Phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Thực trạng và khuyến nghị chính sách
TCCS - Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung được thành lập cách đây hơn 24 năm, với mục tiêu sẽ trở thành động lực, đầu tàu cho sự phát triển của các tỉnh, thành phố miền Trung, góp phần quan trọng vào sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng sự phát triển và đóng góp của vùng KTTĐ này còn hạn chế. Để đưa vùng KTTĐ miền Trung phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, cần có những giải pháp tổng thể và đồng bộ.
Tiềm năng và thế mạnh
Vùng KTTĐ miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định(1); có diện tích tự nhiên 27.881,7km2, chiếm 8,45% diện tích cả nước, đứng thứ hai trong bốn vùng KTTĐ; năm 2020, dân số khoảng 6,55 triệu người, bằng 7,0% dân số cả nước, đứng thứ ba trong bốn vùng KTTĐ của cả nước(2). Đây là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đối với cả khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung.
Vùng KTTĐ miền Trung có chiều dài đường bờ biển khoảng 600km, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển. Tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập với thị trường quốc tế là rất lớn. Đây còn là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, là bệ đỡ, cầu nối cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Vùng còn có trên 80 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, nhiều bãi biển đẹp nhất Việt Nam và một số hệ sinh thái điển hình, như đầm phá, vùng cát, san hô; đặc biệt, có 3/8 di sản văn hóa thế giới và 1/9 khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam. Đó là những điều kiện lý tưởng để phát triển ngành du lịch, thuận lợi cho những ngành, nghề kinh doanh bất động sản, các khu nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp ven biển,...
Tài nguyên khoáng sản của vùng rất phong phú. Ngoài các khoáng sản kim loại, như ti-tan phân bố gần như ở tất cả các tỉnh, nhất là ở Bình Định, vàng sa khoáng, sắt, nhôm, đá gra-nít..., thì vùng còn có các mỏ sa khoáng của các nguyên tố hiếm, vật liệu xây dựng, các mỏ dầu khí và nguồn năng lượng gió rất quan trọng.
Về hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, toàn vùng hiện có 4 sân bay(3) (3 sân bay quốc tế), trong đó cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là một trong ba cảng hàng không quốc tế lớn của Việt Nam. Vùng có hệ thống cảng biển khá dày đặc, trong đó có nhiều cảng biển quan trọng, như: cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng, Tiên Sa, Liên Chiểu (Đà Nẵng), Kỳ Hà (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định)..., tạo nên hệ thống cảng biển phục vụ phát triển kinh tế vùng và hình thành con đường huyết mạch trên biển thông thương ra thế giới.
Hạ tầng công nghiệp trong vùng cũng phát triển về số lượng với 4 khu kinh tế ven biển (cả nước có 17 khu kinh tế ven biển), 1 khu công nghệ cao Đà Nẵng (cả nước có 3 khu công nghệ cao) và 19 khu công nghiệp (nằm ngoài các khu kinh tế) đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, triển khai thực hiện và đang kêu gọi đầu tư (cả nước có 326 khu công nghiệp).
Sự nỗ lực riêng lẻ của các địa phương trong vùng trong những thập kỷ qua đã biến vùng đất nghèo khó trước đây từng bước phát triển. GRDP của vùng (theo giá hiện hành) năm 2020 là 427 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 6,8% so với cả nước. Nếu không xem xét tác động của đại dịch COVID-19, thì GRDP của vùng năm 2019 là 433,6 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 7,2% so với cả nước. GRDP bình quân đầu người của vùng năm 2019 đạt 66,9 triệu đồng, tương đương với bình quân chung của cả nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đều duy trì ở mức cao qua mỗi giai đoạn. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2006 - 2010(4), 2011 - 2015 và 2016 - 2019 lần lượt là 11,3%/năm, 9,3%/năm và 6,9%/năm, trong khi đó, mức bình quân cả nước lần lượt là 7,01%/năm, 5,9%/năm và 6,7%/năm.
Khó khăn và bất lợi
Là một vùng KTTĐ của cả nước, nhưng do xuất phát điểm thấp và tồn tại nhiều bất lợi trong phát triển, nên đến nay vùng KTTĐ miền Trung mới chỉ đạt mức tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn (GRDP/người) tương đương với mức bình quân đầu người (GDP/người) của cả nước. Bên cạnh đó, địa hình dốc, hẹp, địa thế trải dài, phía Tây là dãy Trường Sơn, hệ thống sông ngòi ngắn và dốc, thường xuyên bị thiên tai, bão, lũ cũng là một trở lực rất lớn đối với sự phát triển của vùng.
Vùng KTTĐ miền Trung đang được xem là “vùng trũng” phát triển so với vùng KTTĐ Bắc Bộ và vùng KTTĐ phía Nam; trong đó, ba khía cạnh của phát triển vùng, bao gồm mật độ, khoảng cách, sự chia cắt; cùng với các tác lực thị trường là sự tích tụ, di cư và chuyên môn hóa cũng như các công cụ liên quan đến phát triển đô thị, phát triển lãnh thổ và hội nhập vùng là những vấn đề cần phải quan tâm.
Thứ nhất, mật độ kinh tế(5) của vùng KTTĐ miền Trung năm 2019 là 15,4 tỷ đồng/km2, trong đó dẫn đầu là Đà Nẵng với mật độ 86,2 tỷ đồng/km2, gấp gần 6 lần so trung bình toàn vùng và gấp 9 lần so với tỉnh thấp nhất là Quảng Nam. Nhưng trừ thành phố Đà Nẵng, các tỉnh còn lại đều thấp hơn(6) so với mật độ chung của cả nước (18,2 tỷ đồng/km2). Mức độ chênh lệch rất lớn giữa các tỉnh trong vùng, giữa các tỉnh trong vùng với trung tâm vùng là một bất lợi lớn trong quá trình xây dựng định hướng và các chính sách phát triển chung đối với vùng, gia tăng sự phức tạp của chính sách vùng, khó bảo đảm tính thống nhất.
Thứ hai, lãnh thổ trải rộng và địa hình phức tạp cản trở tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đặc biệt là kết nối giao thông đường bộ; còn thiếu hệ thống giao thông liên vùng hiện đại, các tuyến đường cao tốc, các đường trục ngang nối với miền núi và Tây Nguyên. Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nhìn chung còn chưa đồng bộ.
Thứ ba, thực tế vùng KTTĐ Bắc Bộ có Thủ đô Hà Nội là hạt nhân tạo sự phát triển lan tỏa chung cho cả vùng; vùng KTTĐ phía Nam có Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò hạt nhân phát triển; thì vùng KTTĐ miền Trung chưa có địa bàn nào phát triển thật sự mạnh nhằm tạo được sức lan tỏa chung, “tính vùng” không lấn át được “tính địa phương” dẫn đến chưa khai thác được các lợi thế ven biển của cả vùng(7). Mặt khác, sự di chuyển lao động trẻ, lao động có đào tạo từ miền Trung đến miền Đông Nam Bộ trong những năm qua và vẫn đang tiếp diễn là thách thức đối với sự phát triển của vùng.
Thứ tư, xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương thấp, quy mô kinh tế chưa lớn, tích lũy đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư chưa cao. Nguồn vốn đầu tư mới đáp ứng một phần yêu cầu phát triển, nhất là yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng. Tỷ lệ lao động lành nghề, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thấp; thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao. Hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, ít khả năng vươn tầm quốc tế; chủ yếu mới tham gia vào một số công đoạn của mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đến nay, toàn vùng có gần 60 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm gần 6,8% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước (năm 2020 cả nước có trên 873 nghìn doanh nghiệp); trong đó Đà Nẵng có số doanh nghiệp cao nhất (31 nghìn doanh nghiệp), chiếm gần 54% số doanh nghiệp của toàn vùng. Tuy chiếm hơn 8,6% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước, nhưng khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn vùng chỉ chiếm hơn 5,3% tổng vốn đăng ký của cả nước (chỉ tính các dự án FDI còn hiệu lực).
Thứ năm, quy hoạch phát triển vùng KTTĐ miền Trung lập năm 2014 có mục tiêu tăng trưởng cao thông qua đẩy mạnh công nghiệp hóa và đô thị hóa. Mặc dù tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng cao hơn mức trung bình cả nước, nhưng với quy mô nền kinh tế nhỏ, xuất phát điểm thấp đã gây khó khăn cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài. Sự gia tăng dân số chung và dân số đô thị nói riêng cũng không đạt mục tiêu đề ra của quy hoạch.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chênh lệch lớn giữa mục tiêu và thực tế triển khai quy hoạch tổng thể phát triển vùng KTTĐ miền Trung lập năm 2014, như việc thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng chậm dẫn đến tình trạng nhiều dự án xây dựng dở dang và ít dự án đã hoạt động; mục tiêu tổng thể chưa rõ ràng, chưa xác định được chiến lược trọng tâm; chưa làm rõ tính phù hợp của các dự án quy mô lớn được đề xuất dựa trên cơ sở xem xét quỹ đất hạn chế và tính phù hợp đầu tư trong tổng thể vùng,... Tuy nhiên, từ kết quả rà soát quy hoạch cho thấy, việc quy hoạch chưa thực sự mang lại hiệu quả cần thiết.
Thứ sáu, mặc dù từ lâu đã xác định không gian vùng KTTĐ, nhưng cơ bản cho đến nay vẫn phát triển theo tư duy kinh tế địa phương và đã xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng do sự thiếu liên kết trong phát triển. Cơ chế điều phối, liên kết phát triển vùng đã được ban hành (như Ban chỉ đạo, Hội đồng vùng...), nhưng chưa mang lại nhiều kết quả.
Hoạt động hợp tác của các địa phương trong vùng chủ yếu mới tích cực ở lĩnh vực kinh tế theo kiểu “tận thu” những lợi thế sẵn có, ngắn hạn, mang tính thời vụ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, giúp đỡ đào tạo cán bộ, chưa chuyển mạnh sang các bước thực hiện theo dự án, đề án cụ thể. Nhiều nội dung hợp tác chưa được thực hiện đầy đủ, như việc liên kết xây dựng sản phẩm du lịch chung, đào tạo nguồn nhân lực,... Tính liên kết, tính đồng bộ về kết cấu hạ tầng giữa các tuyến giao thông liên vùng, như các tuyến vành đai, các tuyến hướng tâm, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế chưa cao. Tỷ lệ đảm nhận giữa các phương thức vận tải còn chưa cân đối (vận tải bằng đường bộ là chủ yếu). Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cơ chế ra quyết định và điều phối liên kết giữa các địa phương. Bởi vậy, trong nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách cần làm rõ thể chế quản trị liên kết vùng gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể.
Ngoài ra, do chậm thực hiện đồng bộ và hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X, “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, nên lợi thế của vùng chưa được khai thác tương xứng.
Một số khuyến nghị
Thứ nhất, cần sự chủ động hợp tác của các địa phương trong vùng. Tiềm năng của vùng KTTĐ miền Trung còn rất lớn, yếu tố quyết định cho sự phát triển của các vùng là những thể chế có tính đột phá, cho phép khai thác được những tiềm lực này một cách hiệu quả, làm nổi bật lẫn nhau thay vì cạnh tranh lẫn nhau.
Để làm được điều này, các địa phương trong vùng cần sự thống nhất về mặt chủ trương, kinh phí và có đầu mối cụ thể để tính toán giải pháp phối hợp hằng năm, đưa ra các hướng, cách thức xử lý tốt nhất và tương tự nhau cho mỗi vấn đề phát sinh, từ đó tạo thành không gian kinh tế thống nhất, hạn chế các vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương. Ở mỗi tỉnh, thành phố, các cơ quan lãnh đạo, quản lý phải hình thành, trao đổi các bản tin, chương trình hoạt động, đặc biệt là báo cáo về các chủ đề doanh nghiệp quan tâm, thúc đẩy quá trình hợp tác công tư, cùng nhau giải quyết các vấn đề không nhất quán. Đây là điều mà hiện nay vẫn chưa thấy trong kế hoạch triển khai ngành du lịch của từng tỉnh, thành phố miền Trung; chưa kể đến các ký kết hợp tác phát triển du lịch nội vùng, liên vùng.
Trong quá trình liên kết, để tìm được tiếng nói chung giữa các địa phương là một thực tế khó khăn; hơn nữa, giải pháp phát triển vùng có nhiều, song vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào. Cơ chế giám sát, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành là không đủ để giải quyết các bất cập này, mà quyết tâm chính trị của lãnh đạo các tỉnh, thành phố thuộc vùng KTTĐ miền Trung mới đóng vai trò quyết định. Cần xem xét ưu tiên và chú trọng trước hết là tổ chức một cơ quan quản trị cấp vùng có khả năng thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối liên kết phát triển vùng nói chung và phát triển du lịch vùng nói riêng.
Thứ hai, sớm giải quyết vấn đề cân bằng giữa thực lực và chức năng của Hội đồng vùng. Về tổ chức bộ máy, Hội đồng vùng hiện tại chủ yếu làm việc theo cơ chế kiêm nhiệm, rất cần thành lập thêm các bộ phận giúp việc chuyên nghiệp có nhiệm vụ tư vấn để Hội đồng vùng đưa ra những quyết sách hiệu quả. Thực tế, chỉ riêng việc thực hiện nhiệm vụ quản lý trên địa bàn đã chiếm phần lớn thời gian của các cán bộ, nhân viên tổ điều phối cấp tỉnh.
Do đó, ngoài các thành viên là đại diện ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng, ủy viên của Hội đồng vùng cần bổ sung đội ngũ tư vấn, chuyên gia, đặc biệt là các doanh nghiệp, sẽ giúp cho việc huy động sự đóng góp tài chính của doanh nghiệp trở nên thuận lợi hơn. Trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn eo hẹp, việc huy động nguồn đóng góp từ các tổ chức ngoài nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, của vùng nói riêng.
Truớc mắt, khi cơ cấu tổ chức của Hội đồng vùng chưa được hoàn thiện đầy đủ, cần chủ động sớm thành lập các bộ phận có chức năng tư vấn. Đây là bộ phận giúp việc chuyên nghiệp bao gồm các chuyên gia có uy tín, trình độ, có tư cách độc lập. Tổ tư vấn có trách nhiệm kiến nghị lên Hội đồng vùng các vấn đề phát triển vùng: 1- Thực hiện các nghiên cứu độc lập và tư vấn chính sách quan trọng cho Hội đồng vùng; 2- Phản biện các văn bản quy hoạch, chiến lược, chính sách của Ban chỉ đạo điều phối ở cấp Trung ương; 3- Đánh giá kết quả thực hiện dự án liên kết trong vùng hằng năm; 4- Tư vấn các nội dung, phương thức, cơ chế liên kết. Điểm đặc biệt thể chế ở đây là Tổ tư vấn phát triển có quyền báo cáo và kiến nghị trực tiếp lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (độc lập với Hội đồng vùng) về các vấn đề phát triển vùng, đặc biệt là trong những vấn đề gây xung đột phát triển giữa các địa phương hoặc các quyết định phát triển không bảo đảm hài hòa lợi ích phát triển cấp vùng so với lợi ích địa phương - cục bộ. Tổ tư vấn có thể hình thành và giải thể theo nhiệm vụ tư vấn mà Hội đồng vùng yêu cầu.
Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch, trong đó xác định biển là trung tâm để tính toán quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, triển khai xác định khung phát triển chiến lược cho toàn vùng, xác định những ưu tiên đầu tư để phát triển đồng bộ và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt ưu tiên phát triển hệ thống logistic; hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối Bắc - Nam và hệ thống đường ngang Đông - Tây kết nối liên thông các cảng biển và các tỉnh ven biển với vùng Tây Nguyên.
Đồng thời, cụ thể hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng thành 4 chương trình mục tiêu trên quy mô vùng: 1- Chương trình phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nguyên liệu nông - lâm - ngư nghiệp; 2- Chương trình phát triển hạ tầng giao thông gắn với logistic; 3- Chương trình phát triển du lịch vùng bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu; 4- Chương trình phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trên cơ sở đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế vùng gắn với thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Thứ tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối vùng gắn với phát triển Tây Nguyên. Tuy hạ tầng trong vùng đã được cải thiện đáng kể, nhưng chủ yếu vẫn dựa vào sự nỗ lực của từng địa phương, chưa có sự phát triển theo hướng liên kết phát triển vùng nhằm chuyển thế mạnh kinh tế địa phương sang khai thác lợi thế toàn vùng theo quy hoạch vùng. Trong giai đoạn 10 năm tới, cần ưu tiên một số công trình hạ tầng giao thông: 1- Mở thêm các đường bay đón khách quốc tế với vai trò trung tâm của cảng hàng không Đà Nẵng; phối hợp đề xuất và khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển cảng hàng không trung chuyển hàng hóa của khu vực tại khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) với hệ thống nhà ga hàng hóa công suất 5 triệu tấn/năm; 2- Triển khai các hợp phần đầu tư để cảng Đà Nẵng trở thành cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, đặc biệt khi bến Liên Chiểu đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại IA). Cảng Chu Lai và Chân Mây thực hiện vai trò hỗ trợ chức năng cửa ngõ của vùng KTTĐ miền Trung, cảng Quy Nhơn gắn với vai trò liên kết các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, hàng quá cảnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan; 3- Tập trung phối hợp đề xuất bố trí vốn và triển khai xây dựng đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đang trong quá trình hoàn thiện đoạn La Sơn - Túy Loan, cần sớm triển khai tuyến Cam Lộ - La Sơn, Quảng Ngãi - Bình Định). Phối hợp kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ 40B nối Quảng Nam với Kon Tum, quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi với Măng Đen (Kon Tum), quốc lộ 19 nối Bình Định với Gia Lai để kết nối hai tỉnh Tây Nguyên vào sự liên kết kinh tế với vùng KTTĐ miền Trung, từ vùng nguyên liệu đến các khu công nghiệp chế biến, từ nguồn hàng đến bến cảng; 4- Hình thành cao tốc và tuyến đường ven biển chạy song song với tuyến quốc lộ 1A sẽ có nhiều đường ngang để kết nối các tuyến này, do đó các tỉnh trong vùng cần chủ động nghiên cứu đầu tư xây dựng các tuyến đường ngang kết nối hợp lý tại từng địa phương.
Thứ năm, các tỉnh, thành phố trong vùng chủ động huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, tạo ra liên kết vùng. Hội đồng vùng xem xét việc tái thành lập Quỹ phát triển vùng, từ nguồn đóng góp của các tỉnh và huy động cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động triển khai nhiệm vụ điều phối phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại cho một số tỉnh, thành phố lớn, có vai trò làm đầu tàu kéo tăng trưởng kinh tế của cả nước. Cần nghiên cứu tỷ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương bảo đảm tương ứng với vai trò đóng góp của ngân sách từng tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ miền Trung đối với ngân sách Trung ương, tạo động lực và nguồn lực cho các địa phương trong vùng tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội./.
---------------------------
(1) Vùng được thành lập vào ngày 29-11-1997, bao gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi). Ngày 13-8-2004, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg, “Về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”, vùng được mở rộng thêm tỉnh Bình Định trở thành vùng KTTĐ miền Trung như hiện nay
(2) Niên giám thống kê năm 2020
(3) Gồm: Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), Phù Cát (Bình Định)
(4) Giai đoạn trước năm 2010 tính theo giá so sánh năm 1994. Giai đoạn sau năm 2010 tính theo giá so sánh năm 2010
(5) Theo quan điểm địa - kinh tế mới, mật độ kinh tế là một khái niệm phản ánh quy mô, hiệu quả hoạt động kinh tế và độ hấp dẫn kinh tế của các vùng địa lý; được tính bằng tổng sản phẩm trong nước/tổng sản phẩm trong vùng chia cho diện tích của cả nước/của vùng; đơn vị tính là GDP/km2 hoặc GRDP/km2
(6) Mật độ kinh tế các tỉnh, thành phố lần lượt là: Đà Nẵng (86,2 tỷ đồng/km2); Quảng Ngãi (17,2 tỷ đồng/km2); Bình Định (13,6 tỷ đồng/km2); Thừa Thiên Huế (10,5 tỷ đồng/km2); Quảng Nam (9,3 tỷ đồng/km2)
(7) Nhìn chung, vùng có quy mô diện tích lớn, hình thể dài nên gặp nhiều bất lợi trong các hoạt động liên kết toàn vùng. Trong phạm vi bán kính 100km chỉ có đô thị Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, các đô thị khác ít chịu sức hút của thành phố Đà Nẵng, trung tâm của vùng dẫn đến các liên kết nội vùng rất yếu
(8) Năm 2020 là năm đặc thù, tác động đến chuỗi dữ liệu, nhưng không phản ánh bản chất phát triển của giai đoạn
Tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh  (16/03/2022)
Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của các hợp tác xã ở Việt Nam  (06/03/2022)
Kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam  (05/03/2022)
Liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong quy hoạch phát triển vùng  (05/02/2022)
Phát triển sản phẩm và dịch vụ văn hóa ở nước ta hiện nay  (13/12/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển