Thương mại và thị trường miền núi những năm đổi mới
TCCS - Những năm qua, nhờ có chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Đảng và Nhà nước, thương mại, thị trường miền núi đã có nhiều khởi sắc, giao lưu hàng hóa ngày một phát triển. Thế mạnh của đất rừng, tài nguyên rừng đang từng bước đưa miền núi phát triển kinh tế hàng hóa gắn với thị trường cả nước và khu vực. Các loại hình dịch vụ gắn liền với lưu thông hàng hóa cũng được phát triển, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Tuy vậy, theo các cam kết gia nhập WTO, bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng có không ít khó khăn, thách thức đối với khu vực chậm phát triển nhất cả nước này.
1 - Thực trạng thương mại và thị trường miền núi
Trên bình diện cả nước nói chung và các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới nói riêng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội gia tăng với tốc độ khá nhanh. GDP xét về tổng số và cơ cấu đều có sự chuyển biến đáng kể. Công nghiệp nói chung, công nghiệp địa phương nói riêng (đặc biệt là công nghiệp sơ chế, chế biến) cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng (điện lực, đường giao thông, kho bãi, khách sạn, nhà nghỉ, bưu điện, trạm y tế, trường học, trang trại...) đã có bước phát triển mạnh mẽ. Các loại hình dịch vụ cũng phát triển khá sôi động, nhất là dịch vụ phục vụ kinh doanh ở các tỉnh vùng biên giới. Những bước chuyển nói trên đã góp phần làm giảm bớt tỷ lệ đói nghèo, tăng tỷ lệ trung bình và giàu có ở các thị xã, thị trấn, nhất là ở các vùng, khu vực có cửa khẩu biên giới. Đời sống một bộ phận nhân dân được cải thiện. Tính chung GDP thu nhập bình quân đầu người của cả nước nói chung và ở các tỉnh miền núi nói riêng giai đoạn 2001 - 2007 đều tăng từ 2 đến 2,5 lần so với giai đoạn 1991 - 1995. Mỗi năm các địa phương có thêm hàng vạn lao động có việc làm và hàng ngàn lao động từ các vùng trong nước đến làm ăn; nhiều nhà cửa trên các trục đường giao thông, các điểm giao lưu được sửa sang và xây dựng mới. Chỉ sau mấy năm đã hình thành các thành phố, thị xã, thị trấn, hệ thống kho bãi, cửa khẩu như: Móng Cái, Đồng Đăng, Hữu Nghị, Lào Cai, Ma Lu Thàng, Tây Trang, Tà Lùng, Bờ Y, Lao Bảo, Cầu Treo, Hoa Lư, Thanh Thủy...
Tại nhiều tỉnh vùng biên giới đang hình thành những thị trấn, trung tâm cụm xã như những điểm giao lưu kinh tế - xã hội. Hệ thống chợ vùng biên phát triển sôi động, phong phú, kết cấu hạ tầng được nâng cấp sửa chữa; đời sống văn hóa, tinh thần được cải thiện; bộ mặt nông thôn miền núi đổi mới. Giao lưu kinh tế, thương mại cũng đã góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa nghệ thuật, phát triển dịch vụ, du lịch.
Thương nghiệp nhà nước đã thực hiện có kết quả việc cung ứng các mặt hàng chính sách với đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số. Với hơn 75% cụm xã có điểm bán hàng của thương nghiệp nhà nước (kể cả đại lý), trong những năm qua việc Nhà nước trợ giá, trợ cước một số mặt hàng thiết yếu đã góp phần quan trọng bình ổn thị trường, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số. Thương nghiệp dân doanh phát triển nhanh và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong bán lẻ, góp phần làm phong phú, sống động thị trường. Số liệu thống kê gần đây cho thấy hiện có 1.859.218 cơ sở kinh doanh cá thể phi nông nghiệp đang hoạt động ở các tỉnh miền núi, vùng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của các tỉnh vùng cao, miền núi trong 5 năm qua, trung bình đạt hơn 280.000 tỉ đồng/năm (tăng bình quân 19,35% năm). Những năm gần đây, hoạt động xuất - nhập khẩu của các tỉnh miền núi, vùng cao, nhất là các tỉnh có chung biên giới với Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, được gia tăng mạnh mẽ cả về hình thức, kim ngạch và mặt hàng. Trong tổng số 43 cửa khẩu của cả nước (có 8 cửa khẩu quốc tế, 19 cửa khẩu quốc gia và 16 cửa khẩu tiểu ngạch) có hơn 80% cửa khẩu nằm ở các tỉnh miền núi, với 7/8 cửa khẩu quốc tế và 7/19 cửa khẩu quốc gia được áp dụng chính sách ưu đãi.
Bảng 1: Kim ngạch xuất nhập khẩu
(đơn vị: triệu USD)
2004 |
2005 |
2006 |
2007 | |
Cả nước |
58.453,8 |
69.208,2 |
84.717,3 |
99.056 |
Vùng cao |
3.098,1 |
3.737,2 |
3.896,9 |
4.457,5 |
Tỷ trọng (%) |
5,3 |
5,4 |
4,6 |
4,5 |
Miền núi |
2.805,8 |
3.252,8 |
3.642,8 |
4.358,5 |
Tỷ trọng (%) |
4,8 |
4,7 |
4,3 |
4,4 |
Vùng có miền núi |
5.436,2 |
6.021,1 |
7.116,3 |
8.518,8 |
Tỷ trọng (%) |
9,3 |
8,7 |
8,4 |
8,6 |
Nguồn: Số liệu thống kê và tính toán của nhóm nghiên cứu
Bên cạnh các loại hình thương nghiệp, chợ được xem là bộ phận cấu thành quan trọng của mạng lưới thương nghiệp xã hội ở mỗi vùng, địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi vùng cao. Mặc dù hơn 60% cụm xã đã có chợ, song nhìn chung ở các tỉnh miền núi, nhất là vùng cao, mạng lưới chợ còn rất thưa thớt, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn nghèo nàn.
Bảng 2: Một số chỉ tiêu cơ bản về mạng lưới chợ
|
Tổng số chợ năm 2005 |
Chợ/xã, phường, thị trấn |
Diện tích/chợ (km2/ chợ) |
Dân số/chợ (nghìn người/ chợ) |
Bán kính chợ (km/ chợ) |
Cả nước |
7.719 |
0,71 |
42,13 |
10.768 |
3,66 |
1. ĐB sông Hồng |
1.472 |
0,65 |
10,06 |
12.250 |
1,79 |
2. Đông Bắc Bộ |
1.150 |
0,55 |
55,33 |
8.120 |
4,20 |
3. Tây Bắc Bộ |
243 |
0,41 |
153,65 |
10.543 |
7,00 |
4. Bắc Trung Bộ |
1.185 |
0,65 |
43,47 |
8.958 |
3,72 |
5. DH Nam Trung Bộ |
838 |
0,96 |
39,46 |
8.408 |
3,55 |
6. Tây Nguyên |
378 |
0,57 |
144,11 |
12.579 |
6,77 |
7. Đông Nam Bộ |
874 |
0,84 |
39,75 |
15.391 |
3,56 |
8. ĐB sông Cửu Long |
1.579 |
1,02 |
25,17 |
10.928 |
2,83 |
Nguồn: Tổng hợp phiếu điều tra và quy hoạch phát triển mạng lưới chợ các địa phương
Đánh giá một cách tổng quát như sau: những thành tựu của thương mại và thị trường miền núi đạt được trong thời kỳ mở cửa, hội nhập mới chủ yếu diễn ra ở những thị trấn, huyện lỵ, thị tứ, vùng có cây công nghiệp tập trung, cụm xã, chợ, nơi gần đường giao thông... Vùng sâu, vùng xa nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, nan giải. Hiệu quả kinh tế đạt được chưa tương xứng với điều kiện thuận lợi, thế mạnh và tiềm năng. Trong xuất nhập khẩu: nhập siêu còn lớn, hàng xuất khẩu phần lớn là sản phẩm thô, dạng nguyên liệu.
Hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, gian lận trong thương mại vẫn diễn ra khá phức tạp, gây thất thu lớn cho ngân sách và ảnh hưởng xấu tới sản xuất trong nước.
Mặt trái do giao lưu kinh tế với bên ngoài gây ra còn nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự xã hội, thể hiện trên một số mặt:
- Tình trạng người ra vào trái phép qua biên giới và khu vực biên giới, sự lộn xộn của các hoạt động kinh tế trên các cửa khẩu và các lối mòn trên toàn tuyến diễn ra phổ biến; từ đó kéo theo các tệ nạn tham nhũng và nhiều tệ nạn xã hội khác.
- Do chạy theo lợi nhuận nhiều cư dân khu vực biên giới tiếp tay cho buôn lậu dưới nhiều hình thức. Còn không ít cơ quan tham gia kinh doanh buôn bán kiếm lời đã gây trở ngại cho công tác quản lý. Sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng; giữa khu vực thành phố, thị xã, thị trấn và nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giữa các tầng lớp dân cư, lao động vẫn còn khoảng cách lớn.
Thương nghiệp nhà nước chủ yếu mới đảm nhiệm được một số mặt hàng chính sách (muối i-ốt, dầu hỏa, giấy viết, cây, con giống,...). Các mặt hàng khác cơ bản do dân doanh tổ chức. Khó khăn chung của thương nghiệp nhà nước là thiếu vốn. Hợp tác xã mua bán hầu hết chỉ hoạt động cầm chừng, hoặc giải thể. Mức lưu chuyển bình quân đầu người ở các tỉnh miền núi chỉ bằng 22% - 28% bình quân chung của cả nước, ở vùng xa, vùng sâu lại chỉ bằng 38% - 45% mức bình quân chung của tỉnh. Sản vật do bà con các dân tộc thiểu số sản xuất ra chủ yếu tự cung tự cấp, tỷ suất hàng hóa nhiều nơi chỉ đạt 15% - 20%. Xuất khẩu còn bấp bênh, phân tán, bình quân đầu người chỉ đạt 15% - 22% mức chung của cả nước. Số dự án đầu tư nước ngoài cũng giảm dần theo năm tháng. Nông, lâm sản vẫn khó tìm được “đầu ra”. Chính sách triển khai thường chậm và chưa kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Tuy Chính phủ đã có Nghị định về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc, song 5 năm qua thương nghiệp miền núi vẫn còn là nền thương nghiệp nhỏ, thị trường miền núi vẫn là bộ phận yếu kém của thị trường cả nước.
Phát triển thương mại và thị trường miền núi, vùng cao ở nước ta còn đứng trước những khó khăn khác nữa như: toàn vùng còn có nhiều xã chưa có đường ô-tô, chưa có điện; 52,8% số cán bộ quản lý kinh tế được đào tạo từ trước năm 1989, cán bộ quản lý kinh tế là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 30% - 39% chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ.
2 - Một số giải pháp và khuyến nghị
Vấn đề đầu tiên được coi là một trong những động lực chính thúc đẩy kinh tế phát triển là khuyến khích sản xuất hàng hóa và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh việc bổ sung, hoàn thiện, cần tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ Nghị định số 20/1998/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc. ở đây cần lưu ý: ngoài việc miễn giảm tiền thuế đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, giảm lãi suất tín dụng, cần xem xét miễn giảm thuế tài nguyên, thuế nông nghiệp đối với một số sản vật hàng hóa. Việc trợ cước hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa được sản xuất tại miền núi, vùng cao là rất thiết thực, song phải rất cụ thể, tính đến những đặc điểm của mỗi loại hàng hóa, không nên “cào bằng”.
Cùng với quá trình phân loại, sắp xếp, tổ chức lại các doanh nghiệp thương nghiệp nhà nước đang hoạt động trên địa bàn, cần phát triển mạnh các hình thức kinh tế hợp tác trong hoạt động thương mại, dịch vụ. Trước hết là chỉ đạo thí điểm thành lập các hợp tác xã thương mại, dịch vụ theo Luật Hợp tác xã và theo Điều lệ mẫu về hợp tác xã thương mại, dịch vụ, làm đại lý cho thương nghiệp nhà nước trong việc bán, mua hàng hóa.
Một mức thuế hợp lý trên cơ sở mở rộng diện thu và nuôi dưỡng nguồn thu phải được xem là tư tưởng chỉ đạo khi xây dựng và quy định mức thuế cho các loại hàng hóa. Nhà nước quy định khung tính thuế, địa phương được phân cấp quyết định giá để tính thuế và mức thuế xuất những mặt hàng thường xuyên không ổn định trong khung Nhà nước cho phép, để việc thu thuế được linh hoạt, kịp thời cần được nghiên cứu xem xét.
Kinh doanh hàng “tạm nhập, tái xuất” đã và đang đưa lại những hiệu quả to lớn, nhưng cũng gặp phải khá nhiều trắc trở, nhất là quy định về thời hạn tái xuất khẩu. Nhà nước cần có quy định riêng với loại hình kinh doanh đặc biệt này (thực chất là dịch vụ chuyển khẩu hàng hóa) được hưởng quy chế như đối với hàng vận chuyển quá cảnh hoặc mượn đường biên giới Việt Nam.
Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi (trừ các dự án khai thác khoáng sản), ngoài những ưu đãi về tiền thuê đất, quyền chuyển nhượng..., có thể xem xét miễn thuế thu nhập, thí điểm một số khu đặc nhượng lâm nghiệp, tại đó sẽ áp dụng phần lớn các chính sách như đầu tư vào khu chế xuất.
Đi đôi với việc xây dựng, ban hành quy chế hoạt động tiền tệ trên biên giới, các ngân hàng thương mại tiếp tục mở rộng quan hệ đại lý với các ngân hàng thương mại nước bạn, các thành phần kinh tế được tham gia hoạt động đổi tiền, song phải có giấy phép và chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
Thực tế những năm qua cho thấy, các tỉnh vùng cao biên giới cần có một tổ chức chỉ đạo, điều hành các hoạt động buôn bán biên mậu để khắc phục những yếu kém và những vướng mắc nảy sinh nhằm góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế. Tổ chức này có nhiệm vụ: điều tra, nắm bắt và dự báo các thông tin, tổ chức chỉ đạo các lực lượng kinh doanh trên địa bàn; căn cứ vào chính sách chung của Nhà nước và tình hình cụ thể của khu vực biên giới giúp tỉnh xây dựng các đối sách thích ứng kịp thời, xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh doanh với bạn, thực hiện liên kết giữa các đơn vị kinh tế trên địa bàn, kiến nghị với tỉnh xây dựng chiến lược và chính sách giao lưu kinh tế, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách đó.
Để xây dựng dần các trung tâm cụm xã, việc sửa đổi, bổ sung, đổi mới chính sách cơ chế hiện hành nhằm hỗ trợ thương mại miền núi vươn lên cần tập trung trước hết vào các vấn đề sau:
Một là, về chính sách đất đai: Thương nhân ở khu vực I được miễn tiền thuê đất trong 5 năm đầu và được giảm tiền thuê đất trong 5 năm tiếp theo. Thương nhân ở khu vực II và III được miễn tiền thuế đất để xây dựng, mở rộng cơ sở kinh doanh.
Hai là, về chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập và thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài: Tồn tại chính là quy định miễn giảm thuế doanh nghiệp theo Nghị định số 20/1998/NĐ-CP chỉ được thực hiện trong năm 1998. Từ năm 1999, Luật Thuế giá trị gia tăng có hiệu lực, các quy định đó không được bảo lưu. Bộ Tài chính cho rằng, nếu giảm thuế giá trị gia tăng cho kinh doanh thương mại ở miền núi, sẽ gây ra một mặt hàng có 2 tỷ suất thuế là trái với nguyên lý thuế giá trị gia tăng. Theo chúng tôi, việc giảm thuế giá trị gia tăng cho kinh doanh thương mại của miền núi là cần thiết. Biện pháp là cấp lại cho doanh nghiệp số thuế được giảm, như vậy sẽ không ảnh hưởng đến tỷ suất thuế.
Ba là, về chính sách tín dụng, tập trung vào hai điểm:
- Về giảm lãi suất tín dụng, vướng mắc chính là quy định về trụ sở của doanh nghiệp phải đặt tại địa bàn khu vực II, III mới được giảm lãi suất vay. Vì vậy, quy định này làm cho hầu hết các doanh nghiệp không được hưởng chính sách. Biện pháp xử lý là giảm lãi suất vay cho số vốn vay để kinh doanh ở địa bàn khu vực II, III.
- Bổ sung vốn lưu động cho doanh nghiệp thương nghiệp nhà nước. Hiện nay, quy định về cấp đủ 50% vốn lưu động cho doanh nghiệp thương nghiệp nhà nước trong Nghị định số 20/1998/NĐ-CP chưa được thực hiện đầy đủ. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về nguồn ngân sách, nhưng cũng có phần do sự thiếu quan tâm đến khu vực này, vì doanh nghiệp thương nghiệp nhà nước ở miền núi đều có quy mô nhỏ, hiệu quả thấp. Loại hình doanh nghiệp cần được ưu tiên là doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp, phục vụ chính sách gắn với địa bàn.
Bốn là, về chính sách đào tạo đội ngũ thương nhân: Nhà nước dành riêng một khoản kinh phí từ ngân sách hằng năm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kinh doanh cho thương nhân thuộc mọi thành phần. Sở Thương mại là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch đào tạo, phối hợp cùng các trường đại học, viện nghiên cứu... tiến hành đào tạo và đào tạo lại.
Năm là, về điều chỉnh chính sách phát triển kết cấu hạ tầng kinh doanh: Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, cần kết hợp giữa đầu tư có trọng điểm của Nhà nước với việc mở ra một cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư trong dân và của các chủ đầu tư nước ngoài.
Sáu là, về chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, vấn đề lựa chọn danh mục sản phẩm được trợ cước hiện là vấn đề đang gây nhiều tranh cãi. Các cơ quan trung ương có những ý kiến khác nhau trước một danh sách tới mấy chục loại sản phẩm do các địa phương đề xuất ra để lựa chọn một số mặt hàng trợ cước./.
Phối hợp tổ chức các phong trào thi đua trong công nhân, lao động  (16/04/2009)
Phối hợp tổ chức các phong trào thi đua trong công nhân, lao động  (16/04/2009)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay