Các Mác "trở lại"
TCCS - Khi cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng trên toàn cầu, bộ Tư bản của C.Mác đã trở thành đầu sách bán chạy ở nhiều nước trên thế giới, nhất là tại Pháp, Đức, Anh, I-ta-li-a... Năm 2008, nhà xuất bản Các Đi-ét Vê-lat (Karl-Dietz-Verlag) ở Bec-lin (Đức) bán được 1.500 cuốn Tư bản, tăng 3 lần so với cả năm 2007 và tăng 100 lần so với năm 1990. Nhà xuất bản Niu-tơn Com-tơn (Newton-Compton) ở I-ta-li-a đã bán được 5.000 bộ Tư bản và vẫn tiếp tục in thêm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cũng đang trong danh sách những cuốn sách về chính trị bán chạy nhất ở Tây Âu.
1 - "Sốt" Tư bản của C.Mác ở nhiều nước trên thế giới
Đầu năm 2009, bộ Tư bản của C.Mác trở thành "hiện tượng đặc biệt" trên thị trường sách của Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhà xuất bản Cửa sổ thời gian (Window of Times) của Hàn Quốc hết sức ngỡ ngàng khi biết cuốn sách Das Kapital' (Tư bản luận) của C.Mác dưới dạng rút gọn đã bán được 3.000 bản trong vòng một tháng và thuộc diện "ăn khách" nhất ở các nhà sách lớn của thủ đô Xơ-un. Đây được coi là một "hiện tượng đặc biệt" vì ở nước này, sách khoa học xã hội ít khi bán được 2.000 bản ngay cả trong lần xuất bản đầu tiên. ở Nhật Bản, chỉ sau vài ngày ra mắt vào cuối tháng 12-2008, 6.000 bản truyện tranh Tư bản luận đã được bán hết. Cuốn truyện tranh này hiện đang được dịch sang tiếng Hàn, tiếng Trung và tiếng Anh để phát hành ở châu Á và Mỹ. Tư bản còn vừa được người Đức chuyển thể thành một bộ phim dài 10 tiếng và ghi vào 3 đĩa DVD.
Trên sách báo thế giới tràn ngập những bài bình luận và nghiên cứu tư tưởng C.Mác của rất nhiều nhà khoa học thuộc các trường phái và ở những quốc gia khác nhau.
2 - Vì sao bùng nổ mối quan tâm đối với C. Mác và bộ Tư bản?
Trước hết, vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi phát từ Mỹ đã làm nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái. Trong khủng hoảng, người ta bỗng nhận thấy rằng, có rất nhiều vấn đề hiện nay đã được C.Mác phân tích, dự báo trong bộ Tư bản; có quá nhiều mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại với những phát hiện của C.Mác trong bộ Tư bản. Ông Xchu-ét-trăm, Giám đốc Nhà xuất bản Các Đi-ét Vê-lat nói: "Trong thời khủng hoảng kinh tế, những phân tích của Các Mác về chủ nghĩa tư bản lại đặc biệt được quan tâm và Các Mác lại trở nên thời thượng".
Trên thực tế, hiện nay, để vực dậy nền kinh tế, chính phủ các nước đang nỗ lực sử dụng nhiều biện pháp can thiệp mạnh thông qua các gói kích thích kinh tế trị giá hàng trăm tỉ USD. Tân Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã phải khẳng định, chỉ có Chính phủ liên bang mới có đủ các phương tiện để phục hồi nền kinh tế đang bị tê liệt: "Với khu vực tư nhân bị suy yếu nghiêm trọng do suy thoái, Chính phủ là thực thể cuối cùng có các nguồn lực làm hồi sinh nền kinh tế".
Ông Ê-ríc Hốp-xbao (Erick Hobsbawn) - một trong những nhà sử học nổi tiếng nhất hiện nay đã trả lời phỏng vấn trên báo Sin Permisso (Ác-hen-ti-na) như sau: "Chúng ta không chút ngạc nhiên rằng các nhà chính trị cũng như các doanh nhân thành đạt nhất ở phương Tây, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực tài chính toàn cầu giờ đây đang quay trở lại nghiên cứu học thuyết của Các Mác và tìm thấy trong đó lời giải thích về nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ hệ thống tài chính của thế giới đương đại"; "Cuộc khủng hoảng tài chính có thể dẫn đến sự suy thoái kinh tế ở Mỹ cho thấy sự thất bại của học thuyết về thị trường tự do phi điều tiết. Hiện nay, Mỹ đang vội vàng quốc hữu hóa các xí nghiệp tài chính cỡ lớn và điều này có thể so sánh với các biện pháp đã từng được áp dụng trong cuộc đại suy thoái vào những năm 30 thế kỷ XX. Trên thế giới đang diễn ra hiện tượng hạn chế tốc độ phát triển của quá trình toàn cầu hóa. Rõ ràng, việc quay trở lại với chủ nghĩa Mác có nghĩa là thế giới cần phải nghiên cứu học thuyết của ông về chủ nghĩa tư bản và vị trí của học thuyết đó trong sự phát triển của xã hội loài người. Trước hết, một vấn đề rất cấp thiết hiện nay là phân tích sự phát triển không ổn định và theo chu kỳ của nền kinh tế tư bản thông qua các cuộc khủng hoảng kinh tế tự phát diễn ra đồng thời với những biến chuyển mạnh mẽ về chính trị và xã hội".
Trên tờ nhật báo La Xtam-pa (I-ta-li-a) với bài viết nhan đề "Một bộ râu vẫn đang làm hoài niệm cả châu Âu", nhà chính trị học nổi tiếng I-ta-li-a, Lu-xi-an-nô Can-pho-ra (Luciano Canfora) đã lý giải rằng: "Điều có ý nghĩa quan trọng chính là những phân tích của Mác về chủ nghĩa tư bản. Cho tới bây giờ, ông là người duy nhất có thể đưa ra một phân tích cụ thể, tường tận và chi tiết đến như thế về tất cả những cơ chế của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã chi phối xã hội hồi đó cũng như bây giờ, dù đã có sự khác biệt về hình thức". Khủng hoảng tài chính toàn cầu làm mọi người ngờ vực nền tảng của chủ nghĩa tư bản, nghi ngờ tính bền vững của nó.
Giáo sư Kim Xu-hang thuộc Đại học Xung-kong He - nhà kinh tế học đầu tiên dịch cuốn Tư bản sang tiếng Hàn, và được coi là chuyên gia hàng đầu ở Hàn Quốc về tác phẩm này, cho rằng, do nền kinh tế đang chìm sâu vào một cuộc suy thoái chưa từng có tiền lệ đã khiến người dân khao khát đi tìm câu trả lời cho những vấn đề của chủ nghĩa tư bản, và xu hướng này sẽ còn tiếp tục đến khi nền kinh tế phục hồi. Cả ông Kim Xu-hang và ông Lim Xe-ung-xu (tác giả cuốn Tư bản luận dưới dạng rút gọn) đều gọi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay là một thảm họa và tin rằng chủ nghĩa tư bản cuối cùng sẽ sụp đổ do những mâu thuẫn nội tại của hệ thống già nua hằng trăm năm tuổi này.
Báo La República của Tây Ban Nha có dòng tiêu đề: "Đối với những người bị áp bức của thế giới thứ ba, Mác cũng rất thời sự như Sếch-xpia hoặc Xéc-van-téc đối với những người yêu chuộng văn học". Còn báo The Guardian của Anh viết dòng tiêu đề: "Phải chăng tác phẩm tỏa sáng của Các Mác không chỉ là một kinh điển của kinh tế chính trị học mà còn là một tác phẩm lớn của văn học?".
Giáo sư kinh tế Giô-dép Xti-glit của Trường đại học Cô-lum-bi-a (Mỹ), người từng đoạt giải Nô-ben phát biểu: "Nhiều nước trên thế giới từng ngưỡng mộ nước Mỹ bởi sự vận hành kinh tế của chúng ta, và chúng ta cứ liên tục nói với họ rằng, nếu họ muốn giống chúng ta thì phải trao mọi quyền cho thị trường. Bây giờ chẳng ai kính trọng mô hình kinh tế ấy khi xảy ra cuộc khủng hoảng lần này. Và dĩ nhiên cũng nảy sinh câu hỏi về sự đáng tin cậy của chúng ta".
Giáo sư thỉnh giảng Mác-tin Giắc-cơ (Martin Jacques) của Trường Đại học Kinh tế Luân-đôn nhận định: “Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay cho thấy chủ nghĩa tư bản luôn tiềm tàng nguy cơ khủng hoảng và ở một ý nghĩa nào đó, C.Mác đã đúng”.
Bài viết trên báo La Xtam-pa kết luận: "Cuộc khủng hoảng tài chính đang làm mục ruỗng chủ nghĩa tư bản. Các Mác đã dự đoán trước điều này trong tác phẩm Tư bản bất hủ của ông, và do đó, những tư tưởng của ông ngày nay đã trở thành thời thượng".
Thứ hai, nỗi ám ảnh của người lao động sẽ bị mất việc làm ở hầu hết quốc gia trên thế giới do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hiện nay. Mỗi ngày, báo chí lại cập nhật thêm thông tin số lượng người lao động gia nhập đội quân thất nghiệp. Vấn đề thất nghiệp đã được C.Mác phân tích rất rõ trong bộ Tư bản. Ông đã giải thích hết sức đúng đắn và cụ thể những vấn đề liên quan đến một "đội quân dự bị", vốn là những người thất nghiệp ở Man-chét-xtơ thời bấy giờ. Ngày nay, đội quân ở Man-chét-xtơ ấy không còn, nhưng "đội quân dự bị" đã tản ra ở những bậc thang khác nhau của xã hội. Họ là những người nhập cư sẵn sàng giành lấy việc làm của những người lao động trong thế giới tư bản với mức lương thấp và thậm chí cũng không đòi hỏi các bảo đảm về mặt xã hội cũng như các quyền cơ bản của con người. Những người thất nghiệp mà C.Mác đã đề cập và phân tích trong tác phẩm của mình gần hai thế kỷ trước, bây giờ đã lên đến con số một tỉ người trên thế giới.
Nhà sử học người Anh Tô-ny Giút (Tony Judt) thấy ở các tác phẩm của C.Mác khía cạnh xã hội: Cái mà ta thường gọi là tăng trưởng kinh tế thế giới, mở rộng thị trường quốc gia và quốc tế thì hàng triệu con người coi đấy là sự phân phối của cải thế giới cho một dúm nhà tư bản và tập đoàn xuyên quốc gia. Không cần phải là nhà mác-xít mới nhận được điều mà Mác gọi là "đội quân công nghiệp dự bị", điều đó xuất hiện ngày nay, không phải chỉ ở những xóm nghèo của các thành phố công nghiệp châu Âu mà ở khắp thế giới này. Thu nhập thấp, luôn bị đe dọa đuổi việc, đóng cửa nhà máy hoặc thôi đầu tư, đội quân lao động dự bị toàn cầu nói trên tiếp tục tạo ra lợi nhuận và góp phần vào tăng trưởng kinh tế như nó đã làm ở châu Âu công nghiệp thế kỷ XIX. Thế giới hình như lại bắt đầu một chu kỳ mới, một chu kỳ mà ông cha chúng ta ở thế kỷ XIX rất quen biết, còn những người phương Tây chúng ta ngày nay chưa có kinh nghiệm.
Thứ ba, vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng xã hội gia tăng. Các Mác không phải là nhà tư tưởng duy nhất bàn về sự công bằng xã hội, ông Ê-ríc Hốp-xbao viết, nhưng Mác đã làm điều đó một cách đầy sức thuyết phục. Khi nghiên cứu quá trình tích lũy tư bản, C.Mác đã kết luận, quá trình tích lũy tư bản dẫn đến kết quả hai mặt trái ngược: tích lũy sự giàu sang về phía giai cấp tư sản, và sự bần cùng về phía giai cấp vô sản. Giai cấp vô sản càng bần cùng thì càng phải chấp nhận điều kiện bóc lột nặng nề hơn. Đó chính là bản chất, là nguồn gốc dẫn tới sự bất công, bất bình đẳng xã hội.
Hiện nay, giải quyết chênh lệch khá lớn giữa người giàu và người nghèo với những bất bình đẳng về y tế, giáo dục và cơ hội thành công, đang là những vấn đề thời sự. Theo nhà sử học người Anh Tô-ny Giút, trong những năm tới, với khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng thêm và những cuộc xung đột gay gắt về việc làm, tài nguyên thiên nhiên, chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều hơn về bất công, bất bình đẳng, bóc lột ở những nước phương Tây và trên khắp thế giới. Vì vậy, chủ nghĩa Mác sẽ ngày càng có sức hấp dẫn hơn dưới hình thức này hay hình thức khác.
Độc lập tự chủ về kinh tế với một thế giới tùy thuộc nhau trong chuỗi giá trị toàn cầu  (24/03/2009)
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường  (24/03/2009)
Tháng 3-2009, chỉ số giá tiêu dùng cả nước giảm  (24/03/2009)
Điều chỉnh biên độ tỷ giá VND/USD lên +/-5%  (24/03/2009)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên