ASEAN với giải quyết tranh chấp trên Biển Đông
TCCS - Trong những năm gần đây, vấn đề Biển Đông là tâm điểm của khu vực Đông Á với nhiều lợi ích đan xen phức tạp và ngày càng tác động mạnh mẽ đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhất là vai trò trung tâm của Hiệp hội trong hợp tác khu vực. Chính vì vậy, đây là một trong những thách thức chủ yếu đối với ASEAN trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, bảo đảm an ninh hàng hải ở khu vực.
Biển Đông hiện là một trong những điểm nóng về mặt an ninh trên thế giới liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, an ninh khu vực (an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, khai thác tài nguyên bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh nghề cá...) cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, nhất là cặp quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông cũng là một trong những nội dung quan trọng trong tiến trình nghị sự của ASEAN, bởi đây không chỉ là vấn đề thuộc một số quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông mà còn ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của ASEAN, nhất là trong quan hệ với các nước lớn. Hiện nay, sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông không chỉ đe dọa đến an ninh khu vực, mà còn đe dọa đến vấn đề an ninh mang tính toàn cầu do vị trí địa - chiến lược vô cùng quan trọng của khu vực này trên bàn cờ quốc tế. ASEAN, với tư cách là tổ chức mang tính khu vực, có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa gia tăng khả năng xung đột và thúc đẩy tiến trình giải quyết tranh chấp biển, đảo bằng con đường hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Lợi ích của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông
Thứ nhất, giải quyết vấn đề Biển Đông làm gia tăng vị thế và uy tín của ASEAN, nhất là khi Hiệp hội trở thành Cộng đồng ASEAN kể từ năm 2015. Trong bối cảnh thế giới có những biến động phức tạp, ASEAN đã khẳng định không chỉ trở thành một thực thể chính trị - kinh tế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, mà còn đang mở rộng và phát huy vai trò ở cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với uy tín và ảnh hưởng trên toàn cầu. ASEAN đã trở thành hạt nhân thu hút và gắn kết sự tham gia của gần 20 đối tác, trong đó có các cường quốc và trung tâm lớn trên thế giới vào các tiến trình đối thoại và hợp tác ở khu vực do chính ASEAN khởi xướng và giữ vai trò chủ đạo. Thông qua các quan hệ này, ASEAN đã tranh thủ được sự ủng hộ và hỗ trợ đáng kể của các đối tác cho nỗ lực đẩy mạnh hợp tác và tăng cường liên kết khu vực của Hiệp hội, cũng như cùng chung tay giải quyết các vấn đề chung tác động đến khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Trong quan hệ với các đối tác bên ngoài, ASEAN luôn thể hiện là một thực thể với tiếng nói chung; đồng thời, đóng vai trò định hướng, dẫn dắt các nội dung thảo luận và các ưu tiên hợp tác tại các diễn đàn khu vực do ASEAN khởi xướng. Vai trò trung tâm của ASEAN luôn được các đối tác tôn trọng và đánh giá cao, bởi ASEAN đã phát huy tích cực hình ảnh “người trung gian trung thực”, nỗ lực điều hòa, gắn kết và cân bằng các mối lợi ích đan xen ở khu vực(1).
Thứ hai, ASEAN tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông góp phần quan trọng bảo đảm lợi ích chung của Hiệp hội cũng như của hầu hết các quốc gia thành viên. Trong số các quốc gia thành viên của ASEAN có tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông, có bốn quốc gia có tranh chấp trực tiếp tại vùng biển này, song, các quốc gia còn lại cũng là những nước nằm trên bờ Biển Đông, đều chia sẻ lợi ích to lớn về kinh tế và chiến lược, nhất là tự do thương mại, an ninh - quốc phòng. Chính vì vậy, tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông không chỉ đe dọa đến lợi ích quốc gia - dân tộc của các quốc gia thành viên ASEAN có chủ quyền ở vùng biển này, mà còn gây tổn hại đến môi trường hợp tác và phát triển của ASEAN. Bên cạnh đó, căng thẳng trong vấn đề Biển Đông dẫn tới việc các nước phải gia tăng chi phí quốc phòng, điều này không chỉ ảnh hưởng đến đầu tư, phát triển kinh tế, mà còn làm gia tăng sự nghi kỵ, lo ngại về an ninh do xu hướng chạy đua vũ trang.
Thứ ba, khi vấn đề Biển Đông trở thành vấn đề của ASEAN thì sẽ góp phần tăng cường mức độ gắn kết và đoàn kết nội bộ của ASEAN, tăng cường vai trò trung tâm của Hiệp hội trong hợp tác quốc tế và khu vực. Rõ ràng, việc tham gia ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông còn giúp ASEAN duy trì và củng cố vai trò trung tâm, động lực thúc đẩy, kết nối, kiến tạo các cơ chế hợp tác đa phương của Hiệp hội ở khu vực, nhất là vai trò của ASEAN trong Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Điều này tạo nên sức đề kháng của ASEAN và các quốc gia thành viên trước sức ép về địa - chính trị do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là trục quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Bên cạnh đó, sự tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông cũng giúp làm tăng sức hấp dẫn và tính hiệu quả của ASEAN và các nước thành viên trong mở rộng hợp tác với các đối tác bên ngoài, đưa vị thế ASEAN lên tầm cao mới, một nhân tố không thể thiếu trong kiến tạo môi trường hòa bình, cơ chế hợp tác đa phương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Sự tham gia của ASEAN còn góp phần làm cho các nước lớn, trước hết là Trung Quốc và Mỹ, cân bằng trong cạnh tranh chiến lược ở khu vực, thúc đẩy hợp tác cùng chia sẻ lợi ích giữa những nước này. Điều này góp phần củng cố môi trường hợp tác và an ninh khu vực, trong đó chủ quyền quốc gia - dân tộc của các nước thành viên ASEAN sẽ được tôn trọng, không bị lôi kéo vào vòng xoáy cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn.
Sự đoàn kết, gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa các nước thành viên ASEAN sẽ tạo ra những chuẩn mực, giá trị tập thể chung, có các định chế bảo đảm an ninh, trong đó hình thành cấu trúc an ninh khu vực mới với ASEAN làm trung tâm; trong đó vai trò của tổ chức này trong các vấn đề an ninh khu vực sẽ tăng lên. Và như vậy, lợi ích chính đáng của ASEAN và các nước thành viên không bị các nước lớn xem nhẹ.
Thứ tư, tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông giúp ASEAN bảo đảm hòa bình, ổn định theo đúng như nguyên tắc và mục tiêu ra đời và phát triển của Hiệp hội. Tham vọng và mục tiêu của ASEAN từ khi thành lập cho tới nay là tạo dựng một môi trường hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á, để góp phần giúp các quốc gia thành viên giữ vững độc lập, chủ quyền và phát triển bền vững. Điều này thể hiện rõ trong hầu hết các văn kiện của ASEAN, nhất là trong Tuyên bố Băng Cốc được thông qua ngày 8-8-1967.
Bên cạnh đó, Hiến chương ASEAN cũng phản ánh nguyên tắc cơ bản trong giải quyết xung đột, trong đó có vấn đề Biển Đông. Ngay phần mở đầu, Hiến chương đã nhấn mạnh nguyên tắc chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp, đồng thuận và thống nhất trong đa dạng. Hiến chương bao gồm Chương 8 về “Giải quyết tranh chấp” với 7 điều khoản (từ Điều 22 đến Điều 28). Điều 22 nhấn mạnh rằng, các nước thành viên ASEAN “sẽ nỗ lực giải quyết hòa bình tất cả các tranh chấp một cách kịp thời thông qua đối thoại, tham vấn và đàm phán”(2). Điều 24 giải thích, nếu có tranh chấp không được giải quyết sau khi đã áp dụng điều khoản trước của Hiến chương, thì trường hợp đó sẽ được chuyển đến Hội nghị thượng đỉnh ASEAN để giải quyết(3).
Hơn nữa, ngăn ngừa, hòa giải và quản lý xung đột là một trong những nội dung, thành tố chính cấu thành Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC). Trong Kế hoạch chi tiết APSC được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14 (tháng 3-2009), tại Cha-am (Thái Lan), trong đó nhấn mạnh việc bảo đảm thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và khẳng định ASEAN sẽ hoạt động hướng tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trong phần B.2.1 nhằm giải đáp vấn đề về việc xây dựng các phương thức giải quyết hòa bình xung đột hiện có và khả năng xây dựng các cơ chế bổ sung nếu cần thiết, các biện pháp được đưa ra, đó là: 1- Nghiên cứu và phân tích các phương thức giải quyết xung đột hiện hành và/hoặc các cơ chế bổ sung với các quan điểm tăng cường các cơ chế khu vực giải quyết hòa bình xung đột; 2- Đẩy mạnh các cơ chế khu vực để giải quyết hòa bình các tranh chấp; 3- Phát triển các phương thức ASEAN cho việc điều đình, hòa giải trung gian tốt, và xây dựng các cơ chế giải quyết xung đột phù hợp, bao gồm cả trọng tài theo quy định của Hiến chương ASEAN(4).
Tích cực tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông
ASEAN tích cực tham gia và ngày càng thể hiện vai trò quan trọng hơn trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông xảy ra trước khi ASEAN ra đời vào năm 1967, và leo thang khá mạnh trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, sự tham gia của ASEAN vào vấn đề Biển Đông thời kỳ đó được đánh giá là không đáng kể. ASEAN với 5 nước thành viên ban đầu là Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và Thái Lan hầu như không có phản ứng nào trước những tranh chấp tại khu vực Biển Đông. Đến năm 1992, ASEAN thông qua Tuyên bố ASEAN về Biển Đông (Tuyên bố Ma-ni-la) do quan ngại gia tăng sự can thiệp của các nước lớn tại khu vực này. Đây là lần đầu tiên ASEAN đưa ra một văn kiện chính thức về Biển Đông, trong đó nêu rõ: “Mọi diễn biến bất lợi ở Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực” và nhấn mạnh nguyên tắc: “Cần thiết phải giải quyết mọi vấn đề chủ quyền và tài phán ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình và không sử dụng vũ lực... Tuyên bố kiến nghị các bên liên quan áp dụng các nguyên tắc trong Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) làm cơ sở cho việc thiết lập COC”(5). Đến năm 1994, chính sách ngoại giao của ASEAN trong vấn đề Biển Đông trở nên rõ ràng hơn, Hiệp hội liên tục đưa ra tuyên bố hoặc thông cáo chung về vấn đề này. Tại cuộc họp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao của ASEAN và Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào tháng 4-1995, các phái đoàn ASEAN đã thúc ép Trung Quốc về các vấn đề Biển Đông(6). Đồng thời, tại ARF năm 1995, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa nội dung về vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố Chủ tịch. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã “bày tỏ quan ngại về các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực...; khuyến khích tất cả các bên tranh chấp tái khẳng định cam kết của mình đối với các nguyên tắc có trong luật pháp và công ước quốc tế liên quan, cũng như Tuyên bố ASEAN về Biển Đông năm 1992”(7).
Sự đoàn kết và nỗ lực tập thể của ASEAN đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 29 (AMM 29) tổ chức tại Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a, tháng 7-1996) đã tán thành ý tưởng về việc soạn thảo và thông qua COC. Sáng kiến này được nhắc lại nhiều lần trong Kế hoạch hành động Hà Nội năm 1998. Tuy nhiên, việc soạn thảo văn kiện chỉ được bắt đầu từ năm 1999 khi Trung Quốc đồng ý tham gia tiến trình này với một bản dự thảo riêng của nước này. Sau gần 4 năm đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc, ASEAN đã không đạt được mục tiêu ban đầu của Hiệp hội về COC, song thay vào đó là DOC được thông qua vào tháng 11-2002 tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia). Mặc dù những cam kết chính trị của DOC được đánh giá là khá chung chung, thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện, nhưng DOC đã khẳng định cam kết của các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, đưa ra các biện pháp xây dựng lòng tin và các hoạt động hợp tác khác.
Trên thực tế, những cam kết chính trị cùng sự thiếu ràng buộc về mặt pháp lý của DOC chưa phát huy tối đa hiệu quả trong việc ngăn ngừa xung đột leo thang ở Biển Đông. Do đó, trước tình hình nóng lên tại vùng biển này, Hội nghị AMM 41 tổ chức tại Xin-ga-po vào tháng 7-2008 đã đưa ra Thông cáo chung, trong đó “nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các nỗ lực thúc đẩy thực thi DOC năm 2002 với tư cách là văn bản đánh dấu mốc lịch sử quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc, thể hiện cam kết tập thể của ASEAN để bảo đảm giải quyết hòa bình các tranh chấp ở khu vực. ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết phải nỗ lực thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố, bao gồm sớm hoàn thiện các Hướng dẫn thực thi DOC. Và mong muốn cuối cùng đạt được COC ở khu vực”(8). Nội dung này cũng được nhấn mạnh trong Hội nghị AMM 43 tại Hà Nội (năm 2010). Năm 2011, khi tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng, các nước ASEAN đã nỗ lực cùng Trung Quốc thông qua Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC (gọi tắt Quy tắc hướng dẫn DOC). Mặc dù tám điểm của bản hướng dẫn này còn hết sức chung chung, nhưng góp phần làm “hạ nhiệt” tạm thời tình hình căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông, duy trì sự đoàn kết nội bộ của ASEAN đang bị thách thức.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy tiến trình COC, từ cuối tháng 6-2012, ASEAN đã hoàn tất “Tài liệu Quan điểm của ASEAN về các thành tố của COC”, và sau đó được trình lên Hội nghị AMM 45 tổ chức tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia). Ngày 9-7-2012, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhất trí về những thành tố cơ bản của COC. Tuy nhiên, sau đó ASEAN không đưa ra được Tuyên bố chung nào liên quan đến vấn đề Biển Đông. Sau Hội nghị AMM 45, với nỗ lực ngoại giao con thoi của In-đô-nê-xi-a, ASEAN đã đưa ra Tuyên bố về nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông, trong đó Điểm 3 có đề cập đến việc sớm đạt được COC.
Trong khuôn khổ chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 24, tháng 5-2014 tại Na Pi Tho (Nay Pyi Taw), Mi-an-ma, ASEAN đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, cho rằng những hành động xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trái với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và DOC đã làm gia tăng căng thẳng và phương hại hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực. Đồng thời nhấn mạnh, ASEAN cần kịp thời thể hiện lập trường chung nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, ngăn ngừa gia tăng căng thẳng. Theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thông qua Tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Ngoại giao về tình hình Biển Đông.
Ngoài ra, ASEAN cũng tiếp tục sử dụng các kênh đối thoại, hợp tác song phương, đa phương khác nhau để thúc đẩy việc các bên tuân thủ nghiêm túc DOC và tiến tới COC. Trước hết, ASEAN tranh thủ ARF để thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa, trong đó có vấn đề Biển Đông. Trong Tuyên bố chung của ARF lần thứ 17 và 18 (năm 2010, 2011), các nước thành viên đã nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện đầy đủ DOC, UNCLOS 1982 và tiến tới xây dựng và thông qua COC. Đồng thời, ở các diễn đàn khác như EAS, ADMM+..., các nước ASEAN cũng đã đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận và ngày càng nhận được nhiều tiếng nói ủng hộ cho lập trường “quốc tế hóa”, giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình và tự do hàng hải ở vùng biển này.
Có thể thấy, trong những năm gần đây, vấn đề Biển Đông đã trở thành một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của ASEAN. Theo đó, ASEAN khẳng định cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế.
Đồng thời, ASEAN cũng thúc đẩy đối thoại với Trung Quốc nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và kiềm chế các hành động gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, thực hiện các cam kết đã ký kết giữa hai bên. Năm 2017, hai bên công bố Khung đàm phán COC, sau đó là Văn bản đàm phán duy nhất hơn 19 trang vào năm 2018, cùng dự thảo đầu tiên dài 20 trang trong năm 2019. Tuy nhiên, tất cả những thành quả này đều chưa đủ để hóa giải những bất đồng giữa hai bên.
Bên cạnh đó, ASEAN không ngừng thúc đẩy vai trò trung tâm trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Nhận thức rõ Biển Đông là một trong những thách thức chính đối với Cộng đồng ASEAN đến năm 2025, ASEAN đã và đang có những bước đi, quan điểm rõ ràng hơn về những dự kiến, kế hoạch trong vấn đề này, dự báo những tác động đối với ASEAN và các quốc gia thành viên cũng như nhấn mạnh vai trò trung tâm ASEAN để xử lý vấn đề(9).
Mặc dù ASEAN và các quốc gia thành viên đã có những nỗ lực nhằm giảm căng thẳng ngày càng leo thang ở Biển Đông, song dường như chưa có những bước đi mang tính đột phá nào trong vấn đề này. Đồng thời, ASEAN tiếp tục phải đối mặt với một số thách thức manh tính cấu trúc trong việc tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông:
Một là, sự khác biệt trong cách tiếp cận hay thái độ đối với vấn đề Biển Đông của các quốc gia trong vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN dẫn đến việc tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông phụ thuộc vào quốc gia chủ tịch ASEAN của từng năm. Chính vì vậy, những nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông của quốc gia chủ tịch luân phiên ASEAN có thể sẽ không được tiếp nối trong năm chủ tịch kế tiếp.
Hai là, chia rẽ hay bất đồng về quan điểm và cách tiếp cận về vấn đề Biển Đông trong nội bộ ASEAN có thể dẫn đến bế tắc là một trở ngại không nhỏ khi ASEAN hoạt động dựa trên sự đồng thuận. Do vậy, khả năng ASEAN có thể đi đến sự đồng thuận chung thực sự ý nghĩa và có tính kế thừa về vấn đề Biển Đông vẫn là một thách thức đối với Hiệp hội. Các nước thành viên của ASEAN cho đến nay vẫn chưa thể hiện cao tinh thần vì lợi ích chung của ASEAN. Chưa kể, một số nước ASEAN còn có lợi ích kinh tế và chiến lược phụ thuộc vào Trung Quốc. Trên thực tế, ASEAN đã tổ chức các diễn đàn an ninh đa phương chính thức nhưng sự thiếu thống nhất trong nội bộ khối đã ảnh hưởng đến việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Đây được cho là bài toán về tính trung tâm và tính thống nhất của ASEAN, nhất là khi vai trò trung tâm của ASEAN có nền tảng vị trí chiến lược nhằm quản lý các cuộc xung đột tiềm tàng và củng cố trật tự an ninh ở Biển Đông. Chính vì vậy, sự thiếu thống nhất trong nội bộ ASEAN không chỉ mang đến nguy cơ bế tắc về cách thức can dự đối với vấn đề Biển Đông, mà còn có khả năng xảy ra các hành động đơn phương của quốc gia chủ tịch luân phiên ASEAN, ảnh hưởng đến cách tiếp cận tổng thể hiện tại của ASEAN. Điều này có thể đẩy ASEAN ra khỏi tiến trình can dự đối với vấn đề Biển Đông trong tương lai, khiến các nỗ lực của Hiệp hội không còn phù hợp.
Tóm lại, mặc dù không phải là cơ chế để giải quyết xung đột ở Biển Đông, nhưng ASEAN lại có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình quản lý và ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông với mục tiêu giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin. Việc tham gia của ASEAN trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông vừa là trách nhiệm, vừa là lợi ích chiến lược của Hiệp hội. Trong những năm gần đây, ASEAN ngày càng phát huy vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, nhất là việc ASEAN đẩy mạnh việc đàm phán COC với Trung Quốc cũng như thúc đẩy vấn đề Biển Đông trong các chương trình nghị sự với các đối tác. Việc tham gia tích cực trong giải quyết vấn đề Biển Đông cũng góp phần thể hiện khả năng quản lý xung đột nói chung ở khu vực, gia tăng nguồn “tài nguyên địa - chính trị” và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực./.
--------------------
(1) Phạm Bình Minh: “Hướng tới Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và rộng mở”, báo Nhân dân điện tử, https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/huong-toi-cong-dong-asean-doan-ket-vung-manh-va-rong-mo-392771/, ngày 5-8-2012
(2), (3) Ban Thư ký ASEAN: “The Charter ASEAN” (Tạm dịch: Hiến chương ASEAN), https://asean.org/wp-content/uploads/images/archive/publications/ASEAN-Charter.pdf , tháng 1-2008
(4) Ban Thư ký ASEAN: “ASEAN Political - Security Community Blueprint. Jakarta: ASEAN Secretariat” (Tạm dịch: “Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN”), http://www.asean.org/archive/5187-18.pdf , tháng 3-2016, tr. 10
(5) Centre for international law: “1992 ASEAN Declaration on the South China Sea” (Tạm dịch: “Tuyên bố ASEAN về Biển Đông năm 1992”), https://cil.nus.edu.sg/wp-content/uploads/2019/02/1992-ASEAN-Declaration-on-the-South-China-Sea-1.pdf, ngày 22-7-1992
(6) Rodolfo C. Severino: “ASEAN and the South China Sea” (Tạm dịch: “ASEAN và Biển Đông”), https://www.jstor.org/stable/26459936, 2010
(7) Aseanregionalforum.asean.org: “Chairman’s Statement: The Second ASEAN Regional Forum Ministerial Meeting” (Tạm dịch: “Tuyên bố của Chủ tịch: Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ hai”), Bru-nây; “The Second ASEAN Regional Forum” (Tạm dịch: “Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ hai”), Bru-nây, https://aseanregionalforum.asean.org/wp-content/uploads/2019/01/Second-ARF-Bandar-Seri-Begawan-1-August-1995.pdf , ngày 1-8-1995.
(8) Association of Southeast Asian Nations: “Joint Communique of the 41st ASEAN Ministerial Meeting” (Tạm dịch: “Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 41”), “One ASEAN at the heart of dynamic Asia” (Tạm dịch: “Một ASEAN ở trung tâm của châu Á năng động”), Xin-ga-po, http://www.asean.org/communities/asean-political-security-community/item/joint-communique-of-the-41st-asean-ministerial-meeting-one-asean-at-the-heart-of-dynamic-asia-singapore-21-july-2008-2, ngày 21-7-2008.
(9) “ASEAN đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông”, Trang thông tin điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam, https://vovworld.vn/vi-VN/binh-luan/asean-dong-vai-tro-quan-trong-trong-giai-quyet-cac-tranh-chap-o-bien-dong-925520.vov, ngày 25-11-2020
Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 40, 41  (12/11/2022)
Tác động của tình hình thế giới, khu vực đối với Việt Nam trong bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc  (01/10/2022)
Bốn mươi lăm năm quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN và định hướng phát triển trong thời gian tới  (15/08/2022)
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tổ chức “Hành trình Biển Đông tung bay quốc kỳ”  (20/07/2022)
Lễ khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - SEA Games 31  (12/05/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên