Thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh): Triển vọng phát triển ngành năng lượng tái tạo
TCCS - Bối cảnh biến đổi khí hậu gây ra những tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, phát triển bền vững, việc phát triển năng lượng xanh (còn gọi là năng lượng tái tạo) đang là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm, dần chiếm vị trí quan trọng trong tầm nhìn phát triển kinh tế bền vững. Với đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa, thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan để “đánh thức” phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Xu hướng tất yếu
Năng lượng tái tạo được xem là xu hướng tất yếu và là giải pháp của ngành năng lượng hiện nay trên thế giới. Khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ ngày càng trở nên cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, buộc các quốc gia trên thế giới phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng sạch và bền vững. Phát triển nguồn năng lượng tái tạo dần chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững ở các nước, bởi lợi ích to lớn trong việc tận dụng tối đa nguồn thiên nhiên vô tận như gió, mặt trời…, đồng thời là giải pháp góp phần giảm tác động của hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu gây ra.
Việt Nam có nhiều tiềm năng địa lý tự nhiên rất lý tưởng cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Theo các nhà phân tích quốc tế, Việt Nam là một trong những nước có số giờ nắng cao nhất châu Á (trung bình 1.500 đến 1.700 giờ mỗi năm), đặc biệt là ở khu vực phía Nam, nơi tập trung phần lớn các khu sản xuất trong nước. Cường độ bức xạ mặt trời không có sự thay đổi đáng kể trong năm. Do đó, đây là tiềm năng rất lớn để Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo bằng cách đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy năng lượng mặt trời, nhà máy năng lượng gió. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng tái tạo còn là cuộc chay đua năng lượng của các quốc gia, khu vực nhằm tạo nên vị thế cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Nhận thấy tầm quan trọng hàng đầu của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, nên thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Ngày 11-2-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với quan điểm “ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”. Ngày 2-10-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW. Tại Hội nghị lần thứ 26 về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào đầu tháng 11-2021, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa về giảm phát thải khí nhà kính trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia. Đồng thời khẳng định, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Tạo động lực phát triển ngành năng lượng tái tạo
Trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh xác định tập trung phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường; tiếp tục duy trì là trung tâm năng lượng của quốc gia (một trong những trung tâm điện gió, điện khí LNG của miền Bắc), chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển mạng lưới điện tỉnh, phát triển nguồn điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi với tổng công suất bước đầu khoảng 2.500MW. Theo Quyết định số 368/QĐ-TTg, ngày 16-3-2021, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040”, Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái có diện tích khoảng 121.197ha, trong đó diện tích đất liền 66.197ha, diện tích mặt biển 55.000ha, bao gồm hệ thống các đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Cái Chiên. Thành phố Móng Cái nói riêng, Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái nói chung, có vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa, có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng, giàu tiềm năng cho việc khai thác, sản xuất, phát triển nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió..., bảo đảm nguồn điện lâu dài, ổn định cho tương lai.
Trên cơ sở những định hướng đó, ngày 1-3-2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Văn bản số 1200/UBND-CN về việc nghiên cứu tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi, trên bờ tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, đồng ý chủ trương giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với một số đơn vị khảo sát, rà soát, xác định về diện tích ranh giới khu vực nghiên cứu phát triển điện gió ngoài khơi, trên bờ tại địa bàn tỉnh, trong đó có khu vực đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực thuộc thành phố Móng Cái. Chủ trương này sẽ giúp thành phố Móng Cái khai thác được tiềm năng, thế mạnh địa phương, góp phần vào việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai không xa. Đặc biệt, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã đi vào hoạt động, cùng với 2 tuyến cao tốc đã hoàn thành trước đó là Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn sẽ góp phần tạo ra sự liên kết, kết nối các cửa khẩu quốc tế của khu vực miền Bắc, đưa tỉnh Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, mở ra những cơ hội mới cho sự tăng trưởng kinh tế của Móng Cái nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Cùng với việc khẩn trương triển khai các chiến lược, quy hoạch đã được công bố, thành phố Móng Cái từng bước đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kết nối các vùng kinh tế động lực trong khu vực, nhất là khu vực ven biển. Trong đó, thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ liên quan đến nguồn năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng mới “từ nâu sang xanh”, chuyển đổi từ tiêu thụ các nguồn năng lượng truyền thống như than, dầu, khí tự nhiên,... sang các nguồn năng lượng sạch và an toàn như gió, mặt trời, nước, nhiên liệu sinh học theo định hướng chung, vừa bảo đảm phục vụ sản xuất, sinh hoạt, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thành phố sẽ phát huy tối đa tiềm năng, tăng cường giám sát, quản lý, bảo vệ môi trường biển, tránh ô nhiễm môi trường biển; đầu tư phát triển hạ tầng kết nối các vùng kinh tế động lực ven biển gắn với đầu tư khai thác có hiệu quả cảnh quan tự nhiên, nhất là khu vực biển, song vẫn bảo tồn được hệ sinh thái biển, đảo góp phần phát triển ngành kinh tế biển theo hướng bền vững.
Để triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương đó, thành phố Móng Cái đang tích cực phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh các cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu, đầu tư hệ thống điện gió tại khu vực biển, xã đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực theo đúng quy định./.
Huyện Tiên Yên: Tích cực chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới  (28/09/2022)
Quảng Ninh ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ  (20/09/2022)
Thành phố Cẩm Phả nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh  (18/09/2022)
Tỉnh Quảng Ninh xây dựng và nâng tầm chất lượng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, góp phần phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị  (15/09/2022)
Huyện Tiên Yên khai thác thế mạnh du lịch nông nghiệp, nông thôn  (10/09/2022)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên