Chặng đường 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Canada
TCCSĐT - Việt Nam và Canada chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21-8-1973. Trải qua 45 năm, quan hệ ngoại giao giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp và rộng mở. Trong những năm gần đây, hai bên đạt được nhiều bước tiến tích cực thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao trên bình diện song phương và đa phương giữa các nhà lãnh đạo hai nước, các doanh nghiệp, tập đoàn, tổ chức.
Những dấu ấn đặc biệt trong quan hệ ngoại giao
Trong chuyến thăm Canada của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh vào tháng 9/2014, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã ký Ý định thư nhằm củng cố và thúc đẩy quan hệ.
Tiếp đó, trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Canada S. Dion vào tháng 9-2016, hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ trên 7 lĩnh vực ưu tiên của Ý định thư về quan hệ hai nước gồm: chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, an ninh - quốc phòng, trao đổi văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân.
Đặc biệt, nhân sự kiện Thủ tướng Canada J. Trudeau tới thăm Việt Nam trong dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11-2017, hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện. Việc Việt Nam và Canada xác lập quan hệ Đối tác toàn diện có ý nghĩa to lớn đối với quan hệ song phương cũng như đối với vị thế của Việt Nam. Thứ nhất, việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện thể hiện tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo hai nước trong việc đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, tạo cơ sở thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác sâu rộng, hiệu quả trong bối cảnh hai nước ngày càng chia sẻ nhiều lợi ích trên các bình diện song phương, khu vực và quốc tế. Thứ hai, nội hàm của khuôn khổ Đối tác toàn diện đã xác định nội dung trọng tâm và định hướng phát triển hợp tác trong nhiều năm tới, trong đó tập trung vào 7 lĩnh vực ưu tiên. Thứ ba, với việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với Canada, Việt Nam đã hoàn tất thiết lập đối tác chiến lược/toàn diện với tất cả các nước Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), khẳng định vai trò và vị thế ngày càng đi lên của đất nước.
Từ ngày 08 đến 10-6-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm Canada và dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Đây là lần đầu tiên đoàn lãnh đạo cấp cao Chính phủ Việt Nam sang thăm Canada trong 13 năm qua, lần thứ 2 Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Chuyến thăm không chỉ đặt thêm cột mốc mới trong quan hệ Canada - Việt Nam nhân kỷ niệm 45 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao song phương mà còn thể hiện vai trò và vị thế ngày càng cao của Việt Nam tại một trong những diễn đàn quan trọng nhất của thế giới.
Việt Nam và Canada cùng chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong các vấn đề quốc tế, hợp tác chặt chẽ tại các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức các nước nói tiếng Pháp (Francophonie), APEC. Việt Nam đã luôn ủng hộ vai trò cầu nối của Canada với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hoan nghênh sự đóng góp của Canada cho hòa bình, ổn định và phồn vinh trong khu vực. Trong khi đó về phía Canada, các lãnh đạo Canada nhiều lần khẳng định, Canada có lợi ích lâu dài tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và Việt Nam là đối tác quan trọng của Canada ở khu vực. Canada mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với Việt Nam.
Cùng với sự phát triển không ngừng của quan hệ chính trị - ngoại giao, hợp tác an ninh - quốc phòng Việt Nam - Canada cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện. Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sajjan vừa có chuyến thăm Việt Nam trong tháng 6-2018 nhằm thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, như công nghiệp quốc phòng, đào tạo nguồn nhân lực, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc,... góp phần đưa quan hệ quốc phòng - an ninh trở thành một trong những trụ cột chính của quan hệ song phương Việt Nam - Canada.
Nhiều tiềm năng trong thương mại và đầu tư
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Canada là một ví dụ điển hình cho sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ song phương. Hai nước có tiềm năng lớn và có tính bổ trợ cao cho nhau hơn là cạnh tranh. Với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng trung bình 20% - 25% mỗi năm, từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Canada đạt 4,1 tỷ USD và hơn 5 tỷ USD năm 2017. Hai nước đặt mục tiêu đạt mức 10 tỷ USD năm trong 10 năm tới.
Việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà cả Việt Nam và Canada là thành viên sẽ mở ra nhiều cơ hội và khơi thông thị trường cho hàng hóa của nhau, đồng thời hỗ trợ nhau tiếp cận thị trường khu vực và thế giới. CPTPP sẽ tạo ra sân chơi công bằng với việc mở rộng các dòng chảy thương mại hai chiều bằng cách giảm thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của hai nước. Sự phát triển mạnh mẽ trong hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước thời gian qua là nền tảng quan trọng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Canada thời gian tới.
Về đầu tư, Canada đứng thứ 14 trong tổng số 112 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 149 dự án có tổng trị giá 5,28 tỷ USD. Nổi bật trong số các dự án đầu tư này là: Dự án khu du lịch Hồ Tràm ở Bà Rịa - Vũng Tàu (4,2 tỷ USD); Dự án xây bệnh viện ở Hải Dương (220 triệu USD); Dự án công ty trách nhiệm hữu hạn Năng lượng gió tại Ninh Thuận (74,4 triệu USD); Công ty Bảo hiểm Manulife (50 triệu USD)…
Hợp tác về viện trợ phát triển (ODA) cũng là điểm sáng và là nét đặc thù trong quan hệ Việt Nam - Canada. Kể từ hơn hai thập niên trở lại đây, Canada luôn đứng trong nhóm những nước hàng đầu về viện trợ phát triển cho Việt Nam. Tổng trị giá ODA mà Canada dành cho Việt Nam từ năm 1990 đến nay là hơn 800 triệu dollar Canada (CAD) tập trung vào hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu, môi trường, phát triển bền vững, phát triển nông thôn mới. Năm 2009, Canada đưa Việt Nam vào danh sách 20 nước ưu tiên nhận viện trợ và hiện vẫn duy trì Việt Nam trong danh sách này. Gần đây, Canada đã công bố khoản ODA trị giá 12,9 triệu CAD cho dự án phát triển hợp tác xã Việt Nam từ năm 2015 đến năm 2020 cùng với khoản viện trợ 15,2 triệu CAD cho hai dự án an toàn thực phẩm - SAFEGRO dành cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Giáo dục và đào tạo trở thành cầu nối hợp tác
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, từ nhiều năm nay, Việt Nam là quốc gia đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á về số lượng sinh viên học tập ở Canada, với 14.000 du học sinh năm 2017, tăng 55% so với năm 2015. Bộ Giáo dục và Đào tạo hai nước cũng đã triển khai nhiều chương trình hợp tác. Bước phát triển mạnh mẽ trong hợp tác giáo dục - đào tạo là điều kiện để thúc đẩy ngoại giao nhân dân, tăng cường hiểu biết giữa hai nước.
Trong số những sinh viên Việt Nam được đào tạo tại Canada, nhiều người đã trở thành giáo sư, chuyên gia trong các tổ chức nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cả Việt Nam và Canada. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 250.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Canada, với vị thế ngày càng tăng cả trên lĩnh vực chính trị và kinh tế-xã hội. Tất cả đang trở thành “cầu nối” quan trọng để hai nước tăng cường hợp tác hơn nữa trên mọi lĩnh vực.
Những dấu ấn đặc biệt trong quan hệ 45 năm ngoại giao sẽ trở thành động lực tích cực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Canada. Đó là nền tảng quan hệ chính trị được xây đắp trong 45 năm qua; là khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện với những nội hàm hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực; nền tảng quan hệ xã hội ngày càng được củng cố thông qua hợp tác giáo dục, văn hóa, du lịch, trao đổi sinh viên, giao lưu nhân dân; mối quan hệ kinh tế - thương mại mang tính bổ sung cho nhau.
Với bề dày lịch sử của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, với tình cảm nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân hai nước dành cho nhau, quan hệ hai nước sẽ tiến xa hơn nữa, gặt hái nhiều thành tựu ý nghĩa nhằm hướng tới dịp kỷ niệm trọng đại này./.
Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước tình hình mới  (22/08/2018)
Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương  (22/08/2018)
An ninh ở Đông Nam Á trước những thách thức mới từ chủ nghĩa khủng bố  (22/08/2018)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 13 đến ngày 19-8-2018)  (22/08/2018)
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng làm việc tại Kiên Giang  (21/08/2018)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam