Những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Bù Đăng
TCCS - Bốn mươi lăm năm sau ngày giải phóng, vùng đất cách mạng Bù Đăng năm xưa nay đã khoác lên mình diện mạo mới tràn đầy sức sống. Làm nên sự thay đổi của Bù Đăng hôm nay là những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Những thay đổi trên vùng đất cách mạng năm xưa
Bù Đăng là một huyện miền núi phía bắc của tỉnh Bình Phước, gắn liền với địa danh nổi tiếng sóc Bom Bo trong sáng tác của cố nhạc sĩ Xuân Hồng. Với điều kiện tự nhiên phù hợp, đây cũng là nơi có nhiều sản phẩm nông nghiệp được biết đến, như điều, cà phê, hồ tiêu, cao su… Tuy nhiên, do đặc thù là một huyện thuần nông, những diễn biến phức tạp của thời tiết thời gian qua cùng việc các xã trên địa bàn huyện khá rộng và dân cư phân bố rải rác, việc phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn và đời sống nhân dân trong huyện vẫn còn nhiều khó khăn.
Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng xóm làng, quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Bù Đăng xác định việc thực hiện Chương trình là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Từ năm 2016 đến nay, lần lượt các xã Minh Hưng, Đức Liễu, Phú Sơn của huyện đã về đích nông thôn mới. Không dừng lại ở đó, xã Minh Hưng và xã Đức Liễu hiện đang triển khai việc nâng cao chất lượng các tiêu chí của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí của Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trong việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở huyện Bù Đăng, một điểm sáng dễ nhận thấy chính là sự chuyển biến tích cực của kết cấu hạ tầng nông thôn. Đây được coi là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển đời sống kinh tế - xã hội của huyện, được cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện hết sức chú trọng, triển khai với nhiều cách làm hay, hiệu quả. Giao thông trong huyện khi xưa vốn chủ yếu là đường đất, dần được thay thế bằng đường nhựa, đường bê-tông sạch sẽ. Trong 10 năm qua, huyện đã xây dựng được 447km đường giao thông nông thôn, trong đó, nhựa hóa 90km, sỏi phún 150km và bê-tông hóa 207km, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, hằng năm, các xã trong huyện đều bố trí sửa chữa và nâng cấp các đập thủy lợi hiện có và tổ chức nạo vét kênh mương nội đồng. Các phòng học, phòng chức năng, hội trường xã, nhà văn hóa thôn và nhiều điểm vui chơi, giải trí được đầu tư xây dựng. Đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn trên địa bàn 15 xã trung bình đạt 96,7%...
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Bù Đăng luôn có sự bàn bạc, tham gia tích cực của người dân. Thời gian qua, nhân dân trong huyện đã đóng góp trên 89,5 tỷ đồng (tiền, ngày công và hiến đất giải phóng mặt bằng) để thực hiện 247,4km đường bê-tông theo cơ chế đặc thù; trên 3,35 tỷ đồng lắp đặt các trụ đèn đường chiếu sáng với chiều dài 118,8km; triển khai phát quang trên 302km các tuyến đường trục chính và liên thôn, xây dựng 215 lò đốt rác và 31 đoạn đường hoa…
Để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất được huyện hết sức quan tâm thực hiện. Đến nay, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, huyện hỗ trợ nhân dân phát triển nhiều mô hình sản xuất, như chăm sóc tiêu theo hướng hữu cơ sinh học, xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn bằng hầm bi-ô-ga, tưới tiết kiệm cho cây tiêu, sầu riêng và một số loại cây ăn quả khác, nuôi dê thương phẩm và nuôi bò sinh sản... Huyện còn tổ chức 301 lớp tập huấn, với 9.800 lượt nông dân tham gia; 25 buổi hội thảo, với 700 nông dân tham gia về các nội dung: kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và sử dụng phân bón trên các loại cây trồng; ngoài ra còn thực hiện các mô hình trình diễn, tổ chức hội thảo đầu bờ để cho nông dân học tập, áp dụng…
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, với 67 trường, 1.070 lớp học, cơ sở vật chất trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học, chất lượng giáo dục có sự chuyển biến tích cực, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tiếp tục được duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, các chương trình y tế quốc gia được triển khai sâu rộng; hoạt động xã hội hóa y tế được người dân tham gia hưởng ứng tích cực. Đến nay, toàn huyện có 15/15 trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn về tiêu chí y tế; tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân đạt 3,6. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được đặc biệt quan tâm, số trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám, chữa bệnh miễn phí đạt 100%. Công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm, triển khai đồng bộ. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều của huyện hiện chỉ còn 1.488 hộ, chiếm tỷ lệ 4,33%, giảm 1.489 hộ, tương ứng với giảm 4,91% hộ nghèo so với năm 2015… Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện không ngừng được bảo đảm, cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện tích cực.
Một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn 10 năm xây dựng nông thôn mới
Bên cạnh những kết quả đạt được, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Bù Đăng 10 năm qua vẫn tồn tại một số hạn chế, nhất là trong xây dựng nông thôn mới tại các xã thuộc Chương trình 135 và nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong khi các “tiêu chí cứng” như kết cấu hạ tầng nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét, các “tiêu chí mềm” như phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nâng cao đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường… lại chưa thật sự khởi sắc, một số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn của các xã thậm chí vẫn chưa bền vững.
Từ những kết quả đạt được và khó khăn, hạn chế trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Bù Đăng, có thể đúc rút một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, cần có sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xây dựng được một bộ máy chỉ đạo đồng bộ trong xây dựng nông thôn mới.
Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình mang tính toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của khu vực nông thôn và do đó, tác động trực tiếp đến diện mạo kinh tế - xã hội vùng nông thôn cũng như đời sống của mỗi người dân. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Ở huyện Bù Đăng những năm qua, trên cơ sở các nghị quyết của Huyện ủy và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch xây dựng nông thôn mới theo từng giai đoạn và hằng năm. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện đều được phân công trách nhiệm cụ thể, trong đó có theo dõi, chỉ đạo và phối hợp với ủy ban nhân dân các xã về thực hiện những tiêu chí nông thôn mới. Sự đoàn kết, phối hợp đồng bộ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng lòng, chung sức của lực lượng vũ trang và nhân dân trong huyện là động lực quan trọng, thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu về đích nông thôn mới. Điều này cũng đòi hỏi trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, liên tục, đặc biệt là phải phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và vai trò hạt nhân của các ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã - đơn vị trực tiếp thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới.
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, bộ máy thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở huyện Bù Đăng đã được hình thành từ huyện đến xã, thôn (1), nhất là trong giai đoạn 2016 - 2020, tạo điều kiện để tiến hành thuận lợi các nội dung xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, quá trình hoạt động của bộ máy trên cũng đặt ra một số yêu cầu, như công tác điều phối của Văn phòng điều phối huyện cần có sự kịp thời hơn, các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện và các ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã cần phối hợp chặt chẽ hơn...
Thứ hai, chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở các cấp.
Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở huyện Bù Đăng cho thấy, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng, việc sắp xếp các cán bộ phụ trách nông thôn mới là kiêm nhiệm hay chuyên trách đòi hỏi phải có sự tính toán kỹ lưỡng và phù hợp với tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cấp bách phải nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở các cấp, khắc phục triệt để tình trạng còn một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức vẫn thờ ơ, chưa vào cuộc một cách quyết liệt khiến cho công tác chỉ đạo thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới chưa thật kịp thời.
Việc tập huấn về xây dựng nông thôn mới ở huyện Bù Đăng giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cơ bản nắm được mục tiêu, nội dung của Chương trình, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành triển khai xây dựng các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương (2). Tuy nhiên, việc đào tạo, tập huấn cần có sự đổi mới về nội dung theo hướng sâu sắc, cụ thể hơn, không dừng ở việc cung cấp thông tin chung chung.
Thứ ba, tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đối với tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới ở huyện Bù Đăng. Hệ thống chính trị các cấp và các lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện chủ động triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền với những hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là người dân (3). Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng nông thôn mới từng bước có sự chuyển biến tích cực, người dân ngày càng chủ động hơn trong tham gia, đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng có lúc, có nơi công tác tuyên truyền chưa liên tục, hình thức và nội dung tuyên truyền thiếu phong phú, hấp dẫn, dẫn đến một bộ phận cán bộ và người dân chưa hiểu và còn giữ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, nội dung các bộ tiêu chí về nông thôn mới hiện nay tương đối nhiều (Bộ tiêu chí xã nông thôn mới: 50 chỉ tiêu; Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: 33 chỉ tiêu; Bộ tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu: 50 chỉ tiêu), dẫn đến việc nắm bắt và truyền tải đầy đủ các nội dung này trong hoạt động tuyên truyền ở các cấp gặp không ít khó khăn. Để khắc phục những khó khăn, hạn chế này, cần xây dựng bộ khung nội dung tuyên truyền thống nhất ở các cấp để thực hiện một cách đồng bộ; đồng thời, cần đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền và sử dụng đa dạng các phương tiện tuyên truyền, như loa truyền thanh, pa-nô, áp-phích, các buổi họp dân cho đến mạng xã hội,…
Thứ tư, phát huy vai trò chủ thể tích cực của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.
Mục tiêu cơ bản, chủ yếu của xây dựng nông thôn mới là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn. Trong xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí nông thôn mới là mục tiêu, xây dựng kết cấu hạ tầng là tiền đề, phát triển sản xuất là gốc, lợi ích của người dân là động lực và sự tham gia của cộng đồng dân cư chính là chìa khóa của thành công. Do đó, cần tập trung áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là áp dụng các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào phát triển sản xuất, đồng thời triển khai thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Xây dựng nông thôn mới là một qúa trình lâu dài, vừa đòi hỏi sự chủ động, quyết liệt, vừa không thể chủ quan, nóng vội, do đó, cần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện. Trong quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, cần thường xuyên quan tâm, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Theo đó, việc huy động, sử dụng các nguồn lực phải thật sự công khai, minh bạch và bảo đảm người dân được tham gia bàn bạc, quyết định, giám sát. Việc đầu tư xây dựng các công trình thuộc kết cấu hạ tầng và các nội dung công việc khác trong xây dựng nông thôn mới cũng cần có thứ tự ưu tiên theo hướng sát hợp với nguyện vọng, mong muốn chính đáng của nhân dân, tạo niềm tin và khí thế phấn khởi cho nhân dân trong thực hiện vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, khen thưởng, biểu dương kịp thời những cá nhân, tổ chức tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.
--------------------------------
(1) Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện, các ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã và ban phát triển thôn thường xuyên được kiện toàn; Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện được thành lập và hoạt động theo quy định...
(2) Thời gian qua, huyện đã tổ chức 54 lớp tập huấn ở 15/15 xã về Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho 4.200 lượt cán bộ, đảng viên, ban quản lý thôn; phối hợp với Văn phòng Điều phối tỉnh tổ chức tập huấn cho 15 xã (1 lần/năm); phối hợp với các sở, ngành tổ chức 21 lớp triển khai các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Chương trình, với 1.230 người tham dự
(3) Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của huyện, xã về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với thời lượng khoảng 550 giờ, 871 tin bài; cấp 5.000 tờ rơi và 300 cuốn tài liệu. Phòng Văn hóa - Thể thao thuộc Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện chủ động phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Phước, các đơn vị có liên quan và ủy ban nhân dân các xã tích cực đưa tin, phóng sự về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tuyên truyền về các tấm gương tiêu biểu, các mô hình hay, điển hình tốt trong thực hiện xây dựng nông thôn mới... Ủy ban nhân dân, ban quản lý xây dựng nông thôn mới các xã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã và lồng ghép trong các buổi họp dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới…
Nam Định - Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới  (22/12/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển