Kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nhân tố cơ bản bảo đảm thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta
TCCS - Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Việc làm rõ các nguyên nhân và nhân tố tác động, ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đưa đến những thành quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử, sẽ góp phần làm sâu sắc thêm cơ sở lý luận và thực tiễn vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bảo đảm thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
1- Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là vấn đề lý luận và thực tiễn sâu sắc, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”: “Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một đề tài lý luận và thực tiễn rất cơ bản, quan trọng, nội dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu rất công phu, nghiêm túc, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, khoa học”(1). “Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dường như không có gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng định. Nhưng từ sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt”(2). Đây là vấn đề đã, đang và tiếp tục được đặt ra trong các nước xã hội chủ nghĩa nói chung, cũng như ở nước ta nói riêng.
Sau năm 1954, miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì chưa có kinh nghiệm nào khác về chủ nghĩa xã hội, nên chúng ta mô phỏng theo mô hình Liên Xô, thiết lập hai hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, xóa bỏ thị trường tự do, thiết lập nền kinh tế hoạt động theo mô hình kế hoạch hóa tập trung dưới sự chỉ đạo thống nhất theo mệnh lệnh từ Trung ương. Mô hình ấy đã đạt được những thành tựu nhất định và tỏ ra phù hợp trong điều kiện chiến tranh, miền Bắc vừa là hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến miền Nam, vừa trực tiếp đánh trả chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng và thống nhất đất nước. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, chúng ta lại áp dụng mô hình đó cho miền Nam để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Những khuyết tật vốn có của mô hình chủ nghĩa xã hội cũ đã bộc lộ ra ngày càng rõ hơn, gay gắt hơn, đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đã thẳng thắn thừa nhận: “Chúng ta có khuyết điểm trong việc đánh giá tình hình cụ thể của đất nước, trong việc xác định mục tiêu và bước đi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”(3). Công cuộc đổi mới do Đại hội VI khởi xướng nhằm khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội, được bắt đầu từ việc nhận diện rõ và khắc phục những sai lầm trong cơ chế quản lý, mà trọng tâm là vấn đề quy mô của sự sở hữu, cụ thể như sau:
Thứ nhất, trước đây, chúng ta đã hiểu và vận dụng một cách giáo điều lý luận của C. Mác về chủ nghĩa xã hội. Lý luận của C. Mác chủ yếu nêu về bước quá độ trực tiếp từ một nước tư bản phát triển lên chủ nghĩa xã hội. Theo đó, ở những nước tư bản phát triển, sau khi cách mạng vô sản thành công, giai cấp vô sản chỉ cần xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, xác lập chế độ công hữu là quá độ ngay lên chủ nghĩa xã hội. Với ý nghĩa đó, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác và Ph. Ăng-ghen viết: “Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xoá bỏ chế độ tư hữu”(4). Trong khi đó, nước ta lại quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ nền sản xuất nhỏ, lạc hậu, trong một điều kiện, hoàn cảnh khác so với C. Mác, Ph. Ăng-ghen đã nêu, song chúng ta vẫn áp dụng cứng nhắc những nguyên lý của học thuyết Mác. Kết quả là, chúng ta đã rơi vào giáo điều khi vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chủ trương tiến hành xây dựng ngay nền kinh tế dựa trên chế độ công hữu thuần khiết, nên chúng ta đã không tạo ra được sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất, khi quan hệ sản xuất có những yếu tố vượt quá xa so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất (như Văn kiện Đại hội VI của Đảng đã chỉ rõ). Cũng chính vì vậy, chúng ta không những không có được chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng của C. Mác; mà trái lại, còn đưa đất nước rơi vào tình trạng trì trệ, chậm phát triển, thậm chí có thời điểm còn khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội.
Thứ hai, giai đoạn trước năm 1986, chúng ta đã tuyệt đối hóa vai trò của kiến trúc thượng tầng trong xây dựng các quan hệ sở hữu. Chủ yếu dùng mệnh lệnh hành chính để thực hiện quá trình tập trung hóa, xã hội hóa một cách hình thức, phi kinh tế; hành chính hóa cao độ các quan hệ kinh tế; xóa bỏ nhanh các hình thức sở hữu phi xã hội chủ nghĩa. Sự tác động của thể chế chính trị không ăn khớp với sự vận động của nền kinh tế, của các quy luật kinh tế, làm cho nền kinh tế không phát triển được, rơi vào tình trạng trì trệ, bế tắc, kém hiệu quả.
Thứ ba, sai lầm của việc thiết lập chế độ sở hữu công cộng trước đây là công hữu hóa, tập thể hóa cao độ, thoát ly khỏi tính tất yếu kinh tế - kỹ thuật, khỏi nền sản xuất hàng hóa. Điều đó làm cho chế độ sở hữu mới chỉ có tính pháp lý, chứ chưa bao hàm được nội dung kinh tế. Chúng ta đã đồng nhất chủ nghĩa xã hội với quốc doanh hóa, tập thể hóa, chủ trương tiến hành xóa bỏ mọi thành phần kinh tế khác, bất chấp những tiền đề kinh tế - xã hội có cho phép hay không. Vì chỉ còn một chủ thể sản xuất, nên đương nhiên dẫn đến chỉ còn chế độ quản lý theo kiểu tập trung quan liêu với đặc trưng cơ bản là cấp phát vật tư, giao nộp sản phẩm theo kế hoạch mà không tính đến hiệu quả. Trong những quan niệm và cơ chế đó dĩ nhiên sẽ không có chỗ cho quan hệ hàng hóa tiền tệ, không thừa nhận sản xuất hàng hóa.
Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ở nước ta thời kỳ trước đổi mới, cũng như sự thoái trào của hệ thống xã hội chủ nghĩa trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nhân tố; nhưng có nguyên nhân cơ bản là “đồng nhất mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội với nhiệm vụ của giai đoạn trước mắt; nhấn mạnh một chiều quan hệ sản xuất, chế độ phân phối bình quân, không thấy đầy đủ yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ, không thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế; đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản; đồng nhất nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản”(5).
2- Để đưa nền kinh tế - xã hội nước ta thoát khỏi tình trạng trì trệ, bế tắc, chúng ta đã học tập tinh thần của V.I. Lê-nin, nghiêm túc đánh giá, nhận thức lại, đổi mới các quan hệ sở hữu, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở đa dạng hóa các hình thức sở hữu. Chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển đổi xã hội đúng hướng, thực hiện khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cho đến nay, mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhưng chúng ta đã hình thành nhận thức tổng quát: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(6).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới ở Việt Nam từng bước thành công và cho đến nay, chúng ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thành tựu rực rỡ nhất, trước hết là kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, xã hội có nhiều thay đổi tiến bộ, đất nước tăng thêm vị thế trên trường quốc tế và “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới cho thấy những chuyển đổi rõ rệt, thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, chuyển đổi từ mô hình “tập trung quan liêu bao cấp”, mô hình “phân phối mang nặng tính bình quân” sang mô hình “quan hệ hàng hóa - tiền tệ”, xây dựng và phát triển “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, vừa phân phối theo lao động, theo vốn, hiệu quả kinh doanh, vừa theo hướng bảo đảm phúc lợi xã hội và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Thứ hai, chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ bao gồm hai thành phần kinh tế là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể sang nền kinh tế gồm nhiều thành phần kinh tế, đa dạng hình thức sở hữu.
Thứ ba, chuyển đổi từ nền kinh tế khép kín, đóng cửa sang nền kinh tế mở cửa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung.
Thứ tư, chuyển đổi từ hình thức Nhà nước chuyên chính vô sản sang hình thức Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; tăng cường sinh hoạt dân chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; chuyển đổi hình thức tập hợp quần chúng nhân dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội còn mang nặng tính hành chính sang nhiều đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở, rất phong phú, đa dạng, hài hòa các lợi ích chính đáng khác nhau.
Thực tiễn sự chuyển đổi trên đây diễn ra trong cả quá trình đổi mới hơn 35 năm qua, từ “điểm” đến “diện” rộng, từ thấp đến cao, từ lượng sang chất, như từ chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế đã mở rộng ra thành hội nhập quốc tế nói chung, từ thừa nhận và khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, đến khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế…
Những nhân tố tác động, ảnh hưởng đến những quá trình chuyển đổi sâu sắc trên bao gồm:
Thứ nhất, quá trình đổi mới tư duy trong lãnh đạo, quản lý.
Trước hết, Đảng ta không ngừng đổi mới về tư duy, nhận thức trên cơ sở sự kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin được Đảng xác định là nền tảng tư tưởng của Đảng và toàn xã hội; khắc phục những sai lầm, khuyết điểm trong tư duy giáo điều về chủ nghĩa xã hội trước đây. Chúng ta đã nhận thức đúng đắn hơn về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là xuất phát điểm của nước ta, từ một nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển. Đó là một thời kỳ lịch sử đặc biệt, lâu dài, với những hình thức kinh tế quá độ, những “mắt xích” trung gian để hiện thực hóa dần, tiến từng bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Những thay đổi nhận thức lý luận về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là sản phẩm, thành quả trực tiếp của đổi mới tư duy. Đồng thời, chúng ta cũng gắn chặt chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội; không hy sinh, đánh đổi môi trường, công bằng xã hội để đổi lấy kinh tế…
Thứ hai, phát huy dân chủ rộng rãi trong mọi sinh hoạt xã hội.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”(7). Ngày nay, dân chủ là nhu cầu chính trị, giá trị văn hóa, văn minh của toàn nhân loại. Ở Việt Nam, dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình đổi mới, là bản chất của chế độ chính trị và của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới luôn gắn liền với sự tôn trọng và phát huy dân chủ, cùng những sáng kiến, sáng tạo của nhân dân. Dân chủ trong Đảng là hạt nhân để lan tỏa và thực hành rộng rãi, thực chất dân chủ trong toàn xã hội.
Thứ ba, vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa”(8). Trước hết, sự lãnh đạo đúng đắn đó thể hiện ở chỗ Đảng biết khơi dậy, lắng nghe những sáng kiến từ địa phương, cơ sở và của nhân dân, định hướng kịp thời những hoạt động sáng tạo của nhân dân hướng tới mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng thể hiện rõ trong việc xác định được đường lối đổi mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Theo đó, Đảng tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, nhưng xác định rõ trọng tâm, trọng điểm và cách làm, bước đi phù hợp; vừa tiến hành đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, vừa tiến hành đổi mới trên tất cả các lĩnh vực khác. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng còn thể hiện ở việc Đảng ta thẳng thắn nhận ra những sai lầm, khuyết điểm của mình, đúc rút những bài học kinh nghiệm, kịp thời sửa chữa để có những quyết sách đúng đắn; sáng suốt, nhận diện được rõ cơ hội và thách thức, lãnh đạo nhân dân tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, luôn luôn kiên định đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa…
Các nhân tố trên có quan hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau, trong đó, vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.
----------------
(1), (2), (5), (6), (7), (8) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, số 966, tháng 5-2021, tr. 3, 3 - 4, 7, 9, 10
(3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 47, tr. 547
(4) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 616
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển