Việt Nam tích cực, chủ động và trách nhiệm vào sự phát triển ASEAN
TCCSĐT - Cách đây 22 năm, ngày 28-7-1995, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức khu vực này. Sau những bước khởi đầu chập chững tại một “sân chơi” mới, Việt Nam đã ngày càng trưởng thành và thể hiện vai trò thành viên quan trọng trong “đại gia đình” ASEAN.
Gần một nửa chặng đường trong suốt chiều dài 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN đã ghi lại nhiều dấu ấn Việt Nam với những đóng góp tích cực, góp phần tăng cường đoàn kết và liên kết ASEAN, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của ASEAN, cùng ASEAN vượt qua những giai đoạn thăng trầm, qua đó góp phần không nhỏ vào những thành công ASEAN có được ngày nay.
Đối với Việt Nam, việc gia nhập ASEAN cách đây hơn 2 thập niên là một trong những điểm đột phá đầu tiên để triển khai phương châm đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa mà Ðại hội Ðảng lần thứ VII đã đề ra. Quyết sách đúng đắn của Ðảng và Nhà nước đã đem lại nhiều lợi ích cho đất nước trong bối cảnh lúc bấy giờ, khi Việt Nam đang tiến hành công cuộc đổi mới, khắc phục hậu quả chiến tranh để hướng tới hội nhập khu vực và quốc tế. Gia nhập ASEAN, Việt Nam đã góp phần biến đổi môi trường xung quanh từ trạng thái đối đầu, nghi kỵ lẫn nhau sang bắt tay hợp tác.
Tầm quan trọng cùng vai trò và thực lực ngày càng lớn mạnh của ASEAN cũng đã tạo cơ sở cho Việt Nam phát huy thế và lực của mình. Trong ASEAN, Việt Nam được coi là điểm sáng do tình hình chính trị - xã hội ổn định, an ninh được bảo đảm, kinh tế phát triển năng động, môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn. Các nước ASEAN và đối tác của ASEAN, nhất là những nước lớn, đánh giá cao vị trí và vai trò quan trọng của Việt Nam, coi Việt Nam là nhân tố phải tính đến trong hoạch định và triển khai chính sách đối với khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, Việt Nam củng cố được vị thế chiến lược của mình trong khu vực, hội nhập vững chắc trong liên kết song phương thông qua xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các nước thành viên ASEAN, như Indonesia, Singapore, Thái Lan; tham gia các cơ chế liên khu vực, như ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM)... Việc mở rộng thị trường, tăng thêm đối tác... cũng giúp Việt Nam phát triển về kinh tế, tranh thủ sự giúp đỡ, đầu tư của các đối tác nước ngoài và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế..
Tham gia ASEAN cách đây hơn 2 thập niên, Việt Nam có sự chuẩn bị để hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới ở các sân chơi lớn, như tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), là thành viên đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU); thúc đẩy thương mại, đầu tư và tiếp cận thị trường tiềm năng thông qua Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...
Tuy không phải là thành viên sáng lập, nhưng từ khi gia nhập tổ chức khu vực này, Việt Nam đã ngày càng trưởng thành, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN với tinh thần trách nhiệm, được các nước đánh giá cao. Việt Nam đã cùng các nước tích cực thúc đẩy việc hoàn thành ý tưởng về một ASEAN bao gồm tất cả 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN 10), mở ra một chương mới cho khu vực và tạo nền tảng thiết yếu cho ASEAN trở thành một tổ chức khu vực toàn diện, liên kết sâu rộng, có vai trò quan trọng ở Đông Nam Á và Đông Á như ngày nay. Cũng trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã cùng các thành viên khác của ASEAN vượt qua những khác biệt và tồn tại do lịch sử để lại, đoàn kết đẩy mạnh hợp tác toàn diện và cùng chung tay xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á.
Với vị trí địa - chính trị và tiến trình phát triển của mình, Việt Nam đã góp phần đưa các nhóm nước ASEAN xích lại gần nhau. Sự hội nhập mạnh mẽ từ những khác biệt của Việt Nam và các thành viên mới trong ASEAN đã tạo những chuyển biến về chất trong nội dung hợp tác khu vực. Trước quá trình liên tục đổi mới của tất cả các nước thành viên, đặc biệt là Việt Nam, ASEAN đã chuyển từ hợp tác có tính chất đóng cửa vì các mục tiêu chính trị giữa các nền kinh tế có trình độ phát triển tương đồng, hướng vào bên trong và chia sẻ thị trường sang xu hướng hợp tác có tính chất mở cửa, do sự thúc đẩy của thị trường giữa các nền kinh tế có trình độ phát triển chênh lệch nhau, cùng góp chung nguồn lực liên kết với bên ngoài. ASEAN hướng tới xây dựng một cộng đồng và giữ vai trò trung tâm trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định trong khu vực.
Trong việc tạo dựng các khuôn khổ bảo đảm an ninh cho khu vực, Việt Nam góp phần phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc xây dựng, chia sẻ và phát huy hiệu quả các công cụ hợp tác, như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANFWZ), Tuyên bố Bali về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi,...; tạo sân chơi cho các nước tham gia thông qua các cơ chế và chương trình nghị sự do ASEAN xây dựng và chủ trì, giữ vững vai trò chủ đạo của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình.
Bên cạnh vai trò đoàn kết khu vực, Việt Nam cũng là nhân tố thúc đẩy sự phát triển và tăng cường vị thế của ASEAN. Trong những thập niên qua, khu vực Đông Nam Á đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành khu vực phát triển năng động và đoàn kết. Từ một tổ chức hợp tác lỏng lẻo, một thực thể nhỏ bé ở Đông Nam Á, ngày nay ASEAN đã trở thành một tổ chức liên kết chặt chẽ, một bộ máy hoàn chỉnh, một trong số các khu vực tăng trưởng nhanh và năng động nhất thế giới và là đối tác không thể thiếu của các nước lớn và các tổ chức quốc tế quan trọng.
Trong tiến trình đó, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần xác định chiều hướng phát triển, định hướng chiến lược và các quyết sách lớn của ASEAN, như xây dựng Tầm nhìn 2020, Hiến chương ASEAN, Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển... Việt Nam có tiếng nói chủ chốt trong việc bảo vệ những mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, như các mục tiêu hòa bình, ổn định và liên kết khu vực; tích cực thúc đẩy và phát huy tác dụng của các cơ chế bảo đảm an ninh khu vực.
Trong những thời điểm ASEAN gặp khó khăn, Việt Nam đã trở thành một trong những yếu tố giúp ASEAN lấy lại sức mạnh, tạo đà vượt qua khủng hoảng. Trước bối cảnh sức mạnh của Hiệp hội giảm sút khi khu vực lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng năm 1997, Việt Nam đã chủ trì thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội năm 1998, thông qua Chương trình hành động Hà Nội, mở đường cho ASEAN vượt qua khủng hoảng tài chính, tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, khôi phục vị thế ASEAN và định hướng cho sự phát triển nhằm hiện thực hóa viễn cảnh của Tầm nhìn 2020.
Việt Nam cũng đã phát huy vai trò là cầu nối tích cực tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, kể cả việc góp phần tháo gỡ một số vướng mắc, giúp nâng tầm quan hệ giữa các bên, được cả ASEAN và các nước đối thoại đánh giá cao. Việt Nam cũng có những đóng góp tích cực nhằm giữ vững vai trò chủ đạo của ASEAN tại các tiến trình hợp tác khu vực do ASEAN khởi xướng, như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM). Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (năm 2000-2001), Chủ tịch luân phiên ASEAN (năm 2010) và tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 cũng trong năm 2010.
Năm 2015 đánh dấu bước ngoặt mới trong lịch sử phát triển của ASEAN với việc hình thành một cộng đồng thống nhất, dựa trên 3 trụ cột chính là Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội. Kể từ khi khởi xướng ý tưởng xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam là nước thành viên đạt tỷ lệ hoàn tất lộ trình xây dựng Cộng đồng ở mức cao mặc dù nguồn lực còn hạn chế. Một khía cạnh quan trọng khác trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN mà Việt Nam đã tham gia rất tích cực và để lại dấu ấn đậm nét là việc xây dựng, ký kết, phê chuẩn và triển khai Hiến chương ASEAN, công cụ pháp lý và thể chế quan trọng để hỗ trợ ASEAN thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng. Những bước tiến trong xây dựng Cộng đồng ASEAN hơn một năm qua cũng có sự đóng góp đáng kể của Việt Nam, thể hiện trong hầu hết các hoạt động hợp tác ASEAN, nhất là góp phần quan trọng vào việc sớm triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Trong bối cảnh ASEAN thời gian gần đây đứng trước nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến sự cạnh tranh của các nước lớn, sự khác biệt trong nhận thức, lợi ích và ứng xử, Việt Nam đã nỗ lực củng cố đoàn kết, thống nhất vai trò của ASEAN trong các vấn đề khu vực, trong xử lý những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, cũng như những vấn đề nảy sinh trong quan hệ với các đối tác; đồng thời thúc đẩy hợp tác thực tiễn trong các cơ chế, diễn đàn khu vực quan trọng do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như EAS, ADMM+…
Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam tiếp tục chủ động trao đổi và phối hợp với các nước nhằm tạo dựng đồng thuận trong ASEAN và giữa ASEAN và đối tác về vai trò của ASEAN và lợi ích chung của tất cả các nước nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; thúc đẩy đưa vấn đề Biển Đông vào văn kiện các hội nghị, diễn đàn ASEAN với những nội dung tích cực; nhấn mạnh thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố của các bên về ứng xử tại Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).
ASEAN sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập vào ngày 08-8 tới. Việc ASEAN đang trở thành một trong những tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới rõ ràng không thể thiếu vai trò của Việt Nam với những dấu ấn và đóng góp đáng kể. Nhìn lại chặng đường đã qua với đầy ắp những sự kiện sôi động và những khó khăn, thách thức không nhỏ, Việt Nam đã luôn thể hiện tinh thần tích cực, chủ động và trách nhiệm trong các công việc chung của ASEAN, cùng ASEAN không ngừng củng cố và thúc đẩy môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực. Trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và thịnh vượng, Việt Nam đã một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế quốc tế của mình./.
Ngày Thế giới phòng chống viêm gan (28-7): Bảo đảm người bệnh được cung cấp dịch vụ an toàn tránh lây nhiễm  (28/07/2017)
Mô hình phòng khám gia đình trong hệ thống y tế cơ sở  (28/07/2017)
Góp phần đưa quan hệ Việt Nam - Malaysia lên tầm cao mới  (28/07/2017)
Nhiều công ty dầu khí nhận giải thưởng Báo cáo thường niên 2017  (28/07/2017)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên