Dư luận thế giới về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội
Khúc mắc chính trong đàm phán từ phát ngôn của hai bên
Quan điểm của Mỹ:
Trong cuộc họp báo của Tổng thống Donald Trump diễn ra vào lúc 14h10’ chiều ngày 28-02 tại khách sạn JW Marriott ở Hà Nội, ngay sau khi hội nghị Mỹ-Triều kết thúc, Tổng thống Donald Trump cho biết, khúc mắc chính trong đàm phán khiến hai bên không đạt được thỏa thuận tại hội nghị lần này là việc nhà lãnh đạo Triều Tiên đề nghị dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt, nhưng chưa có đủ các bước phi hạt nhân hóa tương xứng.
Tổng thống Mỹ cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định sẵn sàng phi hạt nhân hóa, nhưng hai bên vẫn còn bất đồng lớn về các điều kiện để thực hiện mục tiêu này. Ông Kim Jong-un sẵn sàng tháo dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyon nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, song Mỹ "muốn nhiều hơn" thế. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau đó còn cho biết thêm, ngay cả khi cơ sở Yongbyon bị tháo dỡ, Triều Tiên vẫn còn nhiều cơ sở hạt nhân và kho vũ khí khác.
Tổng thống Mỹ cũng khẳng định Mỹ sẽ không có thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, ngược lại nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng bảo đảm rằng Bình Nhưỡng sẽ không tiến hành thêm bất cứ vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa nào trong thời gian tới. Đây chính là bước tiến cụ thể mà hội nghị lần này mang lại.
Và sau khi lên máy bay từ Hà Nội trở về thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders, trong các cuộc điện đàm, Tổng thống Trump khẳng định ông sẽ tiếp tục đối thoại với Triều Tiên.
Ngoại trưởng Hàn Quốc và Mỹ cũng đã có cuộc điện đàm nhằm thảo luận về các kết quả đã đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha cho rằng mặc dù Mỹ và Triều Tiên không đạt được một thỏa thuận tại hội nghị, song việc Washington vẫn kiên trì nỗ lực đối thoại với Bình Nhưỡng vẫn mang ý nghĩa quan trọng. Bà cho biết Hàn Quốc mong muốn duy trì liên lạc chặt chẽ với Mỹ về vấn đề này. Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa Washington và Seoul rất quan trọng, khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán với Triều Tiên. Hai Ngoại trưởng đã nhất trí sẽ sớm gặp nhau và trao đổi các kế hoạch của mình sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Hai bên cũng thống nhất sẽ cử các phái viên phụ trách vấn đề hạt nhân tiến hành thảo luận cụ thể các biện pháp tiếp theo.
Trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Mỹ Pompeo cũng đã trao đổi quan điểm về cách thức thúc đẩy thương lượng với Triều Tiên về phi hạt nhân hóa và trao trả công dân Nhật Bản bị bắt cóc nhiều thập kỷ trước.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút, ông Pompeo đã thông báo cho ông Kono về hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Hà Nội. Ngoại trưởng hai nước đã nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc.
Quan điểm của Triều Tiên:
Vào lúc 23h30’ ngày 28-02, Triều Tiên cũng đã tổ chức cuộc họp báo về kết quả của hội nghị. Cuộc họp báo diễn ra tại khách sạn Melia (Hà Nội) với sự tham gia của phóng viên báo chí của nhiều báo đài và Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đã chủ trì cuộc họp báo này.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết, nước này đã đưa ra đề xuất về việc dừng vô thời hạn các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngoại trưởng Ri Yong-ho cho biết, Triều Tiên đã đưa ra đề xuất mang tính thực chất trong cuộc gặp thượng đỉnh vừa diễn ra giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông khẳng định Bình Nhưỡng muốn 5 nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc được dỡ bỏ (trong tổng số 11 lệnh cấm vận được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua trong năm 2016 và 2017), đặc biệt là những biện pháp trừng phạt liên quan đến đời sống của người dân Triều Tiên. Theo Ngoại trưởng Triều Tiên, Bình Nhưỡng mong muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ một phần chứ không phải toàn bộ.
Ông Ri Yong-ho cũng khẳng định Triều Tiên sẽ không thay đổi lập trường ngay cả khi Mỹ mong muốn thúc đẩy đối thoại. Nhà ngoại giao này cũng tiết lộ Mỹ mong muốn Triều Tiên có "thêm một bước đi" ngoài việc dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon.
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui ngày 02-3 tái khẳng định rằng tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua ở Hà Nội, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gợi ý phá bỏ toàn bộ tổ hợp hạt nhân chính tại Yongbyon, vốn được coi là "trái tim" của chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Phát biểu tại họp báo ở khách sạn Melia Hà Nội, bà Choe Son-hui cho biết: "Chúng tôi đã nêu rõ quan điểm của mình... rằng chúng tôi sẽ từ bỏ toàn bộ Yongbyon". Lời khẳng định trên được đưa ra nhằm đáp lại câu hỏi liên quan đến bình luận của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng Bình Nhưỡng không làm rõ điều mà họ sẽ sẵn sàng thực hiện trong đề xuất phá bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon.
Như vậy, có sự khác nhau trong giải thích về “Khúc mắc chính” trong đàm phán từ hai phía. Ông Trump thì nói Bình Nhưỡng đề nghị Mỹ dỡ bỏ trừng phạt "một cách hoàn toàn" trong khi chỉ đề xuất dỡ bỏ phần "ít quan trọng" hơn yêu cầu của Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho thì đáp lại rằng Triều Tiên chỉ đề nghị dỡ bỏ một phần trừng phạt để đổi lại việc phá bỏ vĩnh viễn toàn bộ cơ sở Yongbyon trước sự chứng kiến của các chuyên gia Mỹ.
Phản ứng của các nước và các tổ chức quốc tế
Mặc dù hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai đã kết thúc với việc hai bên không đạt được thỏa thuận nào, song nhìn chung dư luận thế giới vẫn đánh giá cao sự thiện chí của các bên tại hội nghị lần này.
Tại Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 28-02 cho biết cho biết ông nhận thấy thiện chí giữa hai nhà lãnh đạo, do đó ông hy vọng các bên có thể sớm lên một kế hoạch cho các cuộc gặp tiếp theo.
Các nghị sỹ Mỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Donald Trump tại hội nghị Mỹ-Triều lần hai này. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hoan nghênh khi Tổng thống Trump không vội vã ký thỏa thuận với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Còn nghị sỹ Steve Chabot cho rằng việc Tổng thống Trump không đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên có thể làm một số người ngạc nhiên, song điều này không có nghĩa sẽ không có bất cứ thỏa thuận nào trong tương lai…
Tại Hàn Quốc, Nhà Xanh - tức Phủ tổng thống Hàn Quốc - đã đánh giá cao những gì đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tổ chức ở Hà Nội. Trong một tuyên bố sau khi cuộc gặp thượng đỉnh kết thúc, Nhà Xanh cho biết Hàn Quốc lấy làm tiếc vì hai bên không đạt thỏa thuận, song đánh giá rằng hai bên đã đạt "tiến bộ có ý nghĩa hơn bao giờ hết". Tuyên bố cũng nêu rõ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng tiếp tục đối thoại sẽ đem lại triển vọng tươi sáng cho một cuộc gặp khác giữa hai nhà lãnh đạo.
Tuy hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc mà không đạt thỏa thuận song giới doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn hy vọng sẽ có những đột phá cho các dự án hợp tác liên Triều trong tương lai. Một quan chức tại tập đoàn Hyundai Asan cho biết: “Kết quả hội nghị không được như mong muốn, song chúng tôi sẽ tiếp tục chuẩn bị cho các dự án kinh doanh liên Triều với hy vọng nối lại các hoạt động đã bị trì hoãn”. Trong khi đó, Hiệp hội các công ty Hàn Quốc vận hành những nhà máy tại Khu công nghiệp chung Kaesong ở thành phố cùng tên thì bày tỏ "rất đáng tiếc" về kết quả hội nghị, song khẳng định điều này không có nghĩa là “sự kết thúc” và cho rằng “những vấn đề quan trọng có thể được giải quyết”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 28-02 tuyên bố Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới để giải quyết vấn đề Triều Tiên, trong đó có vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc. Thủ tướng Abe cho biết Tokyo ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump không nhượng bộ dễ dàng với Triều Tiên và tiếp tục các cuộc đàm phán mang tính xây dựng để thúc giục Triều Tiên có các bước đi cụ thể trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Thủ tướng Nhật Bản cũng xác nhận Tổng thống Trump đã đề cập tới vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc trong hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì bày tỏ hy vọng Mỹ và Triều Tiên có thể kiên nhẫn, tiếp tục các cuộc gặp để thảo luận về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Bình luận về kết quả hội nghị thượng đỉnh trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 28-02, khẳng định, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đã chứng kiến một bước ngoặt lớn và đã trở lại đúng lộ trình giải quyết chính trị trong năm qua. Ông nhấn mạnh đây là kết quả rất khó khăn mới đạt được và cần được trân trọng.
Ngoài ra, người phát ngôn Trung Quốc cũng hy vọng Triều Tiên và Mỹ sẽ tiếp tục đối thoại, thể hiện sự chân thành với nhau, tôn trọng và đáp ứng các mối quan tâm chính đáng của nhau, đồng thời chung tay thúc đẩy phi hạt nhân hóa và thiết lập một cơ chế hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Ông khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong tiến trình này.
Ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội kết thúc, trong ngày 28-02, một phái đoàn của Bộ Ngoại giao Triều Tiên do Thứ trưởng Ri Kil-song dẫn đầu đã đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc.
Từ Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga hoan nghênh mong muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục tiến hành đối thoại song phương về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Phát biểu tại họp báo, bà Zakharova nêu rõ Nga đánh giá tích cực việc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên thiện chí tiếp tục đối thoại song phương, tin rằng đối thoại này cần được ủng hộ bằng các biện pháp cụ thể. Bà nhấn mạnh việc giải quyết các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó có vấn đề phi hạt nhân hóa, cần thời gian và sự kiềm chế tối đa của các bên liên quan.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 28-02 cũng đã hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và gọi đây là “hành động ngoại giao dũng cảm”. Tổng thư ký Guterres cho rằng “hành động ngoại giao dũng cảm” của hai bên đã tạo nền tảng cho việc thúc đẩy hòa bình bền vững cũng như tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách toàn diện và có thể xác minh. Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres bày tỏ hy vọng các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ tiếp tục được diễn ra.
Tại Australia, phát biểu trên đài ABC tối ngày 28-02, người phát ngôn về các vấn đề quốc tế của Công đảng đối lập Australia Penny Wong tỏ ra lạc quan về Hội nghi thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên. Bà Wong đánh giá cao việc hai bên có thể ngồi lại để thảo luận và việc không đạt được thỏa thuận sau cùng là để tránh một thỏa thuận tồi.
Đánh giá của giới chuyên gia, học giả
Giới chuyên gia Mỹ cũng đưa ra những nhận định về kết quả hội nghị. Theo giáo sư Leon Sigal, Giám đốc chương trình An ninh Hợp tác Bắc Á tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội Mỹ cho rằng vấn đề cần thương thảo trong hội nghị lần này là Mỹ sẽ giảm bớt các lệnh trừng phạt ở mức độ nào để đổi lấy những bước tiến tới phi hạt nhân hóa từ phía Triều Tiên. Tuy hai bên không thể nhất trí một thỏa thuận nhưng cũng không có nghĩa là quá trình đàm phán đã kết thúc.Và theo ông việc hai bên hoàn toàn vẫn có thể đàm phán được mới là điều quan trọng.
Trong khi đó, bà Jenny Town, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên và An ninh Đông Bắc Á tại Trung tâm nghiên cứu Stimson bày tỏ ngạc nhiên trước việc hai bên cuối cùng không ký kết được một thỏa thuận dù trước đó đã có một bản sơ bộ. Bà cũng cho rằng kết quả này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ tiến trình đàm phán nhưng việc thêm thời gian đàm phán cũng có thể sẽ giúp ích. Kết quả hội nghị cũng sẽ tác động tới các bên liên quan, đặc biệt là Hàn Quốc bởi quốc gia này đang mong đợi đạt được những tiến triển cụ thể trong việc giảm bớt các biện pháp trừng phạt để nối lại các dự án hợp tác kinh tế với Triều Tiên.
Chuyên gia Trung Quốc cũng đưa ra những nhận định tích cực về hội nghị, trong đó khẳng định rằng hội nghị thượng đỉnh lần này là "cần thiết" và đã đặt nền móng cho các cuộc đàm phán cũng như tiến triển trong tương lai.
Ông Vương Tuấn Sinh, chuyên gia quan hệ quốc tế của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), đánh giá hội nghị thượng đỉnh Hà Nội chắc chắn là một "thỏa thuận chuyển tiếp" để kết nối quá khứ và tương lai. Còn nhà nghiên cứu Dương Hy Vũ thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc nhấn mạnh, quá trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên đã trải qua nhiều khúc ngoặt trong quá khứ, nhưng nó không bao giờ dừng lại và sẽ không bao giờ dừng lại "bởi nó phù hợp với lợi ích của tất cả các bên, trong đó gồm cả Triều Tiên".
Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Cát Lâm, Vương Sinh, cho rằng kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này có "một chút bất ngờ", cho thấy "sự khác biệt giữa hai bên về khái niệm, phương thức và các bước đi trong tiến trình phi hạt nhân hóa vẫn còn đó, và sự khác biệt về hành động giữa hai bên vẫn luôn tồn tại"…
Dư luận chính giới cũng như các chuyên gia đều cho rằng, những bế tắc trên bán đảo Triều Tiên đã kéo dài hơn 7 thập kỷ và khó có thể chấm dứt điều này chỉ trong thời gian ngắn. Dù không đạt được thỏa thuận nhưng rõ ràng tại Hội nghị thwọng đỉnh tại Hà Nội đã có nhiều cuộc thảo luận hữu ích và tích cực và đây là những tiền đề quan trọng cho các bước đàm phán tiếp theo./.
Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng (03-3-1959 - 03-3-2019) và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (03-3-1989 - 03-3-2019)  (03/03/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học và gặp mặt các nữ doanh nhân tiêu biểu  (03/03/2019)
Lãnh đạo Quốc hội gặp mặt nhân Ngày quốc tế phụ nữ 8-3  (02/03/2019)
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất  (02/03/2019)
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm việc tại tỉnh Tây Ninh  (02/03/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển