Phát triển Thủ đô gắn với bảo vệ môi trường sinh thái
TCCS - Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với khí hậu, gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.
1. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề thách thức và mối quan tâm lớn đối với mỗi tỉnh, thành phố, nhất là nơi đông dân cư như Hà Nội. Vì vậy, nhận thức và vai trò mỗi người dân, của cả cộng đồng về môi trường nói chung, công tác bảo vệ môi trường nói riêng là điều kiện tiên quyết nhằm bảo vệ môi trường sống theo hướng bền vững. Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thành phố đã xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày đạt trên 90% ở tất cả khu vực trên địa bàn.
Hà Nội cũng đã triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, các công trình xây dựng thi công không bảo đảm vệ sinh môi trường... Tuy vậy, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn đang là vấn đề cấp bách của thành phố. Các kết quả quan trắc gần đây cho thấy, số ngày chỉ số chất lượng không khí ở mức kém và xấu chiếm tỷ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm. Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong đó, giao thông - vận tải đang là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất (chiếm 50 đến 70%), tiếp đến từ nguồn sản xuất công nghiệp (chiếm 14 đến 23%), còn lại là từ các nguồn sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Hà Nội trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới và đang phải đối mặt những tác động tiêu cực trong quá trình đô thị hóa và mở rộng thành phố do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững. Tình trạng ô nhiễm và suy giảm chất lượng không khí; ô nhiễm và suy giảm chất lượng nước mặt, đặc biệt đối với các sông, hồ nội thành; ô nhiễm nước dưới đất và tình trạng sụt lún đất; ô nhiễm môi trường đất vùng thâm canh cây tập trung và ở một số bãi chôn lấp chất thải; gia tăng áp lực môi trường do chất thải rắn sinh hoạt… là những vấn đề báo động của Hà Nội hiện nay. Việc quy hoạch phát triển thành phố chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp môi trường và hạn chế trong hiểu biết của cộng đồng dân cư cũng là những thách thức không nhỏ đối với Hà Nội.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang đứng trước nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học. Các hệ sinh thái tự nhiên suy giảm cả về chất lượng, số lượng và diện tích. Các cá thể động, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm suy giảm mạnh, nhiều nguồn gen bị thất thoát. Hệ thống sông hồ, đầm đang chịu nhiều áp lực từ những dự án phát triển hạ tầng, gây hiện tượng xói lở, cạn kiệt dòng chảy, ảnh hưởng đến các loài thủy sinh.
Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, nhấn mạnh quan điểm “con người là trung tâm của sự phát triển”. Xác định vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường các sông, hồ, không khí..., quy hoạch các khu xử lý rác thải, chất thải rắn bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả là yêu cầu cấp bách, cần tập trung, ưu tiên thực hiện...
Thực tế thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô chú trọng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Nổi bật là thành phố đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; tăng cường thẩm định hồ sơ, cấp phép về bảo vệ môi trường…
Thành phố cũng triển khai nhiều dự án xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn, như: Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức), công suất 4.000m3/ngày - đêm; hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) công suất 1.000m3/ngày - đêm… Ngoài ra, thành phố kêu gọi đầu tư nhiều dự án xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn hàng trăm tỉ đồng…
Đáng chú ý, Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá dù khâu triển khai gặp một số khó khăn nhưng được Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố quan tâm chỉ đạo sát sao, tập trung giải quyết các vướng mắc. Dự kiến đến năm 2025, toàn bộ các gói thầu của dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động, qua đó góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường Thủ đô cả về trước mắt và lâu dài.
Công tác bảo vệ chất lượng không khí, thu gom, xử lý chất thải rắn, rác thải y tế, xây dựng... cũng đạt được những kết quả bước đầu. Tại các quận, huyện, thị xã, công tác bảo vệ môi trường cũng được triển khai quyết liệt. Điển hình ở khu vực nội thành, cơ bản đã loại bỏ bếp than tổ ong trong khu dân cư, tổ chức thu gom vỏ hộp sữa ở các trường học.
Đặc biệt, ở nhiều huyện khu vực ngoại thành triển khai có hiệu quả việc xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề, xây dựng cánh đồng xanh, sạch và đang triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn…
Một trong những mục tiêu quan trọng của Kế hoạch quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 là Hà Nội sẽ giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí, bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số AQI ít nhất 75% số ngày trong năm; giảm phát thải PM2.5 từ các nguồn thải chính, tổng phát thải bụi PM2.5 trên toàn thành phố giảm khoảng 20% so với năm cơ sở (năm 2019), tương đương tổng lượng phát thải giảm 6.200 tấn PM2.5.
Đặc biệt, trong dự thảo quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định nhiệm vụ về môi trường là nhiệm vụ cấp bách, cần giải quyết triệt để ô nhiễm các dòng sông, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường không khí và giải quyết dứt điểm tình trạng ngập, úng cục bộ.
2. Trong thời gian tới, để cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội cần tập trung xử lý tốt các vấn đề môi trường nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế:
Thứ nhất, Hà Nội cần triển khai phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện, nhằm sử dụng tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả quỹ đất, bảo đảm hài hòa giữa các mục đích sử dụng đất gắn với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô ở từng thời kỳ. Thành phố chỉnh trang các khu dân cư hiện có, mở rộng diện tích đất ở thông qua xây dựng các khu dân cư mới quy mô tập trung; bảo vệ diện tích đất công để dự trữ cho các mục đích công cộng; ổn định quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành mũi nhọn có khả năng tạo sự tăng trưởng nhanh. Địa phương bảo đảm diện tích đất trồng lúa, duy trì và bảo vệ diện tích rừng hiện có, phát triển rừng và sản xuất lâm nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt; hạn chế đến mức thấp nhất chuyển đổi đất nông nghiệp trồng hai vụ lúa sang phát triển các khu công nghiệp, sân golf, các khu đô thị…
Thứ hai, đối với phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, cần đưa các loài đặc hữu, quý hiếm có giá trị khoa học vào bảo tồn hiệu quả tại các khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và các vùng đất ngập nước quan trọng. 100% diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất ngập nước quan trọng và các hệ sinh thái đặc trưng được đưa vào chiến lược khai thác và bảo tồn ở các cấp độ khác nhau. Bên cạnh đó, Hà Nội cần ban hành danh mục các loài và các hệ sinh thái tự nhiên đặc trưng cần được ưu tiên bảo tồn; tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 8,3% (bao gồm cả diện tích đất thành rừng và chưa thành rừng) và tỷ lệ cây xanh của đô thị lên 10 - 12 m2/người; phục hồi các hệ sinh thái sông, hồ đô thị bị ô nhiễm và triển khai hiệu quả cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.
Thứ ba, chủ động phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm; từng bước phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường nước mặt, nước dưới đất, không khí. Để đạt được mục tiêu này, thành phố phải xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm, các vấn đề môi trường cấp bách và điểm nóng về môi trường. Việc bảo vệ môi trường phải chuyển từ bị động sang chủ động theo hướng tích hợp, dựa trên kiểm soát chặt chẽ nguồn thải, diễn biến chất lượng môi trường bằng hệ thống quan trắc và giám sát môi trường, chuyển đổi số và xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường số; quản lý hiệu quả chất thải rắn (sinh hoạt, công nghiệp, y tế, xây dựng), hình thành đồng bộ và hoạt động hiệu quả các khu xử lý chất thải tập trung; hướng tới hình thành khu công nghiệp tái chế chất thải.
Thứ tư, điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2050; xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom và xử lý nước thải của thành phố, nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt 4 con sông; đề xuất giải pháp cải tạo chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan dọc sông, nhằm phục hồi vai trò của hệ thống sông gắn với các giá trị sinh thái, lịch sử, văn hóa và con người, đóng góp cho sự phát triển xanh và bền vững của Thủ đô Hà Nội…/.
Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội xây dựng đô thị thông minh  (29/11/2024)
Khơi nguồn sức mạnh nội sinh của văn hóa xứ Đoài nhằm khơi dậy khát vọng xây dựng huyện Phúc Thọ (thành phố Hà Nội) giàu mạnh, phát triển  (29/11/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay