Mười năm xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bình Phước: Thành tựu và bài học kinh nghiệm
TCCS - Bình Phước là tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam bộ, vùng biên giới miền núi, có dân số là 983.821 người, gồm 41 dân tộc cùng sinh sống. Với quan điểm xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; kế thừa và lồng ghép các chương trình, dự án, các cuộc vận động, phong trào thi đua, 10 năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng khắp toàn tỉnh và thu được nhiều thành tựu quan trọng.
Những thành tựu nổi bật
Một là, đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở các cấp thường xuyên được đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện.
Trong 10 năm qua, tỉnh tổ chức 356 lớp tập huấn, đào tạo cho khoảng 13.640 lượt cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp. Trong đó, tổ chức 3 lớp tập huấn cho 400 lượt cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp huyện và cán bộ là trưởng ban, kế toán trong ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã trong toàn tỉnh, nhằm quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tập huấn về công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới, công tác phát triển sản xuất, công tác quản lý và sử dụng vốn trong Chương trình;tổ chức 153 lớp tập huấn cho 4.240 lượt cán bộ đoàn thể nhân dân, cán bộ thôn (ấp) thực hiện công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tại tất cả các xã trên toàn tỉnh. Ngoài ra, cử 6 cán bộ tham dự lớp tập huấn, đào tạo giáo viên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, để thực hiện công tác tập huấn cho cán bộ các cấp trong tỉnh.
Tỉnh còn cấp 2.300 cuốn sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh biên soạn cho ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của các xã trong toàn tỉnh; phát hành 10.800 tờ rơi tuyên truyền về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho tất cả các xã trong tỉnh giai đoạn 2011 - 2020; 92 cuốn sách “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới cho ban quản lý xây dựng nông thôn mới của tất cả các xã; 3.410 cuốn tài liệu cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới thông qua các lớp tập huấn.
Công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các cấp, nhất là cán bộ cấp xã, là một nội dung quan trọng, được ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện ngay từ khi khởi động Chương trình. Nhờ đó, năng lực của cán bộ không ngừng được hoàn thiện và nâng cao, góp phần thực hiện Chương trình một cách hiệu quả.
Hai là, tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới.
Xác định công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trong những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, như báo, đài, tổ chức các hội thi tìm hiểu về nông thôn mới... Kết quả: Báo Bình Phước đăng tải được 369 tin, bài tuyên truyền về việc thực hiện Chương trình. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, ngoài việc phát sóng hằng ngày các tin, bài về công tác xây dựng nông thôn mới trong chương trình thời sự và các chuyên mục khác, mỗi tháng, chuyên mục “Nông thôn mới” của Đài đều đặn phát sóng định kỳ 2 lần, mỗi lần có thời lượng 15 phút, vào lúc 20 giờ 50 phút của ngày thứ 6 tuần thứ nhất và tuần thứ 3 trong tháng. Các tin, bài của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đi sâu phản ánh những kết quả cụ thể, nhất là công tác xã hội hóa, huy động sức dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới; sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tại địa phương trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tổ chức 29 cuộc thi “Nhà nông bàn cách làm giàu”, 23 chương trình khuyến nông; xuất bản 40.200 bản tin khuyến nông, 66.400 đầu sách về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Bên cạnh đó, tổ chức 225 hội thi, diễn đàn, hội nghị, hội diễn văn nghệ; cấp 60.850 tờ rơi, áp-phích, sổ tay, bản tin tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trên hệ thống loa truyền thanh cụm xã, cụm sóc,ấp trung bình 10 giờ/tháng/xã và lồng ghép vào các cuộc họp giao ban của ủy ban nhân dân và ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, vào các buổi họp dân tại sóc, ấp.
Những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh tổ chức được 3.678 buổi tuyên truyền cho 177.190 lượt người dự về các nội dung của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân các cấp trong tỉnh cũng phối hợp tổ chức tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, chủ yếu bằng hình thức lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tại khu phố, thôn, ấp và tổ dân cư, qua đó thu hút đông đảo người dân tham gia.
Nhờ tích cực tuyên truyền, nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân trong tỉnh về xây dựng nông thôn mới từng bước được nâng cao. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh. Dân chủ ở cơ sở được nâng lên, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân chuyển biến rõ rệt. Qua đó, phát huy được nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng nông thôn mới.
Ba là, đẩy mạnh triển khai thực hiện phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành Chỉ thị số 06/2012/CT-UBND, ngày 18-4-2012, về tổ chức phát động phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2020, Quyết định số 3413/QĐ-UBND, ngày 30-12-2016, về ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời chính thức phát động phong trào trên địa bàn tỉnh nhằm huy động mọi nguồn lực, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia, với mục tiêu phấn đấu có trên 50% số xã trong toàn tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 53,3%) và trình Trung ương thẩm định hồ sơ 2 thị xã và 1 thành phố hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp huyện.
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh xây dựng và in nhiều đề cương tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và đã phát hành đến tận các khu dân cư trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và các ban, ngành của huyện tuyên truyền trong nội bộ cán bộ, đảng viên và ở cơ sở, khu dân cư.
Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện cũng ban hành kế hoạch thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Hằng năm, các địa phương đều tiến hành tổng kết, đánh giá và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong tham gia phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Bằng sự quyết tâm và đồng thuận cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với tinh thần “Mỗi người dân góp một ý tưởng xây dựng nông thôn mới”, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm hay, sáng tạo, như sử dụng nguồn vốn một cách công khai, dân chủ; cộng đồng dân cư cùng nhau tự quản, tự làm đường giao thông, kênh mương theo quy chuẩn, hướng dẫn và chỉ đạo của chính quyền cấp xã; lập “Quỹ nông thôn mới”; mỗi chi bộ, đoàn thể nhân dân đăng ký 1 chỉ tiêu thi đua... Đặc biệt, phong trào “Hiến đất mở đường, xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp” là một trong các phong trào tiêu biểu. Các địa phương trong tỉnh đã kết hợp phát động toàn dân “hiến đất mở đường, xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp” với phát động phong trào “Góp đất làm đường giao thông đồng ruộng”.
Nhờ đó, ở nhiều xã, nhân dân đã góp hàng vạn ngày công, hàng tỷ đồng, tự nguyện hiến hàng chục héc-ta đất nông nghiệp, hàng nghìn mét vuông đất ở, tự phá dỡ hàng nghìn mét tường cổng, hàng trăm mét vuông công trình phụ và nhà ở để mở rộng đường trục thôn, đường trong khu dân cư và xây dựng kênh mương, đường giao thông nội đồng. Trong đó, tiêu biểu là các xã Đức Liễu (huyện Bù Đăng), Long Giang (huyện Phước Long), Thanh Lương, Thanh Phú (huyện Bình Long), Tân Thành, Tân Hưng (thành phố Đồng Xoài); thôn 9, xã Bom Bo (huyện Bù Đăng) huy động nhân dân làm 1.450m đường giao thông nông thôn trị giá trên 1 tỷ đồng, vận động nhân dân tự giải tỏa, hiến đất và tài sản trên đất không cần bồi thường thiệt hại để làm 2 tuyến đường điện dài khoảng 2,3km, vận động nhân dân góp tiền làm đèn đường có chiều dài trên 3,4km; xã Lộc Thuận (huyện Lộc Ninh) vận động nhân dân đóng góp xây dựng 9.920m đường bê-tông và 2.400m đường sỏi đỏ, làm đèn thắp sáng đường giao thông dài 4km...
Bốn là, việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá toàn diện.
Đến nay, tỉnh Bình Phước có 35/90 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 35 xã so với xuất phát điểm năm 2011 và tăng 32 xã so với giai đoạn 1 (2010 - 2015). Dự kiến, đến hết năm 2019 sẽ có thêm 13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 48 xã, chiếm tỷ lệ 53,3%, theo đúng mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, trong thực hiện các tiêu chí về xã nông thôn mới theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, tỉnh đã đạt những kết quả khá toàn diện. Chẳng hạn, đến nay, 100% số xã trong toàn tỉnh ban hành quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Ủy ban nhân dân các xã niêm yết công khai bản vẽ quy hoạch tại trụ sở xã, ấp; đồng thời công bố trên hệ thống loa truyền thanh để nhân dân trong xã biết và thực hiện. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia đóng góp của người dân, đến nay, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh tăng thêm khoảng 4.500km; làm được 2.261,244km đường bê-tông theo cơ chế đặc thù; các tuyến đường tỉnh đa phần đã được “cứng hóa”, 43% các tuyến đường huyện và 23,3% các tuyến đường xã được “cứng hóa”. Hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất và phòng, chống thiên tai được quan tâm đầu tư nâng cấp. Hiện nay, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới tiêu, phát triển sản xuất cho người dân. Tính đến ngày 30-6-2019, toàn tỉnh có 89/90 xã đạt tiêu chí về thủy lợi, tăng 76 xã so với năm 2011 và tăng 11 xã so với năm 2015. Tính đến nay, 100% số xã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 98,75%. Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống trường học các cấp học cơ bản bảo đảm phục vụ công tác giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh. Cơ sở vật chất văn hóa được quan tâm đầu tư, nâng cấp; một số xã đã chủ động xây dựng và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, xây dựng các câu lạc bộ, đội, nhóm để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Đáng chú ý là, hiện nay, 98% số xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông; 100% số xã có in-tơ-nét đến thôn, ấp; 100% số xã có đài truyền thanh; 100% số xã có ứng dụng công nghệ thông tin. Toàn tỉnh có 90/90 xã đạt tiêu chí về thông tin và truyền thông, tăng 71 xã so với năm 2011 và thực hiện nâng chất lượng theo quy định mới.
Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2018 đạt 57,22 triệu đồng/người/năm, tăng 2,1 lần so với năm 2011 và tăng 1,4 lần so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 6,15%, đến nay giảm còn 3,55%. Tỉnh quyết tâm phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ giảm thêm 1.000 hộ nghèo là đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng, với khoảng 70.000 lao động được đào tạo, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp khoảng 48.000 lao động, đào tạo nghề phi nông nghiệp khoảng 22.000 lao động; đồng thời, giải quyết việc làm cho trên 298.660 lượt lao động ở nông thôn.
Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh được duy trì. Đến nay, 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 99,09% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% số xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1; 45,9% số xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. Nguồn nhân lực y tế tiếp tục được phát triển, đồng thời với sự đầu tư phát triển về trang thiết bị, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển y tế dự phòng với phát triển y tế chuyên sâu trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Hiện nay, bình quân toàn tỉnh đạt tỷ lệ 8 bác sĩ/10.000 dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,2%.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện. Năm 2018, toàn tỉnh có 209.972/221.203 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 94,92%; 694/866 khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa, đạt tỷ lệ 80,13%. Cơ sở vật chất đầu tư cho hoạt động thể dục, thể thao được chú trọng; nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư sân bãi và cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục, thể thao. Tính đến cuối năm 2018, có khoảng 451.216/902.646 số người tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, đạt tỷ lệ 49,98%. Công tác môi trường được bảo đảm, không để xảy ra các vụ khiếu kiện về ô nhiễm môi trường. Công tác an toàn thực phẩm được chú trọng, nhất là việc quản lý, giám sát an toàn thực phẩm. Đến nay, 100% số hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Hệ thống chính trị trong tỉnh được củng cố, kiện toàn. Cấp ủy, chính quyền các xã đã tích cực làm tốt công tác tổ chức và xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh, đồng thời quan tâm, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức đạt chuẩn. Trong công tác tiếp cận pháp luật, trên cơ sở hướng dẫn của Sở Tư pháp tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cấp xã đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật; thành lập hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và quy chế hoạt động của hội đồng này. Các xã trong tỉnh đều thực hiện tốt công tác quân sự - quốc phòng ở địa phương; tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức tuần tra, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới và nội địa; thực hiện tốt công tác đối ngoại với chính quyền và lực lượng vũ trang các huyện giáp ranh của Cam-pu-chia.
Một số bài học kinh nghiệm quan trọng
Một là, cần tiếp tục đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong xây dựng nông thôn mới; làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật nghiêm khắc nếu không thực hiện theo đúng nghị quyết của Tỉnh ủy và quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra về xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh đã tổ chức họp và yêu cầu các thành viên của Ban Chỉ đạo quyết tâm thực hiện thành công các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, từ đó phân giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các sở, ban, ngành của tỉnh và người đứng đầu chính quyền địa phương nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra. Đồng thời, lấy kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá cán bộ vào dịp cuối năm.
Hai là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm trong xây dựng nông thôn mới và cơ chế, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Đây là một chương trình lớn mang tính tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài trong nông thôn, đòi hỏi phải có sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, đồng thời có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, từ đó xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thụ động trong triển khai thực hiện.
Ba là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể nhân dân từ tỉnh xuống cơ sở trong việc tổ chức chỉ đạo điều hành bảo đảm tập trung, thống nhất, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, phân công, phân cấp trách nhiệm từng cấp, ngành, thành viên của ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, không để tình trạng né tránh nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới. Tập trung lãnh đạo với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên, liên tục việc triển khai tổ chức xây dựng nông thôn mới đến tận cơ sở với các đoàn công tác của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo, tạo khí thế trong xây dựng nông thôn mới.
Bốn là, huy động tối đa các nguồn vốn của Nhà nước theo cơ chế hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù về bê-tông, xi-măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn; lồng ghép nguồn vốn của các tổ chức cho các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội,cũng như nguồn vốn tài trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và nhân dân đóng góp trong xây dựng nông thôn mới.
Năm là, chọn điểm mang tính chất đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Địa phương nào có điều kiện thuận lợi sẽ tập trung chỉ đạo để về đích sớm, trong đó xác định rõ mục tiêu, lộ trình phấn đấu thực hiện từng nội dung, tiêu chí, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từ đó phân bổ các nguồn vốn tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Ưu tiên nguồn lực cho các xã được phê duyệt về đích trong giai đoạn và trong năm kế hoạch đặt ra.
Sáu là, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác xây dựng, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện của địa phương, tránh tình trạng xây dựng quy mô đầu tư quá lớn, nhiều mục tiêu đề ra nhưng chưa có nguồn lực thực hiện, song phải bảo đảm tính thống nhất. Rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch cho phù hợp với điều kiện, nhu cầu, tình hình thực tế tại địa phương; những công trình, hạng mục cần làm thì phải làm ngay để bảo đảm tiêu chuẩn, tiêu chí, đồng thời phải có phân kỳ đầu tư hợp lý, thấy được việc gì làm trước, việc gì làm sau, tránh dàn trải, gây lãng phí, tốn kém.
Bảy là, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời động viên các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhân rộng các mô hình, cách làm hay, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng nông thôn mới./.
Những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Bù Đăng  (27/12/2019)
Nam Định - Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới  (22/12/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên