Về vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta trong thời kỳ mới
Phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Song có nhiều vấn đề lớn sẽ đặt ra như: phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp theo hướng nào; việc phát triển hoạt động phi nông nghiệp trong tình hình nông thôn hiện nay; bảo vệ thành quả của cải cách ruộng đất... Bài viết dưới đây sẽ đề cập tới những vấn đề này cùng với những gợi ý về giải pháp để phát triển nông nghiệp nông thôn trong thời kỳ mới.
Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nông nghiệp nước ta đã có những bước tiến vượt bậc. Sang giai đoạn phát triển mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều vấn đề sẽ tiếp tục được đặt ra, thậm chí cả với vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, nghiên cứu này muốn góp thêm một vài ý kiến vào quá trình xây dựng các phương hướng hoạt động của nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới trên mấy nội dung sau:
1 - Về phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp
Hiện nay, muốn phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp thường có hai cách. Thứ nhất, kêu gọi các doanh nhân đầu tư vào nông nghiệp. Thứ hai, giúp cho các nông dân khá và trung bình trở thành các chủ nông trại gia đình, các doanh nhân nông nghiệp. Thực tế ở các nước công nghiệp đi trước ta, họ đã hiện đại hóa nông nghiệp chủ yếu trên cơ sở của kinh tế hộ nông dân nghĩa là theo cách thứ hai. Trong quá trình này, lực lượng lao động nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh, một bộ phận thì ra đô thị, một bộ phận khác thì chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp ở nông thôn. Số trung nông thực sự yêu nông nghiệp, có khả năng làm nông nghiệp giỏi mới ở lại, trở thành những "doanh nhân nông nghiệp", chủ các trang trại gia đình. Tuy phần lớn trong số họ không thuê người làm, nhưng một lao động nông nghiệp có thể nuôi được từ 10 người trở lên do năng suất lao động không ngừng tăng. Ở nước ta, trong quá trình nghiên cứu về sự phát triển của kinh tế hộ nông dân sau đổi mới, chúng tôi tin rằng xu hướng phát triển này hoàn toàn có thể thành hiện thực nếu chúng ta có các thể chế thích hợp để khuyến khích phát triển kinh tế hộ đúng hướng. Hiện nay, ở nơi này nơi kia, đã có một số nông dân trở thành chủ trang trại, nhưng hiện tượng này sở dĩ vẫn chưa phổ biến vì chưa có các thể chế thích hợp để giúp nông dân.
Trong thực tiễn, vừa qua chúng tôi đã giúp nông dân ở tỉnh Hải Dương phát triển một số mô hình hợp tác xã chuyên chăn nuôi lợn. Các hộ nông dân trung bình trước khi vào hợp tác xã chỉ nuôi được 3 - 5 con lợn một năm kết hợp với trồng trọt. Nhưng sau khi vào hợp tác xã, nhờ có dịch vụ tín dụng, thức ăn gia súc, giống, được bảo hiểm thú y, phổ biến kỹ thuật và bán chung sản phẩm có bảo đảm chất lượng đồng đều, ổn định nên họ đã phát triển thành các nông trại chuyên môn hóa (bên cạnh các hộ chuyên chăn nuôi thì có các hộ chuyên sản xuất giống, thức ăn...) nuôi trên 100 con lợn siêu nạc, có hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, các hợp tác xã đang phấn đấu để chiếm lĩnh thị trường bằng cách mở lò mổ, kho lạnh, xưởng chế biến thịt. Có hộ nông dân nuôi trên 100 con lợn siêu nạc, trở thành chủ trang trại. Mô hình này đang được một số tỉnh khác phát triển. Ở Bắc Ninh đã chủ trương tách hẳn khu vực chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư để có đất phát triển và bảo vệ môi trường. Ở Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... đã có những cụm nông nghiệp trồng lúa chất lượng cao, rau, khoai tây, dưa hấu, vải thiều, nuôi cá, nuôi ba ba... cũng đang chiếm lĩnh được thị trường và có nhiều triển vọng.
Qua các thí dụ trên cho thấy, nông dân nước ta rất năng động. Nếu giúp họ bằng cách xây dựng các thể chế hỗ trợ, thì việc chuyển khoảng một nửa trung nông lên thành nông trại gia đình là khả thi. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là phải có một cơ chế giúp các hộ nông dân muốn làm nông nghiệp có thêm ruộng đất của các hộ chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp. Chúng ta đã có chính sách giúp đỡ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công nghiệp, thì sự giúp đỡ cho các doanh nghiệp nhỏ trong nông nghiệp phát triển cũng là điều cần thiết. Cụ thể:
- Đối với các hộ nông dân nghèo, thiếu điều kiện để kinh doanh nông nghiệp (kể cả trình độ canh tác lẫn các yếu tố sản xuất), thì nên giúp họ chuyển sang công nghiệp và dịch vụ dưới dạng lao động làm thuê ở đô thị hay ở nông thôn, nhường lại đất cho các hộ phát triển nông nghiệp. Hiện nay, các làng nghề ở nông thôn đang phát triển thành các doanh nghiệp nhỏ thu hút nhiều lao động nông nghiệp. Đây là một nhân tố mới có tác dụng tích cực đối với quá trình rút lao động ra khỏi nông nghiệp, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.
- Các hộ làm nông nghiệp giỏi, phần nhiều là nông dân khá, sẽ phát triển thành các nông trại gia đình có quy mô lớn hơn để sản xuất hàng hóa và sẽ là những doanh nghiệp nông nghiệp trong tương lai, chuyên môn hóa sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản. Để đẩy nhanh quá trình này, Nhà nước phải có chính sách thúc đẩy việc tập trung ruộng đất từ các hộ không làm nông nghiệp hoặc làm không hiệu quả vào tay các hộ chuyên sản xuất nông nghiệp, chống việc đầu cơ ruộng đất, có sự hỗ trợ tín dụng, cách thức làm ăn và công nghệ hiện đại cho các nông trại gia đình.
2 - Về phát triển các hoạt động phi nông nghiệp để giảm tình trạng thiếu việc làm
Nghiên cứu cho thấy, việc chuyên môn hóa trong phát triển nông sản thô để xuất khẩu không thể làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Bởi vậy, cần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp trên cơ sở nhu cầu của cả thị trường thế giới và trong nước, đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến. Ngoài ra, phát triển các hoạt động phi nông nghiệp không những tích cực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, mà còn nâng cao thu nhập của nông dân. Thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp được hiểu không phải chỉ từ công nghiệp và xây dựng, mà còn từ hoạt động buôn bán, vận tải, tài chính, tô tức và du lịch; thu nhập từ bán trực tiếp nông sản, bán sức lao động trong vùng và ở đô thị, ở nước ngoài, kiều hối, bảo hiểm xã hội, lợi tức... Hiện nay, nếu ở miền Nam số nông dân không có đất tăng lên, thì ở miền Bắc nông dân bỏ làm nông nghiệp, nhưng lại không bán quyền sử dụng ruộng đất. Điều đó có thể là do độ bấp bênh của ngành, nghề mới còn cao, trong lúc chi phí bỏ ra để giữ đất theo kiểu "phòng cơ" không đáng kể, nên hậu quả là gây lãng phí đất. Đây là thách thức cho phát triển nông thôn. Thêm nữa, suất tăng lao động nông thôn trong 25 năm qua chỉ tăng bình quân 3,1%/năm, nhưng công nghiệp và dịch vụ đô thị không thu hút hết số lao động tăng lên. Nếu như chúng ta không rút được lao động ra khỏi nông nghiệp, thì năng suất lao động và thu nhập trên đầu người không thể tăng nhanh được. Vì vậy, vấn đề đẩy mạnh các hoạt động phi nông nghiệp càng là nhiệm vụ cấp thiết.
Giữa nông nghiệp và các hoạt động phi nông nghiệp có mối quan hệ tương hỗ rất chặt chẽ, không hề cạnh tranh nhau, mà có tác động thúc đẩy lẫn nhau bởi, nếu không có thị trường nông thôn, không có công nghiệp và dịch vụ nông thôn, thì làm sao có thể có được nền nông nghiệp hàng hóa. Việc phát triển các hoạt động phi nông nghiệp còn giúp nông dân phát triển tư duy kinh doanh mới. Thậm chí cả những quá trình như đô thị hóa, di cư tạm thời hay lâu dài ra khỏi nông nghiệp, nông thôn cũng hỗ trợ cho sự phát triển của nông nghiệp.
Theo kinh nghiệm của I-ta-li-a, để phát triển hoạt động phi nông nghiệp ở nông thôn, người ta đã tạo ra mô hình công nghiệp hóa mới có hiệu quả rất cao dựa chủ yếu vào phát triển thủ công nghiệp và tư duy kinh doanh của người dân địa phương. Các cụm công nghiệp này là những thể chế sản xuất có mạng lưới tương trợ về thị trường, cùng chia sẻ các giá trị chung, có tác dụng làm giảm chi phí trao đổi (vận tải, tiếp cận thông tin, tiếp xúc với người cung cấp và phân phối), giảm rủi ro trong kinh doanh, đề cao tính sáng tạo và năng động. Nhờ các mạng lưới chính thức và phi chính thức của các cụm công nghiệp, mà họ đã tăng sự hiểu biết lẫn nhau, trao đổi cách thức làm ăn, thu hút vốn, tạo nên sự tin tưởng... tạo thuận lợi cho đầu tư và việc làm. Các cụm công nghiệp tuy cùng cạnh tranh trên thị trường, nhưng lại bổ sung cho nhau trên phương diện phân công lao động, chức năng sản xuất trên cơ sở kinh tế có nhiều sự tương đồng, sử dụng có hiệu quả nguồn lợi nhân lực nhờ tổ chức linh hoạt sử dụng tốt công nghệ hiện đại, nên hoạt động có hiệu quả hơn các xí nghiệp lớn. Cụm công nghiệp cũng là thực tiễn phát triển rất năng động ở nhiều nước khác trên thế giới và gần đây đã trở thành chiến lược công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn khá phổ biến.
Các xu hướng khác nhau trong việc phát triển hoạt động phi nông nghiệp sẽ là: phục hồi các làng nghề truyền thống, thích ứng với thị trường hiện đại và tạo các làng nghề mới; tạo ra các làng chuyên về chế biến thực phẩm, nông sản; đa dạng hóa dịch vụ, buôn bán và cung cấp lao động cho thị trường nông thôn mới cũng như đô thị.
Những năm qua, nhiều làng nghề ở nước ta đã được phục hồi và phát triển, nhưng số hộ chuyên ngành nghề vẫn chưa nhiều, hoạt động phi nông nghiệp còn trong tình trạng tự phát, rời rạc của một số hộ nông dân. Điều tra cho thấy, thủ công nghiệp, chế biến thực phẩm và buôn bán là các hoạt động chính. Cản trở lớn nhất trong quá trình phát triển các hoạt động phi nông nghiệp chính là do độ rủi ro cao và thiếu thị trường, thiếu các chính sách khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước..., nên bên cạnh những vùng rất năng động trong phát triển, thì vẫn còn nhiều vùng còn khá trì trệ. Hiện hai quá trình phát triển các khu công nghiệp thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài và sự năng động của nông dân địa phương còn đang tách rời nhau. Cần có biện pháp thống nhất lại hai quá trình này thì hy vọng sẽ có lợi cho công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta.
3 - Việc bảo vệ các thành quả của cải cách ruộng đất
Muốn cho nông dân và nông nghiệp nước ta phát triển được trong thời kỳ công nghiệp hóa chúng ta phải tránh để mất đất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay quá trình mất đất nông nghiệp đang diễn ra rất nhanh. Nhiều cánh đồng màu mỡ nhất đã và đang bị biến mất, mà diện tích đất khai hoang thêm chưa chắc đã bù được diện tích đã bị mất đi. Trong lúc Nhà nước đang ra sức ngăn chặn việc sử dụng đất sai mục đích, thì các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước lại chiếm dụng đất và sử dụng rất lãng phí do sự chênh lệch quá lớn giữa mục đích đất canh tác và đất xây dựng. Vì thế, phải có các quy định chặt chẽ về việc sử dụng đất phi nông nghiệp. Chỉ phát triển hoạt động phi nông nghiệp trên những mảnh đất không có khả năng sử dụng cho nông nghiệp.
Ở nước ta, Luật Đất đai mới đã hợp pháp hóa thị trường ruộng đất phi chính thức thành thị trường chính thức, về thực chất đã trao quá nhiều quyền cho người dân (7 quyền), nhưng lại chưa làm rõ trách nhiệm của người sử dụng với chủ sở hữu - Nhà nước. Những quy định mới về giá đất cho các vùng gần với giá thị trường đã vô tình hợp thức hóa việc đầu cơ ruộng đất thời gian qua, làm cho người nghèo càng khó có thể tiếp xúc với đất đai và thúc đẩy quá trình mất đất diễn ra hơn nữa. Thực tế khác là, tình trạng tham nhũng chưa bị ngăn chặn hiệu quả cũng đang làm cho việc chiếm dụng ruộng đất đi liền với hiện tượng nông dân mất đất. Nhiều nơi nông dân không còn trực tiếp canh tác nữa, nhưng vẫn chưa có cơ chế để chuyển đất sang cho các hộ chuyên làm nông nghiệp, nên họ vẫn giữ đất để đầu cơ.
Gần đây, chúng ta còn có chủ trương dồn điền đổi thửa để tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế hàng hóa. Tuy nhiên, kết quả thực hiện ở nhiều nơi cho thấy, việc này không thúc đẩy sản xuất hàng hóa, ngược lại còn làm tăng rủi ro của việc canh tác. Nông dân nhiều nơi bị bắt buộc phải thực hiện và thấy không cần thiết trong lúc cán bộ xã lại rất hăng hái, vì nhờ đó sẽ có những lô đất lớn để đấu thầu. Do đó, chính sách ruộng đất của chúng ta cần được nghiên cứu thật cẩn thận để vừa tránh được những hậu quả trái ngược, vừa thúc đẩy việc chuyển hộ nông dân từ làm nông nghiệp tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, thúc đẩy việc mở rộng quy mô của hộ và thực hiện đúng khẩu hiệu "người cày có ruộng" và "người có ruộng phải cày" để sử dụng có hiệu quả nguồn lực quý giá này.
4 - Về vấn đề tổ chức của nông dân và Nhà nước
Trong giai đoạn phát triển mới, vai trò của nông dân và nông nghiệp có lẽ sẽ trở thành ngày càng ít quan trọng hơn. Tuy vậy, trong thời kỳ đầu của công nghiệp hóa, nông dân vẫn là nguồn cung cấp lao động chính và là thị trường của công nghiệp. Trong quá trình công nghiệp hóa, chúng ta không thể để cho nông nghiệp giảm sút như một số nước hoàn thành công nghiệp hóa đi trước ta.
Nhưng, hiện nay đang tồn tại mâu thuẫn giữa mục tiêu của Nhà nước và của nông dân. Nhà nước coi nông nghiệp là một khu vực của nền kinh tế, phải tăng trưởng thế nào để vừa bảo đảm được an ninh lương thực, vừa có thặng dư để đóng góp cho công cuộc công nghiệp hóa. Còn nông dân sống trong xã hội cần có đời sống ngày càng được nâng cao trong sự so sánh với mức sống của đô thị. Vì thế, những nghiên cứu gần đây về sinh kế của nông dân trên thế giới và nước ta cho thấy, nông dân có xu hướng đa dạng hóa sinh kế để tăng thu nhập và tỷ trọng thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp của họ ngày càng cao. Chính vì mục tiêu đó, họ lựa chọn phương án đa dạng hóa hoạt động kinh tế, trong lúc Nhà nước lại muốn có những khối lượng hàng hóa lớn để xuất khẩu, nên có chủ trương quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, phát triển các hộ nông dân chuyên môn hóa.
Trong khi nông nghiệp càng phát triển mạnh, giá nông sản trên thị trường càng có xu hướng giảm xuống. Biện pháp hữu hiệu nhất để tránh rủi ro là phải đa dạng hóa sản xuất. Ngoài ra, phải phấn đấu để không ngừng giảm chi phí sản xuất bằng việc cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh công tác khuyến nông. Song, Nhà nước không thể đủ sức để bao cấp công tác khuyến nông đến từng xã, do đó phải tiến hành xã hội hóa khuyến nông và cần có các tổ chức chuyên nghiệp của chính người nông dân để làm việc này.
Tổ chức nông dân cần đa dạng để thích ứng với các điều kiện khác nhau về đặc điểm địa phương và trình độ phát triển. Các tổ chức nông dân phải là tổ chức kiểu mới, không hoàn toàn giống kiểu truyền thống là chỉ nhằm giải quyết các quan hệ bên trong, mà phải mở mang thêm các mối quan hệ với bên ngoài như giúp cho việc tiếp cận với thị trường và xã hội. Các tổ chức nông dân còn là trung gian giữa người sản xuất và các tác nhân khác trong môi trường kinh tế và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.
Thường các tổ chức nông dân có một số chức năng sau: đại diện và bảo vệ các quyền lợi của người sản xuất; chức năng kinh tế và kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ cho hội viên; quản lý các nguồn lợi tự nhiên và tài sản như sử dụng nước, đồng cỏ...; chức năng phát triển xã hội, phát triển địa phương.
Xây dựng các tổ chức nông dân chính là bước đầu để tiến lên xây dựng các nghiệp đoàn nông dân. Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, cần có các nghiệp đoàn nông nghiệp để bênh vực quyền lợi của nông dân, tăng khả năng "mặc cả" của nông dân trên thị trường và tham gia vào việc hoạch định chính sách nông nghiệp cùng chính phủ. Xây dựng nghiệp đoàn nông nghiệp sẽ dựa trên ba cơ sở khác nhau: theo lãnh thổ, gồm các nghiệp đoàn theo các cấp hành chính; theo sản phẩm, gồm các nghiệp đoàn theo ngành hàng khác nhau; theo xã hội, gồm các tổ chức như hộ gia đình, thôn, bản, các tổ chức thanh niên, phụ nữ...
5 - Về vấn đề hợp tác xã
Chúng ta đã có Luật Hợp tác xã, nhưng đến nay hợp tác xã vẫn chưa được phát triển mạnh một cách thực chất ở nông thôn. Nông dân chưa thiết tha với hợp tác xã. Nguyên nhân là do, dù đã có Luật, chúng ta vẫn chưa thực sự thống nhất với nhau khái niệm và mô hình hợp tác xã. Theo nguyên tắc tổ chức hợp tác xã trên toàn thế giới, hợp tác xã thực chất là một tổ chức của nông dân mang tính xã hội và tương trợ lẫn nhau, chứ không phải nhằm mục đích thu lợi nhuận. Hiện nay người ta thường lẫn lộn hợp tác xã với công ty cổ phần, vì các xã viên hợp tác xã cũng phải đóng cổ phần. Việc coi hợp tác xã giống như công ty cổ phần đã dẫn đến tình trạng ở các địa phương có các hợp tác xã do một số nông dân giàu đóng cổ phần; ai có nhiều cổ phần thì người ấy kiểm soát hợp tác xã khiến nông dân nghèo không muốn tham gia. Sự lẫn lộn này đã tạo nên tình trạng rất phổ biến là có nhiều hợp tác xã mang tính trá hình, thực chất chỉ là tổ chức tư nhân.
Vấn đề nữa là, chúng ta đã công nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ. Vậy, nên tổ chức hợp tác xã như thế nào để không tạo mâu thuẫn giữa hộ nông dân và hợp tác xã. Về nguyên tắc hợp tác xã chỉ làm những việc mà hộ nông dân không làm được một cách riêng rẽ. Vì vậy, không thể tách rời công việc của hộ nông dân và hợp tác xã nếu các công việc ấy nằm trong một hoạt động kinh tế. Khi hợp tác xã làm một dịch vụ cho hộ nông dân, ví dụ giúp hộ nông dân mua vật tư nông nghiệp, mục tiêu không phải là để kiếm lãi, mà chỉ là giúp nông dân mua được với giá rẻ, chất lượng tốt. Như thế, hợp tác xã chỉ thu của hộ nông dân phí dịch vụ thấp nhất thì mới giảm được giá dịch vụ.
Về việc tổ chức hợp tác xã, hiện nay chủ yếu theo đơn vị hành chính như trước đây khi còn là các đơn vị kinh tế tập thể nên còn có nhiều hạn chế. Thực ra, muốn tổ chức hợp tác xã phải làm từ đơn giản đến phức tạp, do đó phải bắt đầu từ một việc, làm tốt một việc sau đấy sẽ tiến lên làm nhiều việc. Hơn nữa muốn cho hợp tác phát triển mạnh hơn, thì thậm chí các hợp tác xã cùng làm một việc sẽ phải liên kết lại theo ngành dọc để mở rộng quy mô, từ đó có sức làm các việc lớn hơn. Ví dụ, hợp tác xã chăn nuôi lợn muốn làm chủ được thị trường cần có các cơ sở sản xuất lợn giống, chế biến thức ăn và thịt, có kho lạnh để bảo quản thịt, trạm thú y được trang bị tốt... Chỉ có việc liên kết dọc mới có thể làm được tất cả những khâu công việc này. Theo kinh nghiệm của các nước, trong kinh tế thị trường nên tổ chức các hợp tác xã theo ngành hàng sẽ có hiệu quả hơn cả.
Phải phát triển nhiều hình thức hợp tác khác nhau, từ thấp đến cao để nhân dân các vùng khác nhau có thể lựa chọn hình thức mà họ coi là thích hợp nhất. Do việc xây dựng hợp tác xã là một quá trình lâu dài, khó khăn, phải vừa làm, vừa học, nên cần phát triển rộng khắp các tổ hợp tác giản đơn để giúp đỡ, tương trợ nhau phát triển sản xuất như các tổ đổi công trước đây. Các tổ hợp tác cũng phải có khung pháp lý để hoạt động. Do vậy, cần có chế tài về các quan hệ hợp tác, quy định các hình thức hợp tác đa dạng, chứ không chỉ dừng lại ở hình thức hợp tác xã như là một hình thức hợp tác cao nhất.
Phải có nhiều hình thức hợp tác còn là do các ngành sản xuất khác nhau thường có các hình thức hoạt động khác nhau, do đó mỗi ngành sản xuất cần một hình thức hoạt động thích hợp. Chẳng hạn, các tổ chức hiệp hội có tác dụng gắn bó lợi ích giữa nông dân với thương nhân,... thì nên lựa chọn tổ chức hiệp hội là thích hợp.
6 - Vấn đề hợp đồng tiêu thụ nông sản
Nông dân nước ta đang phát triển nền nông nghiệp hàng hóa và Nhà nước đang muốn phát triển hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản để giúp nông dân giải quyết đầu ra. Đây là một hình thức đã được áp dụng ở các nước, nhưng không phải rộng rãi lắm. Hoa Kỳ là nơi thể chế này được phổ biến nhất cũng chỉ có 10% doanh nghiệp nông nghiệp, phần nhiều là doanh nghiệp lớn, tham gia. Nguyên nhân chủ yếu là các quan hệ này khó tránh khỏi độc quyền. Gần đây hình thức này được áp dụng thử ở các nước đang phát triển, nhưng gặp nhiều khó khăn, vì sản xuất nông nghiệp có nhiều rủi ro, giá cả lên xuống thất thường, khó dự đoán trước. Ở Việt Nam, năm 2002 Chính phủ ban hành Nghị định 80/2002/TTg khuyến khích việc áp dụng chế độ hợp đồng giữa các doanh nghiệp và nông dân (liên kết 4 nhà), nhưng đến nay, việc triển khai rộng rãi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cản trở vì các lý do sau:
- Giá cả thị trường thay đổi thường xuyên, lúc giá cao thì nông dân phá hợp đồng, lúc giá thấp thì doanh nghiệp phá, hợp đồng lại thiếu cơ sở pháp lý và chế tài ràng buộc trách nhiệm các bên.
- Hợp đồng nông nghiệp phải bao gồm nhiều hình thức khác nhau, chứ không chỉ có ký hợp đồng với doanh nghiệp. Chẳng hạn, có các hình thức: ký với doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, ký với nông trường, ký với nhiều tổ chức khác nhau, ký với một số doanh nhân hay hợp tác xã một cách không chính thức, ký với người thu gom lẻ...
- Doanh nghiệp đã lợi dụng độc quyền áp giá với nông dân và không cung cấp dịch vụ cho nông dân, cũng như ít chia sẻ rủi ro cùng với nông dân, bởi hợp đồng không đề ra cơ chế chia sẻ rủi ro lúc giá thay đổi. Bên nào cũng muốn né tránh rủi ro, thiệt hại.
Từ những phân tích trên, biện pháp hữu hiệu nhất để khắc phục các khó khăn là nông dân phải tổ chức lại thành hợp tác xã hay hiệp hội để bênh vực quyền lợi cho nhau và tăng khả năng mặc cả trên thị trường. Thực tế ở nước ta đã có những nơi các hợp tác xã chuyên ngành, các hiệp hội hay các doanh nhân xuất thân từ nông dân đứng ra tổ chức những thể chế phi chính thức, mềm dẻo, chia sẻ rủi ro và hoạt động rất hữu hiệu. Đây chính là điều cần được nghiên cứu, tổng kết để sớm nhân rộng thành những điển hình tốt.
Năm 2007, biến cơ hội thành hiện thực phát triển sống động  (15/01/2007)
Công tác cán bộ của Đảng trong thời kỳ mới  (15/01/2007)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, nâng cao hơn nữa chất lượng, tính tư tưởng, tính hấp dẫn, tính thuyết phục của báo chí  (15/01/2007)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên