Đồng chí Tôn Đức Thắng: Người cộng sản mẫu mực, chân chính

BÙI THANH TUẤN Viện Chiến lược và Khoa học Công an, Bộ Công an
15:10, ngày 17-08-2018

TCCSĐT - Đồng chí Tôn Đức Thắng thuộc thế hệ những chiến sĩ cộng sản tiền bối, tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kỷ niệm 130 năm ngày sinh đồng chí Tôn Đức Thắng (20-08-1888 - 20-08-2018) là dịp chúng ta ôn lại thân thế và sự nghiệp, cũng như những cống hiến to lớn của đồng chí cho cách mạng; đồng thời góp phần giáo dục tấm gương sáng ngời về “đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”(1) cho thế hệ trẻ hôm nay.

Người chiến sĩ tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam

Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20-8-1888, tại Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), trong một gia đình, một miền quê giàu truyền thống yêu nước. Đồng chí sớm gia nhập vào hàng ngũ giai cấp công nhân Việt Nam để hoạt động cách mạng. Những hoạt động của đồng chí trong giai đoạn 1920 - 1930 đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của phong trào công nhân cả nước. Đây là một trong những điều kiện cơ bản để mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái quốc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngay từ năm 18 tuổi, đồng chí Tôn Đức Thắng đã lên Sài Gòn để học nghề thợ máy. Năm 22 tuổi, đồng chí vào làm trong Xưởng Krupp, thuộc Sở Kiến trúc cầu đường và nhà cửa Sài Gòn. Sống, lao động, cùng giai cấp công nhân, đồng chí Tôn Đức Thắng đã chủ động tổ chức những cuộc bãi công của công nhân. Đồng chí Tôn Đức Thắng còn tham gia vận động học sinh lính thủy bỏ học rồi vận động công nhân Sở Kiến trúc cầu đường và nhà cửa Sài Gòn đấu tranh chống bọn chủ bóc lột đòi tăng lương. Sau đó, đồng chí vào học Trường Cơ khí châu Á ở Sài Gòn (còn gọi là Trường Bá Nghệ Sài Gòn) rồi làm công nhân Xưởng Ba Son… Năm 1912, đồng chí đã tổ chức cuộc bãi công của học sinh Trường Bá Nghệ có sự phối hợp với công nhân Xưởng Ba Son. Đây là cuộc đấu tranh tiêu biểu của công nhân ở Sài Gòn - Chợ Lớn, đặc biệt ở Xưởng Ba Son nhằm chống lại cường quyền của bọn tư bản, thực dân. Cùng với các cuộc đấu tranh của công nhân Sài Gòn, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam cả nước trong thời gian này đã có bước phát triển mới.

Ngay cả những lúc bị bọn mật thám theo dõi, đồng chí phải tạm lánh về nông thôn ở Mỹ Tho, làm nghề dạy học, song vẫn liên lạc với anh, chị em công nhân ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Cuối năm 1912, tức là sau một năm ngày đồng chí Nguyễn Ái Quốc rời bến Nhà Rồng, đồng chí Tôn Đức Thắng sang Pháp làm thủy thủ trên tàu Lacoóc. Năm 1916, đồng chí bị động viên vào Hải quân Pháp, làm thợ máy.

Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra làm rung chuyển cả thế giới, mở ra thời đại mới của lịch sử nhân loại. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã cho ra đời Nhà nước công nông cách mạng đầu tiên trên thế giới - nước Nga Xô-viết. Với ý đồ thủ tiêu thành quả của Cách mạng Tháng Mười, tiêu diệt chính quyền Xô-viết Nga non trẻ, 14 nước đế quốc (trong đó có Pháp) đã phát động chiến tranh can thiệp, xâm lược nhằm vào nước Nga. Đế quốc Pháp hai lần cử hạm đội sang Nga để tham gia cuộc chiến tranh can thiệp nhưng chính hai lần can thiệp ấy lại là hai lần quân đội và Hải quân Pháp nổi dậy phản chiến, tỏ rõ sự đoàn kết với giai cấp vô sản và nhân dân Nga. Trong lần phản chiến thứ hai, vào tháng 4-1919, trên Chiến hạm France, một trong năm chiến hạm Pháp được lệnh tiến vào Hắc Hải (Biển Đen) nhằm tấn công Xêvaxtôpôn, đồng chí Tôn Đức Thắng đã dũng cảm tham gia cuộc phản chiến và là người đã kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm để chào mừng Nhà nước vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người. Việc đồng chí Tôn Đức Thắng tham gia cuộc phản chiến Hắc Hải là sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự ủng hộ của những người Việt Nam yêu nước đối với cách mạng Nga; đồng thời, là một biểu tượng về tình đoàn kết quốc tế vô sản của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam đối với giai cấp công nhân và nhân dân Xô-viết.

Sau cuộc phản chiến Hắc Hải, ra khỏi Hải quân Pháp, đồng chí Tôn Đức Thắng vào làm thợ máy cho Xưởng ôtô Renault ở Pháp (xưởng này có thời gian đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã từng vào làm việc và trở thành đoàn viên công đoàn). Tại đây, đồng chí gia nhập Tổng Công đoàn Pháp và cùng với giai cấp công nhân Pháp đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột của bọn tư bản. Hoạt động của đồng chí đã gây dựng và thắt chặt mối quan hệ giữa giai cấp công nhân trong nước với giai cấp công nhân Pháp.

Sau khi tham gia và học hỏi kinh nghiệm đấu tranh của giai cấp công nhân Pháp và thế giới, năm 1920, đồng chí Tôn Đức Thắng trở về Sài Gòn. Tại đây, với những kinh nghiệm học hỏi được, đồng chí trở thành người yêu nước đầu tiên tổ chức ra Công hội bí mật ở Sài Gòn. Với việc Công hội ra đời, giai cấp công nhân Việt Nam đã có ý thức sâu sắc về sức mạnh của mình. Tháng 8-1925, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tôn Đức Thắng và Công hội, sức mạnh phi thường của công nhân Việt Nam đã biểu hiện rõ ở cuộc bãi công của hơn 1.000 thợ đình công ở Xưởng Ba Son nhằm ngăn tàu chiến của Pháp sang Trung Quốc đàn áp cách mạng Trung Hoa. Đây là cuộc đấu tranh điển hình và tiêu biểu cho phong trào công nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của tổ chức Công hội do đồng chí Tôn Đức Thắng lập ra. Thắng lợi của cuộc bãi công này đã đánh dấu mốc phát triển rất quan trọng của phong trào công nhân Việt Nam: Giai cấp công nhân đấu tranh có tổ chức và mục đích chính trị rõ ràng.

Có thể khẳng định, từ khi về nước tham gia lãnh đạo phong trào công nhân, đồng chí Tôn Đức Thắng đã có cống hiến lớn lao trong việc thúc đẩy sự phát triển của phong trào công nhân Sài Gòn nói riêng và phong trào công nhân Việt Nam nói chung - sự phát triển về mục tiêu đấu tranh vì giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Đây là cơ sở xã hội quan trọng để lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin truyền tải vào phong trào cách mạng Việt Nam và chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản. Đặc biệt, từ những hoạt động đấu tranh ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga và cách mạng Trung Hoa, đồng chí Tôn Đức Thắng đã sớm kết hợp tinh thần yêu nước chống thực dân với tinh thần quốc tế vô sản cao cả. Đồng thời thể hiện rõ, đồng chí không chỉ là người công nhân đấu tranh cho khát vọng tự do của giới công nhân thợ thuyền trong nước mà còn là người chiến sĩ cộng sản rất mực trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong buổi chúc mừng đồng chí Tôn Đức Thắng tròn 70 tuổi: “Là một chiến sĩ cách mạng dân tộc và chiến sĩ cách mạng thế giới, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại”(2).

Với tình cảm và lòng tin tưởng vào Cách mạng Tháng Mười, lại được tôi rèn trong phong trào công nhân trong và ngoài nước, đồng chí Tôn Đức Thắng tán thành đường lối đấu tranh của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng ta do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Cuối năm 1926, đồng chí Tôn Đức Thắng đã liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và gia nhập tổ chức này. Sau khi tiếp cận, học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đồng chí Tôn Đức Thắng đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng. Người thợ ở Xưởng Ba Son luôn xót xa với nỗi khổ của người dân mất nước, cảm thông chia sẻ với nỗi khổ bị áp bức bóc lột của người lao động không riêng nước mình mà của cả nước khác, sớm có ý thức về cách mạng dân tộc gắn với cách mạng thế giới, giác ngộ về ý thức giai cấp, gắn lợi ích giai cấp công nhân với lợi ích dân tộc. Bước chuyển trong tư tưởng từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản được đồng chí Tôn Đức Thắng tích cực chuyển tải vào thực tiễn đấu tranh đã kéo theo bước chuyển về chất trong phong trào của giai cấp công nhân Việt Nam từ đấu tranh tự phát lên tự giác.

Đồng chí Tôn Đức Thắng đã hướng các tổ chức Công hội thành cơ sở để phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Sài Gòn và Nam Bộ. Năm 1927, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Thành bộ Sài Gòn và Kỳ bộ Nam Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được tổ chức phân công trực tiếp phụ trách phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn. Với những hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy phong trào yêu nước và truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong giai cấp công nhân Nam Bộ, đồng chí Tôn Đức Thắng cùng các đồng chí của mình đã góp phần quan trọng cho phong trào công nhân và tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ ngày càng vững mạnh.

Cuối năm 1929 nhân sự kiện vụ án tại ngôi nhà số 7, đường Barbier Sài Gòn (nay là phố Lý Trần Quán, Thành phố Hồ Chí Minh), thực dân Pháp đã khủng bố, bắt bớ và đưa ra xét xử một số đồng chí của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trong đó có đồng chí Tôn Đức Thắng. Đến tháng 6-1930, đồng chí bị tòa án thực dân Pháp kết án 20 năm khổ sai và đày ra Côn Đảo.

Như vậy, đồng chí Tôn Đức Thắng là lớp người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào phong trào công nhân Việt Nam và là người đã tham gia tích cực trong buổi đầu vận động thành lập Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Tuy đồng chí Tôn Đức Thắng bị địch bắt trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, nhưng những hoạt động tích cực trong giai đoạn 1920 - 1930 thực sự có vai trò to lớn trong sự chuẩn bị thành lập Đảng ta.

Tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng

Nhiều năm bị đế quốc, thực dân giam cầm ở Nhà tù Côn Đảo, đồng chí Tôn Đức Thắng vẫn luôn luôn tỏ rõ ý chí, niềm tin và phẩm chất của một người cộng sản kiên cường, nêu gương đạo đức cách mạng trong sáng. Đồng chí và các đồng chí của mình đã tổ chức các bạn tù thành lực lượng cách mạng đấu tranh kiên cường, bất khuất với những đàn áp, tra tấn dã man của kẻ thù trong nhà tù. Đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong số người sáng lập chi bộ đầu tiên ở Nhà tù Côn Đảo và giữ vị trí lãnh đạo cho đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đồng chí cũng đã trực tiếp tổ chức đường dây liên lạc với đất liền và Đảng Cộng sản Pháp để tiếp nhận sách, báo chí về chủ nghĩa Mác - Lê-nin đưa vào nhà tù, biến nhà tù Côn Đảo thành trường học cách mạng.

Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Tôn Đức Thắng và các đồng chí của mình được đón về đất liền. Nhưng thời gian này, thực dân Pháp đã trở lại nổ súng xâm lược nước ta một lần nữa. Do đó, đồng chí chưa thể về thăm gia đình, mà tham gia ngay vào cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. Ngày 15-10-1945, tại Cầu Vì (Mỹ Tho), Hội nghị cán bộ Đoàn xứ Nam Kỳ đã bầu đồng chí vào Xứ ủy Nam Kỳ, được phân công phụ trách Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ kiêm chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam Bộ.

Mùa xuân năm 1946, đồng chí Tôn Đức Thắng được điều động ra Hà Nội làm việc cùng với Trung ương Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 5-1946, đồng chí Tôn Đức Thắng được phân công tổ chức và lãnh đạo Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt). Từ năm 1948, đồng chí Tôn Đức Thắng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 3-1951, thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt. Năm 1955, đồng chí Tôn Đức Thắng là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Dưới sự tổ chức và điều hành trực tiếp của đồng chí, Mặt trận bước vào thời kỳ phát triển toàn diện và ngày càng được củng cố vững chắc. Đây cũng là thời kỳ Mặt trận tham gia tích cực vào các mặt trận quốc tế, liên minh quốc tế.

Khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, đồng chí Tôn Đức Thắng đã cùng Trung ương Đảng và Chính phủ dời lên Chiến khu Việt Bắc để bảo toàn lực lượng, lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngoài cương vị lãnh đạo Mặt trận, đồng chí còn kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Tổng Thanh tra Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Trung ương vận động thi đua ái quốc, Quyền Trưởng ban rồi Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… Công việc tuy nhiều, nhưng với tinh thần của một người cộng sản mẫu mực đã được tôi luyện trong lò lửa của phong trào cách mạng trong và ngoài nước, đồng chí luôn luôn hết lòng, hết sức vì công việc, nêu gương sáng về đạo đức cách mạng. Những hoạt động của đồng chí qua các cương vị quan trọng mà Đảng giao, luôn thể hiện một con người tiêu biểu cho bản chất giai cấp công nhân mang trong tâm hồn, tấm lòng cách mạng cao rộng, rất thương kính nhân dân, khiêm tốn, tận tụy, giản dị.

Sau chín năm kháng chiến chống Pháp thắng lợi, trở về Thủ đô Hà Nội, đồng chí Tôn Đức Thắng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ tháng 7-1960. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí Tôn Đức Thắng kế tục làm nhiệm vụ Chủ tịch nước trong 11 năm, tiếp tục cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Là người đứng đầu Mặt trận và Nhà nước, sống giữa Thủ đô, đồng chí Tôn Đức Thắng vẫn giữ được nếp sống, tác phong và đạo đức của người công nhân. Đồng chí luôn quan tâm và tăng cường củng cố vững chắc sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; đồng thời phát huy có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ quản lý, điều hành của Nhà nước, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Những năm cuối đời tuy tuổi cao, nhưng Chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn cố gắng hết sức mình để làm tròn nhiệm vụ được phân công cho đến hơi thở cuối cùng. Hồi 6 giờ 35 phút ngày 30-3-1980, tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến của chúng ta đã từ trần, hưởng thọ 92 tuổi.

Có thể khẳng định, đồng chí Tôn Đức Thắng đại biểu xuất sắc của giai cấp công nhân Việt Nam anh hùng; người cộng sản mẫu mực, chân chính - một trong những người lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam. Trải qua bao thử thách, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn nêu cao khí phách cách mạng, lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc và nhân dân; lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Đồng chí đã phấn đấu không mệt mỏi, cống hiến toàn bộ sức lực, trí tuệ của mình vào sự nghiệp đoàn kết toàn dân tộc. Đồng chí là một tấm gương sáng mẫu mực về đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, yêu thương đồng chí, quý trọng đồng bào. Đồng chí cũng là chiến sĩ lỗi lạc phấn đấu suốt đời góp phần tăng cường đoàn kết giữa nhân dân ta với nhân dân các nước; gắn kết phong trào công nhân và cộng sản quốc tế bắt đầu từ sự kiện phản chiến Hắc Hải năm 1919 và nhiều hoạt động quốc tế khác, nhất là trên cương vị Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới.

Với những cống hiến lớn lao, đồng chí Tôn Đức Thắng đã vinh dự là người đầu tiên được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Việt Nam. Đồng chí cũng xứng đáng nhận Huân chương Lênin do Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô trao tặng và Giải thưởng Stalin (giải thưởng này sau mang tên Lênin) do Ủy ban Giải thưởng hòa bình quốc tế Stalin tặng. Đó là những phần thưởng cao quý đối với một đời người!

Nhân dân Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam tự hào về Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một chiến sĩ cộng sản mẫu mực, chân chính, suốt đời vì nước quên thân, vì dân quên nhà. Trong tấm gương về đạo đức cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta nhận thấy tầm cao của đạo đức người chiến sĩ cộng sản - cả cuộc đời trọn vẹn thủy chung với nước, với dân, với lý tưởng cộng sản, với bạn bè quốc tế./.

--------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.9, tr.220-221.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.9, tr.220.