Tư tưởng Hồ Chí Minh về bầu cử và vận dụng vào hoàn thiện pháp luật về bầu cử ở Việt Nam hiện nay
TCCS - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho thể chế bầu cử ở nước ta và những quan điểm tiến bộ của Người về bầu cử cho đến nay vẫn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Nghiên cứu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bầu cử có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện pháp luật về bầu cử ở nước ta hiện nay.
Bầu cử có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của mỗi quốc gia, là cơ sở để xác định tính chính đáng của các cơ quan quyền lực nhà nước, là phương thức để nhân dân lựa chọn đại biểu và thực hiện sự ủy quyền, đồng thời cũng là phương thức quan trọng để qua đó nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước, khẳng định quyền làm chủ của mình.
Từ sau khi giành được độc lập và xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một nhà nước kiểu mới của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Một trong những điều kiện tiên quyết để bảo đảm Nhà nước thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là nhân dân phải được quyền tự do lựa chọn và bầu ra những đại biểu thực sự xứng đáng tham gia vào bộ máy nhà nước.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về bầu cử
Tư tưởng Hồ Chí Minh về bầu cử được thể hiện nhất quán trong các sắc lệnh, bài nói, bài viết chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; trong Hiến pháp năm 1946 do Người chỉ đạo soạn thảo và trong các báo cáo về dự thảo hiến pháp sửa đổi và các văn bản chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa II. Có thể khái quát những quan điểm chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bầu cử như sau:
Thứ nhất, bầu cử là “quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.
Xuất phát từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân nên ngay sau khi giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để nhân dân được hưởng quyền lợi của một dân tộc độc lập, tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem việc thực hiện quyền bầu cử, ứng cử của nhân dân là tiêu chí quan trọng thể hiện sự khác biệt của chế độ mới. Trong một nước độc lập, tự do, “nhân dân có quyền tự do tư tưởng, tự do tổ chức, tự do tín ngưỡng, v.v. có quyền ứng cử và bầu cử. Đàn bà có mọi quyền lợi như đàn ông. Các dân tộc trong nước đều có quyền lợi như nhau”(1). Việc thực hiện quyền bầu cử của công dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “có một giá trị rất cao quý, là một dấu hiệu xác nhận nhân dân thật sự làm chủ nước nhà”(2).
Nhằm bảo đảm thực hành dân chủ rộng rãi để xác lập nền dân chủ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện các nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín và tự do. Nguyên tắc bầu cử phổ thông và bình đẳng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là tất cả công dân, không phân biệt giới tính, giàu nghèo, nòi giống đều có quyền ứng cử và bầu cử. Bầu cử tự do, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, được thể hiện qua quyền tự do tuyển cử, tự do ứng cử và tự do tuyên truyền. Tự do tuyển cử có nghĩa là tất cả công dân đều có quyền đi bầu cử, “tất cả công dân Việt Nam gái và trai từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, xu hướng chính trị đều có quyền tham gia tuyển cử, tự do bỏ phiếu bầu cử những người mình tin cậy”(3). Về quyền tự do ứng cử, đó là công dân Việt Nam từ 21 tuổi trở lên, không phân biệt gái và trai muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử. Về tự do tuyên truyền, thì “tất cả công dân Việt Nam, không phân biệt miền Bắc hay là miền Nam, đều có quyền tự do đi tuyên truyền khắp cả nước bằng hội họp, truyền đơn, báo chí, v.v.. Chính phủ miền Bắc và chính quyền miền Nam phải đảm bảo quyền tự do và sự an toàn cho tất cả mọi công dân hoạt động trong cuộc tổng tuyển cử”(4).
Những quan điểm tiến bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền bầu cử, ứng cử của nhân dân đã góp phần cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta được đánh giá là một cuộc bầu cử thật sự tự do, thật sự dân chủ và thành công tốt đẹp.
Thứ hai, bầu cử là phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và khẳng định tính chính đáng của Nhà nước.
Thông qua bầu cử, “nhân dân bầu ra các hội đồng nhân dân, ủy ban kháng chiến hành chính địa phương, và Quốc hội cùng Chính phủ Trung ương. Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hóa, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý, để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình”(5).
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem bầu cử là phương thức quan trọng để nhân dân lựa chọn và bầu ra những người có đức, có tài thay mình quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, từ rất sớm, Người đã thấy rõ được vai trò của bầu cử trong việc hình thành Nhà nước và khẳng định tính chính đáng của Nhà nước. Chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy được sự cần thiết phải bầu ngay Quốc hội, càng sớm càng tốt, để bên trong thì nhân dân tin tưởng thêm vào chế độ mình và trước thế giới thì Quốc hội do dân bầu ra sẽ có một giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận được. Người khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà,… Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”(6). Như vậy, nhân dân thực hiện quyền lực của mình thông qua bầu cử. Bằng cách thức đó, nhân dân xây dựng nên một Nhà nước hợp pháp theo ý nguyện của toàn thể nhân dân.
Trên cơ sở các sắc lệnh liên quan đến bầu cử do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức thành công “là một minh chứng hùng hồn nói lên cơ sở pháp lý vững chắc của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”(7); từ đó “mở ra triển vọng của một thời kỳ mới,… với một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân, vì dân,…”(8).
Thứ ba, bầu cử là phương thức để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bầu cử không chỉ là phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và khẳng định tính chính đáng của chính quyền, mà còn là phương thức hữu hiệu để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước. Người khẳng định: “Ở quần chúng, khai hội, phê bình và bày tỏ ý kiến, bầu cử các ủy ban, các hội đồng, v.v.; đó là những cách quần chúng kiểm soát những người lãnh đạo”(9).
Thông qua bầu cử, nhân dân có thể tự do thực hiện quyền lựa chọn đại biểu. Người căn dặn, “những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”(10), mà nên lựa chọn “những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”(11). Như vậy, thông qua bầu cử, nhân dân có thể kiểm soát Nhà nước, bảo đảm lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào bộ máy nhà nước để Nhà nước có thể hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước bằng cách “sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”(12). Bằng sự tín nhiệm được thể hiện thông qua lá phiếu ủy quyền, nhân dân buộc những người được bầu phải chịu trách nhiệm trước sự lựa chọn của nhân dân. Những trách nhiệm được ràng buộc là cách thức hữu hiệu để kiểm soát các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, buộc họ phải hành động vì lợi ích chung để xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.
Ngoài ra, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân luôn là người làm “chủ”, mọi quyền bính đều thuộc về nhân dân, Chính phủ và các cơ quan nhà nước đều do dân bầu ra, là “đày tớ” của nhân dân. Nhân dân có quyền bầu ra và cũng có “quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình”(13). Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền bãi miễn đại biểu của nhân dân và Hiến pháp năm 1946 cũng hiến định quyền này là cơ sở cho một thể chế bầu cử tự do, tiến bộ, bảo đảm tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân.
Hoàn thiện pháp luật về bầu cử ở Việt Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về bầu cử và thực tế đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, có thể rút ra một số vấn đề trong hoàn thiện pháp luật bầu cử ở nước ta hiện nay:
Một là, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về bầu cử.
Số dư bầu cử càng cao thì càng bảo đảm quyền tự do lựa chọn của cử tri và tính cạnh tranh trong bầu cử. Ở nước ta, những năm gần đây, số lượng ứng cử viên cho một đơn vị bầu cử được tăng lên. Nhiều đơn vị bầu cử có 5 ứng cử viên để bầu 3, bầu đại biểu hội đồng nhân dân các cấp thì tỷ lệ có thể thấp hơn tùy nơi.
Các khóa gần đây, số lượng đại biểu tự ứng cử và trúng cử trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp cũng gia tăng. Số người tự ứng cử trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV là 154, trong đó có 11 người được lập danh sách chính thức và có 2 người trúng cử, chiếm tỷ lệ 0,4% tổng số người trúng cử. Trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, số người tự ứng cử là 77 người, trong đó có 9 người tự ứng cử được lập danh chính thức và 4 người trúng cử, chiếm tỷ lệ 0,8% tổng số người trúng cử, tăng gấp 2 lần so với khóa XIV. Thực tế đó cho thấy, hoạt động bầu cử của nước ta ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền tự ứng cử của công dân. Để tiếp tục mở rộng quyền tự do ứng cử của công dân, cần vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do bầu cử để tiến hành đổi mới các khâu liên quan đến việc thực hiện quyền tự do ứng cử của công dân, bảo đảm “kết hợp hài hòa giữa định hướng, cơ cấu với quyền ứng cử, quyền đề cử của công dân và các thể chế xã hội”(14).
Ban hành quy định về tổ chức các hoạt động vận động tranh cử của các ứng cử viên. Vận động bầu cử “được coi là linh hồn của các cuộc bầu cử cạnh tranh”(15), là cách thức hữu hiệu để cung cấp thông tin và góp phần hỗ trợ cử tri thực hiện sự lựa chọn của mình một cách sáng suốt. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “tự do tuyên truyền” là một phần không thể thiếu của bầu cử tự do. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, “các ứng cử viên đều thực hiện vận động tranh cử: tiểu sử các ứng cử viên kèm theo ảnh được đăng trên báo, các ứng cử viên được tiếp xúc cử tri để nói rõ chương trình hành động của mình; có khi, chỉ hai, ba ứng cử viên cũng tổ chức riêng một cuộc tiếp xúc; có những ứng cử viên tự tổ chức lấy các cuộc tiếp xúc”(16).
Hai là, cụ thể hóa quyền bãi miễn đại biểu của nhân dân.
Quyền bãi miễn là một nội dung của quyền bầu cử, là phương thức để nhân dân kiểm soát các đại biểu mình đã bầu. Về ý nghĩa chính trị và pháp lý, “chế độ bãi nhiệm đại biểu cũng quan trọng như chế độ bầu ra người đại biểu”(17), “công dân có quyền bầu cử mà không có quyền bãi nhiệm thì quyền bầu cử mang tính hình thức”(18). Trên cơ sở tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hiến pháp năm 1946 hiến định “nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra”, các bản hiến pháp sau đó cũng ghi nhận quyền này. Hiện nay, ngoài những quy định khái quát trong Hiến pháp năm 2013, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân (năm 2015), Luật Tổ chức Quốc hội (năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020, Luật Tổ chức Chính phủ (năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019), vẫn còn thiếu một số quy định cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả trên thực tế.
Để bảo đảm quyền bãi miễn của nhân dân được thực hiện tốt, cần xây dựng và ban hành luật riêng về bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp của cử tri hoặc quy định thành một phần trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân. Trong đó, xác định rõ ràng điều kiện, cơ chế, quy trình cử tri tiến hành bãi miễn đại biểu dân cử. Hoàn thiện các cơ chế để phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời thông qua các tổ chức này, nhân dân thực hiện quyền kiểm soát và bãi miễn các đại biểu khi cần thiết./.
----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 264
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 565
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 193, 1994
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 263
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 153
(7) Văn phòng Quốc hội: Kỷ yếu Hội thảo “Quá trình hình thành, phát triển và vai trò của Quốc hội trong sự nghiệp đổi mới”, Hà Nội, 2001, tr. 20
(8) Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946 - 1960), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, t. 1, tr. 61
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 328
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 168
(11), (12), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 565, 375, 375
(14) Phan Xuân Sơn: Hệ thống chính trị và một số vấn đề đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2012, tr. 402
(15) Vũ Văn Nhiêm: Giáo trình Bầu cử trong nhà nước pháp quyền, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2017, tr. 315
(16) Phan Xuân Sơn: “Thực trạng và giải pháp đổi mới công tác bầu cử ở nước ta”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 4 (97), tháng 4, 2007, tr. 5
(17), (18) Trần Ngọc Đường: Phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 117, 190
Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận chính trị với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ  (03/07/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển