Vai trò của đồng chí Trường Chinh trong Cách mạng Tháng Tám
TCCSĐT - Đồng chí Trường Chinh (tên thật là Đặng Xuân Khu), sinh ngày 09-2-1907, tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng. Chịu ảnh hưởng sâu sắc truyền thống quê hương, dòng họ, gia đình, sớm đi theo con đường cách mạng, trong quá trình hoạt động, dù ở bất cứ vị trí và hoàn cảnh nào, đồng chí đều tỏ rõ là một nhà lãnh đạo tài tình, có sức sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng nước ta.
Từ năm 1939, tình hình trong nước và quốc tế ngày càng có những chuyển biến hết sức hệ trọng liên quan tới vận mệnh của cách mạng nước ta. Đầu năm 1940, một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt như Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần,… và hầu hết các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều bị địch bắt. Thực tiễn đòi hỏi phải thành lập Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Đồng chí Trường Chinh được chỉ định làm Quyền Tổng Bí thư của Đảng. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám (tháng 5-1941), đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư. Vai trò của đồng chí trong Cách mạng tháng 8-1945 được thể hiện ở một số điểm sau:
Một là: góp phần cùng đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc
Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) đã hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương được đồng chí Trường Chinh chuẩn bị từ trước và có sự nhất trí với đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 là kết quả trí tuệ của toàn Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có sự đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Trường Chinh. Để bổ sung và hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, Tổng Bí thư Trường Chinh khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, tạo ra những điều kiện ngày càng chín muồi cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Cuối tháng 9-1941, đồng chí triệu tập Hội nghị cán bộ toàn xứ Bắc Kỳ để phổ biến Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám tại Tiên Sơn, Bắc Ninh. Đồng chí còn viết tài liệu tuyên truyền về Nghị quyết Trung ương 8, đặt tên là “Chính sách mới” để phổ biến đến toàn Đảng, trong đó chỉ rõ: “Trước đây chúng ta nói: cuộc cách mạng Đông Dương là cách mạng dân chủ tư sản. Nay Cách mạng Đông Dương thực chất vẫn là cách mạng dân chủ tư sản mà tính chất là phản đế và phản phong kiến. Song nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là giải phóng dân tộc, cho nên cuộc cách mạng ta phải tiến hành trước mắt đây là cách mạng giải phóng dân tộc, một bước của cách mạng dân chủ tư sản”(1).
Từ ngày 25 đến ngày 28-02-1943, Tổng Bí thư triệu tập cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La, Đông Anh. Cuộc họp nêu bật tinh thần nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, coi chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn hiện tại. Hội nghị yêu cầu toàn Đảng phải đặt mình vào tình thế khẩn cấp; nhấn mạnh công tác xây dựng căn cứ địa, phát triển lực lượng vũ trang; đẩy mạnh công tác binh vận; chú trọng công tác thành thị, kết hợp chặt chẽ phong trào thành thị với phong trào nông thôn.
Ngày 07-5-1944, để đẩy mạnh hơn nữa việc chuẩn bị khởi nghĩa, lấy danh nghĩa Tổng bộ Việt Minh, Tổng Bí thư viết Chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa”. Để đưa Chỉ thị quan trọng này vào quần chúng cả nước, bắt đầu từ trước đó, trên báo Cờ giải phóng xuất hiện một loạt bài, với bút danh T.Tr, tập trung giải quyết vấn đề này dưới tiêu đề chung “Sửa soạn khởi nghĩa”. Để quán triệt sâu rộng hơn nữa tinh thần bản Chỉ thị, đồng chí Trường Chinh đã viết bài “Hãy nắm lấy khâu chính” đăng trên báo Cờ giải phóng, số 6 (ngày 25-7-1944), tóm tắt thành 5 việc cốt yếu để thi hành Chỉ thị nói trên của Tổng bộ Việt Minh. Đồng chí yêu cầu các địa phương ra sức phát triển các tổ chức tự vệ, tổ chức thêm bộ đội chiến đấu; huấn luyện thêm cán bộ quân sự; tìm hết cách sắm sửa vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang, vận động binh lính; làm cho chiến thuật khởi nghĩa phổ biến trong các tổ chức cách mạng và trong nhân dân. Bằng giác quan chính trị nhạy bén, đồng chí Trường Chinh phát hiện hàng loạt vấn đề liên quan đến nhiệm vụ sửa soạn khởi nghĩa để định hướng và chỉ đạo thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể giúp cho người đọc của Cờ giải phóng hiểu rõ rằng, nhiệm vụ sửa soạn khởi nghĩa trở thành nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng Việt Nam.
Trong bài “Phải tiến gấp” đăng trên Cờ giải phóng, số 6, ngày 28-7-1944, đồng chí kêu gọi: “Các chiến sĩ cách mạng Đông Dương! Các giới đồng bào yêu nước cùng thời cuộc trong ngoài hết sức có lợi cho ta. Dịp tốt ngàn năm có một đang lại. Hãy tiến gấp! Hãy kíp sửa soạn khởi nghĩa theo chỉ thị đã ra. Các đồng chí hãy kiên nhẫn và mạnh dạn thuyết phục đồng bào. Hãy thi nhau phát triển tổ chức; thi nhau đẩy mạnh phát triển đời sống quần chúng. Vận mệnh các dân tộc Đông Dương đã đặt trong tay chúng ta. Phải hy sinh, phải chiến đấu. Phải kiên quyết, tích cực. Bỏ lỡ cơ hội là một tội ác. Phải sẵn sàng đón lấy thời cơ và chuẩn bị đủ điều kiện tóm lấy nó”(2).
Khi nhận được tin báo có dấu hiệu chuẩn bị chiến đấu của quân Nhật, Tổng Bí thư Trường Chinh lập tức triệu tập Hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng tại làng Đình Bảng, Từ Sơn (Bắc Ninh) vào đêm ngày 09-3-1945. Nội dung cuộc họp quan trọng này được thể hiện đầy đủ trong bản chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo và hoàn chỉnh. Ngày 15-3-1945, Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo Mặt trận Việt Minh phát động Cao trào kháng Nhật, cứu nước. Để đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa vũ trang, từ ngày 15 đến 20-4-1945, Tổng Bí thư Trường Chinh triệu tập và chủ trì Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, tại Hiệp Hòa, Bắc Giang (thuộc ATK2). Đây là Hội nghị quân sự quan trọng đầu tiên của Đảng nhằm giải quyết nhiệm vụ quân sự, nhiệm vụ quan trọng và cần kíp nhất của Đảng lúc này. Thực hiện Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại hội để quyết định phát động tổng khởi nghĩa và thành lập Chính phủ lâm thời.
Hai là, quan tâm đến công tác xây dựng Đảng và công tác tuyên truyền
Sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám, Tổng Bí thư Trường Chinh nêu một số việc cần làm để thi hành Nghị quyết Trung ương, đó là: tuyên truyền, phổ biến tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương đến tận chi bộ; tổ chức việc thi hành Nghị quyết của Đảng; làm cho quần chúng do kinh nghiệm bản thân mà nhận thấy chính sách mới của Đảng là duy nhất và nhận thấy khẩu hiệu của Đảng là của mình; phải ra sức đào tạo cán bộ để có người đủ năng lực đem chính sách mới của Đảng thi hành trong quần chúng; kiên quyết tẩy trừ bệnh “tả khuynh”, cô độc, hẹp hòi làm cho Đảng xa rời quần chúng, đồng thời phải chống bệnh “hữu khuynh”… Nhưng để đường lối, chính sách mới của Đảng có thể đi vào cuộc sống, một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Tổng Bí thư là vấn đề xây dựng Đảng vững mạnh. Bởi vậy, ngay sau Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, với bút danh Thiết Tâm, Tổng Bí thư viết bài “Củng cố Đảng” đăng trên báo Giải phóng, số 2, tháng 6-1941, nói về vấn đề cán bộ và vấn đề sinh hoạt chi bộ. Ngày 21-12-1941, Tổng Bí thư triệu tập cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng và ra Thông cáo “Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Đảng” gửi các cấp bộ đảng. Tiếp đó, vào giữa tháng 01-1942, đồng chí Trường Chinh viết gửi Ban Tuyên truyền huấn luyện Trung ương tài liệu “Chiến tranh Thái Bình Dương và cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Dương” để kịp thời uốn nắn một số lệch lạc trong nội bộ Đảng, giúp toàn Đảng nhận định đúng tình hình và xác định những nhiệm vụ cần kíp của cách mạng.
Về công tác tuyên truyền, sau một thời gian chuyển vào hoạt động bí mật ở các vùng phụ cận Hà Nội và về quê, giữa năm 1940, đồng chí Trường Chinh bắt liên lạc được với Xứ ủy. Sau đó, đồng chí hoạt động chủ yếu ở các vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên, Đông Anh,… vừa chỉ đạo, vừa xây dựng cơ sở của các an toàn khu (ATK), vừa ổn định hệ thống tổ chức và cơ sở cho các cơ quan tuyên truyền của Đảng. Thời gian này, đồng chí cho tiếp tục xuất bản báo Giải phóng, cơ quan ngôn luận của Xứ ủy và trực tiếp làm chủ bút của báo. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí cho thành lập, chỉ đạo và viết bài cho các cơ quan báo chí của Đảng. Thông qua các tờ báo này, Tổng Bí thư truyền đạt nhận định về thời cuộc, truyền đạt đường lối, chủ trương của Đảng, tổ chức và uốn nắn phong trào cách mạng… Tháng 10-1941, đồng chí trực tiếp phụ trách Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng; tháng 01-1942, phụ trách báo Cứu quốc - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh. Tháng 10-1942, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định ra báo Cờ giải phóng - cơ quan tuyên truyền, cổ động của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, do Tổng Bí thư trực tiếp phụ trách. Báo Cờ giải phóng số 1 ra ngày 10-10-1942 và kéo dài đến ngày 18-11-1945. Báo Cờ Giải phóng thực sự trở thành công cụ tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể.
Thực hiện chủ trương “muốn cho sự tuyên truyền cho kịp thời và khỏi gián đoạn, mỗi khi các đảng bộ mất liên lạc với nhau thì mỗi đảng bộ địa phương phải tìm cách ra báo chí tuyên truyền. Ít nhất là các ban tỉnh ủy phải có ban tuyên truyền chuyên môn xuất bản báo riêng ở trong tỉnh để tuyên truyền cho kịp thời”, Tổng Bí thư chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác báo chí tuyên truyền để tạo ra sự đồng bộ với sự phát triển của tổ chức đảng và quần chúng khắp cả nước. Vì vậy, một loạt báo địa phương đã ra đời, góp phần tích cực và kịp thời vào việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và thông báo những biến đổi mau chóng của tình hình trong nước và quốc tế đến nhân dân. Do những hoạt động tích cực và bằng những biện pháp toàn diện của Tổng Bí thư, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và các Xứ ủy, các tổ chức đảng được củng cố, các văn kiện của Đảng đã được phổ biến tới các đảng bộ, chi bộ địa phương, tới các đảng viên và quần chúng cách mạng. Đến đầu năm 1942, Chương trình, Tuyên ngôn của Việt Minh và thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (ngày 06-6-1941) vào đến Sài Gòn và Hậu Giang. Tình hình đó tạo ra khí thế cách mạng mới, một phong trào cách mạng mới trong cả nước.
Ba là, có sáng kiến trong việc xây dựng ATK; đặt nền móng xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Bên cạnh việc chú trọng tăng cường sức mạnh của Đảng và Mặt trận về tư tưởng và tổ chức, trên cơ sở sự phát triển của lực lượng chính trị và lực lượng du kích, Tổng Bí thư có sáng kiến xây dựng các khu căn cứ địa bảo đảm cho cơ quan lãnh đạo của Đảng hoạt động liên tục và an toàn (gọi là An toàn khu - ATK).
Ban Thường vụ Trung ương đã lập một khu an toàn khá rộng trong các làng, xã thuộc Đông Anh (Hà Nội), một phần Yên Lãng (Phúc Yên) một phần thuộc Từ Sơn, Gia Lâm (Bắc Ninh), một phần Hoài Đức (Hà Đông) bao bọc lấy gần già nửa ngoại thành Hà Nội, nằm trên 2 bờ sông Hồng, cách trung tâm thành phố từ 10km đến 20km. Phụ trách ATK là một đội công tác do Ban Thường vụ chỉ đạo trực tiếp. Ngoài ATK1 của Trung ương, hệ thống ATK của Xứ ủy Bắc Kỳ và ATK của các địa phương lớn, nhỏ, xa gần: ATK2 Trung ương (Hiệp Hòa, Bắc Giang), ATK Xứ ủy Bắc Kỳ (Trầm Lộng, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Vân Can, Vạn Phúc, Nghĩa Đô)… nối liền, mở rộng ATK thành vùng rộng lớn, tạo thành một “vành đai đỏ”, bao quanh, áp sát thành phố Hà Nội, giúp cho Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhanh chóng nắm bắt tình hình, phát hiện âm mưu thủ đoạn của địch, kịp thời đề ra chủ trương chính sách, chỉ đạo phong trào cách mạng trong vùng và cả nước. Nhờ đó, suốt thời kỳ đầu năm 1942 đến tháng 8-1945, cơ quan Trung ương không bị vỡ. Trong khi các cơ quan mật thám, cảnh sát Pháp ở Bắc Kỳ suy đoán rằng, đầu não cộng sản đã chuyển lên vùng rừng núi biên giới, các đồng chí Trung ương vẫn bám sát Hà Nội để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chấn hưng đất nước, năm 1943, Đảng ta phát hành bản Đề cương văn hóa Việt Nam. Đề cương văn hóa do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) vào tháng 02-1943. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, nhất là từ khi nhận được bản Đề cương văn hóa Việt Nam, các hội viên văn hóa cứu quốc đã tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa dân tộc, văn hóa cách mạng, chống văn hóa nô dịch, phản động. Dựa vào đây, các hội viên đã tuyên truyền đường lối văn hóa cách mạng của Đảng trong một số văn nghệ sĩ và tham gia viết bài cho báo Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh để chống lại luận điệu chính trị thân Nhật và các khuynh hướng văn hóa nô dịch phản động, đặc biệt là của tờ-rốt-kít trong nhóm Hàn Thuyên. Một số hội viên đã có những tác phẩm hiện thực, tiến bộ.
Đề cương văn hóa Việt Nam, bản tuyên ngôn của Đảng về văn hóa, đã vũ trang cho toàn Đảng và những người hoạt động văn hóa phương hướng đúng đắn để chiến thắng phát xít Nhật - Pháp trên mặt trận văn hóa và tư tưởng, xây dựng nền văn hóa mới của nước ta. Qua đó, khẳng định vai trò quan trọng của Tổng Bí thư Trường Chinh trong Cách mạng Tháng Tám - người “đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công”(5). Trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Trường Chinh đã hoàn thành chặng đường đầu tiên của cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc./.
-------------------------------------------
(1) Trường Chinh tuyển tập 37 - 54, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007, tr. 162
(2) Trường Chinh tuyển tập 37 - 54, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007, tr. 208
(3) Điếu văn, do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh (Báo Nhân dân, ngày 06-10-1998, tr.1)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 8 đến ngày 14-8-2016)  (16/08/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 8 đến ngày 14-8-2016)  (16/08/2016)
“Chấm điểm” lãnh đạo địa phương qua phát triển doanh nghiệp  (15/08/2016)
Phó Thủ tướng cho ý kiến về tình hình ứng trước vốn đầu tư  (15/08/2016)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV khai mạc phiên họp thứ hai  (15/08/2016)
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay