TCCS - Tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Đảng, Nhà nước, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiện nay là yêu cầu, nhiệm vụ rất quan trọng. Muốn vậy, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và kiểm soát chặt chẽ quyền lực, góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng_Ảnh: Tư liệu

Vấn đề quyền lực và kiểm soát quyền lực 

Thực tiễn cách mạng nước ta yêu cầu: “Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo”(1). Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, hơn bao giờ hết đang “Đòi hỏi cao đối với cán bộ lãnh đạo, nhất là các đồng chí giữ cương vị trọng trách trong bộ máy của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các đồng chí Ủy viên Trung ương, bí thư tỉnh, thành ủy, bộ trưởng, người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị và các cán bộ lãnh đạo khác phải tự giác rèn luyện, nêu gương cho cấp dưới về sự giác ngộ chính trị, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, sự hy sinh phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân”(2); “quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị”(3).

Theo nghĩa rộng thông thường, quyền lực là năng lực, khả năng của một cá nhân hay tổ chức tác động đến những cá nhân, tổ chức khác, buộc họ phải thực hiện ý chí của mình thông qua các hình thức thể hiện trên phương diện chính trị, lập pháp, hành chính, tư pháp, kinh tế, thông tin,...; trong đó, quyền lực chính trị là quan trọng nhất, bao trùm, chi phối mọi hoạt động của đời sống xã hội, trên nền tảng pháp lý và đạo lý. Trong giai đoạn hiện nay, cá nhân và tổ chức phải được trao hoặc ủy quyền đủ để thực thi quyền lực theo pháp luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Khi một cá nhân hay một tổ chức, dù lớn hay nhỏ, sẵn lòng ủy quyền, trao quyền cho người thể hiện được tài năng, đạo đức, sức lôi cuốn các cá nhân, để dẫn dắt cộng đồng thì việc giám sát sự thi hành thẩm quyền tự nó đã trở thành trách nhiệm đối với người trao quyền hoặc ủy quyền của cộng đồng, của quốc gia, theo pháp luật. Vì vậy, theo nghĩa nào đó, nếu thẩm quyền không gắn với trách nhiệm thì thẩm quyền hoặc bị buông lỏng, trở nên vô tác dụng hoặc bị tha hóa, thoái hóa trở nên không giới hạn. Và khi đó, sự mất cân bằng quyền lực sẽ xảy ra, tạo nên tình trạng quyền lực vô tác dụng, hoặc bị biến thành vật sở hữu của cá nhân, của phe nhóm, gây rối loạn xã hội.

Điều cần cảnh báo là, khi quyền lực đạt tới trình độ tuyệt đối, mặt đối lập của tình trạng này nhất định sẽ dẫn tới tha hóa tuyệt đối, nếu thẩm quyền không được khắc chế và kiểm soát bằng đạo đức, bằng pháp luật và các công cụ kiểm soát khác, thông qua đề cao trách nhiệm cá nhân. Nói một cách hình ảnh, nếu biết ra lệnh thì chỉ là quan chức, còn biết truyền cảm hứng và chủ động chịu trách nhiệm thì đó là người lãnh đạo, quản lý đúng nghĩa. Một trong những thử thách của sự lãnh đạo, quản lý chiến lược là khả năng giải quyết vấn đề một cách khoa học và dân chủ, đó cũng là mấu chốt đối với công việc kiểm soát quyền lực.

V.I. Lê-nin đã chỉ rõ rằng: “Lý do tồn tại của tổ chức đảng, và của các lãnh tụ xứng đáng với danh hiệu đó là, ngoài nhiều điểm khác, đảng và lãnh tụ còn phải thông qua một công tác lâu dài, kiên cường, thiên hình vạn trạng và nhiều mặt của tất cả những đại biểu giác ngộ của giai cấp mình mà thu hoạch được những kiến thức cần thiết, kinh nghiệm cần thiết, - ngoài kiến thức và kinh nghiệm - là tính nhạy bén chính trị cần thiết để giải quyết một cách chính xác và mau lẹ những vấn đề chính trị phức tạp”(4). Điều đó cho thấy rằng, sự nhạy bén chính trị cũng như việc kiểm soát quyền lực là những khâu quan trọng trong công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của đảng cộng sản. Quyền lực được nhân dân ủy thác và giao phó cho Nhà nước; đến lượt mình, Nhà nước quản lý mang tầm chiến lược, chủ động đón nhận sự ủy thác quyền lực từ nhân dân và hoàn thành việc thực thi quyền lực của nhân dân một cách xứng đáng, theo phương châm minh bạch, dân chủ và đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định một cách thống nhất. Điều đó sẽ bảo đảm vị trí, vai trò cầm quyền của Đảng, nhằm kiến tạo và phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả.

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp thứ 14 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương_Ảnh: TTXVN

Cảnh báo sự buông lỏng hoặc tha hóa, thoái hóa quyền lực       

 Thực tiễn đã và đang chỉ rõ, mọi sự tha hóa, thoái hóa quyền lực đều là tham nhũng dưới mọi thủ đoạn, hình thức và mức độ, từ tham nhũng kinh tế tới tham nhũng chính sách. Những người tha hóa quyền lực cấu kết với nhau rất tinh vi, chặt chẽ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ; họ lợi dụng các “khoảng trống” pháp luật, việc thiếu công khai, minh bạch, thiếu cơ chế và chế tài kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để trục lợi; bất chấp các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chà đạp lên luân thường đạo lý, cốt chiếm đoạt mọi thứ vì cá nhân và phe nhóm. Những hành động đó phá vỡ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, gây xáo trộn, làm rối loạn kỷ cương và xã hội.

Sự tha hóa, thoái hóa quyền lực, “ăn cắp” và “buôn bán” quyền lực dưới mọi hình thức, cấp độ làm xuất hiện những “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”, có nguy cơ nảy nở những “sứ quân”, biến những người được trao quyền thành những “ông tướng, bà tướng” tự tung tự tác, trong “những bầu trời riêng”; đồng thời, gây chia rẽ nội bộ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, làm suy yếu nền chính trị của đất nước. Sự tha hóa quyền lực biểu hiện từ việc dùng thẩm quyền của mình để tác động không đúng, không phù hợp cho đến sự “ưu ái” đối với các lĩnh vực, nhằm trục lợi cho mình và “nhóm lợi ích”, cũng như trong việc quyết định các chủ trương, chính sách, các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, như cấp phép, cấp vốn, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ... Đặc biệt, sự tha hóa, thoái hóa quyền lực vừa công khai, vừa tinh vi, câu kết chặt chẽ ngang - dọc, trên - dưới, trong - ngoài... bằng những “luật ngầm” đã xuất hiện trên các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội ở một số nơi, đã và đang gây nên những hậu họa khôn lường.

Đáng lo ngại là sự tha hóa, thoái hóa quyền lực của không ít người rất đa dạng, tinh vi; họ núp sau tấm bình phong tập thể, cộng đồng. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý các vụ việc có liên quan đến tha hóa, thoái hóa quyền lực thường rất khó khăn, phức tạp; vì nó thường gắn với người có chức vụ, quyền lực lớn, nên có mối quan hệ chằng chịt, đa dạng và không ít trường hợp còn được bao che, thậm chí dùng cả tổ chức quyền lực phản kích quyết liệt, chống lại các lực lượng kiểm tra, thanh tra, giám sát, các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật, làm cho tình hình ở không ít nơi diễn ra rất phức tạp. 

Ngay từ tháng 6-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo: “Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm). Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm, là tham vật uý lạo. Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh là tham sinh úy tử. Đều làm trái với chữ LIÊM. Do BẤT LIÊM mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp”, “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư””(5)

Thực tiễn cách mạng chỉ rõ, giải quyết có hiệu quả, không để xảy ra tình trạng thừa quyền lực nhưng thiếu năng lực, trước hết là năng lực chính trị và pháp luật, trong điều kiện Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng pháp luật là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Ranh giới giữa thẩm quyền được giao với sự năng động, sáng tạo vốn rất mong manh nhưng rất đa dạng, phong phú... và trong một số hoàn cảnh lại là điều kiện thuận lợi cho những kẻ rắp tâm lợi dụng quyền lực để mưu lợi cho cá nhân. Điều đó dẫn tới sự rối loạn hệ giá trị trong đánh giá, thẩm định, vượt ngoài khuôn khổ cho phép và làm rối loạn kỷ cương, kỷ luật ở không ít nơi. Những trường hợp đó âm mưu sở hữu quyền lực một cách “vô pháp vô thiên”, rắp mưu hoành hành quyền lợi cá nhân, phe nhóm, phường hội. Nếu không nghiêm túc giải quyết tình trạng trên, dễ dẫn tới nạn rũ bỏ, trốn tránh trách nhiệm theo thẩm quyền, chia cắt kỷ luật và khoanh vùng kỷ luật và pháp luật, nguy cơ biến kỷ luật và pháp luật thành những “thanh kiếm phường chèo”(!). Qua các vụ đại án về tha hóa, thoái hóa quyền lực của nhiều cá nhân và tổ chức vi phạm pháp luật do lợi dụng quyền lực đã được xét xử gần đây cho thấy rõ tính nguy hại của vấn nạn trên; đồng thời, cảnh báo nghiêm khắc sự thiếu tôn trọng pháp luật hoặc cố tình giẫm đạp lên luật pháp đều dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm đó.

Nhưng điều đáng sợ hơn là, khi bị chi phối bởi “lợi ích nhóm”, tệ “cát cứ phường hội”, băm nhỏ lợi ích quốc gia... tất sẽ dẫn đến tình trạng thật giả lẫn lộn, phải trái bất minh, “chụp mũ” những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung hoặc tấn công những người có dũng khí đấu tranh chống lại nạn lạm quyền, lộng quyền, hoặc cố ý làm trái; đồng thời, làm thui chột, thậm chí phá vỡ động lực phát triển, làm rạn vỡ đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; xuất hiện nguy cơ làm băng hoại không ít tổ chức, cơ quan, đơn vị. 

Đổi mới và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực - nội dung và các giải pháp chủ yếu 

Để kiểm soát quyền lực, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng cơ chế; theo đó, hoàn thiện hệ giải pháp đồng bộ, phù hợp và khả thi, với các thể chế và định chế, theo phương châm “dễ hiểu, dễ làm và dễ kiểm tra”. 

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, ngày 16-10-2016, lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật”(6). Nói một cách hình tượng, “lồng cơ chế” đó chính là sự tổng hòa hệ thống kỷ luật của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước. Đó là Quốc pháp và Đảng cương. Nhưng, trung tâm của Quốc pháp và Đảng cương là sự tín nhiệm của nhân dân - chủ thể quyền lực nhà nước, mà thước đo là lòng dân đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược. Ba nhân tố rường cột này hợp thành cơ chế kiểm soát quyền lực.

Có thể khẳng định ở đây, quá trình đổi mới và xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực thực chất là quá trình vạch ra những “độ” tồn tại của quyền lực, với những giới hạn cho phép về mặt lịch sử, mà người được ủy quyền hoặc được trao quyền lực không được phép vượt qua theo thẩm quyền và trách nhiệm, trong bất cứ hoàn cảnh, cả điều kiện trên nền tảng pháp lý và đạo lý, để bảo đảm quyền lực được kiểm soát, cân bằng. Vì vậy, cần lưu ý rằng, việc đổi mới, sáng tạo cơ chế kiểm soát quyền lực chính là việc xác định hệ thống chỉnh thể bao gồm toàn thể các yếu tố (chính trị, pháp luật, đạo đức...) có liên quan tác động lẫn nhau một cách tự nhiên và tất yếu để nhằm đạt mục đích, còn cơ chế chính là cấu trúc vận hành, nhằm truyền nối động cơ giúp vận hành toàn bộ hệ thống, từ bên trong tới bên ngoài, từ chủ thể tới khách thể; nếu một yếu tố nào đó không có giá trị trong chỉnh thể và không bảo đảm tính thống nhất thì hệ thống đó không tồn tại, dẫn đến cơ chế sẽ bị phá vỡ.

Do đó, để xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, cùng với các nhân tố cấu thành cơ chế (điều kiện cần và đủ, phương thức thực thi, các công cụ và điều kiện hỗ trợ...), phải có đủ ba nhân tố căn bản, có tính rường cột hợp thành và chi phối cơ chế kiểm soát quyền lực, đó là: Quốc pháp - Đảng cương - Sự tín nhiệm của nhân dân. Nếu thiếu đi một trong ba nhân tố căn bản này, nhất định sẽ không có bất cứ một cơ chế kiểm soát quyền lực nào tương thích và hữu hiệu đáp ứng với tình hình hiện nay.

Các giải pháp căn bản và chủ yếu thực thi kiểm soát quyền lực

Một là, định lượng hóa và cụ thể hóa trách nhiệm theo thẩm quyền trên từng phương diện, như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tư tưởng... và từng vị trí, chức vụ bảo đảm đúng quyền, rõ quyền, đủ quyền và thực quyền; theo đó, định lượng hóa để cụ thể hóa những biểu hiện tha hóa, thoái hóa quyền lực với phương châm “xây kết hợp với chống”, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, không thể dung nạp những “quyền lực ngoài quyền lực”, “quyền lực ngầm”, “quyền lực đen”... Những cá nhân, tổ chức được giao quyền, ủy quyền, phải tự kiểm soát mình bởi pháp luật và kỷ luật. Đây là việc rất khó, vì điều khó khăn nhất đối với mỗi con người chính là chiến thắng được chính bản thân mình.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới và định rõ mối quan hệ giữa người đứng đầu với tập thể lãnh đạo, quản lý; giữa thẩm quyền các bên; giữa cấp trên với cấp dưới; giữa bên trong tập thể lãnh đạo, quản lý với bên ngoài, trong hệ thống và ngoài hệ thống; giữa cơ quan kiểm soát quyền lực với người và tổ chức được trao hoặc ủy thác quyền lực trong một chỉnh thể hữu cơ, không cắt khúc, không khép kín, không ngoại lệ, trên cơ sở trách nhiệm giải trình công khai và dân chủ. Việc buông lỏng quyền lực hay quyền lực bị tha hóa, thoái hóa - cả hai đều nguy hiểm như nhau; theo đó, muốn hạn chế, đẩy lùi tình trạng trên, đội ngũ cán bộ cần được đào tạo một cách đầy đủ về pháp luật, khoa học tổ chức, khoa học hành chính ngang tầm trọng trách.

Hai là, đổi mới cơ chế kiểm soát quyền lực theo nguyên tắc quyền hạn song hành và gắn với trách nhiệm, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát và kiểm soát nghiêm ngặt các cơ quan kiểm soát quyền lực. Đổi mới và hoàn thiện, bảo đảm thống nhất các quy định của Đảng với hệ thống pháp luật của Nhà nước một cách toàn diện, đồng bộ và cụ thể. Cần nhấn mạnh, tiếp tục hiến định và luật định hóa quyền lực của nhân dân - với tư cách là chủ thể quyền lực quốc gia - trong việc kiểm soát quyền lực được nhân dân ủy quyền, giao phó cho người đứng đầu trong bộ máy của Đảng, bộ máy của Nhà nước và bộ máy của cả hệ thống chính trị.   

Trên cơ sở định lượng hóa và cụ thể hóa về thẩm quyền, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế về cá thể hóa trách nhiệm trong việc chất vấn, giải trình, phản biện một cách dân chủ, công khai, minh bạch đối với người được giao và giữ quyền lực (người, tổ chức và công việc); đồng thời, có định chế minh bạch về nguyên tắc, trách nhiệm, thẩm quyền của tập thể lãnh đạo, quản lý, quản trị (gồm các cá nhân thành viên ban lãnh đạo với vị trí công vụ của mỗi người), theo nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm dựa trên nền tảng nguyên tắc tập trung dân chủ một cách thống nhất, thông suốt. Gắn công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra của Nhà nước, giám sát của nhân dân trong việc kiểm soát quyền lực một cách đồng bộ, thống nhất, liên thông và chặt chẽ. Thực hiện đồng thời cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới; kiểm tra, giám sát nội bộ, giám sát từ dưới lên; giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức, giám sát của nhân dân. Công khai hóa, minh bạch hóa là con đường ngắn nhất, là phương pháp tốt nhất để giám sát, kiểm soát quyền lực của cá nhân hay tập thể. Định vị cơ chế thưởng - phạt một cách dân chủ, minh bạch, chính xác, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có giới hạn cuối cùng trong kiểm soát quyền lực.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc với Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh_Ảnh: TTXVN

Ba là, đổi mới và xây dựng bộ máy thực thi công việc kiểm soát quyền lực (kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát...) trong tổng thể tiến trình đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị các cấp theo hướng liên thông, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Kiện toàn đội ngũ cán bộ giữ chức năng, nhiệm vụ kiểm soát việc thực thi quyền lực là nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, là nhân tố quyết định thành bại của việc kiểm soát quyền lực. Do đó, những người được trao trọng trách kiểm soát quyền lực trong các cơ quan có thẩm quyền phải là những người trung thành, tinh nhuệ, liêm chính, mẫn cán, dũng cảm, hành động công vụ theo kỷ luật và pháp luật một cách nhân văn. Đặc biệt, trước yêu cầu cấp bách hiện nay, càng cần phải thực thi kiểm soát quyền lực một cách nghiêm ngặt ở các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ kiểm soát quyền lực.

Bốn là, xây dựng và phát triển môi trường chính trị - xã hội bảo đảm kiểm soát quyền lực một cách bao trùm, rộng khắp và chặt chẽ. Trọng tâm của công việc đổi mới thể chế là bảo vệ vô điều kiện sự tham gia và phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân - với tư cách là chủ thể quyền lực, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông xã hội trong giám sát, phát hiện, tố cáo sự tha hóa, thoái hóa quyền lực của cá nhân và tổ chức được ủy thác hoặc được trao quyền lực.

Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức là một môi trường kiểm soát quyền lực trực tiếp, dân chủ, công khai, cụ thể thông qua các định chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định, kỷ luật đảng, Hiến pháp và pháp luật. Đây là công việc bảo đảm kiểm soát từ ngoài vào, từ dưới lên... cả về phương diện pháp lý lẫn bình diện đạo lý xã hội và dư luận xã hội (hiện đang bị ngăn trở bởi không ít “cục nghẽn mạch” về thể chế cần được dỡ bỏ). Đây là công việc quan trọng, vẫn đang còn không ít “khoảng trống” cần phải nhanh chóng được lấp đầy để thực thi và bảo vệ quyền lực của nhân dân có hiệu quả. Bởi lẽ, chỉ cần nhìn trong 10 năm qua, có tới 75% số vụ việc liên quan tới vi phạm pháp luật do lợi dụng quyền lực dưới mọi hình thức và mức độ là do nhân dân và công luận phát hiện. Hơn lúc nào hết, hiện nay, chính trị phải là sự thanh khiết từ to đến nhỏ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói; và lòng tin của nhân dân, sức mạnh của công luận có vai trò vô cùng quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này.     

Năm là, đổi mới và thống nhất các công cụ khác trong việc giám sát, kiểm soát quyền lực. Tiếp tục đổi mới tư duy, thực hiện hiến định và luật định về quyền thông tin và được thông tin (về cá nhân, tổ chức và thẩm quyền của họ theo luật định); về quyền và trách nhiệm giám sát, về phương thức kiểm tra, giám sát, kiểm soát; về quyền được trưng cầu ý kiến, lựa chọn và bãi miễn của nhân dân đối với cá nhân và tổ chức. Tất cả nhằm khắc phục sự chồng lấn, không minh bạch giữa trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm tập thể, ngăn chặn nạn nhân danh tập thể để mưu đồ lợi ích cá nhân hoặc “ẩn nấp” trong danh nghĩa tập thể để che giấu, trốn tránh, rũ bỏ trách nhiệm cá nhân, làm cho quyền lực nằm ngoài vòng giám sát, kiểm soát; nhân danh “tổ chức kiểm soát quyền lực” mà dung túng, bao che cho hành vi lợi dụng quyền lực, thậm chí cả những “quyền lực đen”, “quyền lực ngầm”, “quyền lực trong bóng tối”... Theo đó, cần xác định rõ quyền lực tối thượng của nhân dân trên phương diện này và quyền lực ấy phải tiếp tục được luật hóa một cách cấp thiết.

Sáu là, tiến hành việc gắn kiểm soát quyền lực cá nhân và tổ chức ở trong nước với kiểm soát họ ở ngoài nước (khi công tác và hoạt động ở ngoài nước), chủ động tăng cường hợp tác, trao đổi, tham chiếu kinh nghiệm với nước ngoài trong việc kiểm soát quyền lực. Cần tiếp thu, tiếp biến kinh nghiệm cầm quyền của các đảng cầm quyền và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, một cách cầu thị, không kỳ thị, không xa lánh; đồng thời, hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trên thế giới, là công việc cần thiết và rất quan trọng.

Thực tiễn vừa qua đã vạch rõ những mưu đồ gây rối việc kiểm soát quyền lực đối với những cá nhân và tổ chức liên quan với nước ngoài; đồng thời, tạo nên những “vùng trắng”, “vùng trống”, biến đây thành những “lỗ hổng thoát tội”, “vùng tránh”, “vùng né”, “vùng trốn”, nơi tẩu tán “nhân sự”, tẩu tán tài sản trong thực thi kiểm soát quyền lực đối với sự tha hóa và thoái hóa quyền lực. Và trước mắt, với bao nhiêu công việc và từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, khi Việt Nam đang trên con đường đổi mới và phát triển, thì càng cần phải tăng cường kiểm soát quyền lực và thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực một cách thực chất, hiệu quả./.

----------------------

(1)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 315
(2) Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 153 - 154
(3) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 33
(4) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 41, tr. 66
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 127 
(6) Vũ Duy: “Tổng Bí thư: “Nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật”, Báo VOV điện tử, ngày 17-10-2016