Những vấn đề cơ bản về đổi mới quản trị quốc gia ở nước ta hiện nay
TCCS - Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là chủ trương lớn của Đảng, đặt ra những yêu cầu khách quan về đổi mới thể chế quản trị, tư duy, nhận thức, vị trí, vai trò của các chủ thể..., đồng thời cần tham khảo, tiếp thu chọn lọc những kinh nghiệm tốt của thế giới trên cơ sở phù hợp với truyền thống, lịch sử, chế độ chính trị, bản sắc văn hóa và đặc điểm kinh tế - xã hội của nước ta.
Quản trị và quan niệm về quản trị quốc gia
Quá trình hình thành khái niệm quản trị quốc gia
“Quản trị” là một khái niệm có từ thời cổ đại. Theo tiếng Hy Lạp, “quản trị” có nghĩa là “κυβερνάω” (kubernáo). Trong tiếng La-tinh, quản trị là “gubernare”. Hai từ “κυβερνάω” và “gubernare” dịch sang tiếng Anh là “steer” đều có nghĩa là dẫn lái, điều khiển. Danh từ “quản trị” (governance) xuất hiện lần đầu tiên trong Từ điển tiếng Anh The Oxford English Dictionary năm 1380. Trong một số ngữ cảnh, “quản trị” (governance) được sử dụng giống như từ “government” - với nghĩa thông thường là sự cai trị, sự thống trị và chính phủ. Trên thực tế, “governance” và “government” là hai từ có chung gốc rễ, nhưng không hoàn toàn giống nhau về ngữ nghĩa. “Governance” là khái niệm liên quan đến lĩnh vực kinh tế, hành chính, quản lý, còn “government” thì gắn với nhà nước, chính trị và quyền lực. “Cho đến những năm 1970 thì “quản trị - governance” vẫn thường được sử dụng hoán đổi, cùng nghĩa với “cai trị - government”(1). Tuy nhiên, trong tiếng Anh, hai thuật ngữ này có thể được phân biệt bằng câu: “Governance is what a government does” (Quản trị là những gì mà chính phủ thực hiện).
Từ một khái niệm còn sơ khai thời cổ đại, theo tiến trình phát triển của xã hội, quản trị xuất hiện trong nhiều thiết chế ở các cấp độ, quy mô khác nhau, như quản trị doanh nghiệp, quản trị địa phương, quản trị quốc gia... Bên cạnh xu thế phát triển, sự xuất hiện của các mô hình quản trị còn do những yêu cầu cụ thể của từng tổ chức. Cùng chung một nghĩa gốc, nên giữa các thiết chế quản trị có quan hệ với nhau và ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau. Sự xuất hiện của quản trị quốc gia là một xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển khách quan của xã hội và thời đại. Đây là một phương thức mới về quản lý, điều hành xã hội.
Lý thuyết quản trị quốc gia chịu ảnh hưởng nhất định của mô hình “quản trị doanh nghiệp” (corporate governance - CG) ra đời trước đó. Quản trị doanh nghiệp ra đời do những yêu cầu mới về phương thức, mô hình quản lý tại các công ty cổ phần, được thành lập vào thế kỷ XVI - XVII ở Anh, Mỹ. Việc xuất hiện của công ty cổ phần là sự phản ánh một quy luật phát triển khách quan trong lĩnh vực doanh nghiệp nói chung. Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của các công ty, năm 1844, Anh ban hành Luật Công ty cổ phần. Quản trị doanh nghiệp là mô hình có thể bảo đảm quyền của các cổ đông thiểu số, tăng tính minh bạch và hiệu quả hoạt động của công ty theo hình thức cổ phần. Năm 1976, thuật ngữ “quản trị doanh nghiệp” chính thức xuất hiện trên Công báo Liên bang Mỹ. Quản trị doanh nghiệp có ảnh hưởng đáng kể đến quá trình hình thành mô hình quản trị ở các thiết chế xã hội khác nhau, như địa phương, quốc gia, toàn cầu... “Đó là xu hướng đòi hỏi các thể chế công quyền hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, đề cao tính hiệu quả…”(2).
Thuật ngữ “quản trị quốc gia” (governance) xuất hiện lần đầu tiên năm 1989, trong Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB). Khái niệm này ra đời trên cơ sở kế thừa và phát triển của lý thuyết “quản lý công mới” (New Public Management - NPM). Nhìn lại bối cảnh ra đời cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hình thành khái niệm “quản trị quốc gia”. Cùng với xu thế phát triển của quản trị, với nhiều mô hình khác nhau, việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở Anh, Mỹ,... đầu thập niên 70 của thế kỷ XX là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc hình thành khái niệm “quản trị quốc gia”. Việc điều chỉnh này cũng nhằm đáp ứng những đòi hỏi về hiệu quả hoạt động của nhà nước từ phía công chúng. Mặt khác, với mong muốn khắc phục tình trạng “quản trị tồi” (bad governance), độc đoán, thiếu minh bạch, các tổ chức quốc tế, như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP),… đưa ra một số điều kiện trong việc cung cấp viện trợ đối với các chính phủ. Các tổ chức này cũng đưa ra những điều kiện ràng buộc, như đổi mới hệ thống quản trị công, tự do hóa nền kinh tế,... trong việc nhận viện trợ chính thức với các quốc gia đang phát triển… Về bản chất, đây là quá trình chuyển đổi từ phương thức quản lý nhà nước truyền thống kém hiệu quả sang phương thức quản trị quốc gia hiệu quả hơn.
Quan niệm về quản trị quốc gia
Sau khi WB đưa ra thuật ngữ “quản trị quốc gia”, trên thế giới xuất hiện một trào lưu nghiên cứu về quản trị. Các tổ chức, định chế quốc tế, như UNDP, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hội đồng Quản trị Toàn cầu (CGG), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Viện Nghiên cứu quản trị (IOG), Liên minh châu Âu (EU), các nhà nghiên cứu Rô-đơ-rích A-thơ Uy-li-am Rô-đét, Giêm En Rốt-nâu, Gô-ran Hy-đen,… đưa ra nhiều quan điểm, định nghĩa khác nhau về vấn đề này. Quản trị quốc gia là một lý thuyết được hình thành trên cơ sở xã hội và truyền thống phương Tây, do vậy nó có sự khác biệt nhất định về nền tảng chính trị - xã hội so với một số quốc gia ở khu vực châu Á, châu Mỹ La-tinh... Trên thực tế, các tổ chức, định chế quốc tế,… cũng có những quan niệm khác nhau về vấn đề này.
CGG định nghĩa: Quản trị quốc gia là sự tập hợp của nhiều cách thức, trong đó các cá nhân, các thiết chế công và tư phối hợp giải quyết những vấn đề chung. Đó là một quá trình liên tục mà thông qua đó sự xung đột, những lợi ích đa dạng có thể được điều tiết và các hoạt động hợp tác có thể được thực hiện. WB định nghĩa: Quản trị quốc gia là cách thức thực thi quyền lực trong quản lý nguồn lực kinh tế và xã hội của đất nước để phát triển. OECD cho rằng: Quản trị quốc gia là việc sử dụng quyền lực chính trị và thực hiện việc điều hành xã hội nhằm quản lý nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội... Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng căn cứ vào những yếu tố, như mục đích, yêu cầu, đặc điểm cơ bản,... có thể quan niệm về quản trị quốc gia như sau:
Quản trị quốc gia là phương thức vận hành, quản lý xã hội bằng thể chế, luật lệ, cơ chế, quy trình, trên cở sở sự tương tác, phối hợp dân chủ giữa các chủ thể nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích của các chủ thể và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực quốc gia.
Những đặc điểm cơ bản của quản trị quốc gia
Đặc điểm cơ bản về chủ thể
Thuộc tính cơ bản của quản trị là sự tham gia, góp mặt của nhiều chủ thể. Tất cả các mô hình quản trị, như quản trị doanh nghiệp, quản trị địa phương, quản trị quốc gia, quản trị toàn cầu đều mang đặc điểm này. Các nhà nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức quốc tế đều cho rằng, nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội là ba chủ thể cơ bản của quản trị quốc gia. Các chủ thể này đại điện cho ba bộ phận cấu thành tương ứng trong xã hội hiện đại: nhà nước, thị trường và xã hội. Về bản chất, quản trị quốc gia được vận hành theo phương thức phi tập trung hóa. Nhưng với việc nắm giữ các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và các nguồn lực kinh tế, nên nhà nước là chủ thể giữ vai trò quan trọng nhất trong quá trình vận hành nền quản trị quốc gia. Tuy nhiên, trong nền quản trị đa chủ thể này, nhà nước không còn ôm đồm nhiều chức năng, nhiệm vụ và giữ vị trí độc tôn trong xã hội. Xung quanh vị trí, vai trò của nhà nước cũng có những quan điểm khác nhau. Các tổ chức quốc tế, như UNDP, CGG,… không nhấn mạnh vai trò của nhà nước. Trong khi đó EU, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD),... cho rằng, quản trị quốc gia cần tập trung vào việc hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp tư nhân. Ngược lại, các định chế tài chính quốc tế, như WB, ADB, OECD,… luôn nhấn mạnh, đề cao vai trò, trách nhiệm của nhà nước. Xuất phát từ tính đa chủ thể, sự tương tác, phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội là cơ sở để góp phần thu hẹp khoảng cách quyền lực, tăng cường khả năng liên kết, gắn bó trách nhiệm của các chủ thể trong nền quản trị quốc gia.
Đặc điểm về sự phối hợp, thể chế, công cụ, quy trình
Sự phối hợp, tương tác giữa các chủ thể nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội được xem là đặc điểm cơ bản nhất của quản trị quốc gia. Nó có tác dụng tăng cường khả năng liên kết sức mạnh, tạo sự gắn bó, đồng thuận trong việc xây dựng, ban hành, thực thi chính sách, pháp luật, cũng như trong quá trình quản lý, điều hành kinh tế - xã hội. Sự phối hợp giữa các chủ thể được thực hiện trên tinh thần tương hỗ, chia sẻ thông tin, nguồn lực trong việc thực hiện chính sách công và giải quyết những vấn đề xã hội. Đây là sự liên kết mạng lưới giữa quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp và quản trị tổ chức xã hội. Mỗi thiết chế quản trị đều có trách nhiệm tự quản trị. Khác với quản lý nhà nước, quản trị quốc gia là phương thức sử dụng các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật, dẫn dắt, liên kết, định hướng hoạt động chung của các chủ thể, thông qua đó để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội mà không hướng vào việc sử dụng quyền lực nhà nước. Quản trị quốc gia là một quy trình, bao gồm các yếu tố chức năng: hoạch định, tổ chức, điều khiển và kiểm soát. Hoạt động quản trị quốc gia được thực hiện bằng công cụ thể chế (chính thức và phi chính thức), công cụ thông tin, với chức năng truyền - nhận thông tin và công cụ kinh tế - tài chính. Trong thời đại hiện nay, kỹ thuật - công nghệ là một công cụ quản trị quan trọng, phổ biến trong quản trị quốc gia.
Tính đa cấp là một đặc điểm chung của quản trị, được thể hiện thông qua mối quan hệ giữa quản trị địa phương, quản trị quốc gia, quản trị toàn cầu... Trong mỗi quốc gia đều có nhiều cấp quản trị, cao nhất là quốc gia, sau đó là các địa phương. Quản trị quốc gia và quản trị địa phương được phân định thông qua việc nhà nước phân quyền, trao quyền để các địa phương tự thực hiện hoạt động quản trị. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, phần lớn các địa phương hoạt động theo nguyên tắc tự quản trị. Đây cũng là một nguyên tắc cơ bản của quản trị nói chung. Sự tham gia, phối hợp của nhiều chủ thể là điều kiện bảo đảm hoạt động và hiệu quả tự quản trị của các thiết chế. Chất lượng, hiệu quả quản trị của mỗi cấp đều có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả quản trị của các cấp bên trên hoặc bên dưới.
Phân biệt quản trị quốc gia với một số khái niệm quản trị
“Hiện nay ở nước ta có những tranh luận về các khái niệm “quản trị nhà nước”, “quản trị quốc gia” và “quản trị công”. Các thuật ngữ này đều chuyển tải từ từ “governance” trong tiếng Anh mà không mang nghĩa cụ thể như tiếng Việt”(3). Cơ sở để phân biệt giữa quản trị quốc gia và quản trị nhà nước là phạm vi, cấp độ và chủ thể. Quản trị nhà nước là chức năng, nhiệm vụ của nhà nước và có tính đặc thù. “Nhà nước vừa là chủ thể quản trị xã hội, vừa là đối tượng được quản trị bởi công dân và các thiết chế xã hội khác”(4). Mặc dù đứng ở vị trí trung tâm, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội, nhưng xét về chủ thể, phạm vi tác động, quản trị nhà nước là khái niệm hẹp hơn quản trị quốc gia. Quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp và quản trị tổ chức xã hội có tính độc lập, hoạt động trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi thiết chế và có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia.
Bên cạnh đó, cần phân biệt khái niệm “quản trị tốt” (good governance), “quản trị công” (public governance) với khái niệm “quản trị quốc gia”. Quản trị tốt là một khái niệm xuất hiện sau quản trị quốc gia, do WB đưa ra năm 1992. Nếu quản trị quốc gia là mô hình cơ bản về quản lý, điều hành xã hội ở các quốc gia, quản trị tốt là một khung tiêu chí, với các yếu tố, như pháp quyền, trách nhiệm giải trình, sự tham gia, minh bạch, hiệu quả,… có thể sử dụng làm công cụ đánh giá chất lượng và thúc đẩy việc nâng cao năng lực quản trị ở các thiết chế quản trị khác nhau. Những tiêu chí của quản trị tốt đưa ra là khá cao so với năng lực quản trị của đa phần các quốc gia, nên hầu như chỉ một số quốc gia phát triển hàng đầu thế giới mới có thể gần tiệm cận với các tiêu chí này. Ở khu vực châu Á, châu Phi…, đặc biệt là những quốc gia trong quá trình hoàn thiện thể chế và định hình nền quản trị quốc gia, quản trị tốt chỉ được xem như một mục tiêu phát triển dài hạn. Vì vậy, về phương pháp tiếp cận, cần tránh việc sử dụng khái niệm “quản trị tốt” để thay thế “quản trị quốc gia”. Còn với "quản trị công", đây là một khái niệm có đặc điểm về phạm vi, chủ thể, thể chế gần giống với quản trị quốc gia. Theo lý thuyết, quản trị chia thành hai lĩnh vực là quản trị công và quản trị tư. Nếu sắp xếp, phân loại, quản trị công và quản trị quốc gia thuộc lĩnh vực công, còn quản trị doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản trị tư.
Một số vấn đề đặt ra trong việc đổi mới quản trị quốc gia hiện nay
Nhận thức về quản trị quốc gia
Quản trị quốc gia là phương thức có thể mang lại sự ổn định, thịnh vượng cho mỗi quốc gia. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, sau hơn 30 năm xuất hiện trên thế giới, quản trị quốc gia hiện vẫn còn là khái niệm mới ở Việt Nam. Ở nước ta chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này nên trong nhiều trường hợp, quản trị nhà nước, quản trị công, quản trị tốt thường được sử dụng để thay thế quản trị quốc gia. Từ đó dẫn đến các tiêu chí của quản trị tốt theo quan niệm của một số tổ chức quốc tế, như trách nhiệm giải trình, dân chủ, cơ chế bảo hiến, phân chia quyền lực, bảo vệ quyền con người,… thường được đồng nhất thiếu cơ sở khoa học với quản trị quốc gia. Trong khi đó, quản trị quốc gia là mô hình quản lý, vận hành xã hội, trong đó gồm có chủ thể, thể chế, cơ chế, thủ tục, quy trình… Mặc dù có một số đặc điểm chung, nhưng hai khái niệm này có bản chất khác nhau. Vì vậy, không thể tùy tiện sử dụng, mặc định quản trị tốt và một số khái niệm về quản trị khác là quản trị quốc gia.
Với trình độ phát triển như hiện nay, Việt Nam cần tiến hành những biện pháp tổng thể, như đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới thể chế kinh tế, phát huy dân chủ, nâng cao năng lực quốc gia,... và cần thêm một khoảng thời gian nhất định mới có thể tiến gần các tiêu chí của quản trị tốt. Hơn nữa, ngay tại nhiều quốc gia phát triển, việc tiếp cận với các tiêu chí của quản trị tốt vẫn còn là một vấn đề khó khăn. Trong bối cảnh Việt Nam mới bắt đầu tiến hành đổi mới nền quản trị quốc gia, đây là một thực tế mà các chủ thể quản trị cần nhận thức rõ. Bên cạnh việc nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế, các chủ thể quản trị cần kiểm soát kỳ vọng, tránh khuynh hướng nóng vội, chủ quan, áp dụng máy móc những tiêu chí của quản trị tốt vào việc định hình và đổi mới nền quản trị quốc gia. Vấn đề trọng tâm hiện nay là cần tiếp cận một cách có hệ thống, từ đó làm rõ khái niệm “quản trị quốc gia”, đồng thời xác định những mục tiêu, nhiệm vụ khả thi trong đổi mới quản trị quốc gia phù hợp với đặc điểm lịch sử, truyền thống, bản sắc dân tộc, cũng như mức độ hoàn thiện của thể chế kinh tế, chính trị và xã hội ở nước ta.
Vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng trong nền quản trị quốc gia
Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Về mặt lý luận cũng như thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng giữ vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới này. Quản trị quốc gia là một quy trình với bốn chức năng cơ bản: hoạch định, tổ chức, điều khiển và kiểm soát. Đối chiếu giữa sự lãnh đạo của Đảng với lý thuyết quản trị quốc gia có thể thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, có trọng trách đưa ra định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước, đồng thời cũng là chủ thể thực hiện chức năng hoạch định đường lối, chính sách trong quản trị quốc gia. Đây là hai chức năng, nhiệm vụ song trùng, được thực hiện bởi cùng một chủ thể. Trong gần một thế kỷ qua, sự lãnh đạo của Đảng luôn gắn liền với việc thực hiện chức năng quản trị này. Những vấn đề quan trọng nhất, như định hướng, mục tiêu phát triển đất nước, các vấn đề quốc kế dân sinh, chính sách đối ngoại,… đều được Đảng đưa ra bàn bạc, thảo luận, thông qua tại các kỳ đại hội và thể chế hóa thành pháp luật.
Hiện nay, trên thế giới, ngoài những mô hình quản trị quốc gia phổ biến còn có một số mô hình khác. Ở phương Tây, nền quản trị quốc gia bao gồm ba chủ thể là nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Trong khi đó, ở châu Á, mô hình quản trị đất nước của Trung Quốc đề cao nguyên tắc pháp trị, thúc đẩy xã hội công bằng…, trong đó Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng ở vị trí trung tâm. Cùng với thể chế chính thức, nền quản trị quốc gia ở châu Á còn dựa trên nhiều thể chế xã hội (thể chế phi chính thức), như truyền thống, lịch sử, đạo đức, văn hóa, tinh thần đoàn kết dân tộc…
Với vị trí lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đồng thời là chủ thể thực hiện chức năng hoạch định trong quản trị quốc gia, sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết bảo đảm sự thành công của quá trình đổi mới quản trị quốc gia ở nước ta. Từ vai trò lãnh đạo của Đảng và quá trình thực hiện chức năng hoạch định đường lối phát triển đất nước, cũng như kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng mô hình quản trị quốc gia ở châu Á, vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu, vận dụng một cách sáng tạo lý thuyết quản trị quốc gia, xây dựng một mô hình quản trị quốc gia phù hợp với những đặc điểm lịch sử, chế độ chính trị - pháp lý, trình độ phát triển,… ở nước ta, đồng thời làm rõ cơ sở lý luận về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trong mô hình quản trị quốc gia của Việt Nam.
Nhận thức về vị trí, vai trò của doanh nghiệp và tổ chức xã hội
Đổi mới quản trị quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng với nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp cần giải quyết, trong đó có vấn đề về nhận thức. Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nhận thức xã hội nói chung về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân và tổ chức xã hội có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, trong bối cảnh đổi mới quản trị quốc gia hiện nay, cần có những nhận thức mới, xác đáng hơn về hai chủ thể này. Trong xã hội hiện đại, doanh nghiệp và tổ chức xã hội là những đại diện của thị trường và xã hội. Nếu trước đây các chủ thể này là đối tượng quản lý của nhà nước, thì trong quản trị quốc gia, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trở thành đối tác của nhà nước. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nhận thức từ đối tượng quản lý sang đối tác quản trị là một vấn đề mới, không dễ thực hiện bởi tư duy quản lý cũ và tình trạng quan liêu, cửa quyền, lợi ích nhóm vẫn còn tồn tại. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có một nhận thức mới, phù hợp về vị trí, vai trò chủ thể, mối quan hệ đối tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong nền quản trị quốc gia. Trong cơ chế cũ, xã hội có những định kiến nhất định về kinh tế tư nhân, gắn liền chủ thể này với những lợi ích cá nhân vị kỷ. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp tư nhân không chỉ hoạt động vì mục đích lợi nhuận mà còn thực hiện chức năng cung ứng hàng hóa, dịch vụ, đóng góp nguồn lực quan trọng cho xã hội, đồng thời là động lực phát triển, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với doanh nghiệp, các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong nền quản trị quốc gia, là cầu nối gắn kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và gia đình. Các tổ chức này còn có những hoạt động thiết thực, đáng khích lệ trong việc thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo, từ thiện, bảo vệ môi trường, cung cấp dịch vụ xã hội, khỏa lấp những khoảng trống của nền kinh tế thị trường… Sự tham gia, phối hợp của tổ chức xã hội trong nền quản trị quốc gia là cơ sở để củng cố, nâng cao niềm tin, sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy và bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững của quốc gia. Từ chức năng, hoạt động, những đóng góp của doanh nghiệp tư nhân và tổ chức xã hội, cần có sự nhận thức mới về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của các chủ thể này đối với xã hội và trong nền quản trị quốc gia./.
---------------------------------
(1)Nguyễn Văn Đáng: Khi văn kiện Đại hội nêu khái niệm “quản trị quốc gia”, Vietnamnet Tuần Việt Nam, ngày 24-3-2021, https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/caybut/khi-van-kien-dai-hoi-neu-khai-niem-quan-tri-quoc-gia-721611.html
(2)Vũ Công Giao (chủ biên): Quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng (sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 29
(3)Vũ Công Giao (chủ biên): Quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng (sách chuyên khảo), Sđd, tr. 19
(4)Phạm Thị Hồng Điệp: Vận dụng mô hình “Quản trị nhà nước tốt” ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, tập 33, số 3, 2017, tr. 1
"Khát vọng phát triển đất nước" - Bài học nhìn từ thế giới và lịch sử phát triển Việt Nam  (20/07/2021)
Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới  (14/07/2021)
Xuân sớm trên những công trình dầu khí biển  (02/01/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam