Tỉnh Lạng Sơn tích cực thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, gắn phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh
TCCS - Những năm qua, việc tích cực triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã góp phần quan trọng để tỉnh Lạng Sơn phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Từ những kết quả đạt được, tỉnh cũng đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược này trong thời gian tới và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Những kết quả đạt được
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của nước ta, có trên 230km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Tỉnh Lạng Sơn có tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực thương mại; đồng thời, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Do đó, việc quán triệt và thực hiện tốt quan điểm của Đảng trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới có ý nghĩa quan trọng, vừa cấp thiết, vừa cơ bản, lâu dài. Trong 10 năm qua, thực hiện Chiến lược này và Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, XVI, tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng có nhiều đổi mới, tiến bộ theo hướng công khai, dân chủ. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, khối đại đoàn kết được phát huy. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được nâng cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; kinh tế cửa khẩu tiếp tục phát triển. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân hằng năm đạt 4,67%. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,32%; công nghiệp - xây dựng tăng 10,97% (công nghiệp tăng 9,63%, xây dựng tăng 12,13%); dịch vụ tăng 4,41%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 43,4 triệu đồng, cao gấp 1,41 lần so với năm 2015.
Kết cấu hạ tầng được đầu tư; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo thực hiện, hướng vào phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương; từng bước hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp; phát triển các vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn tiên tiến và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm. Kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được tăng cường, năng lực thông quan hàng hóa tiếp tục được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu và thu hút đầu tư.
Các hoạt động du lịch phát triển cả về loại hình dịch vụ, doanh thu và chất lượng phục vụ. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch từng bước được nâng cấp, hình thành và đưa vào hoạt động nhiều khu, điểm du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng, văn hóa cộng đồng, mua sắm...
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao gấp 1,44 lần so với năm 2015. Năm 2020, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,5%, trong khi bình quân cả nước, tỷ lệ này là 88,7%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, bình quân giảm 3,25%/năm...
Tiềm lực quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố ngày càng vững chắc; luôn chủ động nắm bắt tình hình, dự báo, xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Các lực lượng chức năng và ủy ban nhân dân các huyện biên giới tăng cường công tác quản lý, bảo vệ biên giới; phối hợp với các nhóm chuyên gia tiến hành khảo sát theo kế hoạch. Thực hiện tốt công tác quốc phòng địa phương; tăng cường công tác giáo dục quốc phòng, an ninh và huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ theo kế hoạch; tập trung chỉ đạo các huyện trên địa bàn tỉnh diễn tập phòng cháy, chữa cháy và diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện. Hoàn thành công tác tuyển quân hằng năm, bảo đảm chất lượng và chỉ tiêu được giao. Triển khai Đề án tổ chức xây dựng lực lượng và quy định một số chính sách đối với dân quân tự vệ tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025. Tham gia giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc được tổ chức định kỳ hằng năm...
Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được chú trọng. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với những hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn. Kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác tiếp công dân, thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đạt hiệu quả cao. Công tác đối ngoại được thực hiện một cách chủ động và có hiệu quả; trong đó, triển khai đồng bộ đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Quan hệ hữu nghị, hợp tác với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu...
Có thể nói, việc thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của tỉnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp. Năm 2021, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 6/14 tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc. Tỉnh là địa phương đầu tiên vận hành thành công nền tảng cửa khẩu số; đồng thời, triển khai ứng dụng “Công dân số xứ Lạng” trên phạm vi toàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh xếp thứ hai toàn quốc về sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử của Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh ở tỉnh Lạng Sơn còn có một số hạn chế cần được khắc phục, như Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chỉ ra: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có mặt chuyển biến chậm. Quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, truyền thống cách mạng của địa phương. Số hộ nghèo giảm nhanh nhưng tỷ lệ vẫn còn cao, năm 2021 là 5,88%, so với 3,75% của cả nước; đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn... Ở một số cơ quan, doanh nghiệp, trong một số dự án, chưa chú trọng việc bảo đảm quốc phòng, an ninh hoặc lồng ghép nội dung này trong hoạt động. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp, nhất là ở nông thôn...
Một số giải pháp trong thời gian tới
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tập trung lãnh đạo, đầu tư cho phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, gắn với cụ thể hóa, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh. Phát huy những tiềm năng khác biệt, nổi trội, nhất là lợi thế địa bàn biên giới, cửa khẩu, lợi thế cạnh tranh của địa phương trong mối tương quan với khu vực và cả nước, cụ thể hóa thành mục tiêu, phương hướng, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, trọng tâm là thực hiện các nội dung: Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và kinh tế đối ngoại; phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao năng suất lao động. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Phát triển mạnh kinh tế biên mậu, kinh tế cửa khẩu, các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đưa tỉnh trở thành trung tâm kinh tế, khu trung chuyển hàng hóa, đầu mối xuất, nhập khẩu lớn của cả nước, gắn với phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Đẩy mạnh kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và với cả nước. Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững, gắn với phòng, chống tội phạm kinh tế; phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch với nhiều sản phẩm có thế mạnh; đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, tập trung khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa truyền thống xứ Lạng để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đồng thời bảo đảm an ninh du lịch và an ninh môi trường.
Thứ hai, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực phát triển bền vững địa phương. Coi trọng giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc sinh sống trên vùng đất Lạng Sơn. Tiếp tục làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội gắn với bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, an ninh con người, giải quyết có hiệu quả các vấn đề gây bức xúc ở cơ sở. Xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; có các giải pháp mạnh mẽ, phù hợp để giảm nghèo nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh không còn huyện nghèo và cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn. Bảo đảm sự phát triển hài hòa và cân đối giữa các vùng, miền, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, để người dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.
Thứ ba, tập trung quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là các nghị quyết, chỉ thị về quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới quốc gia. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, trọng tâm là xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ở 200 đơn vị hành chính cấp xã (bao gồm 5 phường, 14 thị trấn và 181 xã) trên địa bàn tỉnh. Tập trung xây dựng khu vực phòng thủ; hoàn thành tốt nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ các cấp. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phối hợp triển khai xây dựng đường tuần tra biên giới và xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng Mẫu Sơn; chủ động chuẩn bị tốt kế hoạch động viên nền kinh tế quốc dân khi có tình huống phức tạp xảy ra. Bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện. Nâng cao chất lượng công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự; hoàn thành nhiệm vụ giáo dục quốc phòng, an ninh cho các đối tượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chính sách hậu phương quân đội. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại quân sự, đối ngoại biên phòng ở khu vực biên giới.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Tiếp tục quán triệt, thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về vấn đề này. Chăm lo xây dựng lực lượng công an tỉnh chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng “tinh, gọn, mạnh”. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch, phản động, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp ngay tại cơ sở, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự.
Tập trung chỉ đạo thực hiện Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030; thường xuyên mở các đợt tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, phòng cháy, chữa cháy, hạn chế các vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ. Chú trọng công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong nội địa và trên tuyến biên giới. Đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước; thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm toán, quyết định xử lý sau thanh tra.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Tiếp tục thúc đẩy và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với tỉnh Quảng Tây và các địa phương khác của Trung Quốc, các địa phương của các nước và các tổ chức quốc tế. Triển khai các giải pháp đột phá về hội nhập quốc tế nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển./.
Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang trong giai đoạn mới  (29/09/2022)
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn kinh tế - quốc phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới  (29/08/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị quán triệt nghị quyết về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo  (23/08/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên