Toàn cầu hóa tác động tới mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân trong giai đoạn hiện nay
Tác động theo hai hướng chủ yếu…
Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa đã có tác động ngày càng mạnh mẽ đến các mối quan hệ xã hội của nước ta, trong đó có mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Sự tác động tới mối quan hệ này được thể hiện ở hai hướng chủ yếu. Thứ nhất là hiệu quả của nền kinh tế quốc dân và đời sống nhân dân, và thứ hai là sự thực hành dân chủ trong đời sống xã hội. Uy tín của Đảng đối với nhân dân thường được nhìn nhận một cách khách quan qua hai hướng đó.
Dù đứng ở bất kỳ vị trí xã hội, quan điểm chính trị nào, thì vị trí lãnh đạo xã hội Việt Nam của Đảng chỉ có thể tồn tại được khi Đảng và Nhà nước do Đảng lãnh đạo, làm tròn được hai nhiệm vụ chiến lược: Giữ vững nền độc lập dân tộc và sự phát triển không ngừng của kinh tế - xã hội đất nước. Điều này được thể hiện ở một loạt các yêu cầu về kết quả hoạt động đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước, mà ở thời đại thông tin bùng nổ thì các kết quả này được công khai hóa ngày càng sâu rộng.
Trong thực tế, sự hội nhập của Việt Nam vào đời sống quốc tế là rất chủ động và tích cực. Trước hết, tiến bộ kinh tế và xã hội của Việt Nam đã được dư luận thế giới đánh giá ngày càng cao, chứng tỏ nền kinh tế của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, đủ năng lực và cấu trúc hợp lý để hòa vào đời sống kinh tế quốc tế. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, quảng đại quần chúng nhân dân được tiếp nhận các thông tin rất kịp thời, nhận thức của người dân về khả năng quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế, chính trị ngoại giao đa phương là điều được khẳng định. Hội nhập càng sâu rộng thì xếp hạng thứ bậc trong các tổ chức quốc tế của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Bất kể các khó khăn và thách thức, hội nhập là một trong những điều kiện khách quan làm cho uy tín của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân càng lớn thông qua xu hướng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng thông qua các thông tin trực tiếp từ đời sống, đến với nhân dân một cách khách quan và trung thực.
Sự bùng nổ của thông tin thường có tác động đối với công chúng theo cả hai chiều, tích cực và tiêu cực. Quá trình hội nhập của Việt Nam làm cho tác dụng tích cực của bùng nổ thông tin ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Càng hội nhập, nền kinh tế Việt Nam càng buộc phải chấp nhận những luật chơi mới, lấy các quy định chung làm cơ sở. Các quy định chung này được rút ra từ những nền kinh tế thị trường đã phát triển lâu đời, có tính hoàn chỉnh rất cao, theo ý nghĩa dân chủ kinh tế rất căn bản. Nó không có tính áp đặt ai ngoài các thành viên trong hiệp định. Tuy nhiên, nó lại có tính chất bắt buộc đối với các nước tham gia.
Kết quả là chỉ trong vòng một thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được thể chế hóa và điều chỉnh thể chế hóa liên tục: Một môi trường tự do, bình đẳng với mỗi doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật. Doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp không thuộc Nhà nước đã bình đẳng hơn. Mọi ưu tiên “không minh bạch” dành cho doanh nghiệp nhà nước hầu như không còn. Người dân sẽ ngày càng cảm nhận rõ ràng không khí dân chủ đem lại sự cởi mở trong đời sống của mình trên tất cả các lĩnh vực. Những dịp Quốc hội sửa đổi những đạo luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế, do nhu cầu thực tiễn của hoạt động sản xuất kinh doanh, người dân đã trực tiếp bày tỏ ý kiến góp ý của mình, những ý kiến đó cũng đã được các nhà làm luật tiếp thu, từ đó các đạo luật khi ban hành có thể dễ dàng đi vào cuộc sống và nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Đó không phải là những sáng kiến chính trị nhất thời và bột phát. Nó là tác động của thực tiễn hội nhập đối với thực tiễn trong nước, làm cho nền kinh tế trong nước phát triển theo hướng dân chủ hóa rất hiệu quả, nhưng phải thông qua nhận thức và hoạt động thực tiễn. Những tiến bộ rất có ý nghĩa này không dễ nhận ra ngay, nhất là các bộ phận dân cư tham gia trực tiếp vào đời sống thực tiễn, trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Chỉ khi nào nhờ những chính sách mới mà sản xuất kinh doanh trở nên hiệu quả hơn, mang lại những tiến bộ mới cho nền kinh tế, làm cho đời sống nhân dân được nâng cao thì người dân mới hiểu được.
Trong những giai đoạn tới, khi Việt Nam gia nhập thật sự vào những hiệp định thương mại thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), xu hướng này còn được phát triển mạnh hơn.
Sự bùng nổ thông tin trong quá trình toàn cầu hóa làm cho quá trình dân chủ hóa thông tin trở thành một động lực lớn đối với phát triển dân chủ. Điều này chủ yếu là có lợi cho quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Ngày nay, dân trí đã cao, đời sống đa số nhân dân đã được cải thiện. Đa số nhân dân đã đánh giá được đúng những giá trị kinh tế - xã hội mà công cuộc đổi mới mang lại và có niềm tin đối với Đảng. Nếu kinh tế vĩ mô được giữ vững (và đây là điều kiện căn bản để nhân dân tiếp tục tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Đảng), hội nhập thành công thì sinh hoạt dân chủ sẽ phát triển tự nhiên, hợp lý, khách quan và từng bước. Đó là xu thế chủ đạo. Cả hai phía Đảng và nhân dân đều ngày càng nhận thức rõ các vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội, những vấn đề sống còn để tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhau.
Phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, sự nghiệp xây dựng và phát triển nhà nước pháp quyền là phương thức chủ yếu của con đường phát triển dân chủ ở Việt Nam, qua đó mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân chủ yếu thông qua phương thức chính trị sẽ được củng cố và phát triển lành mạnh, theo hướng công khai và chỉ có thể như vậy mới ngày càng trở nên gắn bó. Trong 30 năm đổi mới, vai trò của Quốc hội ngày càng được nâng cao, tính chất quyền lực tối thượng của Quốc hội chưa đạt được như mong muốn, nhưng vai trò giám sát tối cao ngày càng rõ rệt. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhà nước tập trung quyền lực vào Quốc hội. Do đó, nâng cao năng lực hoạt động của Quốc hội, củng cố vai trò và quyền lực tối cao của Quốc hội là nội dung ưu tiên hàng đầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền, cũng là biểu hiện thiết thực của nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Cải cách tư pháp cũng được Đảng xác định là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách. Công việc này liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân, là quá trình thực thi những cam kết quốc tế về vấn đề nhân quyền, là cung cách hiện đại để phát triển pháp quyền của Nhà nước. Tư pháp là lĩnh vực có trách nhiệm hiển thị rõ nhất thực trạng của xã hội công dân và là thực chất của việc nhân dân làm chủ theo phương thức Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ ở Việt Nam. Chỉ khi các quyền của công dân được bảo đảm bằng hoạt động tư pháp có hiệu quả thì địa vị làm chủ xã hội, làm chủ bản thân mình mới được bảo đảm bằng nhà nước, chứ không dừng lại ở những khẩu hiệu chung chung. Có thể nói, cải cách tư pháp theo hướng hiệu quả và hiện đại là pháp chế hóa quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện cho người dân có khả năng tự bảo vệ các lợi ích chính đáng của mình, có sự bảo đảm của nhà nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, lĩnh vực truyền thông có một vai trò đặc biệt quan trọng. Tính dân chủ trong hoạt động thông tin và truyền thông đã được cải thiện đáng kể. Nhân dân bước đầu đã được tiếp cận với thông tin đa chiều và đây chính là đặc trưng căn bản của tính hiện đại trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Cần phải phát triển ngày càng tốt hơn đặc trưng này trên cơ sở những thành quả kinh tế - xã hội của công cuộc đổi mới. Qua dân chủ thông tin, một cách có định hướng, công luận sẽ được rèn luyện dần theo hướng có phê phán, chọn lọc. Nếu chủ đề thông tin là những vấn đề có lợi cho việc củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, thì công luận đó sẽ rất hiệu quả vì có tính khách quan, qua sàng lọc. Ngược lại, nếu chủ đề thông tin là tiêu cực thì nhu cầu xác minh, so sánh sẽ được nảy sinh, mỗi lần như vậy là một lần công luận được rèn luyện, thử thách.
Xã hội càng phát triển thì những vấn đề xã hội đặt ra sẽ càng lớn. Trong xu thế hội nhập, truyền thông không lẩn tránh bức xúc xã hội, mà tập trung cho công luận bản lĩnh đối diện với sự thật, tất nhiên là có định hướng về cách thức đưa tin và mức độ phù hợp với tình hình. Ví dụ, trước thềm hội nhập sâu rộng hơn của nền kinh tế nước ta vào các hiệp định thương mại mới, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ là những nguy cơ thua trên sân nhà. Truyền thông trung thực về các nguy cơ này sẽ gây nên các mối quan tâm, lo lắng, tức là những bức xúc mang tính tích cực, thúc đẩy các doanh nghiệp khắc phục sớm các hạn chế về nguồn nguyên liệu, môi trường lao động, lợi ích người lao động, an toàn sản phẩm,… là rất cần thiết. Truyền thông theo cách này là thể hiện rõ sự quan tâm thiết thực của Đảng và Nhà nước đến những lợi ích thiết thực của nhân dân.
Và, tác động dưới góc độ biến đổi văn hóa
Quá trình toàn cầu hóa cũng là động lực chủ yếu làm cho các nền văn hóa tiếp xúc, cọ xát, chọn lọc và biến đổi. Nó có tính khách quan và tất yếu. Những hiệu ứng biến đổi, xu thế biến đổi của mỗi nền văn hóa trong bối cảnh chung của hội nhập lại khác nhau, tùy thuộc vào mức độ hội nhập và cấu trúc giá trị của mỗi nền văn hóa. Trong quá trình phát triển của nền văn hóa Việt Nam có những giá trị văn hóa không còn phù hợp với đời sống hiện đại, với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhưng cũng có nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, có tính nhân văn sâu sắc và tính phổ biến cao.
Phát huy giá trị tích cực trong văn hóa Việt Nam chính là phát huy sức mạnh tiềm ẩn trong văn hóa. Giá trị văn hóa lớn nhất của người Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước. Đây chính là nền tảng tinh thần lớn nhất của mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, ngọn cờ giải phóng dân tộc mà Đảng giương cao là sức hút to lớn nhất, có sức mạnh tập hợp quảng đại quần chúng nhân dân trong cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, làm nên những trang vàng bất hủ trong lịch sử dân tộc, để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tình cảm của nhân dân thế giới. Ngày nay, truyền thống quý báu này vẫn được duy trì. Nhưng trong hoàn cảnh hòa bình xây dựng, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân trên cơ sở độc lập dân tộc và phát triển đất nước đã có những biến đổi về nội dung và phương pháp. Hiện thực này đặt ra các yêu cầu mới đối với văn hóa chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những ứng xử chính trị của Đảng đối với các hiện tượng mới trong đời sống văn hóa, trong đó có văn hóa nếp sống, văn hóa nghệ thuật, văn học là một lĩnh vực ngày càng lớn và quan trọng trong mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Cùng với mức sống ngày càng được nâng cao và quá trình cư dân đô thị tăng cao, ở Việt Nam, tầng lớp trung lưu và thị dân tăng lên khá nhanh. Ý kiến cho rằng xã hội hiện đại là xã hội mà ở đó tầng lớp trung lưu ngày càng có vai trò to lớn cho xã hội công dân không phải là điều không có lý. Vì vậy, tâm tư, tình cảm, xu hướng thẩm mỹ và những đòi hỏi tự do dân chủ của tầng lớp này là điều rất đáng quan tâm nghiên cứu, bởi vì một cách khách quan, ứng xử với tầng lớp này chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong mối quan hệ với nhân dân.
Trong thời kỳ đổi mới, quan điểm về văn hóa của Đảng, phần lớn được thể hiện trong quản lý văn hóa của chính phủ, đã có những tiến bộ rất đáng kể. Sinh hoạt văn hóa tinh thần đã không còn đơn tuyến như trong thời chiến, thời mà mỗi văn nghệ sĩ sẵn sàng và có ý thức công dân cao để trở thành một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Trong hoàn cảnh hòa bình, lợi ích cá nhân chính đáng, trong đó lợi ích tinh thần ngày càng được tôn trọng. Những tình cảm, khát vọng của đời sống cá nhân là có tính nhân văn phổ biến, phải được tôn trọng. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng với chủ trương xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, trong quản lý văn hóa, vấn đề thế nào là một nền văn hóa tiên tiến vẫn là một vấn đề gây nhiều cách hiểu khác nhau. Cả yếu tố đậm đà bản sắc dân tộc cũng chưa rõ nội hàm cụ thể, nhiều khi đưa đến các quyết định đầu tư vừa lãng phí, vừa kém hiệu quả xã hội.
Ứng xử đối với văn hóa là ứng xử với một bình diện hết sức trọng yếu của đời sống xã hội. Quan hệ giữa Đảng với nhân dân trong lĩnh vực văn hóa là quan hệ giữa Đảng với đòi hỏi tinh thần, đời sống tinh thần của nhân dân, mà trực tiếp lại là một bộ phận nhân dân có tri thức, nhạy cảm, đó là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, những người lao động tinh thần. Cần phải có cả một chiến lược bài bản, vừa có tính khoa học, vừa có tính nhân văn cao, trên cơ sở của những nghiên cứu khoa học công phu và nghiêm túc.
Hiện nay ở Việt Nam, công nghệ thông tin thật sự trở thành một sức mạnh, nó thúc đẩy sự phát triển ồ ạt của các hãng thông tấn, truyền hình, giải trí,... tạo cơ hội cho nhân dân tiếp xúc nhiều hơn, dễ dàng hơn với các nền văn hóa. Những rào cản bị xóa nhòa, các giá trị tư tưởng, văn học, nghệ thuật,... của các nền văn minh được quảng bá, phát tán nhanh hơn, có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Biên giới mềm về văn hóa ngày càng tỏa rộng. Những làn sóng văn hóa ngoại lai ùa vào mọi ngõ ngách trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Có thể thấy, trong lịch sử dân tộc, chưa bao giờ văn hóa Việt Nam có cơ hội tiếp xúc những giá trị từ nhiều nền văn hóa như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ đứng trước thách thức đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc như hiện nay.
Như vậy có thể khẳng định rằng, toàn cầu quá đã tác động không nhỏ đến mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Nó tác động trên cả hai phương diện tích cực lẫn tiêu cực, có thể làm cho mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân trở nên gắn bó, mật thiết hơn, cũng có thể làm cho mối quan hệ này suy giảm. Do vậy, chúng ta phải nghiên cứu kỹ nhân tố này, nhằm đưa ra những giải pháp để phát huy những tác động tích cực, đồng thời ngăn chặn những tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, từ đó xây dựng đất nước ngày một phát triển./.
Kỷ niệm ngày mất lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân  (31/07/2016)
Kỷ niệm ngày mất lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân  (31/07/2016)
Kỷ niệm ngày mất lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân  (31/07/2016)
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam diễn biến tích cực  (31/07/2016)
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm việc tại tỉnh Bình Định  (31/07/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên