Tỉnh Quảng Ninh: Hạ tầng khởi sắc nhờ hợp tác công - tư
TCCS - Nhờ áp dụng hình thức hợp tác công - tư (PPP) đối với nhiều dự án, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước sở hữu sân bay tư nhân, cảng tàu khách chuyên biệt và tự làm đường cao tốc. Tỉnh Quảng Ninh có những cách làm sáng tạo và vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư, nhờ đó hạ tầng của tỉnh ngày càng khởi sắc.
Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư
Ngay từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh nhận định, kết cấu hạ tầng giao thông là điểm nghẽn đối với sự phát triển của địa phương. Việc xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng được xác định là một trong ba khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã có những cách làm sáng tạo và vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư cho hạ tầng. Đây là tỉnh đầu tiên, duy nhất trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đầu tư và quản lý đường cao tốc và cảng hàng không theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Một trong những công trình mang đậm dấu ấn đầu tư của tư nhân phải kể đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Công trình này có tổng vốn đầu tư 7.463 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Ninh là 734 tỷ đồng, còn lại 6.729 tỷ đồng là vốn của nhà đầu tư. Đây là sân bay quốc tế đầu tiên trong cả nước do tư nhân đầu tư, hoàn thành sau hơn hai năm thi công, xây dựng và được đầu tư theo hình thức BOT với thiết kế đồng bộ, hiện đại, dùng chung dân dụng và quân sự. Đây cũng là cảng hàng không cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), sân bay quân sự cấp II, có thể đón được tất cả các loại máy bay hiện đại như Boeing 787, 777 và Airbus A350, A320; công suất nhà ga giai đoạn một là 2,5 triệu lượt hành khách/năm. Một công trình trọng điểm khác là Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu khách chuyên biệt đầu tiên ở Việt Nam có thể tiếp nhận đồng thời 2 tàu khách cỡ lớn có trọng tải đến 225.000GT, sức chở lên đến 8.400 khách và thủy thủ đoàn. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu khách quốc tế đến với Hạ Long mà không phải qua chuyển tải, bảo đảm sự an toàn cho du khách.
Đối với hạ tầng giao thông đường bộ, Quảng Ninh đang là một trong những tỉnh sở hữu đường cao tốc dài nhất Việt Nam với tổng số gần 100km tính đến thời điểm này. Các tuyến đường cho thấy rõ vai trò kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển, liên kết chặt chẽ các khu kinh tế, cực tăng trưởng phía Bắc và các sân bay quốc tế gồm: Nội Bài (thành phố Hà Nội) - Cát Bi (thành phố Hải Phòng) - Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh). Ngoài thu hút nguồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm, Quảng Ninh đã thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn để đầu tư hạ tầng du lịch và đô thị. Hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đẳng cấp quốc tế được hoàn thành như Công viên Đại Dương; Khu nghỉ dưỡng biển cao cấp Vinpearl Ha Long Bay Resort; Quần thể du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC; Khu du lịch đảo Tuần Châu, cảng tầu Tuần Châu; các trung tâm thương mại Vincom, BigC, Mega Market; sân golf Ngôi sao Hạ Long... Nhiều khu đô thị kiểu mẫu được quy hoạch đồng bộ như Khu đô thị Vinhomes, Khu đô thị phía đông hòn Cặp Bè, Khu đô thị Hùng Thắng,… góp phần tạo nên đô thị Hạ Long hiện đại, văn minh. Cùng với đó, các dự án hạ tầng văn hóa, thể thao như Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, hội chợ, triển lãm và văn hóa tỉnh, Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ, Công viên hoa Hạ Long, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch.
Tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng
Vừa qua, trục cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khai trương. Đây là tuyến đường kết nối với Trung Quốc nên chắc chắn du lịch sẽ phát triển, do được thụ hưởng lượng khách lớn từ Trung Quốc sang Quảng Ninh. Đây cũng là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối 3 sân bay (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn), 3 khu kinh tế, 3 cửa khẩu quốc tế. Tuyến đường sẽ mở rộng các không gian kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển của Khu kinh tế Vân Đồn nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung. Trong tương lai gần, sân bay này có thể kết nối Quảng Ninh với toàn thế giới. Tuyến đường này không chỉ có ý nghĩa đối với cực tăng trưởng Quảng Ninh thông qua 2 mũi đột phá là Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái, mà còn kết nối 3 cửa khẩu quốc tế quan trọng nhất khu vực miền Bắc là Lào Cai, Hữu Nghị và Móng Cái, đưa Quảng Ninh có cơ hội trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, Khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong gần 10 năm qua, Quảng Ninh huy động được gần 60.000 tỷ đồng để triển khai các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Trong đó, nhà nước tham gia chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Các dự án khi đưa vào sử dụng không chỉ có ý nghĩa chiến lược đối với việc phát triển không gian của tỉnh mà còn mở ra không gian phát triển mới cho khu vực, thúc đẩy phát triển liên kết vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; khai thác, phát huy được tối đa lợi thế, tiềm năng vùng và khu vực. Hiện nay, Quảng Ninh đã hoàn thiện và thông qua quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng đồng bộ, tăng cường kết nối các khu vực trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của tỉnh; khai thác hiệu quả các loại hình vận tải, chú trọng vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics... Từ định hướng này, tỉnh tiếp tục thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào hạ tầng giao thông, cả về cảng biển, đường sắt, đường bộ, đường không, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh xác lập vị thế mới, vượt trội và hàm chứa những cảm hứng phát triển đặc biệt. Thành công đó chính là nhờ bước chuyển dần từ “nâu” sang “xanh”; đầu tư hạ tầng đồng bộ với những công trình không - thủy - bộ hiện đại; thể chế, chính quyền số, môi trường đầu tư kinh doanh, nỗ lực cải cách của tỉnh Quảng Ninh được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao.
Phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực, có tính lan tỏa cao đã giúp tỉnh Quảng Ninh huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế, trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có ý nghĩa chiến lược, tạo sức lan tỏa, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế./.
Thành phố Cẩm Phả phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”  (10/10/2022)
Tỉnh Quảng Ninh: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp  (08/10/2022)
Thị xã Đông Triều tích cực chuyển đổi số trong nông nghiệp  (02/10/2022)
- Quản lý văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí tại khu vực miền Trung hiện nay
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay