Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang trong giai đoạn mới
TCCS - Tuyên Quang là tỉnh miền núi, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng, dân tộc. Với 658 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, 425 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc, tỉnh Tuyên Quang xác định văn hóa là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
1- Là địa bàn sinh sống của 22 dân tộc, tỉnh Tuyên Quang có nhiều di sản văn hóa vô cùng độc đáo của các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Cao Lan, Mông, Pà Thẻn, Nùng, La Chí, Sán Chỉ... Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã tiến hành lập 15 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, hiện đã có 10 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nhiều di sản đặc sắc, gồm: Lễ hội Lồng Tồng, hát Then của dân tộc Tày; hát Páo Dung và lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu; hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan; Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, thành phố Tuyên Quang; nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ... Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang được giao chủ trì, phối hợp với 10 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên) xây dựng hồ sơ và đề nghị Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuyên Quang cũng là nơi còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc cổ, trong đó bia Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là bảo vật quốc gia, cùng nhiều di tích được xếp hạng là di tích quốc gia, như Thành Tuyên Quang, thành Nhà Bầu, đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, đền Pú Bảo, chùa Lang Đạo...
Tỉnh luôn quan tâm, chú trọng phục dựng, duy trì và phát triển các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc. Toàn tỉnh hiện có 46 lễ hội, trong đó có 42 lễ hội truyền thống, 4 lễ hội văn hóa. Nhiều lễ hội được nghiên cứu, phục dựng và tổ chức quy mô, bài bản, như lễ hội Lồng Tồng, lễ hội cầu May, lễ hội cầu Mùa của dân tộc Tày; lễ hội Đầm Mây của dân tộc Dao; lễ hội đình Như Xuyên, đình Giếng Tanh, đình Song Lĩnh, đình Minh Cầm của dân tộc Cao Lan; lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn... Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, tỉnh duy trì tổ chức Lễ hội Thành Tuyên - một lễ hội đặc sắc, do chính nhân dân Tuyên Quang khởi xướng, phát huy và duy trì từ nhiều năm nay, được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận là “Lễ hội có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam”. Lễ hội Thành Tuyên góp phần nâng cao đời sống tinh thần của trẻ thơ và trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, ấn tượng, hấp dẫn, riêng có của tỉnh Tuyên Quang, thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, tỉnh cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, góp phần phát huy truyền thống đoàn kết, thúc đẩy môi trường sáng tạo và truyền bá nghệ thuật trong cộng đồng dân cư. Hiện nay, 138/138 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có đội văn nghệ quần chúng; trên 2.600 đội văn nghệ quần chúng thôn, bản, tổ dân phố và các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang; trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc; trên 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính; 6 câu lạc bộ hát Páo Dung của dân tộc Dao; 13 câu lạc bộ hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan... Bên cạnh các câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, toàn tỉnh hiện có 2 nghệ nhân nhân dân và 8 nghệ nhân ưu tú, là những người nắm giữ, thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể, có nhiều nỗ lực cống hiến, góp phần tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong cộng đồng. Chú trọng xây dựng không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo điều kiện cho các di sản văn hóa có môi trường tốt nhất để duy trì, phát triển. Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh chủ trương xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên, theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm”. Đến nay, đã xây dựng được 1.183 nhà văn hóa; phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 1.400 nhà văn hóa, thôn, tổ dân phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đạt trên 80%.
Với vị thế chiến lược quan trọng trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc, tỉnh Tuyên Quang được ví như một “bảo tàng cách mạng” của cả nước, là kho tư liệu vô giá của lịch sử Đảng và cách mạng Việt Nam. Trong lịch sử đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước của dân tộc, tỉnh Tuyên Quang vinh dự được Trung ương Đảng và Bác Hồ hai lần chọn làm Thủ đô lãnh đạo cách mạng, đó là: “Thủ đô Khu giải phóng” lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945; “Thủ đô kháng chiến” lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tỉnh Tuyên Quang cũng là nơi Bác Hồ đã sống, làm việc gần 6 năm; có 65 bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương (13/14 bộ và cơ quan ngang bộ) đóng trụ sở trong thời kỳ kháng chiến. Tại đây, nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng, của dân tộc đã diễn ra, nổi bật là: Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội Tân Trào, tiền thân của Quốc hội hiện nay, tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa, thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh; khai sinh Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dưới bóng đa Tân Trào lịch sử, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Bản Quân lệnh số 01 chỉ huy đơn vị Giải phóng quân tiến về Hà Nội, mở đầu cho thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc. Tỉnh Tuyên Quang còn tự hào là nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa. Đây là đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước sau khi thành lập và đến nay là đại hội duy nhất được tổ chức ngoài Thủ đô Hà Nội; Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt; Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất... Những địa danh, sự kiện lịch sử trọng đại mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cũng như đồng bào cả nước.
Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang có 658 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh (474 di tích lịch sử, 127 di tích văn hóa, 57 danh lam thắng cảnh), có 182 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 259 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đặc biệt, tỉnh có 3 di tích và danh thắng đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, huyện Sơn Dương; Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình, huyện Chiêm Hóa; Khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang##- Lâm Bình. Trong đó, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch đến năm 2025; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030. Trên cơ sở đó, tỉnh đã triển khai Dự án bảo quản tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị khu di tích với nhiều hạng mục công trình có giá trị lịch sử, văn hóa: Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, Bảo tàng Tân Trào, Quảng trường Tân Trào... Trong những năm gần đây, tỉnh đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu giá trị lịch sử quan trọng, ý nghĩa to lớn của Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, huyện Sơn Dương, cùng với Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình, huyện Chiêm Hóa và bảo tàng tỉnh. Đó là những “địa chỉ đỏ”, phục vụ hiệu quả công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh Tuyên Quang tập trung nguồn lực bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Với việc quan tâm đầu tư xây dựng và thực hiện đồng bộ quy hoạch, kế hoạch về bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị các khu, điểm di tích, danh thắng thành các khu, điểm du lịch, tỉnh đã thu hút được một số tập đoàn có uy tín đến nghiên cứu, khảo sát, triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển du lịch, như: Tập đoàn VinGroup đầu tư khu nghỉ dưỡng Vinpearl Tuyên Quang tại Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; Tập đoàn Flamingo đầu tư phát triển dịch vụ tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào... Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tích cực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhất là phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn. Đến nay, một số điểm thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm đã hình thành, bước đầu khai thác có hiệu quả giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, tiêu biểu như điểm du lịch cộng đồng tại thôn Bản Ba, xã Trung Hà (huyện Chiêm Hóa); thôn Nà Tông, Nà Đông, xã Thượng Lâm; thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà; thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can; thôn Bản Bon, xã Phúc Yên; thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn; thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình); thôn Nà Khá, xã Năng Khả, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (huyện Na Hang)... Cùng với Khu danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình có diện tích mặt nước trên 8.000 ha, những điểm du lịch trên hiện đang là những điểm đến rất hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đã góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, ý chí tự lực vươn lên của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Tuyên Quang đã thu hút gần 8,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt trên 7 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng bằng các giải pháp phát huy hiệu quả các sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái, tỉnh vẫn thu hút được 1,6 triệu lượt khách du lịch, đạt 71% kế hoạch năm. 5 tháng đầu năm 2022, tỉnh đón gần 979 nghìn lượt khách du lịch, đạt 43% kế hoạch năm; tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP đạt 5,6%, đứng thứ tư trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
2- Di sản văn hóa có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng, tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch, đem đến lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh của địa phương, đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(1).
Xác định: “Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Phục hồi, tôn tạo và phát huy giả trị các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch”(2), tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; xây dựng, phát triển Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế; xây dựng Khu danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia. Mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 1 làng văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch; xây dựng từ 1 đến 2 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; tập trung xây dựng 1 làng văn hóa dân tộc cấp tỉnh để bảo tồn, giới thiệu lịch sử quê hương cách mạng và giá trị văn hóa của các dân tộc trong tỉnh, là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; phấn đấu đón trên 3 triệu lượt khách du lịch; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 4.800 tỷ đồng; đóng góp cho GRDP từ 6% trở lên; tạo việc làm trực tiếp trong lĩnh vực du lịch cho trên 25.000 lao động. Đến năm 2030, hoàn thiện các tiêu chí Khu du lịch quốc gia Tân Trào là khu du lịch quốc gia, chất lượng; xây dựng Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế; Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí khu du lịch sinh thái quốc gia. Phấn đấu đón trên 5,5 triệu lượt khách du lịch; đóng góp vào GRDP toàn tỉnh từ 10% trở lên.
Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tỉnh Tuyên Quang xác định một số giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24-11-2021), trong đó quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”; coi trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhất là phát triển du lịch, để văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Các cấp ủy, chính quyền nâng cao hơn nữa vai trò, sự chủ động, tích cực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và phát triển kinh tế, giữa bảo tồn, phát huy và phát triển.
Thứ hai, di sản văn hóa chỉ có thể bảo tồn và phát triển khi thường xuyên thực hành trong cộng đồng, trong đời sống xã hội. Do đó, cần tạo dựng môi trường sinh hoạt và thực hành di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc; bảo tồn, xây dựng nhà ở theo kiến trúc truyền thống gắn với không gian cảnh quan; tổ chức các hoạt động, tăng cường giao lưu cộng đồng, câu lạc bộ... nhằm nâng cao ý thức, tạo sự gắn bó mật thiết của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc gắn với phát triển du lịch, tạo ra lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh địa phương. Tiếp tục phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, trọng tâm là tổ chức các hoạt động diễn xướng, dân ca, liên hoan hát dân ca, hát Then, hát Cọi, trình diễn trang phục trong nhà trường và ở cơ sở. Chú trọng khai thác, khôi phục một số lễ hội truyền thống, sưu tầm các bài dân ca, các điệu dân vũ, trò chơi dân gian, bài thuốc, món ăn đặc sắc, khôi phục các làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc. Tổ chức các lớp truyền dạy học tiếng dân tộc thiểu số, hát dân ca, dân vũ, các nghề thủ công truyền thống cho thế hệ trẻ. Nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, giao lưu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong các nhà trường, đặc biệt là tại các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ xây dựng Khu di sản thiên nhiên Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) - Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Tổ chức đăng cai và tham gia Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc, Ngày hội Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Dao, Sán Chay toàn quốc, liên hoan hát Then, đàn Tính toàn quốc... Xây dựng và tổ chức thường niên Lễ hội Thành Tuyên tiến tới mang thương hiệu quốc tế gắn với liên hoan di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhằm thu hút khách du lịch, quảng bá truyền thống văn hóa các dân tộc.
Thứ tư, tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, nhất là Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, huyện Sơn Dương, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh và Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang thành trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, đoàn kết, ý chí, khát vọng vươn lên của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tạo động lực, nguồn lực kế tiếp sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Tổ chức các hoạt động, chương trình về nguồn, dâng hương, báo công, giao lưu văn hóa, văn nghệ, trải nghiệm... tại các khu di tích lịch sử, tạo thành phong trào sâu rộng, thường xuyên đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh và nhân dân cả nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử, các di sản văn hóa, tạo thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Thứ năm, khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân tham gia bảo vệ di tích; các nghệ nhân, chủ thể văn hóa, là những người đang nắm giữ bảo tồn và truyền dạy các giá trị di sản văn hóa. Cùng với đầu tư của Nhà nước, coi trọng xây dựng các cơ chế, chính sách, tăng cường sự tham gia, huy động nguồn lực xã hội để đầu tư, xây dựng, nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường liên kết vùng, hạ tầng du lịch... tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là điều kiện để tăng cường kết nối, giao lưu, hợp tác, phát triển văn hóa nói chung, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa nói riêng.
Thứ sáu, gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc. Tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, trọng tâm là sản phẩm du lịch lịch sử, nghỉ dưỡng, lễ hội, sinh thái, cộng đồng... Phát huy tiềm năng, lợi thế và xu thế thị trường du lịch, xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới có tính đặc trưng, riêng có, đạt tiêu chuẩn quốc gia, tiến tới tiêu chuẩn quốc tế. Phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng mang bản sắc văn hóa các dân tộc, sản phẩm nông sản đặc sản... phục vụ nhu cầu của thị trường và du khách. Tăng cường liên kết tour, tuyến giữa các khu, điểm du lịch trong tỉnh và khu vực; chủ động hợp tác với các địa phương trong vùng, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động, chương trình hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế. Xây dựng các chương trình, kế hoạch tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm và có chiến lược cho từng loại hình, sản phẩm du lịch cả ở trong nước và quốc tế.
Di sản văn hóa Tuyên Quang là một bộ phận quan trọng và quý giá trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc, là tài sản của các thế hệ đi trước trao truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Việc bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hóa chính là thể hiện cụ thể tinh thần yêu nước, sự biết ơn của chúng ta đối với các bậc tiền nhân, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông, đó là cội nguồn, đồng thời là sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Do vậy, trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực quan trọng, góp phần xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, văn minh, thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành “tỉnh phát triển khá toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc”, cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng nước ta phát triển nhanh, bền vững, phồn vinh và hạnh phúc./.
--------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 115 - 116
(2) Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Thực trạng, vấn đề và giải pháp  (27/05/2022)
Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030  (09/05/2022)
Khơi thông, huy động nguồn lực xã hội cho tái thiết, phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch COVID-19  (08/03/2022)
Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2022  (04/03/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển