Thành phố Hà Nội nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân
TCCS - Triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” và Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” thành phố Hà Nội xác định mục tiêu xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống bác sĩ gia đình, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân.
Cải thiện kết cấu hạ tầng y tế cơ sở
Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân sinh sống tại các khu vực điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, ngày 26-7-2011, của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội chú trọng nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế hiện có trong nội đô, khai thác phục vụ cộng đồng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; di chuyển các cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm, mức độ lây nhiễm cao ra khỏi nội đô. Dành quỹ đất cho các cơ sở nghiên cứu - đào tạo - khám, chữa bệnh chất lượng cao. Đầu tư xây dựng các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc tế, quốc gia, như trung tâm đào tạo, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, sản xuất dược, trang thiết bị y tế và cơ sở 2 cho các bệnh viện trung ương và thành phố. Các khu đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái và các thị trấn hiện hữu xây dựng hệ thống bệnh viện thành phố, quận, huyện, phòng khám đa khoa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 25-10-2023, của Ban Bí thư “Về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới” góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân, ngày 27-7-2023, Ủy ban nhân dân Hà Nội ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030, góp phần củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã định hướng phát triển phủ kín mạng lưới y tế dự phòng trên toàn địa bàn Thủ đô giảm các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, tật.
Hiện, thành phố Hà Nội có 13 bệnh viện đa khoa huyện, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và 13.903 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập. Về nhân lực y tế tại y tế cơ sở, nhân lực tuyến xã năm 2022 là 4.723 người, trong đó, tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc là 100%; tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc cơ hữu là 88,6%... Thành phố Hà Nội đầu tư trang thiết bị y tế cho các trạm y tế để đáp ứng thực hiện các danh mục kỹ thuật trong khám, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành cho tuyến cơ sở, bảo đảm sử dụng hiệu quả trang thiết bị y tế được đầu tư. Theo đó, Sở Y tế phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở là 2.447 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư cơ sở vật chất cho 307/579 trạm y tế với tổng mức đầu tư khoảng 1.767 tỷ đồng. Để có thể vận hành được hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, thành phố Hà Nội tuyển dụng nhân lực y tế cho các trạm y tế theo quy định; có chính sách thu hút các bác sĩ về công tác tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, bảo đảm cơ cấu cán bộ y tế cho các trạm y tế…
Về công tác y tế cơ sở, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã chủ động rà soát kết cấu hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm công năng hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Lập danh mục các trạm y tế cần sửa chữa, nâng cấp, xây mới,… để chuẩn bị công tác đầu tư theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong giai đoạn 2022 - 2025, số lượng danh mục dự án đề xuất đầu tư cho y tế cơ sở trên địa bàn thành phố là 349 dự án; số dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách thành phố là 198 dự án.
Để tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống y tế cơ sở, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU “Về việc phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025” trong đó có rất nhiều nội dung được quan tâm về phát triển y tế cơ sở; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND, ngày 27-7-2023 “Thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn Hà Nội” nhằm củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế
Nguồn nhân lực là nhân tố có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực, đối với ngành y, điều này càng đặc biệt quan trọng hơn, trực tiếp quyết định chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các đối tượng và khẳng định uy tín, thương hiệu. Hiện, thành phố Hà Nội có 14 bác sĩ/1vạn dân, để đạt mục tiêu của chương trình còn thiếu 1.555 bác sĩ, chia bình quân 3 năm, mỗi năm cần tăng thêm khoảng 518 bác sĩ. Số lượng bác sĩ này sẽ được thu hút qua các đợt tuyển dụng viên chức, qua các đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho ngành y tế Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.
Ngày 30-12-2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 353/KH-UBND “Phát triển nguồn nhân lực ngành y tế Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025”. Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ duy trì chỉ tiêu 26,4 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y/10.000 dân và 8,4 dược sĩ đại học/10.000 dân; 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc, trong đó, 95% trạm y tế có bác sĩ cơ hữu tại trạm; phấn đấu 41% viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập có trình độ đại học và sau đại học; 100% cán bộ trong quy hoạch được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước theo quy định. Kế hoạch cũng xác định 4 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch phát triển giường bệnh cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố; bảo đảm đến năm 2025, dự kiến tăng thêm tối thiểu 4.704 giường bệnh.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội phối hợp với các trường đại học, cao đẳng khối ngành sức khỏe thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao đăng ký dự tuyển vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc Sở Y tế sau khi tốt nghiệp; xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cho cán bộ được cử đi học đại học, sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở và các chuyên khoa lao, tâm thần, truyền nhiễm, giải phẫu bệnh, pháp y. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý và hướng dẫn các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân nâng cao chất lượng hoạt động, phối hợp với hệ thống y tế công lập thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; động viên các cán bộ y tế mới nghỉ hưu còn đủ sức khỏe tiếp tục đăng ký hành nghề tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập,… đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, tiến tới bảo đảm chất lượng dịch vụ kỹ thuật phù hợp với năng lực của tuyến y tế cơ sở. Triển khai hiệu quả hệ thống bác sĩ gia đình nhằm chăm sóc toàn diện sức khỏe người dân, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Để đạt mục tiêu về phát triển nguồn nhân lực ngành y tế giai đoạn 2022 - 2025, thành phố tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Phát triển giường bệnh cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố; bảo đảm đến năm 2025 dự kiến tăng thêm tối thiểu 4.704 giường bệnh. Khi tuyển dụng đủ nhân lực theo quy định với số giường bệnh trên, sẽ có thêm 5.610 người, trong đó có 1.555 bác sĩ; 2.595 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y; 338 dược sĩ và 1.122 cán bộ khác.
Ứng dụng công nghệ thông tin
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường khiến cho nước ta cần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh cho người dân thành phố Hà Nội, bao gồm xây dựng và áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng; xây dựng và áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ cho việc phòng, chống và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm, bệnh mãn tính và bệnh không lây; xây dựng và áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ cho việc chẩn đoán, điều trị, theo dõi và phục hồi sức khỏe của bệnh nhân. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ sở khám, chữa bệnh hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh, bao gồm ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện, quản lý chất lượng y tế; quản lý nguồn nhân lực y tế; quản lý thiết bị y tế; quản lý khoa học - công nghệ và đào tạo y tế; quản lý tài chính của bệnh viện; quản lý an toàn thông tin…
Ngành y tế Hà Nội đang tích cực triển khai Đề án Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2023 - 2025 để từng bước hình thành hệ thống thông tin ngành hiện đại, linh hoạt dựa trên dữ liệu được cập nhật chính xác theo thời gian thực. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đang quản lý hồ sơ công việc, điều hành thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung của thành phố liên thông từ cơ quan văn phòng Sở đến các đơn vị trực thuộc và ủy ban nhân dân thành phố, các cơ quan, đơn vị khác. 100% văn bản đến và đi được thực hiện trên môi trường mạng (trừ văn bản mật); ứng dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử, thực hiện giao dịch điện tử với kho bạc, triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bộ phận một cửa đã triển khai hệ thống công nghệ thông tin hiện đại cung cấp các dịch vụ công trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Hà Nội. Ngành quản trị, vận hành khai thác sử dụng phần mềm chuyên ngành đặc thù của y tế phục vụ công tác quản lý, chuyên môn như cổng thông tin điện tử, hệ thống đường dây nóng, phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, phần mềm báo cáo thống kê.
Các đơn vị tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, góp phần rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh, đồng thời quản lý được các thông tin, dữ liệu khám bệnh. Đến nay, 100% bệnh viện đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS). 37/41 bệnh viện đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS). 27/41 bệnh viện đã trang bị hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS) kết nối liên thông kết quả các khoa, phòng, hội chẩn liên khoa, báo động đỏ nội viện…, thành lập các nhóm Zalo sẵn sàng tiếp nhận, hội chẩn các ca bệnh khó từ xa. Nhiều bệnh viện đã sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh, thay tế cho thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký khám qua Face ID. Một số bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử, như Bệnh viện Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Vân Đình, Mỹ Đức… Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực hiện kết nối dữ liệu khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố thông qua hệ thống giám định bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin phát huy hiệu quả tích cực của thành phố Hà Nội trong khám, chữa bệnh từ xa. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa bao gồm 4 bệnh viện tuyến trên (Xanh Pôn, Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội), 157 bệnh viện tuyến dưới (13 bệnh viện tuyến thành phố, 15 bệnh viện tuyến huyện, 7 bệnh viện ngoài công lập, 19 quận, huyện, thị xã; 103 bệnh viện và trung tâm y tế ngoài Hà Nội). Mạng lưới này đã đào tạo trực tuyến cập nhật kiến thức về hướng dẫn, chẩn đoán điều trị các dịch bệnh chân tay miệng, sốt xuất huyết,… ngay khi Bộ Y tế ban hành./.
Lý luận và thực tiễn về thực hiện quy hoạch trong xác định vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội  (10/11/2024)
Khơi dậy khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại  (10/11/2024)
Hà Nội phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quản lý nhà nước ở địa phương qua thực hiện phân cấp, ủy quyền  (08/11/2024)
Để phát huy hiệu quả nguồn lực FDI tại Hà Nội theo hướng bền vững  (06/11/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển