Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
TCCS - Những năm gần đây, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh ở miền Trung tích cực đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, bước đầu tạo ra được sự thống nhất cao về nhận thức cũng như hành động trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận trong xã hội về chủ trương phát triển nguồn nhân lực; cơ cấu lao động trên địa bàn dần chuyển dịch theo hướng tích cực, đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững.
Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ đột phá của tỉnh Quảng Ngãi, vừa có tính cấp bách vừa có tính chiến lược, nhằm xây dựng lực lượng lao động có phẩm chất và năng lực ngày càng cao, có cơ cấu ngành nghề hợp lý. Thời gian qua, nhất là trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới và tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm không ngừng phát triển nguồn nhân lực. Qua đó, đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương tăng trưởng với tốc độ khá cao; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn giai đoạn 2007 - 2010 và đến năm 2015, nguồn nhân lực của tỉnh còn thiếu về số lượng, chất lượng thấp, cơ cấu chưa đồng bộ. Một thuận lợi là trên địa bàn có khu kinh tế Dung Quất được Chính phủ quyết định thành lập năm 2004, trên cơ sở Khu công nghiệp Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Dung Quất, một công trình trọng điểm quốc gia. Đầu năm 2009, nhà máy đi vào hoạt động, tạo cơ hội lớn cho tỉnh vươn lên thoát khỏi tình trạng kém phát triển.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định: Phát triển nguồn nhân lực là một trong hai nhiệm vụ đột phá, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, đồng thời là nhân tố quan trọng, quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương. Cụ thể hóa nhiệm vụ đó, đầu tháng 5-2007, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2007- 2010 và định hướng đến năm 2015 với mục tiêu: "Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật, văn hóa- nghệ thuật, công chức, viên chức đủ phẩm chất, bảo đảm tiêu chuẩn...; đào tạo, thu hút đáp ứng cơ bản nhu cầu nhân lực quản lý doanh nghiệp; cung cấp kịp thời lao động qua đào tạo nghề, công nhân lành nghề cho các doanh nghiệp trên địa bàn..., nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa...". Đến nay, sau gần hai năm thực hiện Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy, công tác phát triển nguồn nhân lực đã đạt được những kết quả khá toàn diện, có ý nghĩa trước mắt và lâu dài.
Trước hết, thông qua quán triệt Nghị quyết số 06 đã tạo được nhận thức đúng đắn và đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và phần lớn dân cư về vai trò, vị trí của việc xây dựng, phát triển, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, về tính cấp thiết và ý nghĩa quyết định của việc chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ; từ lao động giản đơn lên lao động được đào tạo nghề ngày càng cao và chuyên sâu. Tâm lý xã hội về hướng nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực. Đào tạo gắn với việc làm hiện nay không chỉ là đòi hỏi đối với những cơ quan hoạch định chủ trương mà còn là nhu cầu thực sự của toàn xã hội, trước hết là của các cơ sở đào tạo và người được đào tạo.
Thứ hai, từ nhận thức đúng đến chuyển hóa thành hành động mạnh mẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực trong các cấp, các ngành của cả hệ thống chính trị. Hội đồng nhân dân tỉnh, ủy ban nhân dân tỉnh đã thể chế hóa bằng các văn bản pháp quy, ban hành cơ chế chính sách, đề án để triển khai thực hiện. Cấp ủy các cấp nhanh chóng xây dựng chương trình hành động, triển khai sâu rộng từng nội dung cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các cấp, các ngành đã có sự chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ dự báo nhu cầu, đánh giá, quy hoạch nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực; thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nhân lực, đổi mới cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nguồn nhân lực. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII của Đảng bộ tỉnh, tỉnh đã ban hành một số chính sách tương đối đồng bộ, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nhanh nguồn nhân lực như: hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề cho công nhân; hỗ trợ đối với cán bộ, công chức được cử đi đào tạo trong và ngoài nước; thu hút cán bộ, công chức, viên chức và những người có trình độ cao đến công tác tại tỉnh; hỗ trợ đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh được điều động, luân chuyển; chính sách nghỉ việc, chính sách thôi việc đối với cán bộ chủ chốt cấp xã; thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác ở xã, phường, thị trấn.
Thứ ba, hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề đã có sự phát triển đáng kể, tạo thế chủ động hơn cho tỉnh trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm 2006, tỉnh đã tạo ra các tiền đề cơ sở để hình thành nên Trường đại học Phạm Văn Đồng, Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh - cơ sở miền Trung. Đến nay, toàn tỉnh có 19 trường, trung tâm dạy nghề. Trong hai năm 2007 - 2008, các cơ sở đào tạo này đã tham gia đào tạo nghề cho 19.125 người, trong đó sơ cấp nghề: 12.850 người, trung cấp nghề: 6.275 người. Riêng Trường trung cấp nghề Dung Quất trong 3 năm (2006 - 2008) tham gia đào tạo cho 12.689 học viên.
Thứ tư, nguồn nhân lực của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 2005, chỉ có 14,6% lao động trong tổng số gần 700.000 người trong độ tuổi lao động toàn tỉnh đã qua đào tạo nghề, thì đến cuối năm 2008, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đã được nâng lên 21,5%. Hằng năm, tỉnh có khoảng 5.000 - 6.000 học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; hơn 1.500 trúng tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp. Riêng năm học 2007 - 2008 có 6.906 học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; 1.721 học sinh trúng tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp. Đây chính là nhân tố có ý nghĩa quyết định nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian tới. Hiện nay, toàn tỉnh có 7.121 cán bộ khoa học - kỹ thuật có trình độ đại học và trên đại học, trong đó có 6 tiến sĩ và 180 thạc sĩ. Về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý: cấp tỉnh có 152 đồng chí, trong đó 11,8% có trình độ trên đại học, 87,6% có trình độ đại học và 0,6% có trình độ cao đẳng, trung cấp; cấp huyện có 172 đồng chí, trong đó 1,2% có trình độ trên đại học, 65,7% có trình độ đại học. Đối với cấp xã, trình độ đào tạo về chuyên môn còn thấp, trong số 1.909 cán bộ chuyên trách có 4,03% trình độ đại học, 18,44% cao đẳng, trung cấp, còn lại hầu hết chưa qua đào tạo.
Để từng bước trí thức hóa đội ngũ cán bộ cấp xã, chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ cấp huyện và xây dựng đội ngũ cán bộ cấp tỉnh có tầm chiến lược, hai năm qua, tỉnh phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh mở lớp đại học nông nghiệp và các lớp đào tạo trung cấp hành chính, trung cấp quản lý văn hóa, trung cấp báo chí, chỉ huy trưởng quân sự cấp xã, công an xã, cao đẳng tin học... cho gần 650 cán bộ cấp xã; mở lớp cao học chuyên ngành kinh tế phát triển cho 35 học viên và các lớp đại học hành chính, xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước cho 195 học viên (là cán bộ đã có trình độ đại học về chuyên môn), hai lớp cao cấp lý luận chính trị cho trên 200 học viên.
Thứ năm, nguồn nhân lực của tỉnh đã và đang chuyển dần sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; kết quả giải quyết việc làm ngày càng tăng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng cao. Tỷ trọng cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế chủ yếu tính đến tháng 6-2008 đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra: công nghiệp - xây dựng chiếm 16,5%; dịch vụ chiếm 25,62%; nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 57,88% (chỉ tiêu đến năm 2010 là: công nghiệp 14,61%; dịch vụ 21,59%; nông- lâm - ngư nghiệp 63,8%). Hiện nay, trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất (không tính số lao động đang tham gia xây dựng các công trình) số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 12.293 người, trong đó 9.081 người có hộ khẩu tại Quảng Ngãi. Ngoài ra, còn khoảng trên 8.000 lao động hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp tại hai khu công nghiệp Quảng Phú và Tịnh Phong.
Thực tế cho thấy, sự phát triển nguồn nhân lực trong những năm qua đã và đang góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội ở địa phương: Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2006 là 12,5%, năm 2007 là 14%, năm 2008, mặc dù chịu ảnh hưởng lạm phát, nhưng vẫn đạt 11,6% (tăng hơn mức bình quân giai đoạn 2001 - 2005 là 1,3%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 ước đạt hơn 600 USD (tăng gần gấp đôi giai đoạn 2001 - 2005). Lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển mới. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển nguồn nhân lực thời gian qua vẫn còn nhiều mặt hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguyên nhân chính là do:
- Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đối với nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chưa toàn diện, chủ yếu mới chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, chưa tập trung đúng mức cho phát triển đội ngũ nhân lực trên lĩnh vực sự nghiệp và doanh nghiệp; trình độ nhận thức và tư duy lãnh đạo chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Công tác dự báo nhu cầu, đánh giá, quy hoạch nguồn nhân lực tuy có chuyển biến, song thiếu đồng bộ ở các cấp, các ngành, mức độ chính xác chưa cao, làm cho việc hoạch định kế hoạch đào tạo, thu hút phát triển nhân lực thiếu chủ động và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.
- Đội ngũ quản lý doanh nghiệp còn thiếu, đặc biệt là thiếu những nhà quản lý giỏi, có tầm nhìn chiến lược.
Sau gần hai năm thực hiện, có thể khẳng định rằng, những chủ trương và giải pháp mà Tỉnh ủy Quảng Ngãi đề ra trong Nghị quyết số 06 là đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Điều quan trọng nhất mà tỉnh rút ra được qua công tác phát triển nguồn nhân lực là phải nhìn nhận được những gì còn yếu kém và biết cách vượt qua; cần đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn và chính thực tiễn sẽ chỉ ra cách làm mới, tốt hơn, hiệu quả hơn, đồng thời phải phát huy tinh thần tiến công, kiên quyết thực hiện cho được những mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
Nửa nhiệm kỳ đã trôi qua, thời gian còn lại không nhiều, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phải tích cực đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực, nhằm tạo nên những bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành tốt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, trước mắt tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp cơ bản sau:
1 - Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy, chính quyền; phát huy tính năng động của các doanh nghiệp trong công tác phát triển nguồn nhân lực. Chủ động thực hiện tốt công tác dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của từng địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đến năm 2010 và năm 2015. Đặc biệt chú trọng phát huy thẩm quyền và trách nhiệm quản lý của ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trong việc theo dõi, dự báo, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực.
2 - Tổ chức tốt công tác đánh giá, quy hoạch nguồn nhân lực. Chú trọng quy hoạch nguồn nhân lực trẻ. Chăm lo xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và trong từng doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, trong đó tập trung đào tạo cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị và đào tạo đội ngũ kỹ sư, các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp giỏi của tỉnh để từng bước tiếp cận tham gia quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động của nhà máy lọc dầu số 1 và một số nhà máy lớn khác trong khu kinh tế Dung Quất. Bố trí sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nhân lực.
3 - Tiếp tục phát triển về quy mô, nâng cao chất lượng hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tốt hơn yêu cầu đào tạo theo hướng phải gắn đào tạo với sử dụng lao động; coi trọng đào tạo năng lực thực hành, phù hợp với công nghệ và yêu cầu của các doanh nghiệp. Bồi dưỡng nhận thức về pháp luật và tác phong công nghiệp cho người lao động.
4 - Đẩy nhanh tốc độ phát triển thị trường lao động, giới thiệu việc làm. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thị trường lao động từ khâu tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu... tạo sự liên kết chặt chẽ giữa kết quả phát triển nguồn nhân lực với sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực.
5 - Bảo đảm nguồn lực tài chính từ ngân sách và các thành phần kinh tế phục vụ cho phát triển nguồn nhân lực. Triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách về phát triển nguồn nhân lực mà tỉnh đã ban hành trong thời gian qua./.
Giải ngân 198 triệu USD vốn ODA  (27/03/2009)
Vĩnh Phúc: Một số bài học kinh nghiệm sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng  (27/03/2009)
Chương trình kiểm tra, giám sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương năm 2009  (27/03/2009)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên