Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
TCCS - Những năm qua, công tác quản lý thông tin, truyền truyền về vấn đề dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được đẩy mạnh, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trong thời gian tới, dự báo tình hình dân tộc, tôn giáo có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đòi hỏi cần có những giải pháp sát hợp, kịp thời nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn.
Những kết quả đạt được
Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Quảng Bình có diện tích tự nhiên hơn 8.000km2; 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố. Đồng bào các dân tộc thiểu số có hơn 27.000 người, gồm hai dân tộc Bru - Vân Kiều và dân tộc Chứt (chiếm khoảng 2,8% dân số của tỉnh). Ngoài ra, ở các xã miền núi vùng cao còn có các dân tộc thiểu số, gồm: Thổ, Mường, Tày, Ê-đê, Thái, Pa Cô, Giẻ-Triêng, Cao Lan,… nhưng với số dân không nhiều.
Quảng Bình có 2 tôn giáo là Công giáo và Phật giáo, trong đó Công giáo có hơn 112.000 người, tập trung chủ yếu ở 60 xã của 6 huyện, thành phố, thị xã; về tổ chức, có 2 giáo hạt, 35 giáo xứ, 94 giáo họ và 2 giáo điểm; có 49 linh mục và 1 dòng tu Mến Thánh giá Hướng Phương; 84 nhà thờ. Phật giáo có hơn 3.000 người; cơ sở thờ tự có 11 chùa. Nhìn chung, tư tưởng, tâm lý của đồng bào dân tộc thiểu số ổn định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hưởng ứng và tham gia đóng góp vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các cấp, các ngành tổ chức. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có ý thức và nỗ lực khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế, giảm nghèo, tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số được củng cố, kiện toàn. Đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Hoạt động của tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cơ bản thực hiện theo quy định của pháp luật, đa số tín đồ các tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, có ý thức tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Một số phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, tiêu biểu là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở địa bàn có tôn giáo tiếp tục được triển khai, góp phần vận động tín đồ các tôn giáo chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, phát huy các giá trị tích cực của tôn giáo, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh còn diễn ra một số vấn đề liên quan đến tôn giáo, như: Một số đối tượng cực đoan trong các tôn giáo lợi dụng các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, dịp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026… để gia tăng các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc tình hình; kêu gọi, kích động giáo dân “tẩy chay” bầu cử. Một số linh mục tiếp tục kêu gọi hiến, chuyển nhượng, lấn chiếm đất đai, mở rộng cơ sở thờ tự bất hợp pháp. Một số tà đạo tiếp tục hoạt động lén lút trên một số địa bàn…
Trong những năm qua, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, nhất là Nghị quyết số 24-NQ/TW và Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về công tác dân tộc và công tác tôn giáo; Kết luận số 57-KL/TW, ngày 3-11-2009, của Bộ Chính trị khóa X về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo; ban hành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc, vùng có đạo. Chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo, đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135), Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20-7-2004, của Thủ tướng Chính phủ, “Về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn”, Nghị Quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008, của Chính phủ, “Về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo”...
Nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, trong những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan có liên quan nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác dân tộc, tôn giáo; chỉ đạo các địa phương, đơn vị, cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân tộc, tôn giáo trong việc tập hợp, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo. Tuyên truyền, động viên đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và những chủ trương, chính sách của tỉnh; đồng thời, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh, nhất là tình hình dịch bệnh COVID-19, để đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, cực đoan lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và triển khai kịp thời, đồng bộ các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, như: Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 25-NQ/TW, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 219/QĐ-TTg, ngày 21-2-2019, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về công tác dân tộc, tôn giáo”; triển khai tuyên truyền các văn bản mới của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác dân tộc, tôn giáo, như: Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND, ngày 23-7-2021, “Quy định vai trò, trách nhiệm của người có uy tín và phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”; Quyết định số 1847/QĐ-UBND, ngày 23-6-2021, về “Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc giữa ban dân tộc với ủy ban nhân dân các huyện và các sở, ban, ngành cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”; Kế hoạch số 115/KH-UBND, ngày 22-1-2021, về “Triển khai thực hiện Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình kéo dài đến năm 2025”; qua đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí trong tỉnh, đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện tăng cường thời lượng, mở các chuyên trang, chuyên mục, xây dựng nhiều tin, bài, phóng sự đấu tranh, phản bác, vạch rõ động cơ của một số đối tượng cực đoan trong tôn giáo, các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo, dịch bệnh COVID-19, tình hình lũ lụt tại miền Trung để chống phá Đảng và Nhà nước, các dự án của tỉnh, nhất là trước thềm đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội XIII của Đảng. Ngoài ra, thông qua các hội nghị báo cáo viên, giao ban công tác tuyên giáo, giao ban báo chí, định hướng dư luận xã hội hằng tháng đã thường xuyên định hướng, hướng dẫn các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nắm bắt, phản ánh tình hình về tôn giáo.
Để góp phần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức điểm báo, theo dõi thông tin điện tử, thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội hằng ngày phục vụ lãnh đạo tỉnh và công tác xử lý thông tin báo chí, tránh xảy ra khủng hoảng truyền thông; tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và kỹ năng theo dõi, giám sát thông tin xấu, độc trên không gian mạng cho phóng viên báo chí, cán bộ làm công tác thông tin cơ sở. Đặc biệt, hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo cho đội ngũ phóng viên và cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo cấp cơ sở. Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan báo chí, truyền thông trong tỉnh có nhiều bài viết, phóng sự có chất lượng về công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn, góp phần tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và sự đồng thuận xã hội đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của chính quyền các cấp; khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo ngày càng được củng cố.
Công tác phối hợp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo được thực hiện khá hiệu quả. Trên cơ sở sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh theo dõi, giám sát, phản bác, xử lý thông tin sai sự thật, thông tin gây hoang mang trên các phương tiện truyền thông xã hội liên quan đến việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Trong năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an tỉnh xử lý 10 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên các phương tiện truyền thông xã hội liên quan đến dịch COVID-19, xử phạt hành chính gần 60 triệu đồng.
Mặc dù công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong tuyên truyền về công tác dân tộc, tôn giáo thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực; tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, công tác tuyên truyền, vận động tôn giáo, nhất là đối với các linh mục Công giáo của một số cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, hiệu quả chưa cao. Việc nắm bắt tình hình dư luận liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo đôi khi còn thiếu kịp thời. Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng số lượng tin, bài đấu tranh, phản bác các đối tượng cực đoan trong tôn giáo còn ít. Công tác phối hợp xử lý các đối tượng cực đoan trong tôn giáo vi phạm sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội còn gặp khó khăn. Hoạt động của ban công tác Mặt trận, chi đoàn, chi hội ở một số địa bàn Công giáo có nhiều bất cập, hạn chế, chưa làm tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào có tôn giáo.
Giải pháp nâng cao chất lượng quản lý thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo trong thời gian tới
Trong thời gian tới, các thế lực thù địch, phản động, chống đối tiếp tục gia tăng các hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, lợi dụng internet, nhất là các phương tiện truyền thông xã hội để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chống phá. Thủ đoạn chính của chúng là xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ, nói xấu cán bộ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng; triệt để lợi dụng những khó khăn, yếu kém, sơ hở trong công tác quản lý, điều hành các cấp chính quyền, vấn đề triển khai thực hiện các dự án kinh tế, vấn đề đất đai, môi trường,... để kích động tụ tập đông người, gây rối an ninh, trật tự, chống đối cấp ủy, chính quyền, gây mất ổn định tình hình chính trị. Hoạt động truyền đạo trái phép tiếp tục mở rộng ở một số vùng đô thị, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số hiện tượng “tôn giáo mới”, “đạo lạ” tiếp tục hoạt động, tuyên truyền lôi kéo tín đồ; trong đó đáng chú ý là Hội thánh Đức mẹ Chúa trời, Pháp luân công với chiêu bài “giúp phòng, chữa bệnh” sẽ tiếp tục gây ra nhiều vấn đề phức tạp đối với xã hội...
Tình hình trên đòi hỏi công tác quản lý thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo phải đổi mới về nội dung, hình thức. Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, yếu kém, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhất là phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo tỉnh trong việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác dân tộc, tôn giáo, nhất là Nghị quyết số 24-NQ/TW; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị, về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới” và Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-1-2011, của Chính phủ, “Về công tác dân tộc”; tập trung tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện lệch lạc, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và đời sống của nhân dân. Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh của tỉnh ở trong nước và thế giới. Công tác tuyên truyền phải từng bước được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng thời điểm nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội.
Hai là, nắm chắc tình hình dư luận trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là tại các địa bàn trọng điểm (địa bàn vùng giáo, nơi người dân chưa đồng thuận với triển khai thực hiện các dự án, khiếu kiện liên quan đến đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng…), kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm các điểm nóng, các vấn đề nhạy cảm liên quan đến vấn đề tôn giáo, bảo đảm ổn định chính trị, tư tưởng, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ba là, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, nhất là trong xây dựng cơ sở thờ tự, quản lý đất đai; tạo điều kiện để tôn giáo hoạt động theo đúng pháp luật của Nhà nước. Phối hợp giải quyết tốt các nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo; nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách về dân tộc, tôn giáo, xem đây là công việc quan trọng, cơ bản, thường xuyên, lâu dài. Các chính sách dân tộc, tôn giáo được xây dựng và ban hành phải là động lực trực tiếp thúc đẩy bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo và phát huy vai trò, tiềm năng của mỗi dân tộc, tôn giáo; qua đó, tạo sự đoàn kết, đồng thuận từ cơ sở và trong nội bộ nhân dân. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền để gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng dân tộc, tôn giáo.
Bốn là, tăng cường theo dõi, tổng hợp tình hình thông tin báo chí về dân tộc, tôn giáo; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, địa phương trong công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về công tác dân tộc, tôn giáo; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người sử dụng internet, các phương tiện truyền thông xã hội biết cách nhận diện thông tin tốt - xấu, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân khi tham gia trên không gian mạng. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc ứng phó với tin giả; kịp thời thông tin chính thống đến người dân. Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò nòng cốt trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo.
Năm là, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động trên không gian mạng; tổ chức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của những đối tượng cực đoan trong tôn giáo lợi dụng những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong phát triển kinh tế - xã hội, các vụ, việc vi phạm quy định pháp luật về đất đai, xây dựng. Tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí liên quan đến dân tộc, tôn giáo; phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, các địa phương để theo dõi thông tin, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để truyền đạo trái pháp luật, phát tán thông tin sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên không gian mạng, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn./.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình  (15/06/2022)
65 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ, tỉnh Quảng Bình phấn đấu sớm trở thành tỉnh phát triển khá ở khu vực Bắc Trung Bộ  (13/06/2022)
65 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ, tỉnh Quảng Bình phấn đấu sớm trở thành tỉnh phát triển khá ở khu vực Bắc Trung Bộ  (13/06/2022)
Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình  (13/06/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển