Tín dụng ưu đãi của Nhà nước cho các đối tượng chính sách xã hội và đồng bào dân tộc thiểu số
TCCS - Tín dụng chính sách xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi, nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ về vốn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, nhiều khó khăn tự vươn lên. Sau 17 năm hoạt động (2002 - 2019), tín dụng chính sách xã hội thu được nhiều kết quả nổi bật và đang là “điểm sáng”, một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam hiện nay.
Triển khai tín dụng chính sách xã hội
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam triển khai cho vay vốn tín dụng giành cho các đối tượng chính sách xã hội nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Đến nay, tín dụng chính sách xã hội đến được 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 có mục tiêu tổng quát: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Trên cơ sở các nguồn lực huy động được, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam triển khai 20 chương trình tín dụng, trong đó tập trung cho các chương trình tín dụng lớn, như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giải quyết việc làm; tín dụng học sinh - sinh viên; tín dụng đối với vùng khó khăn; cho vay hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số với số dư nợ chiếm tới 98%...
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao: chương trình hộ nghèo từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chương trình cho học sinh sinh viên vay vốn học tập từ Ngân hàng Công Thương Việt Nam, chương trình cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước, đến nay tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thực hiện. Đến hết tháng 8-2019, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng so với cuối năm 2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 9,7%, với trên 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong giai đoạn từ đầu năm 2016 đến hết tháng 8-2019, có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng. Bên cạnh việc gia tăng về số lượng, chất lượng tín dụng cũng được tăng lên, đúng đối tượng, nợ quá hạn chỉ 0,4% và nợ khoanh chỉ 0,33%, hầu như không có nợ xấu.
Về tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tính đến cuối tháng 8-2019, trên địa bàn cả nước có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay là 135.964 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 86.061 tỷ đồng và tổng dư nợ đạt 49.617 tỷ đồng, chiếm 24,8%/tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội. Dư nợ bình quân một hộ dân tộc thiểu số đạt 34 triệu đồng so với mức bình quân chung là 30,4 triệu đồng.
Hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội
Ngân hàng Chính sách xã hội và chính sách tín dụng ưu đãi là một trụ cột quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2015 - 2018, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn “tín dụng đen”, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Số vốn tín dụng chính sách xã hội nói trên đã góp phần giúp trên một triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775 nghìn lao động, trong đó có hơn 17 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; gần 200 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo.
Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước - thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam - với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo đối với chính quyền cơ sở qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng.
Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống còn 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 5,23% năm 2018. Từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ giảm nghèo luôn đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao hằng năm, cũng như mục tiêu tại Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cụ thể, tỷ lệ giảm nghèo bình quân cả nước đạt trên 1,5%/năm, riêng huyện nghèo bình quân giảm ở mức rất cao là 5,5%/năm.
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội với gần 11.000 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc và gần 200.000 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 100% thôn, ấp, bản, làng.
Với mục tiêu thực hiện xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn tín dụng ngân hàng trở thành nguồn lực quan trọng, chiếm trên 50% tổng nguồn lực của các chương trình này, đạt 1,18 triệu tỷ đồng. Cùng nguồn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần hoàn thành sớm các mục tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Tín dụng chính sách xã hội tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; vai trò của các tổ chức đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến bình, Đoàn Thanh niên được nâng lên, hoạt động thiết thực đối với hội viên; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cao.
Chính sách tín dụng có bước chuyển quan trọng, thay đổi được nhận thức của người dân, thay đổi sinh kế và thay đổi cuộc đời. Thay vì một chính sách bao cấp không hoàn lại, người dân đã có ý thức trả nợ. Nguồn lực này không chỉ cho vay mà còn gắn với việc chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ cho bà con sinh kế, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường, từ đó mang lại hiệu quả lớn, đời sống bà con được cải thiện nâng cao, thoát nghèo bền vững hơn.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tính đến nay, có trên 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 162 nghìn lao động, trong đó có hơn 16 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 211 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ dân tộc thiểu số được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,3 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 215 nghìn căn nhà ở...
Có thể nói, vốn tín dụng chính sách xã hội từng bước làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số từ mặc cảm, tự ti, nay mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả; giúp đồng bào dần nâng cao chất lượng cuộc sống; nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số...
Tuy nhiên, giảm nghèo bền vững khu vực miền núi và dân tộc thiểu số vẫn là một thách thức trong những năm tới. Nhiều địa phương, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số cao và chiếm hầu hết số lượng hộ nghèo chung của huyện, của tỉnh. Tốc độ giảm nghèo của hộ dân tộc thiểu số còn thấp hơn mức bình quân giảm nghèo chung, cho thấy, cần có những chính sách mạnh hơn nữa, đa chiều hơn nữa để giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số có những bứt phá, từ đó giảm dần khoảng cách chênh lệch thu nhập và đời sống giữa chính người nghèo ở các vùng miền với nhau và hướng tới ngày càng rút ngắn khoảng cách thu nhập với bình quân chung của cả nước.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách và phối hợp triển khai hoạt động tín dụng
Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các tổ chức có liên quan chủ động xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng theo hướng đột phá, mở rộng cả về đối tượng, hạn mức và các thủ tục vay vốn. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 401/QĐ-TTg, ngày 13-3-2016, về kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương nhằm tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở trong việc xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đến nay, các nhiệm vụ phân công tại Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định số 401/QĐ-TTg được các bộ, ngành tích cực triển khai có hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra, góp phần thúc đẩy hoạt động tín dụng chính sách xã hội phát triển tích cực.
Ngân hàng Nhà nước tham mưu trình ban hành một số chính sách tín dụng quan trọng có tác động lớn tới hệ thống chính sách giảm nghèo như chính sách tín dụng với hộ cận nghèo, chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Việc ban hành các chính sách này tạo nên hệ thống chính sách giảm nghèo đồng bộ, bao phủ đến tất cả các nhóm đối tượng thụ hưởng, từ hộ nghèo đến hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Trong đó, chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo được coi là chính sách tiên phong hỗ trợ nhóm đối tượng đã thoát nghèo, tạo điều kiện cho các hộ mới thoát nghèo được tiếp tục vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm nghèo bền vững. Có thể thấy, hệ thống cơ chế, chính sách tín dụng xã hội đã đáp ứng cơ bản nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo công ăn việc làm, từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mạng lưới các tổ chức tín dụng tham gia cung ứng dịch vụ ngân hàng không ngừng được mở rộng về quy mô và đa dạng về loại hình vận động. Trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã và đang phát triển mạng lưới, điểm giao dịch đến các phường, xã toàn quốc; hệ thống các tổ chức tín dụng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh phục vụ yêu cầu đời sống của khu vực nông thôn, vùng sâu và vùng xa.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam ổn định nguồn vốn thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai một số giải pháp, như kịp thời hỗ trợ nguồn vốn qua kênh tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn trong điều kiện ngân sách chưa bố trí kịp thời một số chương trình tín dụng chính sách. Bên cạnh đó, ban hành các văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng nhà nước thực hiện duy trì bắt buộc tiền gửi ổn định tại Ngân hàng Chính sách xã hội, khuyến khích các ngân hàng mua trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ bảo lãnh. Đến nay, tổng các nguồn vốn nêu trên chiếm khoảng 60% tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, riêng nguồn vốn nhận tiền gửi 2% từ các tổ chức tín dụng nhà nước đạt 71.277 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 34,4% tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành và Ủy ban Dân tộc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội được triển khai kịp thời, có hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, tạo việc làm, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị tại các địa phương.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
Một là, trong thời gian tới, để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và tính bền vững trong chính sách giảm nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp cận mạnh hơn ở khía cạnh đa chiều của giảm nghèo bền vững, như y tế, nước sạch, giáo dục…; tập trung nguồn lực xã hội mở rộng chính sách tín dụng tiêu dùng cho đồng bào, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”; cần có chính sách dành cho nhóm đồng bào đang khó khăn nhất. Tiếp tục đa dạng hóa hoạt động tín dụng chính sách xã hội cho nhiều đối tượng người dân và hộ gia đình, thu hút và nâng cao hiệu quả phối hợp tổ chức triển khai của các tổ chức chính trị - xã hội.
Chính phủ xem xét bổ sung đối tượng được vay vốn chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31-10-2016, về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020, với đối tượng là các hộ dân tộc thiểu số có mức sống trung bình. Đồng thời, Chính phủ cần có cơ chế xử lý nợ bị rủi ro riêng, bảo đảm phù hợp với các đối tượng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg.
Hai là, các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, phân biệt rõ ràng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, các hoạt động cho vay theo chính sách tài khóa này đều phải được cấp bù lãi suất, cấp chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Sớm có cơ chế, chính sách tiếp tục bố trí riêng danh mục vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Ba là, Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ, để có mức vốn nguồn gốc từ Nhà nước đủ lớn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, có cơ chế cho Ngân hàng Chính sách xã hội tự huy động nguồn vốn trong xã hội để tập trung cho hộ mới thoát nghèo và hộ có mức sống trung bình, giải quyết sinh kế, vươn lên làm giàu.
Ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính tới việc thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn khi được Quốc hội thông qua.
Bốn là, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, như nâng thêm mức cho vay, kéo dài thời gian cho vay đối với hộ mới thoát nghèo, tăng mức cho vay đối với hộ sản xuất và các chương trình nước sạch.
Năm là, các địa phương chủ động bố trí cân đối, dành một phần nguồn vốn thích đáng từ ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn. Như vậy, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam sẽ có thêm nguồn lực để mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian và nâng mức cho vay. Cùng với đó, Chính phủ xem xét, cân đối tỷ lệ thích hợp từ khoản thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa hằng năm, đưa qua Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm tăng tính chủ động hơn về nguồn vốn phục vụ đồng bào; bảo đảm mức tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội tương đương với tăng trưởng dư nợ của ngành ngân hàng đối với nền kinh tế là khoảng 13% - 14%/năm.
Sáu là, cần tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng quản trị các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả, nâng cao hiệu quả công tác ủy thác với các tổ chức chính trị, xã hội, không để phát sinh nợ đọng, nợ khoanh mới.
Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng, ban hành chính sách tín dụng đầu tư theo đề án giảm nghèo của từng vùng, từng địa phương; hình thành một nguồn vốn riêng và được cân đối, bố trí từ Quốc hội để bảo đảm nguồn vốn cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên, chủ động nhất, tránh trường hợp nguồn vốn không đáp ứng được kịp thời khi các quyết định được ban hành.
Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai mạnh mẽ các nội dung về tài chính toàn diện để đưa các dịch vụ tài chính ngân hàng đến với người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số với dịch vụ tốt hơn, chi phí thấp hơn dựa trên ứng dụng công nghệ mới./.
Vốn tín dụng chính sách - một trụ cột trong thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững tại Thái Bình  (13/11/2019)
Động lực mới giúp Hà Tĩnh giảm nghèo bền vững  (03/11/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam