Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong bối cảnh quốc tế hiện nay
TCCS - Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là quan điểm chỉ đạo chiến lược nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quá trình này chịu sự tác động của nhiều yếu tố cả trong nước và quốc tế, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng giữ vai trò quyết định, cần được quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả.
Những diễn biến phức tạp của bối cảnh quốc tế hiện nay
Thực tiễn cho thấy, tình hình thế giới, khu vực là yếu tố khách quan có tác động lớn đến lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc nói chung và Việt Nam nói riêng. Dự báo trong thời gian tới, thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, nhanh chóng và khó lường, nổi bật với những vấn đề sau: Những chuyển biến của bối cảnh thế giới đơn cực đang dần được thay thế bằng một thế giới đa cực, bắt đầu từ “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga tiến hành tại U-crai-na. Cuộc xung đột này đang diễn ra hết sức quyết liệt, phức tạp và khó lường, tạo ra những rạn nứt khó có thể hàn gắn giữa châu Âu và Nga; đồng thời, “vô tình” thúc đẩy sự gắn kết hơn của châu Âu với nhu cầu mở rộng hơn nữa của NATO. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động sâu sắc, chi phối mạnh mẽ đến toàn bộ các vấn đề xã hội, đặc biệt là tạo nên sự thay đổi nhảy vọt trên lĩnh vực trang bị vũ khí công nghệ cao, từ đó làm chuyển biến căn bản về tư duy quốc phòng quân sự, nghệ thuật tác chiến, tạo môi trường tác chiến đa dạng. Không gian chiến tranh ngày càng mở rộng, vũ khí chính xác công nghệ cao ngày càng tác động sâu sắc, mạnh mẽ tới tinh thần binh lính trên chiến trường lẫn tâm lý xã hội. Hệ tư tưởng được nhìn ở dưới các góc độ khác nhau, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh lợi ích quốc gia - dân tộc; khối liên minh quân sự xáo trộn, tạo nên những thách thức phức tạp. Các nước nhỏ vẫn luôn phải chịu những sức ép từ cường quyền của một số nước lớn. Chủ nghĩa cực đoan, tư tưởng phát-xít, dân tộc chủ nghĩa, khủng bố ngày càng trỗi dậy. Cơ hội tìm kiếm các giải pháp cho hòa bình còn vấp phải nhiều khó khăn, rào cản, làm cho cuộc sống một bộ phận nhân loại phải gánh chịu sự hy sinh, đau thương, tàn khốc.
Từ thực tiễn bối cảnh quốc tế đó, hiện nay, việc xây dựng một nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, hiện đại, trên cơ sở tự lực cánh sinh là con đường đúng đắn nhất của mọi quốc gia trên thế giới, nhất là đối với một nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược để bảo vệ Tổ quốc như nước ta. Sự tỉnh táo, khôn khéo và sáng suốt của người chèo lái là nhân tố quyết định để quốc gia - dân tộc vượt qua mọi biến cố của lịch sử. Bài học về sự lãnh đạo quyết liệt, sáng suốt của Đảng trong cuộc chiến chống COVID-19 những năm qua cho thấy rất rõ điều này. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Minh chứng là sự phát triển kinh tế vĩ mô ổn định và với nhịp tăng trưởng cao trong năm 2022 của nước ta được cả thế giới khâm phục, còn nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng.
Đảng ta là đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo toàn diện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đứng trước bối cảnh quốc tế hiện tại, hơn lúc nào hết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân là một đòi hỏi khách quan và hết sức cấp thiết.
Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong bối cảnh quốc tế hiện nay
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nói chung, quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân nói riêng là vấn đề cốt yếu, thường xuyên, cấp bách. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ, cần đầu tư “xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phòng thủ quân khu thành khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”(1). Trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp và khó lường hiện nay, muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này chúng ta cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau:
Tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tham mưu chiến lược trong xây dựng các phương án tác chiến chiến lược mới, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đây là nhóm giải pháp có tầm quan trọng hàng đầu. Bởi vì, trong chiến tranh hiện đại, tấn công, phòng ngự - phòng thủ và phản công diễn ra một cách quyết liệt, nhiều lúc đan xen, liên tục diễn ra các hoạt động tác chiến mang tính đan cài. Thực tiễn đang đặt ra những bài toán khó đối với các nhà hoạch định chiến lược quốc phòng. Để thực hiện hiệu quả nhóm giải pháp này, chúng ta cần triển khai các biện pháp cụ thể:
Một là, Quân ủy Trung ương là cơ quan lãnh đạo mọi mặt và trực tiếp đối với nền quốc phòng toàn dân cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo để các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
Hai là, các cơ quan tham mưu chiến lược, cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, cập nhật thường xuyên để tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề mới về quốc phòng, an ninh. Công tác tham mưu chiến lược càng chính xác, kịp thời và thiết thực thì quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân của nước ta càng vững chắc. Trên cơ sở đó, thế và lực của nền quốc phòng nước ta mới được nâng cao một cách toàn diện, hiện đại, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu tác chiến trên các hướng chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.
Ba là, đối với các cấp trực thuộc Trung ương, Đảng ủy Quân sự các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đề ra các phương thức tác chiến mới; các phương án điều chỉnh thế bố trí chiến trường trên từng vùng, từng địa bàn tác chiến các cấp cho phù hợp với chiến tranh hiện đại và với sự điều chỉnh của tổng thể nền quốc phòng toàn dân trong thời kỳ mới.
Bốn là, cần chỉ đạo việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng công trình dân dụng, lưỡng dụng gắn với công trình quốc phòng để bảo toàn lực lượng, tính mạng cho nhân dân. Đồng bộ mọi mặt công tác bảo đảm để vừa tác chiến, vừa phòng tránh dài ngày như các tầng hầm, công trình ngầm.
Năm là, luôn chủ động làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng gắn chặt với đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước với đối ngoại nhân dân để ngăn chặn, hạn chế xảy ra xung đột. Giải quyết các vấn đề phức tạp bằng các giải pháp hòa bình. Đa phương, đa dạng hóa các mối quan hệ; thêm bạn, bớt thù. Chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Tăng cường việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện xây dựng các công trình quốc phòng trên cả nước nhất là các địa bàn chiến lược, vùng biên giới và hải đảo.
Nhóm giải pháp này giữ vị trí cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Bởi vì, nền kinh tế - xã hội nước ta phát triển ngày càng mạnh mẽ cả bề rộng và chiều sâu, nhất là trong bối cảnh kinh tế số đang được đẩy mạnh phát triển; trên cơ sở đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng không ngừng phát triển và đi vào chiều sâu, với tác động đa chiều. Điều đó sẽ ảnh hưởng to lớn, toàn diện đối với quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân nước ta, cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với quá trình thực hiện xây dựng các công trình quốc phòng càng trở nên bức thiết, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục mới mang lại hiệu quả cao. Thực tiễn cho thấy, nơi nào, lúc nào thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát thì chất lượng xây dựng sẽ không được bảo đảm. Vì vậy, đối với nhóm giải pháp này, Đảng và Nhà nước cần chú trọng thực hiện các biện pháp cụ thể sau:
Một là, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực, chủ động rà soát lại quy hoạch, kế hoạch xây dựng nền quốc phòng toàn dân theo phân cấp. Việc thực hiện biện pháp này có tính lưỡng dụng rất cao, một mặt, làm căn cứ cho việc kiểm tra, giám sát tiến trình xây dựng các công trình quốc phòng; mặt khác, kịp thời đưa ra các quyết sách điều chỉnh nhanh chóng, chính xác phù hợp thực tế; khi phát hiện thấy có những vấn đề phát sinh, cần khẩn trương bổ sung, điều chỉnh.
Hai là, tổ chức tốt các đoàn kiểm tra, kiểm soát để nắm chắc tiến độ, chất lượng xây dựng các nội dung, công trình thuộc về hệ thống phòng thủ quốc gia, nhất là các công trình quốc phòng trọng điểm mang tầm chiến lược. Việc kiểm tra, kiểm soát cần được tiến hành một cách chặt chẽ, nghiêm minh, nếu phát hiện sai phạm cả về nội dung và không gian quốc phòng thì phải chấn chỉnh kịp thời, không để ảnh hưởng đến môi trường tác chiến khi chiến tranh xảy ra.
Ba là, kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên từng địa phương, đơn vị. Đồng thời, kỷ luật nghiêm minh những trường hợp sai phạm, nhất là việc lấn đất quốc phòng, tránh tình trạng để kéo dài phải xử lý hết sức khó khăn, phức tạp. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân thì sự lãnh đạo của Đảng mới đi vào thực chất, có chiều sâu và ngược lại.
Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ các hoạt động diễn tập quân sự hằng năm ở tất cả các cấp tác chiến chiến lược, chiến dịch và chiến thuật nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy tác chiến của các cấp, các ngành.
Quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân diễn ra trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, nhưng tất cả các hoạt động này đều được thực nghiệm, kiểm nghiệm thông qua các hoạt động diễn tập quân sự cấp chiến lược đến cấp chiến dịch và chiến thuật. Thông qua các cuộc diễn tập quân sự, một mặt, kiểm định lại các hệ thống công trình phòng thủ, trận địa tác chiến đã được xây dựng; mặt khác, kiểm tra trình độ tổ chức, chỉ huy tác chiến của tất cả lực lượng tham gia; nhất là các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy theo phân cấp của từng cấp diễn tập, điều này đòi hỏi có sự phối kết hợp chặt chẽ của Đảng ủy quân sự cấp trên và cấp trực tiếp tổ chức diễn tập. Chỉ trên cơ sở này, diễn tập quân sự hằng năm và theo định kỳ mới đi vào nền nếp và đạt chất lượng cao. Thông qua đó, phát hiện kịp thời những vấn đề cần hoàn chỉnh, bổ sung để nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới hiện nay. Đối với nhóm giải pháp này, cần chú trọng những nội dung, biện pháp cụ thể là:
Một là, Đảng ủy quân sự từng cấp chỉ đạo cơ quan tham mưu thường xuyên rà soát các phương án tác chiến giả định theo phân cấp để ban hành các chỉ thị diễn tập quân sự sát hợp với tình hình thực tiễn đang đặt ra cho từng cuộc diễn tập. Tránh tình trạng rập khuôn máy móc, không cập nhật đầy đủ tình hình chính trị, quân sự đang diễn ra trên thế giới, khu vực và các tình huống có thể xảy ra ở từng địa phương, đơn vị.
Hai là, Đảng ủy quân sự các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ các hoạt động chuẩn bị cho diễn tập quân sự, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động này. Sự lãnh đạo, chỉ đạo càng thường xuyên, sâu sát càng có được yếu tố đồng bộ, cả về kinh tế, chính trị và quân sự, sát với tình hình thực tế.
Ba là, Đảng ủy quân sự các cấp cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan tham mưu tổ chức tốt các hoạt động diễn tập lồng ghép nhuần nhuyễn giữa tác chiến quân sự truyền thống và phi truyền thống. Làm tốt điều này, các cấp lãnh đạo, chỉ huy sẽ chủ động đối phó tốt với các tình huống khẩn cấp về môi trường như bão lũ, hỏa hoạn xảy ra gây thảm họa cho cả kinh tế và quốc phòng. Tức là, bên cạnh phòng thủ quân sự cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tốt phòng thủ dân sự, đây là biện pháp mang tính lưỡng dụng cao trong thời đại toàn cầu hóa và khu vực hóa hiện nay.
Bốn là, Đảng ủy quân sự các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc tổng kết, rút kinh nghiệm sau diễn tập, chống biểu hiện nặng về hình thức, không chú trọng thực chất về nội dung diễn tập, chỉ biểu dương thành tựu mà ít quan tâm đến hạn chế cần khắc phục. Làm như vậy, sẽ dẫn đến tình trạng tiền của bỏ ra thì rất lớn, nhưng kết quả thu về hạn chế và không bảo đảm tính vững chắc cho nền quốc phòng toàn dân của từng địa phương cũng như trên phạm vi cả nước.
Năm là, hoàn thiện, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt phòng thủ dân sự. Cơ chế chỉ huy, điều hành, phối hợp. Huy động sức mạnh tổng hợp của cấp uỷ các cấp, năng lực tổ chức, chỉ huy, điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của hệ thống cơ quan và sức mạnh của toàn dân; chủ động xử lý các vấn đề nảy sinh bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội./.
--------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 278
Đảng bộ thành phố Hà Nội chú trọng sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh  (10/07/2023)
Hội nghị quán triệt, triển khai chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới  (07/07/2023)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng  (21/04/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển