Những bước tiến trong quan hệ Việt Nam - Italia và triển vọng hợp tác trong thời gian tới
TCCS - Ngày 23-3-1973, Việt Nam và Italia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ chính trị giữa hai nước từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX đã được củng cố và phát triển nhanh chóng. Trong các diễn đàn quốc tế lớn, Italia là nước Tây Âu tích cực ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), cũng như việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế. Đặc biệt, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 1-2013, lãnh đạo hai nước đã nhất trí tăng cường trao đổi, thúc đẩy hợp tác thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, như: chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học, giáo dục, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, kết nối các địa phương...
Quan hệ chính trị, ngoại giao
Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao Italia luôn khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á. Ngày 21-1-2013, Việt Nam và Italia đã ký “Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược” góp phần thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Italia ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đến hợp tác địa phương.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam và Italia duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa hai nước:
Đoàn cấp cao Việt Nam thăm Italia, như chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 1-2013), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải (tháng 9-2013), Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang (tháng 7-2014), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 3-2014), Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (tháng 7-2015), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (tháng 5-2016), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 11-2016), Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (năm 2018).
Đoàn cấp cao của Italia thăm Việt Nam, như các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Giampaolo di Paola (tháng 1-2013), Phó Chủ tịch Hạ viện Marina Sereni (tháng 1-2014), Thủ tướng Matteo Renzi (tháng 6-2014), Tổng thống Sergio Mattarella (tháng 11-2015), Bộ trưởng Bộ Kết sở hạ tầng và giao thông Graziano Delrio (tháng 9-2016), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Andrea Orlando (tháng 10-2016) và Thủ tướng Giuseppe Conte (tháng 6-2019).
Ngoài ra, hai bên còn có các cuộc tiếp xúc bên lề các hội nghị đa phương, như: Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 10 (ASEM10) tại thành phố Milan (Italia) (tháng 10-2014) và Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 11 (tháng 7-2016); Hội nghị G-7 tại tỉnh Mie, Nhật Bản (tháng 5-2016)... Trong các chuyến thăm các cấp của hai nước, hai bên đã trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực chuyên ngành. Hai nước cũng phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương và quốc tế.
Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư
Về kinh tế, thương mại, quan hệ thương mại Việt Nam - Italia phát triển tích cực trong thời gian gần đây. Việt Nam là 1 trong 10 thị trường mới nổi trong ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của Chính phủ Italia. Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hai bên luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà Italia có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như: cơ khí chế tạo, kết cấu hạ tầng, dệt may, da giày, chế biến gỗ, công nghiệp phụ trợ, vật liệu xây dựng, dầu khí, năng lượng tái tạo, chế biến thực phẩm...
Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Italia đạt 4,67 tỷ USD. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Italia đạt hơn 3,44 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1,9 tỷ USD (1). Trong Quý I-2020, tổng kim ngạch hai chiều đạt 1,15 tỷ USD; trong đó nhập khẩu của Việt Nam từ Italia đạt 395,7 triệu USD và xuất khẩu của Việt Nam sang Italia đạt 758,7 triệu USD. Quý I-2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Italia đạt 956,8 triệu USD, tăng 26,1% so với cùng quý năm 2020. Hiện Italia là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong khối Liên minh châu Âu (EU). Trong quan hệ buôn bán giữa Việt Nam và Italia, Việt Nam ở vị thế xuất siêu, với mức xuất siêu khá cao (năm 2010: 158 triệu USD, năm 2015: 1.396 triệu USD, năm 2018: 1.130 triệu USD, năm 2019: 1.540 triệu USD). Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Italia khá đa dạng, trong đó nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, gồm: cà phê, máy tính, sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng… Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu, chiếm 25,03% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Italia. Bên cạnh đó, hai bên đã thành lập Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế và đã họp phiên đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 10-2014, lần thứ hai vào tháng 10-2015, lần thứ ba vào tháng 11-2016, lần thứ tư vào tháng 11-2017 (2), lần thứ năm vào tháng 12-2018 tại Rome (Italia) và lần thứ sáu Phiên họp toàn thể trực tuyến đã được diễn ra tại Hà Nội (tháng 12-2020).
Về đầu tư, tính đến hết tháng 10-2020, Italia đứng thứ 32 trong tổng số 138 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 116 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký trên 390,14 triệu USD (3), chủ yếu trong các ngành: giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép. Các dự án đầu tư trực tiếp của Italia vào Việt Nam chưa nhiều, nhưng những dự án lớn nhất đều nằm trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo như Bonfiglioli (sản xuất động cơ), Piaggio (sản xuất, lắp ráp xe máy), Danieli Officina (sản xuất thép), Fiat Iveco (liên doanh ôtô Mekong), Datalogic, Ariston (sản xuất bình đun nước nóng). Nhiều nhà máy sản xuất đồ gỗ, chế biến đá của Việt Nam đang sử dụng máy móc, công nghệ của Italia. Thiết bị luyện thép của hãng Danieli đã có mặt tại trên 10 dự án ở Việt Nam, trong đó có Nhà máy thép Việt - Ý, Nhà máy thép Phú Mỹ.
Có thể nói, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương Việt Nam - Italia thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, kết quả đầu tư và kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Italia chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của hai nước.
Quan hệ quốc phòng - an ninh
Ngay sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, Bộ Quốc phòng hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, đánh dấu bước phát triển mới và tạo khuôn khổ chung cho hợp tác quốc phòng hai nước. Trong thời gian qua, hai bên đã đẩy mạnh hợp tác trong cả ba lĩnh vực, gồm chính sách quốc phòng, quân sự quốc phòng và công nghiệp quốc phòng.
Thông qua cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, các nhà lãnh đạo Italia khẳng định sẵn sàng hợp tác nghiên cứu chế tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất tàu quân sự và dân sự, hợp tác đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; mong muốn mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp thông qua việc ký kết các hiệp định dẫn độ tội phạm, chuyển giao người bị kết án… Hiện hai nước đang đàm phán ký kết một số hiệp định như: Hiệp định dẫn độ, Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù, Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam và Italia (4)…
Quan hệ văn hóa, giáo dục và khoa học - công nghệ
Về văn hóa, hai nước thường xuyên tổ chức các tuần lễ/tháng văn hóa tại Italia và Việt Nam. Tổ chức thành công sự kiện Năm Việt Nam tại Italia và Năm Italia tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2013). Việt Nam đã tham dự tích cực triển lãm Toàn cầu Expo 2015 được tổ chức tại Milan (năm 2015). Từ năm 2003 đến 2013, Chính phủ Italia phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) giúp đỡ Việt Nam trùng tu khu di tích Mỹ Sơn với tổng kinh phí 1,5 triệu USD (5). Tháng 10-2018, hai bên đã ký Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2018 - 2021.
Về giáo dục - đào tạo, hai bên ký kết và triển khai hợp tác giáo dục và đào tạo giai đoạn 2013 - 2016; tổ chức thành công diễn đàn giáo dục đại học Việt Nam - Italia vào năm 2014 với sự tham gia của hơn 70 trường đại học (6). Chính phủ Italia quan tâm hỗ trợ 45 suất học bổng hằng năm cho sinh viên Việt Nam và hỗ trợ một số dự án giáo dục và đào tạo của Việt Nam, trong đó có dự án nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu cho Trường Đại học Y dược Huế, với số vốn đầu tư 1,27 triệu euro. Năm 2019, hai bên ký Chương trình hành động về hợp tác giáo dục giai đoạn 2019 - 2022 với nội dung chủ yếu nhằm hợp tác phát triển ngôn ngữ, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và cung cấp học bổng... Italia sẽ cung cấp sách giáo khoa cũng như phương tiện hỗ trợ âm thanh trực quan và các tài liệu giáo dục khác cho các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam để giảng dạy tiếng Italia và đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên nhằm nâng cao sự hiểu biết về văn hóa, giáo dục và phương pháp giảng dạy. Hai bên cũng khuyến khích và hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học và cơ sở giáo dục, khuyến khích việc hỗ trợ các chuyến tham quan học tập giữa các trường đại học của hai nước, đặc biệt ưu tiên các chuyến thăm nhằm mục đích xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học.
Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là ưu tiên hàng đầu của Italia trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Số lượng sinh viên trao đổi giữa hai nước ngày càng tăng ở cả hai chiều, với hơn 1.000 sinh viên Italia đang học tập tại các trường đại học của Việt Nam; khoa tiếng Italia của Đại học Hà Nội ngày càng thu hút nhiều sinh viên Việt Nam. Hai nước đã ký kết và hợp tác 72 dự án giáo dục, đào tạo (7). Hằng năm, Bộ Ngoại giao Italia dành cho sinh viên Việt Nam các suất học bổng để học tiếng Italia và mở các khóa học tiếng Italia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Về khoa học - công nghệ, hai bên triển khai tích cực Chương trình hợp tác về khoa học - công nghệ: thông qua 6 chương trình từ năm 1998 đến nay, 80 dự án hợp tác nghiên cứu chung đã được ký kết, triển khai trên nhiều lĩnh vực bao gồm: nông nghiệp và khoa học thực phẩm, công nghệ sinh học và y học, môi trường và biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin và truyền thông, vật lý ứng dụng, công nghệ bảo tồn và phục hồi di sản văn hóa thiên nhiên… Tính đến nay, sau 6 phiên họp của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế (JCM) và 6 chương trình hợp tác về khoa học - công nghệ giữa Việt Nam và Italia, có khoảng 170 nhà khoa học Việt Nam đã đến Italia tham dự các khóa học ngắn hạn tại các trường đại học và viện nghiên cứu để nghiên cứu và đào tạo; 70 nhà khoa học Italia đã sang Việt Nam để tiến hành nghiên cứu và tư vấn chung cho các nhà khoa học Việt Nam; nhiều nhà khoa học của Việt Nam và Italia có bằng tiến sĩ và thạc sĩ trong các dự án nghiên cứu chung (8); 100 bài báo khoa học được xuất bản tại Việt Nam, Italia và các tạp chí nổi tiếng khác trên thế giới…
Quan hệ hợp tác về du lịch
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam, Italia được xác định là một trong những thị trường trọng điểm và rất có tiềm năng. Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam và Italia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, lượng du khách Italia đến Việt Nam không ngừng gia tăng, trung bình tăng từ 10% - 15%/năm. Ngày 1-7-2018, chính sách miễn thị thực trong 15 ngày cho du khách đến từ 5 nước Tây Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia tiếp tục có hiệu lực trong vòng 3 năm. Điều này góp phần mang lại nguồn lợi lớn cho du lịch Việt Nam vì đây là dòng khách có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Việt Nam đang nổi lên là một trong những địa điểm du lịch thu hút du khách Italia. Italia cũng là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách Việt Nam khi thăm quan châu Âu (9). Năm 2018, số lượng khách du lịch Italia đến Việt Nam đạt mốc 65.000 lượt khách. Trong 6 tháng đầu năm 2019, khách du lịch Italia đến Việt Nam tăng 10,7%. Phía Italia đã cấp 10.000 visa cho du khách Việt Nam sang Italia. Năm 2020, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 nên lượng khách du lịch Italia đến Việt Nam giảm mạnh (10).
Sự phát triển quan hệ hợp tác về du lịch giữa hai nước đã góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, gắn kết hai nước lại gần nhau hơn, là nhân tố quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Italia trên các lĩnh vực khác.
Triển vọng hợp tác Việt Nam - Italia
Quan hệ Việt Nam - Italia đang trên đà phát triển bởi những yếu tố thuận lợi:
Một là, tiềm lực phát triển trong quan hệ Việt Nam - Italia còn rất lớn và sẽ được khai thác tích cực trong thời gian tới. Việt Nam còn là cửa ngõ để các doanh nghiệp Italia tiếp cận thị trường ASEAN và các thị trường khác thông qua các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Italia là thành viên Nhóm các nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G-7), là một nền kinh tế phát triển (đứng thứ 9 trên thế giới), có nhiều thế mạnh về công nghệ, máy móc, nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam. Italia có dân số hơn 60 triệu người, là thị trường lớn và là cửa ngõ đường biển quan trọng để đưa hàng hóa Việt Nam vào châu Âu. Việt Nam - nền kinh tế đang trỗi dậy trong một khu vực kinh tế năng động - có gần 100 triệu dân, với dân số trẻ tại châu Á và có tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh sẽ là một thị trường đầy tiềm năng đối với hàng hóa của Italia.
Hai là, tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai nước bắt nguồn từ những năm tháng Việt Nam tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lãnh đạo và nhân dân hai nước đã duy trì và thúc đẩy quan hệ hai nước liên tục phát triển. Quan hệ chính trị ổn định góp phần tạo thuận lợi cho hợp tác trên các bình diện khác. Chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự “Đối thoại cấp cao về quan hệ kinh tế Italia - ASEAN lần thứ ba” của Thủ tướng Italia Giuseppe Conte vào tháng 6-2019 là cơ hội quan trọng để Italia thắt chặt quan hệ kinh tế - thương mại với các nước ASEAN, cộng đồng doanh nghiệp Italia hiểu rõ hơn về lợi ích hợp tác đầu tư và thương mại với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, nhất là sau khi Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam được ký kết và phê chuẩn. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của lãnh đạo Italia trong vòng 5 năm trở lại đây, có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp nối đà phát triển quan hệ tốt đẹp của hai nước.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước, trong đó, cơ hội dành cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa Italia tiếp cận những thị trường mới cũng rất lớn. Ngày 1-8-2020, EVFTA chính thức có hiệu lực, theo đó có đến 99% dòng thuế sẽ được gỡ bỏ theo lộ trình, giúp mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Italia. Hiệp định EVFTA là chất xúc tác mạnh cho tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Italia.
Ba là, trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Italia, kinh tế luôn là một trong những lĩnh vực được ưu tiên. Nền kinh tế hai nước có tính tương đồng, chủ yếu phát triển dựa trên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể bổ trợ lẫn nhau về ngành hàng và sản phẩm. Đây là lợi thế lớn nhất trong hợp tác giữa hai nước.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, mối quan hệ giữa hai nước vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, do còn tồn tại những khó khăn. Chính sách mở cửa của Việt Nam và đặc biệt là sự kiện Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007) đã tạo ra sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách thương mại và giới doanh nghiệp Italia. Tại Italia, Việt Nam đang được nhắc đến như một thị trường mới nổi và một địa điểm đầu tư hấp dẫn. Thế nhưng, đầu tư của Italia cũng như đa số các nước EU khác vào Việt Nam còn thấp so với khả năng của nền kinh tế Italia. Nhiều doanh nghiệp của Italia vẫn cho rằng môi trường pháp lý của Việt Nam chưa mở, môi trường đầu tư còn không ít bấp cập. Các doanh nghiệp của Italia phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, truyền thống đầu tư ra nước ngoài chưa mạnh mẽ như các nước công nghiệp phát triển khác. Doanh nghiệp Italia còn chưa hiểu biết nhiều về khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng nên chưa đầu tư mạnh mẽ vào khu vực này. Hợp tác về dịch vụ giao thông giữa Việt Nam và Italia cũng cũng là lĩnh vực còn để ngỏ. Hiện hai nước chưa có đường bay thẳng đến các thành phố của nhau. Việc kết nối hàng không giữa hai nước vẫn phải quá cảnh qua nước thứ ba gây khó khăn và làm mất nhiều thời gian của doanh nghiệp và người dân hai nước. Vấn đề đặt ra là cần loại bỏ rào cản về địa lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại với việc thiết lập đường bay thẳng giữa hai nước.
Việt Nam và Italia đã và đang thiết lập các cơ chế hợp tác như Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế - thương mại cũng như các thỏa thuận bảo hộ đầu tư, hiệp định thương mại tự do. Đây là lúc hai nước cần triển khai mạnh mẽ các cơ chế và thỏa thuận đó, song song với việc tạo các điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp của hai bên gặp gỡ, tìm hiểu các cơ hội hợp tác chung. Bên cạnh đó, cần đào tạo nguồn nhân lực thông thạo ngôn ngữ và hiểu biết văn hóa giữa hai nước, để họ trở thành những cầu nối quan trọng trong thúc đẩy quan hệ hai nước nói chung và quan hệ hợp tác kinh tế nói riêng. Hợp tác địa phương giữa hai nước cũng cần có những bước phát triển mới và thúc đẩy trong thời gian tới.
Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Italia đã có bề dày truyền thống, được các thế hệ lãnh đạo hai nước thường xuyên vun đắp và đang phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực. Với quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Italia sẽ tiếp tục phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu và hiệu quả trong thời gian tới./.
--------------------------------
(1) “Xuất siêu hơn 130 triệu USD sang Italia trong tháng đầu năm”, https://haiquanonline.com.vn/xuat-sieu-hon-130-trieu-usd-sang-italia-trong-thang-dau-nam-121650.html, ngày 7-3-2020
(2), (4) Mạnh Hùng: “Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Italy”, https://dangcongsan.vn/tieu-diem/thuc-day-quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam--italy-524507.html, ngày 5-6-2019
(3) “Thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương Việt Nam – Italia”, https://dangcongsan.vn/kinh-te/thuc-day-hop-tac-kinh-te-song-phuong-viet-nam-italia-569936.html, ngày 14-12-2020
(5), (7) Đại sứ quán Việt Nam tại Italia: “Quan hệ Việt Nam - Italia”, https://vnembassy-roma.mofa.gov.vn/vi-vn/bilateralrelationship/Memorable%20Milestone/Trang/default.aspx
(6) Trung tâm Truyền thông Giáo dục: “Sớm ký kết chương trình hợp tác giáo dục Việt Nam - Italia giai đoạn 2019 - 2022”, http://icd.edu.vn/372/som-ky-ket-chuong-trinh-hop-tac-giao-duc-viet-nam--italia-giai-doan-20192022.html/BPF/vi-VN/CMS_Cat/Thong-Tin-Hop-Tac-Quoc-Te/CMS_Detail/1700, ngày 2-5-2019
(8) Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ: “Thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ giữa Việt Nam & Italia”, https://ipc.net.vn/thuc-day-hop-tac-khoa-hoc-cong-nghe-giua-viet-nam-italia/
(9) “Ðưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Italy lên tầm cao mới”, http://baochinhphu.vn/Doi-ngoai/%C3%90ua-quan-he-doi-tac-chien-luoc-Viet-Nam-Italy-len-tam-cao-moi/367569.vgp, ngày 5-6-2019
(10) “Thủ tướng hoan nghênh việc mở đường bay thẳng Việt Nam – Italia”, https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-ngoai/Thu-tuong-hoan-nghenh-viec-mo-duong-bay-thang-Viet-Nam--Italia-146597.html, ngày
Bước tiến mới trong quan hệ hợp tác ASEAN - EU  (11/05/2021)
Tác động của trí tuệ nhân tạo trong quan hệ quốc tế: Cơ hội, thách thức và đề xuất chính sách tham chiếu đối với Việt Nam  (07/04/2021)
Đối ngoại Việt Nam năm 2020: Tự tin vững bước trên con đường phát triển  (12/02/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam