Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 13 đến 19-8-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
17:22, ngày 21-08-2018

TCCSĐT - Trong bối cảnh xuất hiện bất ổn ở các thị trường toàn cầu do sự sụt giá đột ngột của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà đầu tư đang giám sát chặt chẽ những liên hệ giữa nền kinh tế bị tổn thương này với các nước châu Á - Thái Bình Dương.


Cảnh báo một số mặt hàng xuất sang EAEU có nguy cơ bị tăng thuế

Bộ Công Thương vừa đưa ra cảnh báo một số mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có nguy cơ bị tăng thuế nhập khẩu lên mức MFN do EAEU áp dụng cơ chế tự vệ ngưỡng.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực từ ngày 05-10-2016 gồm Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan đã cam kết loại bỏ thuế quan đối với 9.774 dòng thuế cho hàng nhập khẩu từ Việt Nam, tương đương với khoảng 90% số dòng thuế trong Biểu thuế nhập khẩu của EAEU.

Căn cứ Điều 2.10 của Hiệp định, một số mặt hàng dệt may, giày dép và đồ nội thất nhập khẩu từ Việt Nam được hưởng thuế suất 0%, tuy nhiên phải chịu sự điều chỉnh của cơ chế tự vệ ngưỡng.

Cụ thể, nếu khối lượng nhập khẩu các nhóm mặt hàng này từ Việt Nam trong một năm vượt một ngưỡng khối lượng nhất định quy định tại Hiệp định, EAEU có quyền điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu từ 0% lên mức thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) trong khoảng thời gian 6 tháng (nếu khối lượng nhập khẩu trong năm trong khoảng từ trên 100% đến 150% ngưỡng quy định) hoặc 9 tháng (nếu khối lượng nhập khẩu trong năm trên 150% ngưỡng quy định).

Để cảnh báo khả năng xuất khẩu vượt ngưỡng và có nguy cơ bị EAEU tăng thuế nhập khẩu lên mức thuế MFN, hàng tháng Cục Phòng vệ thương mại sẽ công bố số liệu xuất khẩu sang EAEU nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan chức năng theo dõi tình hình xuất khẩu các mặt hàng chịu sự điều chỉnh của cơ chế tự vệ ngưỡng và có biện pháp kiềm chế phù hợp.

Theo số liệu cập nhật đến tháng 6-2018, hiện tại có hai nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là quần áo lót và quần áo trẻ em đang bị EAEU áp dụng cơ chế tự vệ ngưỡng trong năm 2018, song chưa có nhóm mặt hàng nào có nguy cơ bị áp dụng cơ chế tự vệ ngưỡng trong năm 2019.

Thành lập Tổng cục Quản lý thị trường theo hướng tinh gọn, hiệu quả

Ngày 10-8, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 12-10-2018.

Tổng cục Quản lý thị trường được tổ chức thành hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Công Thương theo nguyên tắc tập trung thống nhất, không phát sinh tăng đầu mối, biên chế nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống các vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, chống gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ máy Tổng cục ở Trung ương được tổ chức tinh gọn trên cơ sở nâng cấp, kiện toàn từ Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương, gồm 6 đơn vị: Văn phòng Tổng cục, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Vụ Chính sách - Pháp chế, Vụ Thanh tra - Kiểm tra và Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường.

Tại địa phương, thành lập Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục, có Đội Quản lý thị trường cấp huyện trực thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh thay cho mô hình Chi cục trực thuộc Sở Công Thương hiện nay.

Cũng theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg và Đề án thành lập Tổng cục Quản lý thị trường phê duyệt kèm theo, Thủ tướng giao Bộ Công Thương thực hiện sắp xếp các đơn vị trực thuộc Tổng cục ở địa phương theo lộ trình để bảo đảm ổn định tổ chức và hoạt động của Quản lý thị trường địa phương, không để khoảng trống trong quá trình thực hiện chuyển giao, giảm thiểu xáo trộn về tổ chức, nhân sự, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hoá, thực hiện tinh giản biên chế, bảo đảm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện kế hoạch chuyển giao nguyên trạng cơ quan Quản lý thị trường ở địa phương, Chi cục được tổ chức thành Cục cấp tỉnh (63 Cục) và giữ nguyên mô hình Đội Quản lý thị trường cấp huyện để bảo đảm ổn định hoạt động của cơ quan Quản lý thị trường địa phương trong giai đoạn đầu thành lập Tổng cục.

Theo yêu cầu, từ năm 2019, Bộ Công Thương xây dựng Đề án thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước tháng 12-2019. Bên cạnh đó 681 Đội Quản lý thị trường cấp huyện thuộc Cục cấp tỉnh cũng sẽ được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập thành các đội liên huyện, bảo đảm mục tiêu giảm 305 Đội (giảm 45%) đến năm 2020.

Khủng hoảng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tác động tiêu cực đến cả Việt Nam


CNBC đưa tin trong bối cảnh xuất hiện bất ổn ở các thị trường toàn cầu do sự sụt giá đột ngột của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà đầu tư đang giám sát chặt chẽ những liên hệ giữa nền kinh tế bị tổn thương này với các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Theo một bài viết được công bố ngày 17-8 của Công ty dịch vụ tài chính toàn cầu IHS Markit, 6 nước châu Á nằm trong số 20 nước cung cấp hàng hóa hàng đầu cho Thổ Nhĩ Kỳ với Trung Quốc đứng ở vị trí đầu, còn lại là Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam.

Nhà kinh tế trưởng của IHS Markit phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương Rajiv Biswas nhận định: "Cuộc khủng hoảng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và sự mất giá của đồng lira sẽ ảnh hưởng tới thương mại song phương vì giá cả của hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng đáng kể tính theo đồng lira do sự sụt giá đột ngột của đồng tiền này trong năm nay".

Việc đồng lira mất hơn 40% giá trị so với đồng USD trong năm nay làm dấy lên những lo ngại về tác động xấu và tình trạng bán tháo tiền tệ và cổ phiếu của các thị trường mới nổi - nhất là nếu các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang áp đặt kiểm soát vốn trong một nỗ lực ngăn chặn tình trạng thất thoát vốn.

Theo chuyên gia Biswas, việc bán tháo này có thể là một rủi ro đáng kể đối với các nước châu Á - Thái Bình Dương hơn cả tình trạng suy thoái thương mại bởi nó có thể khiến các nhà đầu tư sợ hãi và dẫn đến thất thoát vốn "đáng kể" từ các thị trường mới nổi.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak tuyên bố nước này không có kế hoạch tìm kiếm sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để vượt qua cuộc khủng hoảng tiền tệ tại nước này.

Kênh truyền hình quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ TRT dẫn phát biểu của ông Albayrak trong một cuộc họp với các nhà đầu tư nước ngoài khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vượt qua những biến động tiền tệ hiện nay và "trở nên mạnh mẽ hơn".

Quan chức này cho biết Ankara hiện không có kế hoạch tìm kiếm hỗ trợ từ IMF mà đang tập trung thu hút các khoản đầu tư trực tiếp. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ với các đối tác như Đức, Nga và Trung Quốc. Bên cạnh đó, chính phủ nước này đặt mục tiêu giảm lạm phát xuống mức một con số "sớm nhất có thể" và sẽ đạt các mục tiêu tài chính thông qua thắt chặt chi tiêu.

Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào cuộc khủng hoảng tiền tệ với việc đồng lira mất giá mạnh bắt nguồn từ những căng thẳng gay gắt gần đây với chính quyền Washington liên quan đến vụ bắt giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson.

Căng thẳng giữa Ankara và Washington leo thang sau khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối trả tự do cho mục sư Brunson, đang bị quản thúc tại gia ở Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 10-2016 với cáo buộc khủng bố và gián điệp.

Ngày 10-8 vừa qua, Washington đã tăng gấp đôi mức thuế nhập khẩu nhôm và thép từ Thổ Nhĩ Kỳ, một động thái khiến đồng lira "rơi tự do." Trong các phiên giao dịch ngày 10-8 và 13-8 vừa qua, đồng nội tệ lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất gần 1/4 giá trị.

Đáp lại, ông Erdogan coi đây là "tấn công có chủ đích vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ," đồng thời kêu gọi tẩy chay hàng điện tử Mỹ như iPhone, và tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng ôtô khách, đồ uống có cồn, thuốc lá. Tổng thống Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ "sẽ không để thua trong cuộc chiến kinh tế với các nước thù địch".

Các nền kinh tế APEC hướng tới cải cách cấu trúc khu vực


Theo đánh giá của cơ quan Hỗ trợ Chính sách thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 17-8, các nền kinh tế sẽ tiếp tục duy trì tiến bộ trong việc thực thi cải cách cấu trúc khu vực.

Cơ quan trên đã tiến hành đánh giá giữa kỳ nhằm xem xét những cải cách cấu trúc đang được thực hiện, cũng như tìm ra những lỗ hổng cần được thu hẹp trong tương lai. Theo Ủy ban kinh tế APEC, tiến trình cải cách cấu trúc này sẽ hướng tới việc sử dụng chính sách nhằm dỡ bỏ rào cản đối với người dân và cơ hội kinh tế.

Chủ tịch Ủy ban kinh tế APEC Robert Logie nêu rõ cải cách cấu trúc đồng nghĩa với việc thúc đẩy tính cạnh tranh, tạo điều kiện cho việc thiết lập và điều hành doanh nghiệp, trong khi vẫn đảm bảo giúp người dân có thể tiếp cận các dịch vụ cần thiết. Theo ông, những cải cách này không chỉ giúp thị trường vận hành tốt hơn mà còn đạt được những mục tiêu lớn khác.

Ông Logie cũng lưu ý rằng dù tỷ lệ khá giả đã tăng lên trong khu vực, song chênh lệnh giàu nghèo cũng tăng lên cùng lúc với sự tăng trưởng kinh tế không đồng đều.

Sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập có thể gây trở ngại cho tăng trưởng dài hạn và phát triển kinh tế bền vững, cũng như làm suy yếu các nỗ lực thúc đẩy thương mại quốc tế. Quan chức này khẳng định việc cải cách cấu trúc có triển vọng giúp mọi khu vực trong xã hội đều nhận được lợi ích từ tăng trưởng kinh tế.

Ông Andre Wirjo, đồng tác giả báo cáo, đánh giá rằng các nền kinh tế cần nỗ lực nhằm tăng cường hơn nữa sự tham gia của nhiều lĩnh vực trong xã hội vào thị trường. Ông cho rằng vẫn có thể làm nhiều hơn nữa để dỡ bỏ các rào cản đối với sự tham gia của phụ nữ, thanh niên, doanh nghiệp nhỏ vào kinh tế.

Kinh tế Mỹ khởi đầu quý III-2018 với nhiều yếu tố khá thuận lợi

Doanh số bán lẻ cốt lõi của Mỹ tăng trong tháng 7-2018 cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã khởi đầu quý III-2018 với nền tảng khá vững sau khi trong quý II-2018 đạt mức tăng trưởng tốt nhất trong gần bốn năm. Trước đó, kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,1% trong quý II-2018, cao gần gấp đôi mức tăng 2,2% trong quý I-2018.

Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ khó có thể lặp lại thành tích đã đạt được trong quý II-2018, các nhà phân tích dự đoán mức tăng trưởng tối đa trong quý III-2018 của nền kinh tế nước này sẽ là 3%. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm hai lần nữa trong thời gian từ nay đến tháng 12-2018.

Giám đốc đầu tư Jim Baird của PlanteMoran Financial Advisors ở Kalamazoo, Michigan (Mỹ), kinh tế Mỹ dường như đang ở trạng thái rất tốt để tiếp tục đà tăng trưởng.

Hoạt động chi tiêu tiêu dùng tích cực trong thời gian dài đang đảm nhận nhiệm vụ duy trì động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Mỹ và mang lại tác động thuận lợi đối với các nhà bán lẻ nước này.

Trước đó, theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 7-2018 đã tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017. Nếu không tính ô tô, xăng, vật liệu xây dựng và thực phẩm, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 7-2018 đã tăng 0,5% sau khi giảm 0,1% trong tháng 6-2018. Ngoài ra, lượng hàng dự trữ kinh doanh của Mỹ trong tháng 6-2018 đã tăng 0,1% so với tháng 5-2018 lên 1.937,2 tỷ USD.

Còn theo báo cáo của Fed, sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng 7-2018 đã tăng 0,1% so với tháng trước đó, thấp hơn mức dự đoán tăng 0,4% của giới phân tích, song tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Về phần mình, Bộ Lao động Mỹ thông báo năng suất lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp của nước này trong quý II-2018 đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2017, mức tăng mạnh nhất kể từ quý I-2015./.