Hà Nội sau gần 40 năm đổi mới: Thành tựu và một số định hướng cho thời gian tới
TCCS - Qua gần 40 năm đổi mới, Hà Nội đã vượt qua các khó khăn, liên tục đạt nhịp độ tăng trưởng cao và thu được nhiều thắng lợi quan trọng. Đến nay, nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục... của Hà Nội đứng đầu cả nước.
Những thành tựu đáng ghi nhận
Sau gần 40 năm đổi mới, thời gian so với lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội là không dài; song đã ghi dấu ấn một giai đoạn đầy khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực của mình, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội đã đạt được một số thành tựu chủ yếu trên các mặt sau:
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở Thủ đô luôn được Đảng bộ thành phố coi trọng, nâng cao chất lượng. Hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo.
Kinh tế Thủ đô từ nền kinh tế bao cấp theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu đã từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1986 đến nay, kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng, năng suất lao động ngày càng tăng, đạt bình quân trên 7%/năm.
Thành phố Hà Nội luôn giữ vị trí đầu tàu, nguồn động lực phát triển kinh tế khu vực và cả nước. Là thành phố lớn thứ 17 trên thế giới, tương ứng bằng 21,2% và 1% về diện tích; 41,7% và 8,1% về dân số vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, Hà Nội đóng góp tương ứng 47,46% và 12,59% về GRDP; 52,48% và 17,07% về thu ngân sách nhà nước; 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu; 29,77% và 10,77% kim ngạch nhập khẩu.
Hà Nội là trung tâm thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động trên địa bàn trong giai đoạn 2008 - 2023 là hơn 4 triệu tỷ đồng, tăng hằng năm 11,04%; trong đó, vốn khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh, từ mức 35,3% lên khoảng 54,8%. Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1/3 tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước; đồng thời, luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với trên 4.500 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên 35 tỷ USD từ 97 quốc gia và vùng lãnh thổ (lũy kế đến hết năm 2023). Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và khoảng 16% GRDP của thành phố...
Hà Nội không chỉ là nơi đóng trụ sở của các bệnh viện tuyến trung ương của cả nước, mà còn là trung tâm thương mại bán buôn và bán lẻ lớn nhất khu vực phía Bắc, trung tâm tài chính - ngân hàng và cung cấp các dịch vụ chất lượng cao hàng đầu của cả nước. Với trên 2.000 điểm giao dịch của hơn 400 tổ chức tín dụng đang hoạt động trên địa bàn, Hà Nội thu hút và cấp khoảng gần 1/3 tổng nguồn vốn huy động và cho vay tín dụng của cả nước, với trên 50% vốn huy động được điều tiết hỗ trợ nguồn vốn cho các địa phuơng khác, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và ổn định trật tự xã hội chung của đất nước.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ năm 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán thu được Trung ương giao. Chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức 18% năm 2011 còn 4% năm 2023, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô cả nước.
Sau gần 40 năm đổi mới, trên lĩnh vực phát triển văn hóa và xây dựng con người, Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, khá toàn diện, sâu sắc. Các khâu đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư cũng có những chuyển biến rõ nét qua các nhiệm kỳ… Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm còn 0,03%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 0,7%. Việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có nhiều đổi mới, sáng tạo. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, tội phạm và tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế, tạo môi trường xã hội kỷ cương, an ninh, an toàn. Từ vị trí phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với chủ yếu là thủ đô của các nước xã hội chủ nghĩa nhằm tìm kiếm các nguồn lực viện trợ phát triển; đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới…
Bài học kinh nghiệm và một số vấn đề đặt ra
Từ thực tiễn gần 40 năm đổi mới, vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm mà thành phố nhận định cần tập trung giải quyết. Đó là: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa phát huy hết thế mạnh các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao; tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị có mặt còn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa xứng tầm với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.
Thành phố chưa đáp ứng yêu cầu tiên phong, đi đầu trong đổi mới kinh tế. Kinh tế tri thức và kinh tế đô thị phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Việc khai thác các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và các tập đoàn kinh tế lớn chưa hiệu quả. Trên địa bàn chưa có nhiều các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học, kỹ thuật và công nghệ cao.
Nhiều dự án quan trọng, có tác động lớn về kinh tế xã hội bị chậm triển khai, kéo dài nhiều năm như dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích; Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội (tuyến 2) đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá…
Công tác quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ, còn gặp nhiều vướng mắc. Không gian sinh hoạt cộng đồng, vui chơi, giải trí còn thiếu, nhất là khu vực nội đô. Tình trạng, ùn tắc giao thông vẫn đang là “vấn nạn” của Thủ đô. Tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng thấp (dưới 20%). Tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng đô thị còn chưa cao; xây dựng hạ tầng giao thông chưa theo kịp tiến độ đô thị hóa và chưa đồng đều ở các khu vực…
Việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất, nhất là các cơ sở nhà, đất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do Trung ương và địa phương khác quản lý trên địa bàn Thủ đô vẫn còn chậm. Ngay sau khi mở rộng địa giới, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng danh mục cụ thể công trình cần di dời, thứ tự di dời theo các giai đoạn trên địa bàn 12 quận nội thành với tổng số gần 120 cơ sở. Nhưng đến nay, chỉ có một đơn vị bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan trung ương quản lý. Công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không phù hợp quy hoạch cũng còn gặp nhiều khó khăn.
Chất lượng môi trường trên địa bàn Thủ đô còn chưa bảo đảm, nhất là ở những khu vực đông dân cư, tập trung sản xuất lớn, như các khu công nghiệp, làng nghề.... Nhiều đoạn sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ, Đáy, Cầu Bây... bị ô nhiễm nghiêm trọng. Úng ngập cục bộ tại khu vực nội thành và một số khu vực đô thị hóa nhanh vẫn diễn ra, nhất là khi mưa to kéo dài…
Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” cần giải quyết, như:
Thứ nhất, vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng. Năm 2023, GRDP Hà Nội chiếm 42,2% vùng đồng bằng sông Hồng; tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 chỉ đạt 6,27% đứng thứ 9/11 địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa hình thành rõ rệt được các ngành kinh tế mũi nhọn, hiệu quả cao.
Thứ hai, còn nhiều tồn tại về phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (giao thông, điện, năng lượng, thông tin, truyền thông, cấp, thoát, nước, thủy lợi, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội). Ba vấn đề lớn là tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt. Các tuyến giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa được hình thành đồng bộ, đặc biệt thiếu các trục xuyên tâm Bắc Nam và Đông Tây. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu sự đồng bộ, liên thông, liên kết, chưa phát huy được tiềm năng.
Thứ ba, kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đặc biệt các tỉnh tiểu vùng phía Nam, còn chưa đồng bộ và chưa phát triển đúng mức. Hà Nội mới phát triển được 2/8 trục hướng tâm đã được xác định trong quy hoạch. Các nút giao thông vào Thủ đô thường xuyên ùn tắc. Là thành phố không có biển, Hà Nội gặp hạn chế trong cạnh tranh về phát triển dịch vụ, logistics, ảnh hưởng đến độ mở nền kinh tế.
Thứ tư, quy mô dân số Hà Nội đã vượt mức dự báo do tăng dân số cơ học, tạo áp lực rất lớn đến hạ tầng và chất lượng sống của người dân.
Thứ năm, địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông, ngòi; có nền địa chất yếu, tạo ra thách thức đến sự phát triển các công trình ngầm, nhất là phát triển không gian ngầm.
Muốn phát triển vững mạnh, thành phố Hà Nội cần xác định rõ được những tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt trong bản quy hoạch lần này cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước.
Định hướng cho thời gian tới
Để tiếp tục phát triển bền vững, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, Hà Nội cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài sản công cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên;
- Xây dựng hệ thống chính trị Thủ đô thực sự bản lĩnh, trong sạch, vững mạnh;
- Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn phát triển Thủ đô trong từng giai đoạn.
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới…
Về định hướng tổ chức không gian phát triển của Thủ đô, cần làm rõ (i) 5 trục động lực phát triển, đặc biệt là trục sông Hồng, với định hướng dịch chuyển các cơ quan hành chính của Hà Nội sang phía bắc sông Hồng; (ii) Việc phân chia và phát triển các tiểu vùng kinh tế đã dựa trên cơ sở mối liên kết, liên hệ theo đặc điểm, địa hình, văn hóa và tính chất phát triển của các khu vực lãnh thổ hay chưa (iii) Các khu vực khuyến khích phát triển và các khu vực hạn chế phát triển; (iii) Các cực tăng trưởng giữ vai trò là trung tâm.
Về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô, cần tập trung vào vấn đề phát triển, sử dụng hiệu quả không gian ngầm, hạ tầng giao thông để giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông trong đô thị; việc đầu tư sân bay thứ 2 ở khu vực huyện Phú Xuyên - Ứng Hòa; phát triển hạ tầng số, lựa chọn phương thức giao thông hiện đại, thông minh; giải quyết các vấn đề về ngập úng, ô nhiễm môi trường; đặc biệt là ô nhiễm không khí, bụi mịn khi Hà Nội đang thuộc nhóm các thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới; vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước, làm thế nào để Hà Nội đủ nước sạch phục vụ cho cư dân khi nhu cầu sử dụng nước sạch của cư dân ngày càng tăng.
Về phát triển văn hóa - xã hội, cần tập trung giải quyết điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực, các vấn đề như thất nghiệp, phân hoá giàu nghèo và tội phạm các loại; quá tải hạ tầng xã hội (bệnh viện, trường học, các thiết chế văn hoá, các khu vực vui chơi, giải trí,…); sự mai một, xói mòn văn hoá truyền thống, di tích văn hóa, lịch sử…/.
Để Hà Nội trở thành đô thị thông minh  (26/07/2024)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên