Phát huy thế mạnh du lịch biển đảo, làm mới sản phẩm du lịch ở Cô Tô
TCCS - Tháng 12-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 4686/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô, đây là tiền đề, cơ sở để Cô Tô phát huy thế mạnh, tiềm năng của mình. Thời gian gần đây, huyện Cô Tô còn quan tâm phát triển sản phẩm du lịch, tạo diện mạo mới cho du lịch Cô Tô, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Khai thác thế mạnh du lịch biển đảo
Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, huyện Cô Tô có vị trí chiến lược quan trọng. Cô Tô có diện tích phần đất nổi trên 53,68km2, gồm 71 đảo lớn, nhỏ nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, du lịch và dịch vụ. Cô Tô có đa dạng sinh học vào loại cao nhất Việt Nam, nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, rừng nguyên sinh, rừng nhiệt đới quý hiếm, bãi biển đẹp… Những năm gần đây, Cô Tô cũng phát triển mạnh mẽ hạ tầng phục vụ du lịch. Hiện địa phương đã có 206 cơ sở lưu trú với gần 3.000 phòng nghỉ, tiêu chuẩn cao nhất đạt 3 sao; có trên 140 nhà hàng, quán ăn phục vụ được 10.000 khách/ngày. Cô Tô cũng có đầy đủ các cơ sở mua sắm, vui chơi giải trí. Gần đây, Khu di tích lịch sử lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô được công nhận là Khu di tích quốc gia đặc biệt. Huyện Cô Tô chủ động khai thác, phát huy các giá trị biển đảo theo quy hoạch tổng thể; phối hợp với các đơn vị tư vấn thực hiện Đề án Phát triển sản phẩm du lịch Cô Tô đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Ngoài tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch, Cô Tô chú trọng nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, xác định bảo vệ môi trường, giá trị cảnh quan là yếu tố quan trọng. Các phong trào tiêu biểu thời gian qua là gìn giữ vệ sinh môi trường, không rác thải nhựa, ban hành Bộ quy tắc Ứng xử du lịch Cô Tô...
Bên cạnh việc bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động du lịch, huyện Cô Tô đề cao việc xây dựng môi trường du lịch trong sạch bằng việc thường xuyên kiểm tra, xử lý, răn đe quyết liệt với những sai phạm. Mùa du lịch năm 2022, huyện đã tổ chức 12 cuộc kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở theo phản ánh của khách du lịch. Kết quả, đình chỉ hoạt động 1 cơ sở, xử phạt 2 cơ sở; yêu cầu 1 cơ sở đền bù thỏa đáng cho du khách, yêu cầu viết bản cam kết, khẩn trương khắc phục hạn chế đối với 3 cơ sở... cùng nhiều chế tài xử phạt mạnh mẽ. Một điểm đáng chú ý là, Cô Tô luôn quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, chất lượng du lịch và dịch vụ du lịch, nâng cấp cơ sở vật chất bãi tắm du lịch, cảng tàu… Huyện còn đầu tư mạnh mẽ giao thông bộ nội đảo qua các dự án, như nâng cấp đường xuyên đảo xã Thanh Lân; lắp đặt đèn led chỉnh trang các tuyến phố thị trấn, phố đi bộ; đầu tư các hồ cấp nước phục vụ du lịch, đời sống như: Hồ Trường Xuân, C4... Với tư duy phát triể du lịch hiện đại, gần đây Cô Tô đang triển khai nhiều chương trình chuyển đổi số trong du lịch, thanh toán không dùng tiền mặt, trang bị hệ thống bưu điện, bố trí 2 hệ thống ngân hàng, cây ATM của Ngân hàng Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội trên đảo... Tất cả nhằm đáp ứng, phục vụ nhu cầu du khách và yêu cầu ngày càng cao của du lịch thời 4.0.
Tăng sức hấp dẫn cho du lịch
Việc làm mới sản phẩm, phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh, đặc trưng là một trong những hành động thiết thực nhằm tăng sức hấp dẫn cho du lịch biển, đảo Cô Tô. Do đó, những năm gần đây, huyện Cô Tô được nhiều du khách biết tới, được mệnh danh là thiên đường du lịch biển đảo.
Hiện Cô Tô có đa dạng các sản phẩm du lịch thuộc nhiều nhóm sản phẩm khác nhau, những nhóm đang phát huy thế mạnh và được quan tâm làm mới bao gồm: Tham quan, tắm biển; du lịch cộng đồng; khám phá, trải nghiệm mang tính giáo dục nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường. Cụ thể, với nhóm du lịch tham quan, tắm biển, Cô Tô tiếp tục khuyến khích phát triển loại hình tham quan bằng xe điện, xe đạp thân thiện với môi trường; tiếp tục kêu gọi nguồn lực xã hội hóa nâng cấp cơ sở vật chất, dịch vụ tại bãi tắm du lịch Vàn Chảy, Hồng Vàn. Đồng thời, xây dựng các chương trình tour tham quan các đảo Cô Tô con, đảo Cá Chép bằng cano; phát triển chất lượng các tàu cao tốc chở khách ra thăm đảo gắn với hành trình di sản Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long; kêu gọi, thu hút nhà đầu tư mở đường bay thủy phi cơ ra đảo. Với nhóm du lịch cộng đồng, huyện tiếp tục ưu tiên nâng cao chất lượng nhân lực, cơ sở vật chất, dịch vụ loại hình lưu trú homestay cùng với các dịch vụ bổ trợ làm tăng thời gian lưu trú của du khách, như dịch vụ trải nghiệm cuộc sống dân đảo, đa dạng hóa trải nghiệm 1 ngày làm ngư dân và ẩm thực địa phương. Với nhóm du lịch khám phá, trải nghiệm, Cô Tô duy trì, quảng bá mạnh các tour đi bộ, trekking; thúc đẩy sản phẩm du lịch lặn biển ngắm san hô, xây dựng các bãi cắm trại du lịch... Ở nhóm sản phẩm mang tính giáo dục nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường: Thúc đẩy du lịch không rác thải nhựa trên đảo, tổ chức các tour du lịch gắn với bảo vệ môi trường, phát triển các tour đạp xe tham quan đảo, khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường; trồng nhiều cây xanh và hoa, tiết kiệm điện, nước, sử dụng năng lượng tái tạo... Ngoài ra, có một số nhóm sản phẩm mới mẻ đang được quy hoạch, kỳ vọng sẽ trở thành những nét mới, tăng sức hấp dẫn cho huyện đảo như: Nhóm du lịch nghỉ dưỡng; lịch sử văn hóa tâm linh, du lịch MICE. Cụ thể, với nhóm du lịch nghỉ dưỡng, huyện quy hoạch không gian, thu hút các nhà đầu tư, ưu tiên các dự án xây dựng cơ sở lưu trú cao cấp chất lượng tương đương từ 4 sao trở lên, với định hướng xanh, thân thiện với môi trường; đề nghị công nhận tuyến, điểm du lịch mới gắn với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng như: Đảo Cá Chép, đảo Gò Đống, Đồi ngắm sóng, một số đảo thuộc địa bàn xã Thanh Lân; nghiên cứu thu hút, kêu gọi nghiên cứu, đầu tư du thuyền, cano tham quan các đảo nhỏ gần; đẩy nhanh tiến độ thành lập Khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần... Đồng thời với đó là thúc đẩy các chương trình du lịch gắn với Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, cột cờ đảo Cô Tô, bước đầu xây dựng các tour đưa khách tham quan chùa Trúc Lâm Cô Tô ở nhóm du lịch lịch sử văn hóa tâm linh, đầu tư hạ tầng kết hợp với tour du lịch ở nhóm du lịch MICE.
Nhờ có sự đổi mới, quan tâm phát triển sản phẩm du lịch mà trong những năm qua, diện mạo du lịch Cô Tô có sự thay đổi lớn. Các sản phẩm du lịch cũng được làm mới, hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ, tăng cường sự kết nối với tuyến Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn… Theo thống kê, khách du lịch đến Cô Tô trong 11 tháng của năm 2022 ước đạt gần 211.000 lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 863 lượt, doanh thu ước đạt trên 527 tỷ đồng. Cả doanh thu và lượng khách đều tăng mạnh, gấp 4-5 lần so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, qua đó cũng thấy rõ những hạn chế cần được huyện và các cấp quan tâm giải quyết. Hiện tại, du lịch Cô Tô chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm tại đây. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là cảng tàu du lịch đã cũ, nhỏ không đáp ứng được trong mùa du lịch cao điểm, chưa đầu tư xây dựng mới được các cảng tàu để kết nối các đảo, vì vậy chưa khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của du lịch Cô Tô. Sản phẩm du lịch chất lượng cao còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm nổi trội để tăng sức hấp dẫn đối với khách du lịch chất lượng cao./.
Góp phần xây dựng văn minh đô thị ở tỉnh Quảng Ninh  (02/11/2022)
Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách ở thành phố Móng Cái  (01/11/2022)
Nông nghiệp hữu cơ Quảng Ninh - cần nhiều giải pháp để bứt phá  (28/10/2022)
Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh  (28/10/2022)
Thành phố Hạ Long nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP  (27/10/2022)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên