Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng ở Trung Quốc, Singapore và những gợi ý cho Việt Nam
TCCS - Tham nhũng là hiện tượng kinh tế - xã hội gắn liền với sự hình thành và phát triển của bộ máy nhà nước. Trên thế giới hiện nay, không một quốc gia nào hoàn toàn không có tham nhũng, tuy nhiên, mức độ tham nhũng ở các quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào cơ chế, biện pháp và nỗ lực phòng, chống tham nhũng của mỗi nước. Để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, việc tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia về vấn đề này là rất cần thiết, nhất là kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Trung Quốc và Singapore - hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam nhìn từ cách thức tổ chức quyền lực nhà nước và văn hóa chính trị.
Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Trung Quốc và Singapore
Những năm qua, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Trung Quốc và Singapore đều đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Để có được kết quả đó, cả hai nước đều đã có những nỗ lực trên nhiều phương diện và thực hiện phòng, chống tham nhũng một cách bài bản, khoa học và quyết liệt. Qua đó, có thể nhận thấy một số kinh nghiệm chung đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, quyết tâm chính trị mạnh mẽ và cam kết chống tham nhũng tận gốc của đảng cầm quyền, được duy trì qua các thế hệ lãnh đạo cùng với sự gương mẫu của các lãnh đạo cấp cao.
Ở Trung Quốc, kể từ sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình luôn nhắc lại tuyên bố: “Cuộc chiến chống tham nhũng là vấn đề chính trị đầu tiên và quan trọng nhất”(1). Với ý chí và quyết tâm trên, việc đấu tranh ngăn chặn tham nhũng được thực hiện với tất cả các đối tượng, lĩnh vực, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. “Chúng ta tiếp tục bắt cả “hổ lẫn ruồi” trong xử lý các quan chức lãnh đạo vi phạm nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như có hành vi sai trái và tham nhũng, những việc làm ảnh hưởng tới lợi ích của nhân dân. Tất cả đều được xử lý bình đẳng như nhau trước luật pháp và kỷ luật của Đảng; bất kỳ ai liên quan tới tham nhũng đều phải được điều tra kỹ lưỡng, không thiên vị”(2).
Ở Singapore, quyết tâm chính trị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) được thể hiện ngay trong quá trình tranh cử và trong suốt thời gian dài lãnh đạo đất nước. Quyết tâm đó còn được duy trì và có sự nhất quán cao giữa các thế hệ lãnh đạo của Đảng. Sau thời gian nắm quyền của Lý Quang Diệu, hai thế hệ Thủ tướng kế nhiệm là Ngô Tác Đống (cầm quyền từ năm 1990 đến năm 2004) và Lý Hiển Long (cầm quyền từ năm 2004 đến tháng 5-2024) cũng rất chú trọng hoàn thiện pháp luật và bộ máy chống tham nhũng với quyết tâm chống tham nhũng đến cùng. Có thể thấy, ở Singapore, quyết tâm chính trị trong phòng, chống tham nhũng là chưa từng suy chuyển trong giới lãnh đạo PAP qua 3 thế hệ: Lý Quang Diệu, Ngô Tác Đống đến Lý Hiển Long.
Trong thực tế, phòng, chống tham nhũng, quyết tâm chính trị của đảng cầm quyền không chỉ là chủ trương, định hướng mà phải rất cụ thể bằng các chiến lược, cùng với các quy định, cơ chế, luật lệ, tổ chức, nguồn lực thực hiện. Đi cùng với quá trình này, tấm gương của nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính trị cấp cao luôn là điểm tựa vững chắc cho quyết tâm chống tham nhũng đến cùng. Thành công của việc phòng, chống tham nhũng của Singapore trong hơn nửa thế kỷ qua trước hết là do đã duy trì được quyết tâm chính trị đó qua các thế hệ lãnh đạo. PAP đã xây dựng được một trong những giá trị cốt lõi của giới lãnh đạo chính trị cấp cao là sự liêm khiết, cống hiến, một chính phủ trong sạch, tài năng dù dưới thời của vị thủ tướng nào, nhằm bảo đảm vị trí cầm quyền của mình.
Thứ hai, các cơ quan phòng, chống tham nhũng được trao đủ thẩm quyền và có sự độc lập nhất định để thực thi nhiệm vụ có hiệu quả.
Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng sẽ được bảo đảm khi có sự độc lập của các cơ quan phòng, chống tham nhũng. Sự độc lập được xác định trên ba phương diện: địa vị pháp lý, nhân sự và kinh phí. Trong hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) do Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng bầu trực tiếp, nên cơ quan này vừa có quyền lực mạnh, vừa có sự độc lập nhất định trong việc thực hiện chức năng kiểm tra đối với các vị trí quyền lực cao trong hệ thống tổ chức của Đảng.
Năm 2018, Trung Quốc ban hành Luật Giám sát, trong đó quy định: Ủy ban Giám sát nhà nước là cơ quan giám sát tối cao ở Trung Quốc. Cơ quan này chịu trách nhiệm trước Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội)(3). Bộ Giám sát và Cục Điều tra tội phạm tham nhũng được hợp nhất vào Ủy ban Giám sát nhà nước.
Như vậy, theo Hiến pháp mới của Trung Quốc, Ủy ban Giám sát nhà nước là một trong 4 cơ quan hiến định, bên cạnh Quốc Vụ viện, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ủy ban Giám sát nhà nước được trao quyền mạnh, trong đó có quyền thẩm vấn, điều tra, khám xét, thu thập chứng cứ, phong tỏa và tịch thu tài sản, bắt và tạm giam công chức vi phạm đến 6 tháng để phục vụ điều tra…
Ủy ban Giám sát nhà nước thực hiện lãnh đạo công tác của ủy ban giám sát các cấp ở địa phương; các tỉnh, thành phố, khu tự trị, châu tự trị, huyện, huyện tự trị, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc khu thành lập ủy ban giám sát, chịu trách nhiệm trước đại hội đại biểu nhân dân cùng cấp, ủy ban thường vụ của nó và ủy ban giám sát cấp trên, đồng thời chịu sự giám sát của các cơ quan này. Ủy ban giám sát cấp trên lãnh đạo ủy ban giám sát cấp dưới. Thông qua hệ thống ủy ban giám sát từ Trung ương đến địa phương, Trung Quốc có thể triển khai mở rộng công tác giám sát toàn diện, bao trùm lên phạm vi toàn quốc, tăng cường giám sát việc thực thi quyền lực công của công chức nhà nước ở mọi nhánh quyền lực, triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Sự ra đời của Luật Giám sát được xem là đã tạo nên sự kết hợp thống nhất giữa quản lý Đảng bằng quy chế với quản lý đất nước bằng pháp luật, giữa giám sát trong Đảng và giám sát nhà nước.
Đối với Singapore, cơ quan phòng, chống tham nhũng độc lập của nước này là Cục Điều tra tham nhũng (The Corrupt Practices Investigation Bureau, viết tắt là CPIB) được cơ cấu, tổ chức lại dưới thời của Lý Quang Diệu. Theo đó, cơ quan này tách khỏi các cơ quan nhà nước khác, trực thuộc Thủ tướng, có toàn quyền điều tra và kết tội tham nhũng. CPIB có quyền tự do hành động để xử lý kẻ tham nhũng, bất kể kẻ đó ở vị trí xã hội nào, thuộc đảng phái chính trị nào, thuộc sắc tộc hay tín ngưỡng nào. Chính vì vậy, không ai và không cấp nào có thể có ý kiến hay can thiệp nhằm làm sai lệch kết quả điều tra, xét xử. Thành viên của CPIB thường là những nhân viên cảnh sát chuyên về lĩnh vực điều tra tham nhũng nên họ có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động điều tra, nghiên cứu. Hơn nữa, do hoạt động chuyên trách nên các thành viên của CPIB dành toàn bộ thời gian và công sức cho công việc. Thêm vào đó, CPIB có quyền bắt giữ những người bị tình nghi tham nhũng mà không cần cơ quan cảnh sát cho phép. Các nhân viên của CPIB còn có các quyền đặc biệt khác, như quyền điều tra theo thẩm quyền của cảnh sát được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự mà không cần sự phê chuẩn của cơ quan công tố, quyền điều tra tài khoản ngân hàng, cổ phần, tài khoản mua bán, tài khoản chi tiêu hoặc bất kỳ tài khoản nào khác… Điều này cho phép CPIB phát hiện kịp thời và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi tham nhũng.
Theo quy định của pháp luật chống tham nhũng ở Singapore, Tổng thống là người bổ nhiệm Giám đốc CPIB. Tuy nhiên, Tổng thống thường chỉ bổ nhiệm trong trường hợp người đó nhận được sự đồng thuận của Quốc hội và Thủ tướng. Bên cạnh việc bổ nhiệm Giám đốc, Tổng thống cũng có thể bổ nhiệm Phó Giám đốc, các trợ lý của Giám đốc, các điều tra viên chuyên ngành của CPIB. Tổng thống quy định cấp bậc cụ thể đối với các trợ lý của Giám đốc và các điều tra viên chuyên ngành. Dĩ nhiên, trên thực tế, việc Tổng thống bổ nhiệm các vị trí của CPIB mang tính hình thức nhiều hơn là thực quyền, bởi đây là cơ quan trực thuộc Thủ tướng, và rõ ràng là việc bổ nhiệm các vị trí này chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự tín nhiệm của Thủ tướng. Tuy nhiên, căn cứ vào yếu tố mang tính thủ tục trên mà theo quy định, trong những trường hợp CPIB cần điều tra một vụ việc tham nhũng liên quan đến các quan chức trong nội các của Thủ tướng, nếu không được Thủ tướng chấp thuận thì có thể vẫn được tiến hành dưới sự chấp nhận của Tổng thống.
Việc cơ quan phòng, chống tham nhũng có sự độc lập với các cơ quan quyền lực nhà nước là nhằm hạn chế tối đa sự tham gia (dính líu) của các nhà chính trị trong quá trình điều tra, xét xử. Trong trường hợp ở Singapore, Giám đốc của CPIB có thể thông qua sự chấp thuận của Tổng thống để tiến hành điều tra các bộ trưởng - thành viên nội các của Thủ tướng - và các quan chức nếu như bị Thủ tướng từ chối. Tuy nhiên, trên thực tế, giới lãnh đạo PAP luôn tự ý thức về việc giảm thiểu tối đa các nguy cơ tham nhũng của các nhà chính trị và các quan chức, nhằm tránh tình huống các đảng chính trị đối lập sử dụng CPIB như một thứ vũ khí để chống lại các nhà chính trị của PAP với các nghi vấn về tham nhũng, dễ gây ra sự mất uy tín đối với đảng cầm quyền. Ở Singapore, CPIB được ví như “thanh kiếm tiêu diệt tham nhũng”. Cơ quan này nằm độc lập, không chịu sự can thiệp của bất kỳ ban, ngành nào, không tiếp nhận bất cứ mệnh lệnh nào đi ngược lại với quy phạm pháp luật và nguyên tắc làm việc và thậm chí còn có thẩm quyền thực hiện điều tra đối với Thủ tướng.
Một điều kiện khác đi cùng với sự độc lập của các cơ quan phòng, chống tham nhũng là tính quyền uy, hiệu quả hay hiệu lực của luật pháp. Tham nhũng là một hành vi phạm tội khó phát hiện và cũng khó điều tra, tố cáo. Chủ thể phạm tội tham nhũng thường là người có quyền lực, thậm chí có khi còn cao hơn cả quyền lực của cơ quan phòng, chống tham nhũng. Do đó, sẽ khó hình thành uy lực đối với chủ thể phạm tội. Trong nhiều trường hợp, đối tượng chịu tổn hại từ hành vi tham nhũng lại không có vị trí đặc biệt gì, khi bị xâm phạm lợi ích cũng khó có thể tố cáo hành vi tham nhũng đó. Một số lý do như vậy khiến cho tham nhũng khó bị vạch mặt hoặc tố cáo. Do vậy, không chỉ cần thiết lập một cơ quan phòng, chống tham nhũng chuyên trách, mà còn cần quy định cho cơ quan này có năng lực điều tra toàn diện và năng lực chấp pháp cứng rắn, đây mới là yếu tố mấu chốt cho thành công của chống tham nhũng. Những năng lực này chủ yếu bao gồm: quyền điều tra đặc biệt, quyền khám xét, quyền đóng băng tài sản, quyền bắt giữ,... Sau khi phát hiện ra các hành vi tham nhũng, người chịu trách nhiệm trong tổ chức giám sát phòng, chống tham nhũng hoặc các điều tra viên đặc biệt cũng có thể thực hiện các quyền điều tra đặc biệt như cảnh sát. Nếu bất kỳ người nào chống lại, không cho thực hiện khám xét, ngăn cản cơ quan phòng, chống tham nhũng thừa hành chức trách hoặc không chịu cung cấp tình tiết, bằng chứng khi được yêu cầu thì đều bị coi là tội phạm. Nếu cần thiết, cơ quan phòng, chống tham nhũng có thể đóng băng, thu giữ tài sản, thu giữ hộ chiếu, giấy tờ cá nhân... Tất nhiên, những quyền lực này ở mỗi quốc gia là khác nhau và ở mỗi thời điểm khác nhau thì mức độ, trình tự thực hiện cũng khác.
Thứ ba, cơ sở chính trị - pháp lý cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không ngừng được hoàn thiện.
Ở Trung Quốc, từ khi thực hiện cải cách đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành một loạt văn bản xác lập hệ thống quy phạm trong Đảng về phòng, chống tham nhũng, như Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc; Quy định tiêu chuẩn về sinh hoạt chính trị nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc; Quy tắc liêm chính và kỷ luật tự giác của Đảng Cộng sản Trung Quốc; Điều lệ xây dựng quy định nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc; Điều lệ công tác tuyển chọn, sử dụng cán bộ lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc; Điều lệ xử phạt kỷ luật Đảng Cộng sản Trung Quốc; Quy định về xây dựng dự thảo các văn kiện có tính quy phạm nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc…
Ngoài ra, một số văn kiện được xây dựng nhằm triển khai trực tiếp công tác giám sát nội bộ Đảng, như: Điều lệ Giám sát nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc; Điều lệ Chất vấn Đảng Cộng sản Trung Quốc; Điều lệ Công tác thanh tra Đảng Cộng sản Trung Quốc... Có thể thấy, ở Trung quốc, hệ thống quy định trong Đảng là một bộ phận cấu thành hệ thống văn bản pháp quy quốc gia, kết hợp với các văn bản pháp luật của Nhà nước về giám sát và phòng, chống tham nhũng đã tạo nên cơ sở chính trị - pháp lý và bảo đảm việc quy chuẩn hóa quản lý các hành vi của đảng viên. Tiếp tục cụ thể hóa tinh thần trên, tại Kỳ họp thứ nhất khóa XVIII (tháng 3-2018), Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đã ban hành Luật Giám sát nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sự ra đời của Luật này thay thế cho Luật Giám sát hành chính nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Điều lệ thực thi của nó được ban hành trước đó.
Với tư cách là lực lượng thống nhất lãnh đạo Nhà nước, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý về giám sát quyền lực và phòng, chống tham nhũng. Quyết định của Hội nghị toàn thể Trung ương 4 Đại hội XVIII của Đảng chỉ rõ yêu cầu: “Đẩy mạnh hoạt động lập pháp phòng, chống tham nhũng quốc gia, hoàn thiện hệ thống xử phạt và phòng ngừa tham nhũng, hình thành cơ chế quản lý hiệu quả khiến không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng, kiên quyết ngăn chặn và phòng ngừa hiện tượng tham nhũng”(4). Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc tổng kết, trong thời gian qua, Trung Quốc đã thúc đẩy chỉnh thể không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng, áp dụng song song các biện pháp “đả hổ”, “diệt ruồi”, “săn cáo”; cuộc đấu tranh chống tham nhũng giành thắng lợi mang tính áp đảo và được củng cố toàn diện, đã loại bỏ các mối hiểm họa nghiêm trọng trong Đảng, Nhà nước và quân đội, bảo đảm quyền lực mà nhân dân giao phó luôn được sử dụng để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân(5).
Đối với Singapore, việc hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng được coi là một nội dung quan trọng, một trong bốn trụ cột của mô hình chống tham nhũng ở quốc đảo này. Công cụ chủ yếu mà PAP sử dụng trong quá trình lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng là những cải cách từ Luật Phòng, chống tham nhũng và trao đủ thẩm quyền cho cơ quan phòng, chống tham nhũng độc lập CPIB. Luật Phòng, chống tham nhũng của Singapore quy định rất chặt chẽ, cụ thể về những vấn đề cơ bản như: khái niệm tiền tham nhũng, việc bổ nhiệm Giám đốc và nhân viên của CPIB; các hình phạt áp dụng, thẩm quyền của các ủy viên công tố trong việc điều tra chống tham nhũng… và nhiều vấn đề khác nhằm bảo đảm cho việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn. Luật này cũng thường xuyên được bổ sung để phù hợp với sự thay đổi của thời cuộc, cũng như xóa tan mọi “vùng cấm” trong việc phòng, chống tham nhũng ở đảo quốc này. Có thể khẳng định, Singapore đã hoàn thiện hệ thống pháp luật như một công cụ hiệu quả nhằm hiện thực hóa ý chí lãnh đạo của PAP trong việc xử lý nghiêm các hành vi lạm quyền, tham nhũng ở quốc gia này.
Thứ tư, xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được thực hiện một cách quyết liệt, thể hiện sự cam kết xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật, hành vi tham nhũng. Những đại án tham nhũng được xử lý cho thấy quyết tâm lớn của Đảng trong việc thực hiện chống tham nhũng. Từ sau Đại hội XVIII, Đảng luôn kiên trì “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo”, nghiêm trị mọi hành vi tham nhũng theo đúng tinh thần trị “cả gốc lẫn ngọn”. Từ tháng 11-2012 đến cuối tháng 4-2022, các cơ quan thanh tra, giám sát, kỷ luật trên toàn quốc đã điều tra 4,39 triệu vụ tham nhũng, kỷ luật 4,7 triệu đối tượng(6). Năm 2023 được coi là năm có nhiều quan chức bị “ngã ngựa” nhất. Theo tổng kết của CCDI, trong số hơn 40 cán bộ thuộc diện Trung ương Đảng quản lý bị điều tra trong năm 2023, có hơn 30 cán bộ bị xử lý kỷ luật. Đây chính là những con “hổ lớn” mà CCDI nhắm tới. Số vụ điều tra cấp cao trong năm 2023 tăng 40% so với năm trước đó; hầu hết các đối tượng bị điều tra là từ cấp thứ trưởng trở lên, thuộc diện Trung ương Đảng quản lý. Phát biểu trong phiên họp toàn thể của CCDI ngày 8-1-2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, Đảng sẽ “trừng phạt hành vi tham nhũng của ruồi và kiến” để cho quần chúng “được hưởng lợi nhiều hơn”(7). Điều này cũng đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc khi mở rộng phạm vi sang truy quét cả “ruồi và kiến” - ám chỉ những hành vi tham nhũng ở quy mô nhỏ, dễ che giấu hơn. Riêng nửa đầu năm 2024, Trung Quốc bắt giữ 36 quan chức cao cấp, trong đó có 8 quan chức thuộc cơ quan đảng và nhà nước ở Trung ương, 20 quan chức thuộc cơ quan đảng, chính quyền ở địa phương…(8).
Ở Singapore, các cán bộ có hành vi tham nhũng đều bị xử lý một cách nghiêm minh. Ngoài việc sử dụng luật pháp để xử phạt, ý chí của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu trong việc gạt bỏ các mối quan hệ thân thiết để xử lý theo tinh thần pháp lý cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, điều mà hẳn sẽ không dễ dàng thực hiện trong điều kiện PAP là đảng cầm quyền duy nhất, và Lý Quang Diệu là Tổng Bí thư của Đảng, đồng thời là Thủ tướng - một vị trí tập trung quyền lực mạnh để có thể vượt qua các kháng cự cũng như các quy định pháp luật. Tuy nhiên, chính tinh thần pháp lý nghiêm minh của ông là điểm tựa quan trọng để PAP có thể lãnh đạo nhất quán trong việc xử lý đối với bất kỳ cán bộ nào có hành vi tham nhũng.
Bên cạnh các kinh nghiệm chung như đã nêu ở trên, do đặc thù của mỗi quốc gia, Trung Quốc và Singapore cũng có những điểm đặc thù trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ở Singapore, để phòng ngừa tham nhũng, “chính sách dưỡng liêm”, trả lương và đãi ngộ để cán bộ không muốn tham nhũng là một nội dung quan trọng. Theo đó, đảo quốc này đã bảo đảm một mức lương thỏa đáng đối với các công chức nhà nước và những nhà lãnh đạo chính trị. Singapore tạo ra sự yên tâm cho cán bộ lãnh đạo, công chức để hạn chế tham nhũng, minh bạch hóa Chính phủ; đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức nhà nước dành hết tâm sức cho việc quản lý, hoạch định chính sách. Hiện nay, Thủ tướng, các bộ trưởng, cán bộ cấp cao, nhân viên Chính phủ Singapore được hưởng mức lương cao nhất thế giới, so với những người cùng cấp bậc ở các nước khác. Không chỉ dừng lại ở đó, Singapore còn thực hiện việc điều chỉnh lương khu vực nhà nước ngang bằng và cao hơn so với khu vực tư nhân. Đây là cách để Singapore vừa có thể giữ được nhân tài trong bộ máy chính quyền, vừa chống tham nhũng có hiệu quả. Thành công trong chống tham nhũng của Singapore một phần còn do quốc gia này đã xây dựng được bộ máy nhà nước gọn nhẹ, hoạt động đạt hiệu quả cao. Chính quyền chỉ có một cấp là Chính phủ Trung ương và luôn coi trọng việc tinh giản bộ máy hành chính. Sự gọn nhẹ về bộ máy tạo thuận lợi cho việc làm trong sạch bộ máy đó, hay nói cách khác, góp phần làm giảm đối tượng phải giám sát và loại trừ tham nhũng.
Trong khi đó, Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn và đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, tình trạng tham nhũng cũng phức tạp, khó lường, có quy mô ngày càng lớn, theo đó, công tác phòng, chống tham nhũng đòi hỏi phải có sự toàn diện hơn về tổng thể, với hệ thống biện pháp phù hợp. Trung Quốc xác định giám sát, kiểm soát quyền lực là con đường duy nhất để hạn chế, loại trừ tham nhũng, do đó, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giáo dục, tuyên truyền, thuyết phục, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã áp dụng hàng loạt biện pháp khác nhằm loại trừ tham nhũng một cách căn bản, như hoàn thiện hệ thống kiểm tra và giám sát quyền lực, củng cố hệ thống luật pháp chống tham nhũng, hoàn thiện các quy định quản lý nội bộ Đảng, các quy định, thể chế về chống tham nhũng, tăng cường kiểm tra nội bộ Đảng; kiểm soát khâu lựa chọn cán bộ, thực hiện công khai tài sản,...
Từ sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung ương Đảng chủ trương kiên quyết chống tham nhũng “không có vùng cấm, bao phủ toàn diện, không khoan nhượng”, quyết tâm “đả hổ”, “diệt ruồi”, “săn cáo”. Đến Đại hội XIX, Đảng tiếp tục yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ quan giám sát nằm dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, bao phủ toàn diện, đạt hiệu quả cao, thông qua việc xây dựng Luật Giám sát để đưa ý chí của Đảng vào ý chí của Nhà nước, phát huy sự kết hợp của cơ quan giám sát trong Đảng với cơ quan giám sát nhà nước, tăng cường sức mạnh của hoạt động giám sát, hình thành và củng cố môi trường mang tính áp đảo trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Trong quá trình cải cách hệ thống giám sát, kiểm tra, Trung Quốc mở rộng phạm vi giám sát và thực hiện giám sát đối với toàn đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Theo quy định của Luật Giám sát, phạm vi giám sát mới của hệ thống giám sát nhà nước hay đối tượng giám sát bao gồm các cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các cơ quan của đại hội đại biểu nhân dân, cơ quan hành chính, cơ quan chính hiệp, cơ quan tư pháp, cơ quan thẩm phán, cơ quan kiểm tra, Đảng Dân chủ Nông dân và Công nhân Trung Quốc, viên chức của Liên đoàn Công thương, những nhân viên chịu sự quản lý của Luật Công chức, cùng cá nhân, tổ chức ở các lĩnh vực khác trong toàn hệ thống công lập. Với chính sách cụ thể này, Trung Quốc thực sự đưa toàn bộ hệ thống các cơ quan, ban, ngành và cá nhân thực thi quyền lực công vào trong mạng lưới kiểm tra, giám sát của Đảng Cộng sản, không còn tồn tại điểm trắng(9). Điều này thể hiện sự thống nhất hữu cơ trong các khâu lãnh đạo của Đảng và quản lý đất nước theo luật pháp, giữa công tác giám sát trong nội bộ Đảng và giám sát trong các cơ quan nhà nước. Trong đó, kiên quyết thực hiện phương châm: Đảng phải tự quản Đảng, quản Đảng nghiêm minh, thiết thực giải quyết các vấn đề tồn tại của chính bản thân mình(10). Nghị quyết Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định, Trung Quốc sẽ tiếp tục “kiện toàn hệ thống giám sát do Đảng thống nhất lãnh đạo, bao phủ toàn diện, uy tín và hiệu quả cao, hoàn thiện cơ chế giám sát và ràng buộc trong điều hành quyền lực, lấy giám sát trong Đảng làm chủ đạo, thúc đẩy điều hòa, thông suốt giữa các cơ chế kiểm tra và giám sát, để quyền lực vận hành dưới ánh sáng. Kiên quyết đánh thắng cuộc chiến công kiên và cuộc chiến lâu dài chống tham nhũng…, chống tham nhũng là tự mình cách mạng triệt để nhất”(11).
Một số gợi mở cho Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Những kinh nghiệm từ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Trung Quốc và Singapore có thể mang đến những gợi ý có giá trị cho các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hành vi tham nhũng theo đúng tinh thần “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, góp phần tăng cường và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Mặc dù bối cảnh, điều kiện ở mỗi nước là khác nhau, nhưng từ kinh nghiệm của Trung Quốc và Singapore, có thể thấy một số gợi mở trong công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian tới như sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục duy trì sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng đối với kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng. Với cương vị là những người nắm giữ những vị trí quyền lực cao của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng đi cùng với sự gương mẫu, đi đầu trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, thực hiện “nói đi đôi với làm” là yếu tố tiên quyết cho phòng, chống tham nhũng thành công. Sự gương mẫu trong lời nói và hành động của các nhà lãnh đạo này luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện kỷ cương, pháp luật nói chung và các cơ chế, biện pháp phòng, chống tham nhũng nói riêng.
Thứ hai, để kiểm soát và ngăn chặn những cán bộ, đảng viên lạm dụng quyền lực, tham nhũng trong khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ, cần tiếp tục hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước. Trong hệ thống chính trị Việt Nam, sự kiểm soát quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước phụ thuộc rất lớn vào sự kiểm soát của Đảng với vai trò là đảng lãnh đạo, cầm quyền. Sự kiểm soát này, một mặt, đòi hỏi phải được thể chế hóa mạnh mẽ thành các quy định mang tính chính trị - pháp lý cụ thể; mặt khác, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao để bảo đảm cho các quy định đó được thực hiện nghiêm, có hiệu quả từ trên xuống dưới. Cùng với đó, cần rà soát lại vị trí, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể kiểm tra, giám sát và đối tượng kiểm tra, giám sát để bảo đảm tính khách quan cao nhất trên các phương diện: vị trí pháp lý, nhân sự, kinh phí thực hiện, như kinh nghiệm của Singapore và Trung Quốc đã chỉ ra.
Thứ ba, về thiết chế phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, bên cạnh các cơ quan thực hiện chức năng giám sát, kiểm soát quyền lực, cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về mô hình một cơ quan có đủ thẩm quyền, nguồn lực và các điều kiện cần thiết để thực hiện chống tham nhũng chuyên trách. Cơ quan chuyên trách này có đủ thời gian, sự chuyên tâm và chuyên môn, nghiệp vụ để tập trung theo dõi, phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng lớn, phức tạp, hoặc tiếp nhận các phản ánh về dấu hiệu tham nhũng lớn từ hệ thống giám sát, kiểm soát quyền lực để thực hiện việc chống tham nhũng, tránh bị phân tán vào việc thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như các cơ quan đang thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát quyền lực như hiện nay.
Thứ tư, cần tăng cường hơn nữa việc thực hiện công khai, minh bạch thẩm quyền và trách nhiệm giải trình của các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước trong ban hành và thực hiện các quyết định, chính sách. Đây là cơ sở, điều kiện quan trọng để việc giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng của các cơ quan chức năng đạt hiệu quả, chất lượng cao. Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, minh bạch và liên thông dữ liệu trong hệ thống các các cơ quan nhà nước nói chung, nhất là đối với các cơ quan cùng thực hiện chức năng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng. Từ đó, tăng cường sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc nhận diện, phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử hành vi tham nhũng để vừa tránh sự chồng chéo, lãng phí nguồn lực trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, vừa xử lý nhanh chóng, đồng bộ, nhịp nhàng và dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn, tinh vi, phức tạp.
Thứ năm, cần mở rộng phạm vi cuộc đấu tranh chống tham nhũng và tập trung nhiều hơn vào việc phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi tham nhũng có quy mô nhỏ và dễ bị che giấu, hay chính là những hành vi tiêu cực nảy sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, để phục vụ nhân dân được tốt hơn và xây dựng, củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền và chế độ. Phát huy mạnh mẽ sự tham gia giám sát, phản ánh của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí, truyền thông trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Để phát huy có hiệu quả vai trò, sự tham gia của các lực lượng xã hội này, cần hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch, quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm giải trình, đặc biệt là hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng./.
----------------------------------
(1) Xi Jinping: The Governance of China IV (Tạm dịch: Tập Cận Bình: Quản trị đất nước Trung Quốc tập 4), Foreign Languages Press Co. Ltd, Bejing, China, 2022, tr. 589
(2) Xi Jinping: The Governance of China I (Tạm dịch: Tập Cận Bình: Quản trị đất nước Trung Quốc tập 1), Sđd, tr. 420
(3) Xem: Nguyễn Huy Quý: “Trung Quốc sửa đổi Hiến pháp, cải cách bộ máy của Đảng và Nhà nước”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 4-7-2018, https://www.tapchicongsan.org.vn/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/51413/trung-quoc-sua-doi-hien-phap%2C-cai-cach-bo-may-cua-dang-va-nhanuoc.aspx
(4) 中国共产党第十八届四中全会:“中共中央关于全面推进依法治国若干重大问题的决定” (Tạm dịch: Phiên họp toàn thể lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18: “Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề lớn liên quan đến thúc đẩy toàn diện nhà nước pháp trị”, Trang điện tử Chính phủ Trung Quốc, ngày 23-10-2014, https://www.gov.cn/zhengce/2014-10/28/content_2771946.htm
(5) Xem: Toàn văn Báo cáo Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trang điện tử Tổng Lãnh sự quán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh, http://hochiminhcity.china-consulate.gov.cn/xwdt/202210/t20221026_10792286.html
(6) Xem: Khánh Minh: “Trung Quốc công bố số liệu sốc chống tham nhũng trong 10 năm”, Báo Lao động điện tử, ngày 1-7-2022, https://laodong.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-cong-bo-so-lieu-soc-chong-tham-nhung-trong-10-nam-1062741.ldo
(7) Xem: Tử Uyên: “Chiến dịch truy lùng tham nhũng mới của Trung Quốc”, Báo Công an nhân dân online, ngày 17-1-2024, https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/chien-dich-truy-lung-tham-nhung-moi-cua-trung-quoc-i720391/
(8) Xem: Ngọc Vân: Trung Quốc bắt giữ kỷ lục “hổ lớn” trong chiến dịch chống tham nhũng, Báo Lao động điện tử, ngày 7-7-2024,
https://laodong.vn/the-gioi/trung-quoc-bat-giu-ky-luc-ho-lon-trong-chien-dich-chong-tham-nhung-1362766.ldo
(9) Xem: “Chỉ dẫn khoa học nhằm làm sâu sắc hơn công cuộc cải cách hệ cơ chế giám sát của Nhà nước”, Báo “Tiểu Khang”, kỳ 9, năm 2019
(10) Xi Jinping: The Governance of China II (Tạm dịch: Tập Cận Bình: Quản trị đất nước Trung Quốc tập 2), Sđd, tr. 177, 178
(11) Toàn văn Báo cáo Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trang điện tử Tổng Lãnh sự quán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh, http://hochiminhcity.china-consulate.gov.cn/xwdt/202210/t20221026_10792286.html
Đông Nam Á trong triển khai “Sáng kiến Văn minh toàn cầu” của Trung Quốc  (28/11/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển