Truyền thông và văn hóa doanh nghiệp thúc đẩy mọi mặt hoạt động của Petrovietnam
TCCS - Ngày 10-9-2022, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tổ chức Hội nghị công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp lần thứ II - 2022 nhằm đánh giá kết quả 3 năm và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 281-NQ/ĐU, ngày 15-5-2019, của Đảng ủy Tập đoàn.
Đến dự hội nghị có các đại biểu của Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, cùng các đơn vị tư vấn: Công ty cổ phần Truyền thông Lê, Công ty cổ phần Truyền thông Năng lượng Việt, Học viện Quản lý PACE.
Về phía Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) có các đồng chí: Hoàng Quốc Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên; Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc cùng các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác truyền thông, văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn và đơn vị.
Truyền thông sâu rộng, hiệu quả
Trong toàn Tập đoàn hiện có: 4 tạp chí, 14 bản tin, chuyên san và 97 trang tin điện tử, website nội bộ với hơn 100 lãnh đạo phụ trách, cán bộ, chuyên viên được phân công làm công tác truyền thông. Nâng cấp cải tiến và đổi mới phương pháp quản lý, vận hành giúp cho Cổng thông tin điện tử Tập đoàn, các tạp chí, bản tin, website, trang thông tin nội bộ của đơn vị thu hút hàng vạn lượt truy cập, với thông tin phong phú về cả nội dung và hình thức. Các nội dung thông tin gắn truyền thông nội bộ với xây dựng văn hóa doanh nghiệp để từ đó làm tốt công tác tư tưởng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, người lao động góp phần phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị toàn Tập đoàn. Đặc biệt năm 2020 và 2021, công tác truyền thông nội bộ đã kịp thời khơi gợi được sự thấu hiểu, chia sẻ của cán bộ, người lao động với những khó khăn của Tập đoàn và đồng sức, đồng lòng cùng với Tập đoàn thực hiện các chủ trương lớn vượt qua cuộc “khủng hoảng kép”.
Hoạt động truyền thông công chúng có nhiều bước phát triển, hằng năm có khoảng 8.000 lượt tin, bài tích cực được truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung truyền thông được chú trọng vào các chuyên đề, nhóm vấn đề gắn với nhu cầu, hoạt động của Tập đoàn và các đơn vị, tạo dư luận góp phần đẩy nhanh việc tháo gỡ cơ chế, chính sách. Tổ chức hoạt động maketing và quảng bá thương hiệu Petrovietnam, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá các sản phẩm chiến lược của nền kinh tế. Kịp thời nắm bắt và xử lý các sự cố, khủng hoảng truyền thông, giảm thiểu tối đa các thông tin xấu độc bất lợi. Đẩy mạnh khai thác tính năng của mạng xã hội, các công cụ truyền thông, thiết bị kỹ thuật số; tổ chức truyền thông và phát triển các trang fanpage đã đăng tải hàng vạn lượt tin, bài; thu hút hàng triệu lượt bạn đọc truy cập và có hơn 340.000 người thường xuyên theo dõi.
Tập đoàn chủ động hợp tác với các kênh thông tin đối ngoại, cung cấp thông tin chính xác kịp thời không để ảnh hưởng đến thương hiệu, hình ảnh của Tập đoàn và các đơn vị cũng như ảnh hưởng đến quan hệ với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các báo chí hợp tác có phiên bản tiếng nước ngoài, báo nước ngoài có đại diện tại Việt Nam về hoạt động hợp tác quốc tế của Tập đoàn.
Chung sức tái tạo văn hóa Petrovietnam
Tập đoàn thống nhất chỉ đạo, hoàn thiện, triển khai thực hiện các quy định mang tính hệ thống trong toàn Tập đoàn. Lãnh đạo từ Tập đoàn đến các đơn vị nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, tập trung chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả triển khai văn hóa doanh nghiệp. Hội đồng thành viên phê duyệt Đề án tái tạo Văn hoá Petrovietnam (Đề án) và thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Đề án; đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên là Trưởng Ban chỉ đạo, đồng chí Tổng Giám đốc là Phó ban Thường trực thể hiện sự quyết tâm, ghi dấu mốc quan trọng trong thực hiện văn hóa doanh nghiệp.
Tập đoàn đã xây dựng Sổ tay văn hóa Petrovietnam, chỉnh sửa nhãn hiệu, ban hành hệ thống nhận diện thương hiệu nhằm thống nhất sử dụng hình ảnh nhận diện thương hiệu trong toàn hệ thống.
Công tác tuyên truyền văn hóa doanh nghiệp có nhiều nét mới, đa dạng, kết hợp truyền thông nội bộ, truyền thông công chúng, tạo ảnh hưởng đa chiều đối với cán bộ, công nhân viên, người lao động Tập đoàn. Thông qua các cuộc thi, các đợt sinh hoạt, kỷ niệm được tổ chức rộng khắp tại các đơn vị, các đoàn thể đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa Petrovietnam.
Công tác đào tạo được chú trọng triển khai đáp ứng kế hoạch đề ra; đã tạo sự đồng bộ trong nhận thức về vai trò văn hóa doanh nghiệp dẫn đến chuyển biến hành vi theo hướng chuyên nghiệp, tích cực. Tập đoàn chỉ đạo tu sửa, chỉnh trang, phát huy giá trị các khu lưu niệm trong toàn Tập đoàn; chỉ đạo công tác chỉnh trang, tu bổ “Khu lưu niệm công trình khai thác dầu khí đầu tiên tại Việt Nam” ở Tiền Hải, Thái Bình.
Các hoạt động nhân các sự kiện của đất nước, của Tập đoàn, đơn vị, lấy trọng tâm là kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Tập đoàn (3-9-2020), 60 năm Ngày truyền thống ngành dầu khí (27-11-2021) được tổ chức phong phú, linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đã tôn vinh các giá trị truyền thống, khơi gợi niềm tự hào của thế hệ người dầu khí hôm nay. Đợt sinh hoạt chuyên đề thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả” đã tạo môi trường làm việc lành mạnh, tăng tính gắn kết, chia sẻ. Thông qua công việc cụ thể hằng ngày, các giá trị văn hóa được hình thành: văn hóa thực thi công việc, văn hóa ứng dụng công nghệ, văn hóa chuyển đổi số, văn hóa hiệu quả, văn hóa phối hợp, văn hóa trong các hoạt động tập thể, văn hóa thượng tôn pháp luật chuyển biến tích cực.
Các đơn vị thuộc Tập đoàn tiến hành xây dựng mới hoặc cập nhật, hoàn thiện mô hình văn hóa doanh nghiệp; tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, thống nhất mục tiêu, chung tầm nhìn, phối hợp hỗ trợ tạo thành khối đoàn kết thống nhất. Tiến hành đào tạo cho toàn thể cán bộ, công nhân viên thực hiện theo mô hình phát triển năng lực chuyên môn, năng lực văn hóa, năng lực lãnh đạo, các kỹ năng bổ trợ, xây dựng không gian đọc sách, xây dựng văn hóa học tập, thúc đẩy tinh thần tự học, tự đào tạo.
Các nội dung văn hóa Petrovietnam được tuyên truyền đậm nét trên website, fanpage của Công đoàn Dầu khí Việt Nam. Hoạt động nghĩa tình dầu khí được tổ chức thường xuyên. Phong trào thi đua thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được tổ chức công đoàn các cấp triển khai thiết thực. Đoàn Thanh niên Tập đoàn tổ chức nhiều hoạt động thể hiện tính chuyên nghiệp, lan tỏa những giá trị văn hóa Petrovietnam, như “Hành trình Mùa xuân từ những giếng dầu”; hoạt động giáo dục truyền thống khơi gợi niềm tự hào, tình cảm, sự gắn bó của thế hệ trẻ với đơn vị, với Tập đoàn. Hội Cựu chiến binh Tập đoàn tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, thành lập Câu lạc bộ Dầu khí Trường Sa, tổ chức các hoạt động chăm lo hội viên, người lao động là thương binh, thân nhân liệt sỹ. Ban liên lạc Hưu trí Tập đoàn là cầu nối thông tin về hoạt động của Tập đoàn với các thế hệ người lao động dầu khí, tham gia xây dựng các giá trị chung của văn hóa Petrovietnam.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, cả hệ thống chính trị Tập đoàn đều ý thức và thể hiện quyết tâm cao trong việc triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết. Công tác truyền thông có trọng tâm, trọng điểm, được triển khai đồng bộ, sâu rộng, xuyên suốt; các phương thức truyền thông rất phong phú, đa dạng. Công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp được triển khai sâu rộng trong toàn Tập đoàn. Tập đoàn được công nhận là một trong 10 doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh theo bộ tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, lần đầu tiên xét công nhận tại Việt Nam (2021).
Kết quả rõ nét nhất là các hoạt động truyền thông và tái tạo văn hóa Petrovietnam được lồng ghép thực hiện gắn với các mục tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh và Chiến lược phát triển của Tập đoàn, thể hiện rõ tinh thần “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình” trong từng hoạt động. Việc triển khai thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả” tạo bước đột phá trong thực hiện Đề án tái tạo Văn hóa Petrovietnam. Việc xây dựng lại hình ảnh người lao động dầu khí - ngành dầu khí, triệt để xử lý khủng hoảng truyền thông, tận dụng cơ hội truyền thông tới các cấp, các ngành, từ trung ương tới địa phương; qua đó đã góp phần tạo nhận thức đúng đắn và tình cảm tốt đẹp của các thế hệ người lao động dầu khí, sự đồng thuận của xã hội, sự ghi nhận, đánh giá cao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của Tập đoàn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nhờ đó, thương hiệu, uy tín của Tập đoàn được nâng cao, hình ảnh Petrovietnam được cải thiện so với thời gian trước khi có Nghị quyết, tạo niềm tin, khí thế mới trong cán bộ, công nhân viên, người lao động dầu khí; thúc đẩy cải cách thể chế đối với hoạt động dầu khí, tạo điều kiện để Tập đoàn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, để kịp thời ứng phó và vượt qua những thách thức đòi hỏi công tác lãnh đạo nhiệm vụ truyền thông và văn hoá doanh nghiệp trong toàn Tập đoàn phải tập trung giải quyết tốt những tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở bám sát Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; gắn với tiếp tục thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và một số chủ trương, nhiệm vụ khác của Đảng liên quan đến công tác thông tin, truyền thông và xây dựng con người mới; Cả hệ thống chính trị cần quán triệt phương châm truyền thông và xây dựng văn hóa doanh nghiệp không chỉ đi trước mà còn đi cùng, đi sau trong mọi hoạt động của doanh nghiệp; gắn công tác truyền thông với xây dựng văn hóa doanh nghiệp và công tác an sinh xã hội. Tái tạo văn hóa Petrovietnam nhằm củng cố văn hóa nền tảng, tạo hiệu quả với 7 thói quen, làm giàu bản sắc Petrovietnam để Tập đoàn có tầm vóc lớn hơn, xây dựng đội ngũ lao động có chất lượng và hiệu quả cao hơn.
Truyền thông và văn hóa doanh nghiệp thúc đẩy mọi mặt hoạt động của Petrovietnam
Đánh giá về công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp tại Tập đoàn trong 3 năm qua, Chủ tịch Hội đồng thành viên Hoàng Quốc Vượng khẳng định công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp đã góp phần lấy lại niềm tin, hình ảnh, uy tín của Tập đoàn qua giai đoạn khó khăn, cổ vũ, động viên tinh thần người lao động góp công, góp sức đưa Tập đoàn đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Hoàng Quốc Vượng cho rằng những tồn tai, hạn chế cần nhanh chóng được khắc phục. Những ưu điểm, kết quả cần có biện pháp nhân rộng để lĩnh vực truyền thông và văn hóa doanh nghiệp được triển khai đều khắp, đồng bộ trong toàn Tập đoàn.
Việc triển khai hiệu quả công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy trong mọi mặt của Tập đoàn. Chủ tịch Hội đồng thành viên Hoàng Quốc Vượng cho rằng xây dựng văn hoá sẽ hướng đến mục tiêu chung là vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Điều này phải xuất phát từ thực chất, gắn với việc tạo điều kiện, môi trường làm việc an toàn, hiệu quả, chất lượng cho cán bộ nhân viên vì vậy vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Lãnh đạo Tập đoàn nhấn mạnh người đứng đầu phải gương mẫu trong triển khai kế hoạch đề án phát triển văn hoá doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Hội đồng thành viên Hoàng Quốc Vượng yêu cầu các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị phải chú ý trong công tác tổ chức, dành nguồn lực thích đáng kể cả về mặt con người, kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động để triển khai nhiệm vụ. Các đơn vị trong Tập đoàn bên cạnh việc tiếp tục triển khai Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam còn phải tiếp tục xây dựng, củng cố bản sắc riêng của từng đơn vị phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn hoạt động của mình.
Kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng khẳng định Petrovietnam đã và đang đi đúng hướng trong công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp. Công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển Petrovietnam, nâng cao và bảo đảm lợi ích, quyền lợi của người lao động trong toàn Tập đoàn.
Tuy nhiên để tạo sự sắc sảo trong truyền thông, định hình bản sắc trong văn hóa, chặng đường phía trước cần sự nhất quán, kiên trì, bền bỉ từ Tập đoàn đến các đơn vị. Những kết quả đã đạt được mới chỉ là tiền đề, những bước khởi tạo cho quá trình tiếp theo.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng tin tưởng việc triển khai và thực hiện thành công công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt là Đề án Tái tạo văn hoá Petrovietnam, sẽ tạo động lực thúc đẩy, tăng thêm niềm tin trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, người lao động dầu khí để tiếp tục xây dựng và phát triển Petrovietnam bền vững./.
Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022 - 2026  (06/09/2022)
Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022 - 2026  (06/09/2022)
Petrovietnam đóng góp quan trọng vào 4 trụ cột của đất nước  (24/08/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển