Hội nghị: “Hai năm Việt Nam gia nhập WTO - Đánh giá tác động hội nhập kinh tế quốc tế”
Ngày 2-1-2009, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia và Bộ Công Thương đồng tổ chức Hội nghị: “Hai năm Việt Nam gia nhập WTO - Đánh giá tác động hội nhập kinh tế quốc tế”. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Nhà nước gửi thư chúc mừng đến Hội nghị. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã đến dự.
Hội nghị bàn về 3 chủ đề chính, đánh giá tác động của việc Hội nhập Tổ chức Thươmg mại thế giới (WTO) đến thể chế, chính sách, luật pháp; Tác động đối với các ngành kinh tế và Chương trình hành động của Việt Nam sau khi gia nhập WTO. Các bản tham luận đã chỉ ra cụ thể những tác động của việc gia nhập WTO, bao gồm cả những tác động tích cực và tiêu cực.
1- Tác động tích cực:
- Hầu hết các bài tham luận tại Hội thảo đều khẳng định, năng lực sản xuất và kinh doanh của các ngành tăng lên rõ rệt từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp nhưng hầu hết các ngành hàng nước ta đều đạt mức tăng trưởng cao so với nhiều nước trong khu vực. Theo số liệu ước tính, năm 2008, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 31% so với năm 2007 (nếu loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng còn 7%); kim ngạch xuất khẩu đạt 62,9 tỉ USD, tăng 29,5% so với năm 2007; kim ngạch nhập khẩu đạt 79,9 tỉ USD, tăng 27,5% so với năm 2007. Nhìn chung, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực thuộc các ngành hàng đều tăng rõ rệt.
- Hàng hóa của Việt Nam có cơ hội thâm nhập được thị trường các nước thành viên WTO thuận lợi hơn do thị trường được mở rộng và không bị phân biệt đối xử; có điều kiện tiếp cận với các nguồn tín dụng, công nghệ hiện đại, các loại hình dịch vụ, vật tư, nguyên liệu.
- Môi trường kinh doanh trong nước đã được cải thiện theo hướng thuận lợi và minh bạch hơn. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đã có tác động tích cực đối với phát triển các doanh nghiệp mới ở hầu hết các ngành hàng. Việc phát triển hệ thống ngân hàng và bảo hiểm cũng như mở ra các kênh tài chính tạo cơ hội lựa chọn tiếp, cận tài chính tốt hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất khẩu, các doanh nghiệp thuộc các ngành ưu tiên như đóng tàu hay phát triển năng lượng mới.
- Việc mở cửa thị trường nội địa, cắt giảm thuế và các rào cản phi thuế đối với các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu đã tạo điều kiện cho nhiều mặt hàng đến với người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước với mức giá hợp lý hơn, hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ được cung cấp nguồn lực tốt hơn.
2- Những khó khăn và tác động tiêu cực:
- Việc mở cửa thị trường dẫn đến sức ép cạnh tranh tăng lên, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh ở thị trường trong nước mà còn phải cạnh tranh ở thị trường thế giới. Nhiều khoản trợ cấp hoặc có tính trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành hàng cho một số ngành trước đây buộc phải bãi bỏ theo cam kết gia nhập WTO.
- Quy mô của doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ, năng lực tài chính còn yếu kém, kỹ năng và kiến thức chuyên sâu về quản lý trong môi trường cạnh tranh quốc tế còn có hạn, thiếu sự liên kết và chỉ tham gia được vào các khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu đối với hầu hết các ngành hàng, nên phải lệ thuộc nhiều vào các trung gian thương mại nước ngoài. Năng lực nghiên cứu và thiết kế, khả năng đổi mới công nghệ của hầu hết các doanh nghiệp còn rất hạn chế, lực lượng lao động có trình độ cao không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển.
- Các doanh nghiệp phải đối mặt với các quy định về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ các quy định về nhãn mác và xuất xứ hàng hóa, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù các hàng rào phi thuế quan được cắt giảm đối với một số mặt hàng và một số thị trường như hạn ngạch xuất khẩu ngành dệt may vào thị trường Hoa Kỳ và EU…, nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật mới ngày càng tinh vi hơn theo quy định riêng của một số nước. Các mặt hàng thủy sản và nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn bị cản trở bởi các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng khắt khe hơn. Các mặt hàng công nghiệp chế biến và cơ khí luôn phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá.
- Sự phát triển của một số ngành thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, ngành điện, giao thông và một số lĩnh vực dịch vụ công chưa phát triển khiến doanh nghiệp trả giá dịch vụ cao hơn, làm giảm năng lực cạnh tranh.
- Xử lý mâu thuẫn giữa một bên là mở cửa, giảm thuế để hạ giá thành đầu vào cho sản xuất và để cho người tiêu dùng được tiếp cận với hàng hóa giá rẻ, một bên là muốn bảo hộ để duy trì sản xuất trong nước. Phần lớn các ngành hàng vừa được sản xuất trong nước lại vừa được nhập khẩu. Với chủ trương bảo hộ một số ngành, chúng ta đang thực hiện chính sách thuế nhập khẩu cao đối với sản phẩm hàng hóa hoàn chỉnh và thuế nhập khẩu thấp hơn đối với nguyên liệu và linh kiện, chi tiết rời để khuyến khích sản xuất và lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, nhiều ngành sản xuất không tranh thủ cơ hội này để phát triển sản xuất và cải tiến công nghệ mà chỉ trông chờ vào chính sách bảo hộ, vì vậy khi thực hiện cam kết gia nhập WTO thì những hàng hóa này được sản xuất ra luôn có giá cao hơn so với đối thủ cạnh tranh, khó tiêu thụ ở cả thị trường trong và ngoài nước.
3- Chương trình hành động của Việt Nam sau khi gia nhập WTO
- Tăng cường thể chế nền kinh tế thị trường, giải quyết những vấn đề được Chính phủ xác định là ưu tiên để Việt Nam thoát khỏi địa vị là nền kinh tế phi thị trường theo quan niệm của một số thành viên WTO hiện thời bao gồm: kiểm soát giá cả, chính sách lãi suất, trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước, cải tổ doanh nghiệp nhà nước, quản lý và hoàn thiện chính sách về đất đai, ảnh hưởng của việc xã hội hóa các dịch vụ công và chính sách cạnh tranh.
- Giải quyết các hậu quả kinh tế và xã hội của hội nhập tại khu vực nông thôn, xử lý những thách thức do sự phát triển không gian không đồng đều và những ảnh hưởng của thay đổi mang lại cho khu vực nông thôn, các chương trình hỗ trợ ban đầu về phân tích chính sách liên quan đến công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bao gồm đánh giá các phản hồi chính sách đối với các thay đổi kinh tế và xã hội gắn liền với cải cách chính sách đất đai được xây dựng trong cấu phần 1.
- Hỗ trợ năng lực quản lý và điều phối hội nhập, nhằm vào các cơ cấu thể chế mà Chính phủ đặt ra để giám sát và điều phối quá trình thực hiện GAP, và ngoài những việc khác, hỗ trợ đánh giá và thực hiện GAP, tiếp tục điều chỉnh GAP, đánh giá các vấn đề xuyên suốt và các vấn đề nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của từng bộ, và giải quyết các nhu cầu phát triển năng lực ưu tiên.
- Hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động của địa phương, giúp một nhóm các tỉnh được lựa chọn trên cơ sở chất lượng kế hoạch hành động của tỉnh; tầm quan trọng của các thách thức liên quan đến hội nhập mà tỉnh phải đối mặt; và các cản trở về nguồn lực họ có thể tiếp cận để giải quyết các thách thức này.
- Quản lý MDTF, bằng việc tài trợ cho một phạm vi các hỗ trợ cơ cấu thể chế quản lý Quỹ, bao gồm hợp đồng các chức năng kỹ thuật (như kiểm soát tài chính, thiết kế dự án…) và hỗ trợ cấp cao hơn đối với chức năng điều phối và đánh giá thông qua dịch vụ của Cố vấn Kỹ thuật Cao cấp dài hạn (ít nhất ở giai đoạn thực hiện chương trình ban đầu). Cấu phần này cũng bao gồm dự trữ để phản hồi các yêu cầu ưu tiên cho các hoạt động mới được thỏa thuận với nhà tài trợ, trên cơ sở đột xuất.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, các tác giả tham luận khẳng định cần tăng cường năng lực cho các cơ quan hữu quan nhằm triển khai hiệu quả việc thực thi các cam kết gia nhập WTO và để điều chỉnh cơ chế chính sách nhằm tranh thủ tối đa cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO.
Phát biểu tại Hội nghị, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh: Cần cơ cấu lại các ngành trong nền kinh tế cho hợp lý; cơ cấu lại mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp; cơ cấu lại doanh nghiệp (cơ cấu lại vốn, công nghệ, mặt hàng, thị trường…). Sự liên kết của các doanh nghiệp, mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp hiện nay còn rất yếu. Và, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần phải hiểu rằng, con người là yếu tố quan trọng nhất./.
Bộ đội biên phòng tăng cường cán bộ cho các xã biên giới, hải đảo  (02/01/2009)
Hội nghị: “Hai năm Việt Nam gia nhập WTO - Đánh giá tác động hội nhập kinh tế quốc tế”  (02/01/2009)
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường  (02/01/2009)
Kết quả tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007  (02/01/2009)
Năm 2008, GDP đã vượt ngưỡng 1.000 USD/người  (02/01/2009)
Tổng vốn FDI năm 2008 đạt trên 64 tỉ USD  (02/01/2009)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay