao để tạo ra một môi trường thông tin công khai, minh bạch. Báo chí, doanh nghiệp cũng nên tiếp cận, yêu cầu, đặt ra những vấn đề để Chính phủ kịp thời giải quyết.
Nhà báo trẻ làm gì để thành công trong thời đại 4.0?
Diễn đàn “Nhà báo trẻ và đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ” và giao lưu “Nhà báo trẻ với các thế hệ nhà báo”.
“Nhà báo trẻ làm gì để thành công trong thời đại 4.0?” là câu hỏi được quan tâm nhất tại diễn đàn “Nhà báo trẻ và đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ” và giao lưu “Nhà báo trẻ với các thế hệ nhà báo” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 17-3 trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2019. Ban Tổ chức diễn đàn hy vọng đây là cuộc trao đổi thoải mái, chân thành, cởi mở giữa những người đã, đang và sẽ làm nghề báo; góp phần vào thành công của Hội báo.
Các đại biểu cùng nhau trao đổi về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ, trong đó có việc đào tạo những kỹ năng làm nghề; sinh viên, nhà báo trẻ cần chuẩn bị những gì để hội nhập với báo chí thế giới trong thời đại công nghệ 4.0; nguyên nhân dẫn đến những tai nạn nghề nghiệp, nhất là đối với các nhà báo làm điều tra…
Đa số các nhà báo cao niên, nhà quản lý báo chí, những người giảng dạy trong lĩnh vực báo chí đều cho rằng: Để làm bảo thành công trong thời đại 4.0, các nhà báo trẻ cần có kiến thức, kỹ năng, biết cập nhật và sử dụng tốt công nghệ hiện đại, có năng lực kết nối và dẫn dắt dư luận…
Đặt câu hỏi Trước khi trở thành nhà báo có kỹ năng giỏi, các nhà báo trẻ cần hiểu kỹ năng là gì? Tiến sĩ Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Kỹ năng trước hết là kiến thức, tri thức về hoạt động cụ thể. Những tri thức, kiến thức này được thường xuyên sử dụng một cách nhuần nhuyễn, thuần thục sẽ trở thành kỹ năng. Kỹ năng đầu tiên sinh viên, nhà báo trẻ cần học là đọc nhiều, “va chạm” nhiều từ đó mới có được kiến thức, kinh nghiệm, kiến giải thuyết phục về vấn đề mình viết.
Cùng chung quan điểm đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững chia sẻ thêm rằng ông đã đi khoảng 30 nước trên thế giới, trong quá trình đó, ông thấy Việt Nam là một nước tổ chức đào tạo kỹ năng làm báo sớm.
Theo ông, ngày nay phải khẳng định rằng nhà báo trẻ có thế mạnh hơn các nhà báo cao niên ở năng lực tư duy mới, nhất là tư duy phát triển, phản biện; ngoại ngữ “siêu” hơn; hiểu biết hơn về các phương tiện kỹ thuật công nghệ. Những điểm mạnh này giúp các nhà báo trẻ có khả năng phân tích, tổng hợp để thể hiện những tác phẩm báo chí tốt. Tuy nhiên, để trở thành nhà báo thành công, các nhà báo trẻ phải có kiến thức, có tư duy trong đó quan trọng nhất là tư duy kết nối, tư duy phản biện và dẫn dắt dư luận. Những điều này có được khi các bạn thường xuyên, cập nhật kiến thức mới, có sự rèn luyện của riêng mình.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững cũng hy vọng các cơ sở đào tạo báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam nên có những chương trình lớn để đào tạo, tập huấn các kỹ năng, kiến thức nhất trong việc viết về xây dựng Đảng, viết chính luận… để giúp các nhà báo, phóng viên trẻ nâng cao kỹ năng làm báo.
Tiến sĩ, nhà báo quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn lại cho rằng: Thách thức lớn nhất của nhà báo trẻ trong thời đại 4.0 chính là ngoại ngữ. Các nhà báo trẻ cần biết nhiều ngoại ngữ để có thể kiểm chứng thông tin đa chiều, bởi vậy nên đầu tư cho việc học ngoại ngữ hàng ngày. Với những nhà báo làm điều tra phải công bằng, có kiến thức để đánh giá sự việc, hiện tượng. Để làm được như vậy, các nhà báo cần tiếp cận thông tin đa chiều, ứng dụng đa phương pháp để tìm ra tính xác thực của thông tin đồng thời cũng biết cách để tự bảo vệ mình, bảo vệ những thông tin mình đưa ra.
Rất lạc quan về năng lực, khả năng của các nhà báo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng (Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng tương lai của báo chí Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lớp nhà báo trẻ, những sinh viên báo chí đang ngồi trên ghế nhà trường. Để có nền báo chí phát triển, chúng ta cần có những nhà báo giỏi. Việc làm này bắt đầu từ nhà trường với trách nhiệm đào tạo cơ bản. Cơ quan báo chí khi tiếp nhận phóng viên nên đào tạo lại theo yêu cầu công việc, tiêu chí của đơn vị mình. Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo, sử dụng cũng cần quan tâm đến việc đào tạo về đạo đức làm nghề cho phóng viên, nhà báo. Thực tế cho thấy kiến thức, kỹ năng và đạo đức làm nghề như cái kiềng ba chân giúp các nhà báo trẻ vững bước trên con đường để trở thành nhà báo chuyên nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định diễn đàn là cuộc đối thoại sôi nổi, thể hiện sự gắn kết giữa các thế hệ; thể hiện trách nhiệm của những người làm báo đi trước đối với thế hệ làm báo trẻ. Theo ông, trong thời đại công nghiệp 4.0, công nghệ rất quan trọng nhưng không phải là linh hồn của các tác phẩm báo chí. Trong quá trình phát triển của công nghệ ngày nay, tâm thế, trách nhiệm, đạo đức nhà báo quan trọng nhất bởi nền tảng công nghệ chỉ là phương tiện để truyền tải nội dung, nhận thức tới công chúng.
Nhà báo Hồ Quang Lợi tin rằng các nhà báo chúng ta có thể thắng mạng xã hội bằng sự tin cậy, thuyết phục của bài báo, bằng đạo đức người làm báo. Điều này gắn với việc xây dựng đội ngũ làm nghề từ trên ghế nhà trường có bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. “Nếu có được đội ngũ những người làm báo như vậy chắc chắn chúng ta sẽ có một nền báo chí giàu tính chiến đấu, đầy nhân văn phục vụ tốt nhất lợi ích của đất nước, nhân dân” - Nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh./.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc tại tỉnh Điện Biên  (17/03/2019)
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đối thoại với đoàn viên, thanh niên  (17/03/2019)
Gia tăng hợp tác, phối hợp xử lý các thách thức trên biển  (17/03/2019)
Càng gần đến thời hạn cuối, tương lai Brexit càng khó đoán định  (17/03/2019)
Báo chí có vai trò quan trọng trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa  (17/03/2019)
Đoàn Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII làm việc tại tỉnh Quảng Ninh  (17/03/2019)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên